Giải
mã hợp đồng tàu ngầm Pháp-Úc
Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 21/09/2021 - 16:13
Pháp vẫn chưa nguôi vì vụ bị Mỹ « phỗng tay
trên » hợp đồng 56 tỷ euro bán tàu ngầm cho Úc. Canberra ra sức biện
minh cho việc đột ngột hủy hợp đồng với Paris. Xét về khía cạnh « được »
« thua » thực chất hợp đồng tàu ngầm Pháp-Úc gồm những gì và thiệt
hại về tài chính, kinh tế có lớn đến nỗi để Paris lao vào một cuộc đọ sức ngoại
giao với cùng lúc cả ba đối tác chiến lược là Hoa Kỳ, Úc và Anh ?
Ảnh tư liệu: Tàu ngần
lớp Collins HMAS Waller của Hải Quân Hoàng Gia Úc rời cảng Sydney ngày
04/05/2020. Harbour on May 4, 2020. REUTERS - Reuters Photographer
Từ đầu vụ mà truyền thông gọi là « khủng
hoảng tàu ngầm » hôm 15/09/2021 bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính
Pháp Bruno Le Maire hoàn toàn im lặng. Chỉ thấy ngoại trưởng Jean-Yves Le
Drian và bộ trưởng Quân Lực Florence Parly lên tuyến đầu.
Chưa hợp đã tan
Năm năm trước, ngày 26/04/2016 cũng ông Le
Drian ở cương vị bộ trưởng Quốc Phòng dưới thời tổng thống François Hollande chứng
kiến lễ ký kết « hợp đồng thế kỷ » : tập đoàn đóng tàu của Pháp
Naval Group, khi đó mang tên DCNS, qua mặt các đối thủ Đức và Nhật giành được hợp
đồng của bộ Quốc Phòng Úc để cung cấp 12 tàu ngầm quy ước Attack. Đây là phiên
bản từ tàu ngầm nguyên tử đời mới Barracuda của Pháp. Trị giá hợp đồng ban
đầu quy định 50 tỷ đô la Úc. Toàn bộ khâu sản xuất dự trù khởi động năm 2023 và
các nhà máy đặt tại Úc. Chiếc Attack đầu tiên sẽ được giao vào năm 2030.
Nhưng chỉ bốn tháng sau ngày thông báo Paris
và Canberra bước vào giai đoạn « độc quyền đàm phán », những dấu
hiệu khủng hoảng niềm tin đã bắt đầu ló rạng : tờ báo uy tín của Úc The
Australian tiết lộ Naval Group bị tấn công tin học, mất nhiều « thông tin
mật » liên quan đến tàu ngầm lớp Scorpène bán cho Ấn Độ. Vụ rò rỉ thông
tin nói trên không liên quan gì đến hợp đồng với Úc và cũng không nhắm vào những
« tài liệu bí mật » như báo The Austalian loan báo, nhưng cũng đủ khiến
Canberra lo ngại.
Dù vậy, điều đó không cấm cản Pháp, Úc tiếp tục
hợp tác. Tháng 2/2019, sau 18 tháng đàm phán gay go, Naval Group và bộ Quốc
Phòng Úc thông báo « ván đã đóng thuyền », cho dù nhiều mối nghi kỵ vẫn
chưa được xua tan. Naval
Group liên tục bị tấn công và chính những đòn tấn công đó là cái cớ để thủ tướng
Morrison thông báo hủy hợp đồng với Pháp.
Pháp bị chỉ trích
những gì và những lập luận đó có cơ sở hay không ?
Điểm thứ nhất, Canberra trách tập đoàn Naval
Group « đội giá » : theo thỏa thuận ban đầu hợp đồng trị giá 50
tỷ đô la Úc, nhưng 18 tháng sau, giá thành lên tới 90 tỷ đô la Úc (56 tỷ euro).
Điểm thứ nhì, theo quan điểm của Canberra, là Pháp « chơi xấu »
không chịu chuyển giao « công nghệ » và điểm thứ ba là hợp đồng không
có lợi cho người lao động Úc và sau cùng là « một sự chậm trễ » trong
lịch giao hàng.
Truyền thông Pháp ít có bài giải thích về
chênh lệnh đến 40 tỷ đô la Úc so với hợp đồng ban đầu, nhưng lập tức đáp trả
báo chí Úc: không thể chỉ trích Pháp giao hàng trễ, khi mà đôi bên chưa bắt tay
vào việc đóng tàu. Làm thế nào giải thích rằng hợp đồng với Pháp bất lợi cho
người lao động Úc, khi mà « hợp đồng thế kỷ » chỉ liên quan đến 500
nhân viên của Naval Group, và gần như toàn bộ khâu sản xuất đều tập trung
cả ở Adelaide, trên lãnh thổ Úc ?
Chủ tịch tổng giám đốc Naval Group tháng
2/2021 xác nhận 60 % các hoạt động của toàn bộ dự án Attack sẽ do « các tập
đoàn của Úc đảm nhiệm ».
Do vậy trả lời RFI việt ngữ, chuyên gia về
châu Á, Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, đánh giá kinh tế không
là những giải thích thỏa đáng để hủy hợp đồng. Thực chất khủng hoảng ngoại giao
giữa Pháp và liên minh AUKUS « nằm ở chỗ khác » :
« Điều quan trọng nhất là động lực nào đã thúc đẩy Úc
hủy hợp đồng và chuyển hướng sang Hoa Kỳ. Nhu cầu của Canberra không thay đổi.
Điểm mới ở đây là quyết tâm của chính phủ Úc xích lại gần với Mỹ và đẩy mạnh
liên minh với Washington. Úc
cần tăng cường an ninh, trước mối đe dọa Trung Quốc. Đấy mới chính là cốt lõi của
vấn đề chứ không chỉ là một là chuyện liên quan đến hợp đồng mua bán
tàu ngầm. Tuy nhiên, trong những ngày qua, mọi chú ý lại tập trung vào hồ sơ
tàu ngầm, cho dù đây chỉ là một yếu tố trong số rất nhiều những yếu tố khác của
liên minh quân sự Anh, Mỹ và Úc ».
Canberra tìm cách
chống chế
Thêm một lý do khác cho thấy yếu tố kinh tế chỉ
là cái cớ để Canberra biện minh cho quyết định chuyển hướng về Hoa Kỳ, Antoine
Bondaz nói thêm :
« Trong nhiều
ngày liên tiếp, thủ tướng Scott Morrison chỉ trích Paris về các khía cạnh chuyển
giao công nghệ, giao hàng trễ và hợp đồng với Pháp không tạo nhiều việc làm
trên lãnh thổ Úc. Nhưng tới nay, không có gì bảo đảm là Canberra sẽ được toại
nguyện trên tất cả những điểm này với nhà cung cấp mới là Mỹ. Cũng không có gì
bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ cung cấp tàu ngầm cho Úc sớm hơn. Canberra cũng không được
bảo đảm là những hợp đồng mới với Mỹ có lợi hơn cho người lao động Úc. Rõ ràng,
ở đây, những lập luận ‘được’ hay ‘thua’ về mặt kinh tế không phải là cốt lõi của
vấn đề. Đây cũng không hẳn là một cuộc tranh cãi để lấy phiếu của cử tri trong
nước. Liên minh với Anh, Mỹ thuần túy là một vấn đề an ninh và chiến lược. Úc
thể hiện rõ ràng quyết tâm càng neo chặt vào Mỹ và đây là mối liên minh chặt chẽ
hơn trước rất nhiều.
Tàu ngầm quy ước
hay hạt nhân ?
Sau cuộc họp báo chung với Anh và Mỹ hôm
15/09/2021, Úc thông báo ngưng hợp đồng với Pháp, vì nhu cầu đã thay đổi và
chuyển sang dùng tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử, thay vì tàu ngầm quy ước,
chạy bằng dầu diesel như trong giao kèo với Pháp. Pháp là một trong sáu quốc
gia trên thế giới có tàu ngầm nguyên tử, làm chủ công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng
năng lượng hạt nhân. Đối với Naval Group, cung cấp tàu ngầm nguyên tử cho Úc
không phải là điều bất khả thi. Vấn đề còn lại là công luận Úc không mặn mà với
năng lượng hạt nhân và Canberra từ khi bắt đầu đàm phán trang bị tàu ngầm đã nhắm
tới lớp Barracuda, nhưng dùng năng lượng điện và diesel và do đó sản phẩm sẽ
là 12 chiếc Attack. Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược lưu ý :
« Tình thế đã được đảo ngược do Mỹ lần đầu tiên từ năm
1958 đồng ý chia sẻ một phần công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Anh là quốc gia duy nhất hưởng ưu đãi đó. Cần nhấn mạnh rằng, với Pháp, Úc
chưa từng đề cập đến nhu cầu trang bị tàu ngầm nguyên tử. Khi đôi bên bắt
đầu đàm phán vào năm 2014, Canberra nhắm vào tàu ngầm quy ước của Pháp và do vậy,
chính Paris đã phải điều chỉnh lớp tàu nguyên tử đời mới thành tàu ngầm chạy bằng
dầu diesel để đáp ứng đòi hỏi của Úc.
Thêm vào đó, chưa chắc Úc đã có lợi trong hợp
đồng với Hoa Kỳ, nếu chỉ đơn thuần dựa vào các yếu tố kinh tế. Chuyên gia Pháp
Jean Pierre Maulny, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, ghi nhận hãy còn
1001 trở ngại mà Canberra sẽ phải vượt qua từ nay cho tới khi nhận được những
chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên « made in USA ». Trở ngại đầu tiên
là phải giải quyết vấn đề năng lượng hạt nhân. Kế tới là các loại tàu ngầm đang
hiện hành ở Anh và Mỹ có trọng lượng 7000 tấn, trong lúc đó thì Úc cần loại tàu
cỡ nhỏ hơn –dưới 5.000 tấn. Ông Maulny không mấy tin rằng Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng
thiết kế một loại tàu « sur mesure » cho Hải Quân Úc. Cũng chuyên gia
này cầm chắc rằng giá thành của Anh, Mỹ, sẽ không thấp hơn so với của
Pháp. Sau cùng, không có gì bảo đảm là chuyển hướng sang Hoa Kỳ và Anh Quốc, Úc
sớm có thể thay thế những chiếc tàu ngầm cổ lỗ lớp Collins. Nói tóm lại, tất cả
những lập luận về « kinh tế » được Canberra đưa ra để biện minh cho
việc hủy hợp đồng với Pháp không mấy thuyết phục.
Tàu ngầm chỉ là phần
nổi của tảng băng
Về phía Pháp, báo chí nói nhiều đến cuộc
« khủng hoảng tàu ngầm », nhưng giới phân tích đồng loạt cho rằng, vụ
bị mất hợp đồng với Úc chỉ là « bề nổi của tảng băng » : Bị
khách hàng Úc bỏ rơi tuy là một vố đau cả về tài chính, lẫn uy tín đối với tập
đoàn đóng tàu Naval Group, nhưng sự tồn tại của ông khổng lồ trong ngành đóng
tàu và công nghiệp quân sự này của Pháp không hề bị đe dọa.
Giới trong ngành đánh giá « hậu quả về mặt
công nghiệp đối với phía Pháp không nhiều, bởi dự án chỉ mới ở giai đoạn đầu ».
Công việc làm của nhân viên Naval Group cũng không bị ảnh hưởng, bởi dự án với
Úc chỉ liên quan tới 500 trong số 16.000 nhân viên hiện diện tại 18 quốc gia
trên thế giới. Hơn nữa, cho dù hợp đồng có bị hủy giữa chừng, đôi bên đều chuẩn
bị để đối phó với tình huống này và đã dự trù những khoản đền bù thiệt hại. Báo
Anh, Mỹ nêu lên khoản bồi thường từ 250 triệu đến 400 triệu đô la Mỹ mà phía Úc
sẽ phải chi ra.
Vậy câu hỏi kế tiếp là tại sao Paris đã lớn tiếng
làm khuấy động quan hệ ngoại giao với các đồng minh truyền thống phương
Tây ?
Gáo nước lạnh cho
« giải pháp thứ ba »
Nhà nghiên cứu Céline Pajon, Viện Quan Hệ Quốc
Tế Pháp IFRI, giải thích, hợp đồng tàu ngầm Pháp-Úc rất phức tạp. Năm 2016, Úc
đồng ý mua 12 tàu ngầm Attack. Ba năm sau đó, Paris và Canberra ký một hợp đồng
thứ nhì mang tính « đối tác chiến lược », là nền tảng cho hợp tác song
phương « trong giai đoạn 50 năm sau đó ». Chính văn bản này cho
phép nước Pháp « hoạch định chiến lược lâu dài tại Ấn Độ -Thái Bình
Dương ». Các nhà địa chính trị của Pháp giải thích rõ hơn : Trong một thế giới càng lúc càng
bị chia rẽ giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Hoa Kỳ, Pháp từ lâu nay
luôn chủ trương một hướng đi thứ ba, « độc lập cả về mặt chính trị, kinh tế,
chiến lược và công nghệ » với Bắc Kinh và Washington.
Canberra là một trong những đối tác có trọng
lượng và Paris đã dùng lá bài « tàu ngầm » để thuyết phục Úc thiên về
giải pháp « độc lập » đó với Mỹ và Trung Quốc. Liên minh AUKUS là một
gáo nước lạnh mà Hoa Kỳ lẫn Úc dội vào sáng kiến « giải pháp thứ ba »
đó của Paris. Câu hỏi còn lại là Paris phải làm gì trong giai đoạn tiếp theo,
Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, trả lời :
« Quyền lợi của
Pháp trong vùng Ấn Độ -Thái bình Dương không thay đổi. Đó là những lợi ích về mặt
chủ quyền và trong trường hợp đó, Úc là một đối tác khu vực không thể bỏ qua.
Được hay mất hợp đồng tàu ngầm không làm thay đổi cục diện về mặt địa lý. Thực
tế cho thấy rằng hiện có 1,7 triệu công dân Pháp đang sinh sống trong các vùng
lãnh thổ hải ngoại, từ Mayotte đến quần đảo Polynésie, từ đảo Réunion đến
Nouvelle Calédonie.
Các vùng đặc quyền kinh tế của Pháp (ZEE) trong khu
vực này chiếm đến ¾ toàn thể diện tích các vùng đặc quyền kinh tế của Pháp và
đây cũng là nơi có 7.000 lính Pháp thường trực. Về lợi ích kinh tế, một phần ba
giao thương của Pháp với các đối tác ngoài khu vực Liên Hiệp Châu Âu nằm trong
vùng châu Á Thái Bình Dương. Đây là khu vực năng động nhất cả về kinh tế lẫn
thương mại, nhưng cũng là nơi có nhiều căng thẳng, nhất là căng thẳng về mặt
quân sự. Do vậy, Pháp bắt buộc phải bảo vệ những lợi ích của mình và Paris cần
phải được bảo đàm rằng, có thể can thiệp trong trường hợp cần thiết ».
Hiệu ứng domino
Một số nhà phân tích khác lo ngại việc Úc hủy
hợp đồng quân sự với Pháp tạo tiền đề cho các các quốc gia khác noi theo. Pháp
là một trong 5 nguồn cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới. Liên minh AUKUS cho thấy
không dễ mà cưỡng lại những áp lực của Hoa Kỳ. Ấn Độ là khách hàng mua chiến đấu
cơ Rafale của Pháp, đồng thời là một trong bốn tứ trụ của nhóm Quad. Tại châu
Âu, giám đốc đặc trách về nghiên cứu an ninh của Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp Elie
Tenenbaum không loại trừ khả năng một số thành viên, mà đứng đầu là Đức, cũng
có thể quay lưng lại với Pháp để mua vũ khí của Hoa Kỳ, bởi « Đức và Pháp
tuy là hai đầu tàu kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng về mặt quốc phòng
Berlin thân thiết hơn với Washington ».
Một dự án hợp tác chung chế tạo chiến dấu cơ
SCAF « thế hệ sáu » giữa Pháp, Đức và Tây Ban Nha, với trọng tâm
là tập đoàn Dassault, cũng có thể bị lung lay. Sau cùng, Paris lo sợ AUKUS là hồi
chuông báo tử cho hàng loạt những thỏa thuận Anh Pháp trong lĩnh vực an ninh và
quốc phòng trong khuôn khổ hiệp định Landcaster House 2010, bao gồm từ các dự
án phát triển công nghệ chế tạo tên lửa chung, đến các chiến dịch tăng cường an
ninh mạng …
No comments:
Post a Comment