Monday, May 18, 2020

WHO HỌP HỘI ĐỒNG Y TẾ THẾ GIỚI VỀ COVID-19, ĐÀI LOAN KHÔNG ĐƯỢC MỜI (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng  -  RFI
Đăng ngày: 18/05/2020 - 11:09

Dịch Covid-19 buộc 194 nước thành viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) họp đại hội đồng qua hệ thống viễn thông trong hai ngày 18 và 19/05/2020. Chủ đề chính là đại dịch Covid-19, trong bối cảnh nhiều nước nghi ngờ vai trò của WHO trong cách xử lý khủng hoảng dịch tễ. Đây cũng là một trong những điểm bất đồng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Chính quyền Đài Bắc, từng cảnh báo sớm với WHO về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người và có chiến lược chống dịch Covid-19 rất hiệu quả, vẫn không được mời do Bắc Kinh luôn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. 

Thông tín viên RFI Jérémie Lanche tường trình từ Genève:

Về mặt chính thức, từ "Covid-19" không xuất hiện trên lịch làm việc. Nhưng trên thực tế, Hội Đồng Y Tế Thế Giới sẽ chỉ bàn về vấn đề này. Đầu tiên là văn kiện của Liên Hiệp Châu Âu cùng với khoảng 50 nước thành viên khác, yêu cầu quyền được tiếp cận các biện pháp điều trị một cách phổ quát, nhanh chóng và công bằng cho tất cả các quốc gia trên thế giới.

Hoa Kỳ, nước muốn được độc quyền một loại vác-xin, có thể sẽ không đồng ý về điểm này. Ngược lại, Mỹ lại yêu cầu văn kiện trên đòi Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải giải trình rõ ràng về cách xử lý khủng hoảng của tổ chức này. Washington từng cáo buộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh sẽ là một hồ sơ khác được theo dõi, với yêu cầu mời Đài Loan trở lại Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Đài Bắc bị mất tư cách quan sát viên vào năm 2016, do Bắc Kinh gây áp lực.

Cuối cùng, bài phát biểu của phía Mỹ cũng rất được trông đợi, vì một số nước lo ngại rằng Washington sẽ rút hẳn khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới ».

-----------------------------------------------
.
Viễn Đông Daily
18/05/2020

GENEVA - Một nghị quyết được Liên Âu (EU) soạn thảo, kêu gọi đánh giá một cách độc lập, công bằng và toàn diện về "phản ứng y tế toàn cầu đối với Covid-19" đã nhận được sự ủng hộ của 116 quốc gia tại Đại Hội Đồng Y Tế Thế Giới (WHA).

Nghị quyết sẽ được thông qua ngày 19 tháng 5 nếu được sự ủng hộ của 2 phần 3 trong số 194 thành viên WHA, cơ quan ra quyết định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Nghị quyết kêu gọi hợp tác để truy vết nguồn lây nhiễm, giúp giảm nguy cơ bùng phát các dịch bệnh tương tự. Nghị quyết cũng đề nghị WHO làm việc với các cơ quan và quốc gia khác để xác định nguồn gốc động vật của coronavirus và tìm hiểu cách virus lây sang người.

Một số nước có số ca tử vong do Covid-19 vẫn còn cao cho rằng còn quá sớm để điều tra và nghị quyết cũng đồng ý với điều này, khẳng định việc điều tra nên bắt đầu vào thời điểm thích hợp. WHA vào thứ Hai đã bắt đầu ngày họp online đầu tiên về Covid-19 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Thông thường, cơ quan này họp khoảng 3 tuần nhưng hiện rút ngắn còn 2 ngày và dự kiến chỉ tập trung vào Covid-19. Nhiều nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng y tế và nhiều viên chức sẽ tham dự cuộc họp.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tuần trước cho biết hội nghị sẽ là một trong những sự kiện quan trọng nhất của WHA kể từ khi thành lập năm 1948.

Úc là nước đầu tiên sau Mỹ kêu gọi điều tra độc lập và vấp phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Úc hiện đã giảm bớt một số yêu cầu điều tra, ngôn ngữ trong dự thảo cũng cẩn thận hơn và không nhắc đến Trung Quốc cũng như thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh bắt đầu. Tuy nhiên, Úc vẫn nỗ lực thúc đẩy điều tra và cám ơn sự ủng hộ của các nước.





No comments: