Wednesday, September 15, 2021

CHUYẾN ĐI CỦA ÔNG PHÚC SẼ CHO THẤY CSVN ĐI DÂY NHƯ THẾ NÀO và SỢ TQ RA SAO? (Lê Minh Nguyên)

 


Chuyến đi của ông Phúc sẽ cho thấy CSVN đi dây như thế nào và sợ TQ ra sao?

Lê Minh Nguyên

15/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/15/chuyen-di-cua-ong-phuc-se-cho-thay-csvn-di-day-nhu-the-nao-va-so-tq-ra-sao/

 

Anh đi anh ghé Biden?

Hay là anh sợ Cận Bình vớt anh?

 

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi New York để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 vào ngày 22/9 với tư cách là chủ tịch nước CSVN.

 

Đại hội đồng LHQ khai mạc ngày 14/9 với phiên thảo luận chung cấp cao đầu tiên, diễn ra vào ngày 21/9. Lãnh đạo từ 83 quốc gia sẽ tới phát biểu tại phiên họp ngày 22/9, được tổ chức kết hợp với các cuộc họp trực tuyến bên lề và có sự tham dự trực tiếp của các nguyên thủ từ Brazil, Anh, Canada, Ý, Nhật Bản, và Trung Quốc cùng nhiều nước khác.

 

Hồi tháng 9/2018, ông Phúc tham dự khoá họp lần thứ 73 với tư cách là thủ tướng CSVN. Năm 2020 ông tham dự khoá họp 75 qua hình thức trực tuyến.

 

Tháng 5/2017 ông Phúc, theo lời mời của TT Donald Trump, đã có chuyến thăm chính thức tới Washington DC, với tư cách là thủ tướng CSVN.

 

Cuối tháng 8 vừa qua, ông Phúc đã tiếp đón PTT Mỹ Kamala Harris. Tại cuộc gặp này, bà Harris đã chỉ trích hành động bắt nạt của TQ trên Biển Đông và kêu gọi Hà Nội cùng với Mỹ thách thức Bắc Kinh trước các tuyên bố chủ quyền thái quá của họ, bà đề nghị hai bên nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, nhưng ông Phúc hát bài “tình lờ”.

 

Hôm 10/9 vừa qua ở Hà Nội, ông Vương Nghị nói với CSVN “chúng ta là một cộng đồng có chung tương lai…, thận trọng và đề phòng sự can thiệp, xúi giục của các thế lực bên ngoài khu vực…” và tặng thêm cho VN 3 triệu liều vaccine để chặn họng ông Phúc trước khi ông đi Mỹ.

 

Trong chuyến đi Mỹ lần này, việc ông Phúc có ghé DC để gặp TT Biden hay chỉ đi New York dự họp LHQ rồi về, sẽ cho thấy CSVN đi dây như thế nào và sợ TQ ra sao.

 

Nếu ông gặp Biden bên lề phiên họp LHQ ở New York thì cũng là một tín hiệu tốt của sự độc lập, dù không mạnh bằng việc gặp tại Nhà Trắng.

 

Nếu ông chỉ gặp ông Blinken hay đại sứ Mỹ ở LHQ thì là ngoại giao bình thường của status quo nguyên trạng, tức vẫn đi dây ở biên giới mà TQ chấp nhận được.

 

Nhưng nếu ông chỉ đi New York dự hội nghị LHQ rồi về thì là một sự thất vọng, Vương Nghị có lẽ đã túm được cổ áo ông.

 

Phạm Bình Minh đã trở thành phó thủ tướng thường trực hôm 6/9, và có vẻ đang trên đường trở thành thủ tướng. Cha ông là ông Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch) đã bị TQ loại bỏ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990. Theo bước chân cha, ông là khuôn mặt thân Tây phương.

 

Nếu ông Phúc chủ tịch nước song kiếm hợp bích với ông Minh thủ tướng thì đó là một sự thăng bằng mới trong nội bộ đảng CSVN, mà trong đó hai định chế ĐẢNG và CHÍNH PHỦ luôn luôn bên cạnh tranh nhau để lãnh đạo.

 

Lâu nay định chế ĐẢNG luôn đi đầu (câu thần chú trong quan hệ với đàn anh CSTQ là “giữa hai ĐẢNG, hai CHÍNH PHỦ, và nhân dân hai nước”), bây giờ hình như đang có sự điều chỉnh để ĐẢNG đi chậm lại một chút và CHÍNH PHỦ đi nhanh lên một chút để hai định chế đi song song với nhau.

 

Mỹ và Tây phương luôn mong muốn và hỗ trợ cho định chế CHÍNH PHỦ, vì nguyên tắc làm việc của họ là giữa chính phủ với chính phủ, cho nên họ muốn đè ĐẢNG xuống dưới, để CHÍNH PHỦ đi đầu, Điều Lệ Đảng phải dưới Hiến Pháp và không có định chế nào được đứng trên CHÍNH PHỦ.

 

Người ta hy vọng song kiếm hợp bích giữa ông Phúc và ông Minh sẽ tạo ra sự bình thường mới (new normal) của việc hai định chế ĐẢNG và CHÍNH PHỦ đi song song, đến một lúc nào đó thì một bình thường mới khác xuất hiện để ĐẢNG trở về vị trí đúng của nó là đi phía sau CHÍNH PHỦ, đảng chỉ là bệ phóng để đảng viên lên nắm chính quyền và vận hành theo bốn sứ mạng cơ bản của nó là: đào tạo cán bộ, soạn thảo quốc sách, vận động tranh cử, nhịp cầu giữa chính quyền và quần chúng.

 

Mỹ đang chuốc rượu mời để CSVN thay đổi, uống hay không uống thì thay đổi vẫn xảy ra. Uống, tức chủ động để thay đổi, thì họ sẽ cầm quyền lâu hơn. Không uống, tức để bên ngoài đảng làm cho thay đổi, thì họ sẽ mất quyền kiểm soát, mất thế chủ động, khi mà quyền lợi sống còn của một siêu cường làm theo nước cờ đi của họ.





No comments: