Wednesday, September 15, 2021

BA MỤC TIÊU CỦA VƯƠNG NGHỊ TRONG CHUYẾN THĂM 4 NƯỚC ĐÔNG Á (Nghiên Cứu Biển Đông)

 


BA MỤC TIÊU CỦA VƯƠNG NGHỊ TRONG CHUYẾN THĂM 4 NƯỚC ĐÔNG Á

Nghiên Cứu Biển Đông

14/09/2021  21:36   

https://www.facebook.com/eastseastudies/posts/4651188221592410

 

BA MỤC TIÊU CỦA VƯƠNG NGHỊ TRONG CHUYẾN THĂM 4 NƯỚC ĐÔNG Á: DUY TRÌ ƯU THẾ ĐI ĐẦU NGOẠI GIAO VỚI ASEAN, CÂN BẰNG VỚI CHIẾN LƯỢC IPS CỦA MỸ, RĂN ĐE CÁC NƯỚC CHỐNG LẠI TRUNG QUỐC

 

Từ ngày 10-15/9, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức 4 nước Đông Á (Việt Nam, Campuchia, Singapore, Hàn Quốc). Tại Việt Nam, trong hai ngày 10-11/9, Vương Nghị đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

 

Thông qua chuyến thăm 4 nước Đông Á của Vương Nghị, có thể thấy một số điểm nổi lên như sau:

 

Thứ nhất, chuyến thăm của Vương Nghị thể hiện thông điệp Trung Quốc đang nỗ lực củng cố và đẩy mạnh ngoại giao với khu vực Đông Á, để cân bằng với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Mỹ triển khai gần đây. Trung Quốc lo sợ rằng, việc Mỹ đang đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với ASEAN có thể sẽ làm suy giảm hiệu quả chính sách “ưu thế đi đầu” về ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực. Việc chọn thăm 4 nước Đông Á là sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc vì thời gian qua, Việt Nam và Singapore đã đón Phó Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm vào tháng 8 và tháng 7/2021; Campuchia và Hàn Quốc đón Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm vào tháng 6 và tháng 7/2021.

 

Thứ hai, Trung Quốc luôn cho rằng Việt Nam tương đối công khai ủng hộ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, chủ trương trên vấn đề Biển Đông cũng khá mạnh so với các nước tranh chấp khác. Trong cuộc đọ sức ảnh hưởng địa chính trị nước lớn, Trung Quốc mưu đồ sẽ sử dụng nhiều biện pháp và phương thức để răn đe, hướng Việt Nam đứng về phía mình, hoặc ít nhất là bảo đảm Việt Nam không đi quá xa để “thân Mỹ” và chống lại Trung Quốc.

 

Thứ ba, với ASEAN, Trung Quốc cho rằng Mỹ có ưu thế hơn về mức độ tin cậy chính trị và quân sự, đa số các nước Đông Á cũng cho rằng Mỹ là nhân tố tích cực ở khu vực. Trong khi Trung Quốc có ưu thế ở Đông Á về ảnh hưởng kinh tế, giao lưu nhân dân chặt chẽ và “láng giềng” không thể dời đi được. Do vậy, việc tăng cường giao lưu cấp cao của Trung Quốc sẽ khiến các nước Đông Á không thể mạo hiểm áp dụng thái độ đối lập và đối phó với Trung Quốc.

 

Liệu Vương Nghị sẽ “thu về” được những “kết quả” và “thành tích” nào cho Trung Quốc sau chuyến thăm 4 nước Đông Á? Kính mời độc giả tiếp tục theo dõi và bình luận.

 




No comments: