Sunday, September 19, 2021

VỀ VỤ LỄ “MỪNG SỐNG DAI” (Dương Tự Lập)

 


Về vụ lễ “mừng sống dai”
Dương Tự Lập

19/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/19/ve-vu-le-mung-song-dai/

 

Cách đây ít lâu, khi được tin nhà văn Sơn Tùng, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Búp sen xanh”, qua đời ngày 22/7/2021 ở tuổi 93, tôi có gọi điện về thăm hỏi việc hậu sự của chú Sơn Tùng và kết nối cuộc trò chuyện với anh “rể hụt” của gia đình tôi. Anh yêu chị cả tôi nhưng hai người không đến được với nhau, cuộc tình của họ không thành. Dẫu vậy anh vẫn coi cha mẹ tôi như chú mự ruột và chúng tôi như các em của anh.

 

Anh là cựu nhà báo Phan Xuân Trung, thường ký dưới bài viết Phan Thành Trung, Tùng Quân, là bỉnh bút cho báo Tiền Phong, địa chỉ số 15 Hồ Xuân Hương – Hà Nội, những năm 1962, cùng thời với nhà báo, nhà văn Sơn Tùng, người bạn chí thân chí cốt của cha mẹ tôi.

 

Trong câu chuyện dông dài cả tiếng đồng hồ, anh chép miệng:

 

– Giá như anh Sơn Tùng ca tụng ông Hồ chủ tịch thời niên thiếu ở “Búp sen xanh” rồi dừng lại thì còn được. Về sau, anh Tùng sa đà vào đề tài này quá lố, thành ra tụng ca.

 

Im lặng một hồi anh nói tiếp:

– Khi anh Tùng đổ công vào Nam ra Bắc đi thu gom, góp nhặt, chắp nối các mẩu tin để viết nên tuổi trẻ ông Hồ trong “Búp sen xanh”, thời xa xưa ấy người ta còn nghèo nàn về kiến thức, mù mờ tin tức thời sự, đâu có như ngày nay, truyền thông đại chúng cập nhật từng phút, từng giờ.

 

Rồi anh ngập ngừng:

– Sự thật đời ông Hồ… “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. Anh nhắc lại câu nói ấy của Marx, ông tổ Chủ nghĩa Cộng sản.

 

Bình thường sách báo của Đảng hay nhắc đến ông Hồ vị “Cha già” của dân tộc, kể từ sau khi ông mất năm 1969. Từ đó đến nay, cứ vào dịp tháng 5 sinh nhật ông và tháng 9 ngày mất ông, các báo đua nhau đăng tải bài viết, xáo đi xáo lại, không tiếc lời ngợi ca công đức “Bác Hồ”.

 

Nếu bỏ thời gian ra để đọc, người ta sẽ bị bội thực và cuồng chữ vì những thông tin từ báo Đảng tung ra như thế. Chỉ có những Con Người nghĩa hiệp lầm lỡ đi theo lời kêu gọi của ông, dốc lòng, dốc sức, dốc của, giúp đỡ ông, đôn ông lên tới Cửu trùng, tô hồng nên tên tuổi sự nghiệp ông thì hoàn toàn thua thiệt mọi bề.

 

Thời gian dù đã lùi xa, thanh danh họ như bị cát bụi rêu phong phủ mờ. Thế hệ sau ít ai còn nhớ và biết đến họ nếu như chúng ta đừng quên khơi lại. Khơi lại không có nghĩa là khắc sâu hận thù mà chỉ với mong muốn thế hệ sau ta nhớ mãi niềm đau. Một niềm đau nhức nhối phải có ngày được công khai, sáng tỏ, trả lại công bằng cho mỗi oan khiên dẫu sự thật có nghiệt ngã đến đâu.

 

Duy nhất trong số thê thảm đó còn một nhân chứng cuối cùng là nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả “Đêm giữa ban ngày”, nạn nhân của thời ông Hồ vẫn đang còn sống những năm cuối đời, lay lắt, lưu vong xứ người tại Pháp. Tất cả trong số họ đều đã phải ngậm hờn mang theo vào lòng đất.

 

Mấy ngày sau khi ông Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập thì tai họa đầu tiên giáng lên đầu học giả Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong, bị Việt Minh mang đi thủ tiêu. Có người chết oan khuất thương tâm như bà địa chủ thương gia yêu nước Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long). “Địa chủ ác ghê” là tên bài viết được đăng trên báo Nhân Dân ngày 21/7/1953 của tác giả CB, sau khi Việt Minh đã xả súng sát hại người phụ nữ nhân hậu này. CB, tức “của bác”, đích thị bút danh ông Hồ.

 

Có người sống đời dặt dẹo ngơ ngơ ngáo ngáo như triết gia Trần Đức Thảo. Nhiều người bị tống ngục như Viện trưởng Hoàng Minh Chính, tướng Đặng Kim Giang, cha con chính trị gia Vũ Đình Huỳnh – Vũ Thư Hiên. Đại tá Cục trưởng Quân báo Lê Trọng Nghĩa. Kiếp đời lưu vong, nhà hoạt động chính trị Nguyễn Minh Cần… Lại có kẻ dở khóc dở mếu như vợ chồng thương nhân khả kính Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ. Điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp trong “Tuần lễ vàng” do ông Hồ phát động… kể ra thì còn bạt ngàn tên tuổi nữa.

 

Có người tốc chiến tốc trong vài ba ngày chỉ huy nhóm người dựng xong Lễ đài Độc lập mùng 2/9/1945, để có chỗ đẹp cho ông Hồ đọc bản Tuyên ngôn khai sáng nền văn minh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Người có công lao như thế đó từng bị Pháp bắt tống giam trước mùa thu 1945 vì đi theo cách mạng, đâu ngờ mười lăm năm sau, năm 1960, chính ông Hồ và các đồng chí của ông ta đã tống vào lao tù, ở tiếp mười lăm năm sau nữa.

 

Mãn hạn khổ sai, năm 1973 khi bước ra khỏi cổng nhà giam heo hút xứ Hà Giang, ông và nhà văn Thụy An còn ngơ ngác không hiểu nổi tội trạng bị khép của mình làm gián điệp cho ai? Như người từ hành tinh lạ rơi xuống chẳng biết đi đâu về đâu, không biết đất nước đang có chiến tranh, cũng chẳng biết miền Bắc vừa trải qua cuộc đối đầu trên không với không lực Hoa Kỳ. Chưa hết, bà Thụy An vào Nam quy y trong một ngôi chùa tại Sài Gòn cho đến khi chết vẫn cô đơn. Còn ông tiếp tục bị quản thúc tại quê nhà ở Thái Bình thêm hai mươi năm nữa để không có cơ hội lập gia đình, sống kiếp đời đơn côi, ngớ ngẩn như con trẻ. Tên ông là Nguyễn Hữu Đang.

 

                                                         ***

 

Anh “rể hụt” tôi năm nay dù đã ở tuổi 82 song còn minh mẫn lắm. Ông sống ở làng Nghi Tàm bên Hồ Tây, là bạn thân với nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Phùng Cung, nhà thơ Trần Dần… Năm 1992, khi các đàn em Nhân văn đứng ra tổ chức mừng thượng thọ 80 tuổi cho người anh nghĩa hiệp Nguyễn Hữu Đang, tại nhà riêng Phùng Quán, số 10 Thụy Khuê – Tây Hồ trong trường Chu Văn An – Hà Nội, anh tôi có mặt dự buổi lễ ấy.

 

Sau này, khi Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần theo nhau về với các Cố, anh tôi buồn vắng chốn giao lưu, thiếu nơi đàm đạo văn chương thơ phú. Hoài niệm về quá khứ xa xăm, nên ngả bàn ra viết bài: Lễ “Mừng sống dai” gửi cho vài tờ báo, nhưng chẳng báo nào dám nhận đăng, kể cả báo Tiền phong, nơi xưa anh làm việc ở đó, chỉ vì bài viết nhắc tới một cái tên “gian tặc” đã bị cấm kỵ đưa lên mặt báo hơn nửa thế kỷ qua. Mãi tới năm 2004, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ra Hà Nội, tới thăm, anh mới cầm bài viết trở vào đăng liều trên Tạp chí Sông Hương – Huế.

 

Dù thời gian đã xa, nhưng tôi vẫn muốn xin lại bài này của anh, gửi tới Tiếng Dân, giới thiệu lại, để để độc giả biết thêm niềm an ủi hiếm hoi cuối đời Con Người “phản động” Nguyễn Hữu Đang, hậu Nhân văn – Giai phẩm.

 

                                                          ***

 

Lễ “Mừng Sống Dai”

Phan Thành Trung (tức Phan Xuân Trung)

 

Một ngày đẹp trời. Lễ mừng thọ Cụ Nguyễn Hữu Đang, 80 tuổi, được tổ chức vui vẻ, trân trọng tại Chòi ngắm sóng Hồ Tây, đúng vào ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm 1992. Với danh nghĩa là anh em kết nghĩa của Cụ Đang, Phùng Cung và Phùng Quán đứng ra tổ chức lễ mừng thọ này. Hai nhà thơ vốn quen tính vui đùa dí dỏm đã gọi hóm là “Mừng sống dai”…

 

Hơn 10 giờ sáng khách mời và bạn bè đến đã khá đông. Trên cổng nhà thơ Phùng Quán hôm ấy nổi lên bốn chữ đại tự: “Thật Giả Đương Nhiên”. Hai trụ cổng còn có hai vế đối: “Phùng Thời Phùng Tri Kỷ – Đương Đại Đương Giai Nhân”. Tất cả được viết bằng chữ Nho nét phóng khoáng trên giấy điều, do Kiến trúc sư Vũ Minh Am – hậu duệ bên ngoại Cụ Tam Nguyên viết tặng.

 

Đến giờ khai mạc, mọi người ra ngoài cổng xếp hàng dài đứng yên lặng. Nhà thơ Trần Dần bước lên đốt tràng pháo Bình Đà nổ giòn tan rung cả sóng mặt hồ. Trưởng ban Tổ chức Phùng Cung đĩnh đạc ra cổng vui vẻ đón khách vào… Giữa buồng khách, Cụ Nguyễn Hữu Đang an tọa trên chiếc ghế cũ do Phùng Quán tự làm. Chiếc bàn thấp phía trước có mâm xôi trắng đầy đặn được trang điểm những cánh hồng nhung tươi thắm. Chú lợn quay da nổi màu hường nằm phủ phục trên chiếc khay dài. Bên trái một thùng kẽm Liên Xô có sức chứa hơn 30 lít, nhãn hiệu bằng chữ quốc ngữ “Khố Sâm Tửu”, được treo lên hai tay chiếc nôi của cháu bé ngoại Phùng Quán. Đối diện với thùng rượu là chậu cây xương rồng ông thắt nơ đỏ để trên đôn, xanh cao to lớn như một bức tượng đài. Đứng gần đó là Phùng Quán, anh mặc chiếc áo lễ kiểu “áo đoạn năm thân” màu nâu non, hai tay vòng trước ngực, vẻ mặt pha chút trầm tư của nhà thơ xứ Huế.

 

Nhà thơ Phùng Cung thay mặt Ban Tổ chức giới thiệu các vị đại diện các cơ quan đoàn thể, các vị lãnh đạo, cao niên đương thời với cụ Đang đến dự lễ… Sau tiếng vỗ tay nhiệt liệt của mọi người, ông chậm rãi đọc lời “Chào mừng”. Với giọng ấm áp bổng trầm, lời văn khiêm tốn, khúc chiết ngắn gọn mà đủ ý tình đã giúp người nghe hình dung khái quát về một con người chịu sống dai, đang hiển hiện ngồi đó, thật bình dị, nhỏ bé mà lớn lao…

 

Khi còn ở tuổi 32, Cụ Đang đã là người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập; Trưởng ban Tổ chức ngày đại lễ của đất nước, mồng 2 tháng 9 năm 1945. Đảm nhiệm công việc lịch sử trọng đại ấy, trong bối cảnh muôn vàn khó khăn mà thời gian vẻn vẹn có bốn ngày… Bấy giờ, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Đang không dám nhận, nhưng ông Hồ vẫn tin tưởng giao phó. Ông nói: “Việc có khó mới giao cho chú!”. Và Cụ không dám phụ lòng tin của lãnh tụ, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cụ Đang đã sớm giác ngộ cách mạng, từng bị tù đày đế quốc thực dân, từng tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực và giữ những chức vụ quan trọng trước đây… Nhờ có cách mạng, có bản lĩnh riêng, tên tuổi Cụ đã đi vào lịch sử. (Tóm lược ý “Lời chào mừng”).

 

Trong nhà, ngoài sân mọi người đều đứng hướng về Cụ Đang với vẻ trân trọng, ai cũng nặng lòng cảm phục, thầm biết ơn Cụ – một người rất có công với dân với nước. Cụ Đang xúc động đứng lên nói: “Tôi thành thực và trân trọng cảm ơn tất cả các bạn cùng với vợ chồng chú Cung, vợ chồng chú Quán đã thương yêu quý trọng tôi đến mức này…”. Rút tờ giấy nhỏ trong túi áo vét ra, cụ đọc với giọng sang sảng của một người tự cho mình có “Bốn cái khỏe”. Đó là “Lời phát biểu” cụ đã viết sẵn mà nội dung chủ yếu chắt lọc, giãi bày đôi lời tâm sự và những cái đúng – sai cần được xác định theo quan điểm khoa học tự nhiên. Xin phép Cụ cho trích dẫn lấy làm ví dụ:

 

“… Quả núi Nguyễn Trãi về cuối đời còn phải than thở: Ta dư cửu bị Nho quan ngộ, Ngã thị canh nhàn điêu tịch nhân, (Thương cho ta bấy lâu bị cái mũ nhà Nho làm cho sai lầm, Ta vốn là kẻ ưa cày nhàn câu vắng). Quả núi Nguyễn Trãi còn như thế huống nữa là hòn sỏi Nguyễn Hữu Đang!”.

 

Cuối bài Cụ có nhắc tới việc sai lầm trong vụ Cải cách ruộng đất 1953 khiến lòng người phân tán, bi quan… “Bấy giờ có một vị lãnh đạo cao cấp nói một câu rất đơn giản mà có sức thuyết phục, trấn an, động viên rất hiệu quả. Đó là câu khẳng định đanh thép: “Còn làm còn sai, hễ sai lại sửa”. Theo tôi, đó là châm ngôn hành động thiết thực… Xin chúc các bạn sống lâu hơn tôi và gửi đến các bạn lời chào sửa sai liên tục”.

 

Phùng Quán chấp tay áo lễ phép nói: “Em chúc anh sống trên trăm tuổi! Anh là một bậc hào kiệt của đất nước!”, và dõng dạc đọc bài thơ Cây xương Rồng (bài thơ của Phùng Quán, thường được Cụ Đang khen và rất thích):

 

… Xương Rồng ơi xương Rồng,
Anh có thật xương Rồng,
Hay xương người nghĩa khí,
Ngã xuống rồi hoá thân?…

 

Những tràng vỗ tay, những lời chúc mừng, những món quà tặng phong phú đa dạng, đã tạo nên không khí vui vẻ, thân ái, ân tình của buổi Lễ mừng thọ.

 

Đến trưa bữa tiệc mừng diễn ra trên gác dưới nhà thật đơn giản mà rất văn nghệ. Cỗ vừa hạ xuống, một nhà nghiên cứu phê bình văn học khá quen mặt biết tên đã ra tay dao thớt “sắc bén, phanh phui” chú lợn quay hơn 50 kg ra nhiều phần chi tiết ngon lành. Các liền chị, liên anh chóng vánh bày ra trên các tàu lá chuối thay mâm, nào xôi, nào thịt, muối tiêu, muối ớt, lạc rang, lạc luộc… Các nhóm bạn tìm nhau vây quanh cùng ăn bốc và uống rượu khổ sâm – thứ rượu Phùng Quán tự chưng cất lấy, lại uống bằng bát như thời Thuỷ Hử. Mọi người đều thú vị như có cảm giác đang dự bữa tiệc nào đó của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, Tây Bắc xa xôi. Ăn uống, trò chuyện đến vui… thùng rượu lớn đã cạn mà chẳng một ai “đa ngôn đa quá”. Cuối chầu… xuất hiện một thiếu phụ như vừa trong bức tranh cổ bước ra, tay bưng khay bánh xu – xê (thứ bánh dùng cho lễ cưới – hỏi). Bà chị e lệ mời cụ Đang “Trai tân – Độc thân” và các cụ bạn cao niên, đồng tuế… ăn bánh tráng miệng.

 

Chuyện lạ tò mò, có mấy người đã hỏi nhỏ chị Bội Trâm, vợ anh Phùng Quán, mới hay bà chị đó là người Hà Nội chính gốc, có đủ … “Tứ đức”, chuyên nghề làm bánh xu – xê cho các đám cưới ăn hỏi.

 

Anh Quán ta “giàu trí tưởng bở” định nhấm nháy cho ông anh kết nghĩa nên đã mời bà đến dự buổi lễ hôm nay, ý chừng ra mắt, thăm dò. Kể cũng tội !… những ai biết được chuyện nhỏ này đều cười ra nước mắt!…

 

Buổi lễ thọ đã kết thúc. Nhiều người vẫn còn quyến luyến Cụ Đang, anh Cung, anh Quán, nấn ná ở lại tới chiều. Trên Chòi ngắm sóng, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Khương Hữu Dụng và một số người khác nữa cười nói trò chuyện với Cụ Đang. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, 83 tuổi, còn hý hoáy vẽ chân dung Cụ Đang để tặng lại chính Cụ Đang làm kỷ niệm.

 

Các thành viên Ban Tổ chức đã xong nhiệm vụ. Còn lại hai nhà thơ đang lo không biết số tiền mừng thọ có đủ một triệu đồng để trả món nợ các anh đã vay để mời Cụ Đang ra Hà Nội tổ chức tiệc tùng. Cũng may số tiền mừng vừa đủ trả nợ. Việc tình nghĩa đã vượt mọi trở lực khó khăn, bất chấp hoàn cảnh…

 

12 năm trôi qua. Hai gia đình nhà thơ và bè bạn đã làm một việc nghĩa cử để lại trong lòng nhiều người thân quen những ấn tượng tốt đẹp. Và dư âm của nó ít nhiều dẫn đến sự hiểu biết quan tâm của các cơ quan có trọng trách. Sau đó một thời gian không lâu, cơ quan chức năng đã giải quyết chế độ hưu trí và cấp nhà ở cho Cụ Đang. Sự đối đãi ấy ghi nhận nỗi oan khiên mất mát quá lớn cho Cụ dẫu có muộn màng! Bè bạn đều mừng. Cụ Đang phấn chấn.

 

Ở Hà Nội, Cụ Đang tái sinh đầu đội mũ phớt, vai mang xà cột, đạp xe rong ruổi khắp phố phường. Cụ đã phát huy “bốn cái khỏe” của mình (ăn khỏe, ngủ khỏe, nói khỏe, đi xe đạp khỏe”) say sưa nghiên cứu, viết báo, tham dự các việc xã hội và giao lưu cùng bè bạn… Mọi người đã biết về Cụ qua các thông tin đại chúng, có người lui tới chung vui nhưng có kẻ vẫn ngại ngần đành “kính nhi viễn chi” mặc dù rất muốn đến.

 

“Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê,
Lòng ta đã rêu phong chuyện cũ”.
(Thơ Chế Lan Viên)

 

Một nhân chứng Lịch sử Cách mạng cây đa cây đề bị sống lẩn khuất ở miền quê Thái Bình, nếu không có những người hào hiệp, nghĩa tình như Phùng Quán, Phùng Cung thì biết tìm đâu ra Cụ Đang bây giờ!?

 

Năm nay (2004), Cụ Nguyễn Hữu Đang đã 92 tuổi, chân yếu, tai điếc, cụ đã mất “hai khoẻ”! “Khỏe đâu tới già”, được như Cụ là quá dai quá giỏi. Thời gian nào có nhẹ tay với ai đâu. Hiện Cụ đang sống tuổi già độc thân ở căn phòng 303 tầng 3, cầu thang 2, nhà tập thể bánh mỳ Nghĩa Đô, Hà Nội. Ai cần gặp Cụ, xin hỏi qua ông Tính, phòng liền kề. (Cụ chuyển đến nơi ở mới này để được gần nhà người cháu của Cụ, phòng khi có chuyện).

 

Những lúc khỏe mạnh, Cụ Đang lại nhờ người đưa đi thăm Quảng trường Ba Đình, nơi ghi dấu lịch sử của dân tộc, cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm riêng rất đáng tự hào của Cụ.

Ba Đình ngày nay tráng lệ uy nghi hơn xưa, lễ đài cũng kiên cố hơn xưa; nhưng Cụ Đang vẫn đau đáu nhớ về lễ đài bằng gỗ đơn sơ mà Cụ cùng mấy người bạn đã dựng lên theo lệnh của ông Hồ. Lễ đài đơn sơ ngày ấy vẫn đậm nét thân thương với bóng dáng mờ ảo của vị lãnh tụ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã hơn nửa thế kỷ trôi đi, Cụ Đang vẫn thấy gần gũi như mới hôm qua, chỉ có những người bạn chiến đấu thân thiết của Cụ là không còn nữa; và cả những người em tâm đắc kết nghĩa cùng nhiều người thương quý Cụ đã đến dự lễ “Mừng sống dai” … cũng đi xa.

 

Giờ đây Cụ sống một mình một phòng, ngày đêm yên tĩnh để nhớ lại những kỷ niệm hào hùng thuở ấy…

 

Hồ Tây, hè 2004
Phan Thành Trung

_____

 

Một số hình ảnh:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/1-55.jpg

Chân dung lão thành cách mạng, nhà báo Nguyễn Hữu Đang.

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/2-18.jpg

Nhà báo Phan Xuân Trung (trái) và nhạc sĩ Văn Cao 1976.

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/3-14-rotated.jpg

Bút tích và bài thơ Nguyễn Trọng Tạo viết tặng Phan Xuân Trung

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/4-3.jpg

Bài thơ “Lưu Lạc”

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/1-56-1068x1424.jpg

Bút tích và chữ ký trên sách của nhà văn Sơn Tùng tặng cha mẹ tôi




No comments: