Saturday, May 23, 2020

VIRUS CORONA ĐÃ CHỈ RA NHỮNG HẠN CHẾ CỦA NỀN DÂN CHỦ. CÓ PHẢI "PHƯƠNG TÂY" ĐANG THEO CON ĐƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC? (Stan Grant - ABC News)




NỘI DUNG :

Stan Grant - ABC News
.
Ngô Trường Anh Vũ

=================================================
.
Stan Grant - ABC News

Bài hay mà ít người đọc quá nên share lại. Bàn với nhau một chút về tự do và "sự bình thường" hậu covid-19.

Bài tác giả viết nói về nước Úc nhưng có lẽ cũng liên quan hoặc đúng với những nước khác, trong bối cảnh trỗi dậy của TQ đang đe dọa sự tự do khắp nơi.

Theo những cảnh báo của tác giả, có khả năng lịch sử đang được lập lại, ngày xưa phát-xít (Dân tộc Chủ nghĩa Cực đoan) được tạo ra để chống lại XHCN của Liên Xô và cuối cùng trở nên tàn bạo và khát máu hơn CS. Ngày nay để chống lại TQ cộng sản, có thể một số quốc gia đang trở lại và sa lầy vào con đường cũ của Phát-xít Đức- Độc tài- Dân túy - Sùng bái Lãnh tụ- Dân tộc Chủ nghĩa.

We learn from history that we do not learn from history.(George Hegel)
_______________

VIRUS CORONA ĐÃ CHỈ RA NHỮNG HẠN CHẾ CỦA NỀN DÂN CHỦ. CÓ PHẢI "PHƯƠNG TÂY" ĐANG THEO CON ĐƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC?
(Stan Grant- ABC News)

Đến lúc này, chúng ta đang chầm chậm thức giấc sau kỳ “ngủ đông”. Những giới hạn phong tỏa đang dần được nới lỏng.

Giờ đây chúng ta có thể đi gặp bạn bè hoặc gia đình, mặc dù chỉ trong một nhóm nhỏ. Ở một vài nơi trên nước Úc, người ta có thể bắt đầu trở lại nhàn nhã nhâm nhi tại những quán café “ruột”, đến phòng tập hoặc hồ bơi.

Các trường học đã mở cửa lại.

Một số tiểu bang có lẽ sẽ chậm mở cửa hơn một vài tiểu bang khác, và “bình thường” có lẽ là một từ mà chúng ta sẽ bắt đầu sử dụng lại.

Không quá nhanh. Nhưng liệu rằng “bình thường” có đồng nghĩa với y như cũ? Ngay cả khi chúng ta chế tạo được vắc-xin cho virus corona, thì một loại virus khác mà chúng ta từng loại bỏ có thể trở lại với độc tính mạnh hơn: Virus Độc Tài.

Một nghiên cứu đột phá về nền dân chủ đã bị chôn vùi từ sau Chiến Tranh Lạnh, quyển sách “Cái Chết của Lịch Sử và Người Cuối Cùng”( The End of History and the Last Man), nhà nghiên cứu chính trị học người Mỹ Francis Fukuyama đã viết trong đó những điều đáng gợi lên trong chúng ta sự lo lắng:

“ Một nhà nước toàn trị, được tin rằng, nó không chỉ có thể tồn tại mãi mãi, mà nó còn có thể tự nhân bản trên toàn thế giới chẳng khác nào virus”

Fukuyama đã viết về Chế độ Cộng sản Xô-viết như vậy. Nhưng với sự đổi ngôi từ Liên Xô sang Trung Quốc đã khiến từ “virus” này mang một ý nghĩa hoàn toàn mới.

Phương Tây Đã Thay Đổi.

Chính là do sự dối trá và che đậy dịch bệnh Covid-19 khi nó bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tạo cơ hội cho căn bệnh chết người này lan rộng.
Chỉ cần một ít thời gian, nó nhanh chóng “vượt biên” khỏi Trung Quốc và lúc đó mọi nổ lực đã trở nên quá muộn để phần còn lại của thế giới có thể ngăn chặn được sự lây lan quái ác của căn bệnh này.

Loại siêu-vi này không chỉ tấn công vào sự sống, nó còn tấn công vào cả niềm tin, quật ngã chúng ta ngay tại “sân nhà” mình- nơi mà chúng ta luôn nghĩ rằng mình mạnh nhất với “vũ khí” là: Sự Tự Do.

Sự Tự Do- Điều tối quan trọng để củng cố Nền Dân Chủ, cũng chính là thứ có thể giết chúng ta. Để sống còn chúng ta buộc phải Phong Tỏa.

Điều mà ta không thể tin được giờ đang trở thành hiện thực trong cuộc sống. Chúng ta bị tách ra khỏi những người thân yêu.

Doanh nghiệp đóng cửa. Mất việc. Những sân vận động náo nhiệt tràn ngập người giờ chìm trong vắng lặng.

Cảnh sát tuần tra trên phố, những người ngồi hóng mát ở công viên hoặc bãi biển bị yêu cầu rời đi về nhà, hoặc tệ hơn, bị phạt vạ hoặc phải vào tù.

Ở Thế kỷ 19, Triết gia Georg Hegel tin rằng công cuộc tranh đấu cho Tự do chính là động lực của lịch sử. Chính là Hegel, người đã truyền cảm hứng cho Fukuyama. Ba mươi năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và Ba mươi năm sau khi quyển sách của Fukuyama ra đời, “Phương Tây” vẫn chưa thể bước lên ngôi vương chiến thắng của mình.

Và “Phương Tây” chẳng còn là “Phương Tây” nữa!

Chúng Ta Phải Hy Sinh Một Ít Tự Do.

Sáu tuần vừa qua, chúng ta đã được trải nghiệm một ít “cuộc sống kiểu Trung Quốc”: dòm ngó, giám sát, nghi kỵ lẫn nhau và “cánh tay dài lông lá” của chính phủ bắt đầu chạm vào đời sống của chúng ta.

Không ai trong chúng ta muốn kiểu độc tài của Đảng Cộng Sản TQ nhân bản vào xã hội của mình.

Chúng ta bị bắt buộc hy sinh một ít tự do của bản thân. Chủ tịch TQ- Tập Cận Bình giờ đây đang rung đùi cười mỉa và có lẽ sẽ lên giọng hỏi: “ Tự Do của chúng mày đâu rồi?”
Dĩ nhiên, chúng ta có thể cãi lại rằng, sự hạn chế mà nhà nước đang áp đặt là cần thiết để làm phẳng đường cong của sự lây lan.

Nhưng có phải trong chính câu trả lời lại bao hàm một ý nghĩa khác, sự Hạn chế của Tự do Dân chủ xây dựng trên nền tảng Tự do và Khai phóng Cá nhân đã lộ rõ?

Có Phải Một Chính Phủ Tự Do Không Đủ Sức để Đương Đầu với Khủng Hoảng?

Một Lý thuyết gia người Đức và cũng là một Đảng Viên Đức Quốc Xã- Carl Schmitt, ông nhận định trong một tiểu luận về Sự Tự Do do ông viết trong thập niên 1920 rằng, “ Một Chính Phủ Tự Do sẽ trở nên yếu ớt trong khủng hoảng”.

Bản chất tự nhiên của sự Tự do Hiến định – tự Đánh giá và Điều chỉnh – khiến nó không thể nào đủ sức đối phó hiệu quả với những tình huống đặc biệt, ông tin như thế.

Trong quyển Chính Trị Luận, Schmitt đã khẳng định rằng, một lãnh đạo ở quyền lực tối cao mới là người đưa ra “quyết định rằng khi nào mới là thảm họa thật sự”.

Chế độ Độc tài Cộng sản, ông ta cảnh báo, sẽ thích hợp hơn để đương đầu với những tình huống khủng hoảng. Tại sao? Bởi vì sự độc tài này là con đẻ của những tình huống khủng hoảng: Các cuộc Cách mạng.

Kiểm soát nhà nước theo chiều dọc từ trên xuống dưới nó đã nằm sẵn trong huyết quản, trong DNA của người cộng sản, như ông ta đã viết trong quyển sách trước đó “Die Diktatur”(Chế độ Độc Tài) “ tất cả mọi hành động đều được biện minh là phương tiện thiết yếu để đạt được mục tiêu thắng lợi cuối cùng”.

Schmitt cũng đã viết các bài luận chính trị nhằm phản lại các mối đe dọa từ Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô.

Trong quyển sách của mình, “ Carl Schmitt Phê phán về Chủ nghĩa Tự Do: Phản chính trị như là một kỹ thuật của khoa học chính trị”, John McCormick nói rằng, Schmitt đã biện minh cho “sự hợp nhất của độc tài lãnh đạo và quyền lực trong khủng hoảng”.

Điều này đã lý giải tại sao Schmitt được Phát-xít Đức lựa chọn, và cũng như McCormick đã nói, nó giải thích cho việc “tại sao chính phủ Đức tiền thế chiến(Weimar) từ bảo thủ chủ nghĩa đã trở thành phát-xít chủ nghĩa”.

Để đối phó với chế độ độc tài của Liên Xô, theo McCormick, Schmitt sử dụng đến “chiêu”“dĩ độc công độc” với loại độc mới còn mạnh hơn… Chế độ Độc tài Dân tộc Chủ nghĩa.”

Nền Chính Trị Của Chúng Ta Có Lẽ Sẽ Thay Đổi Sau Đại Dịch.

Mặc dù rất khó chịu khi trích dẫn lời lẽ của một Triết gia Phát-xít, Schmitt vẫn được nhìn nhận là một trong những nhà tư tưởng nổi bật ở thế kỷ 20.

Những cảnh báo của ông ta từ một thế kỷ trước, buộc chúng ta phải đặt lại câu hỏi: “Có phải chế độ toàn trị cộng sản của TQ đã đối phó tốt hơn chúng ta trong khủng hoảng?”

Vâng, đối với Tập Cận Bình, hắn ta hoàn toàn tin là như thế.

Một câu hỏi cho các nền Dân chủ Tư do phương Tây- Bao gồm nước Úc- rằng: “Khi thảm họa do virus corona gây ra chấm dứt hẳn, nền chính trị của chúng ta sẽ ra sao?”

Có phải “bình thường kiểu mới” nghĩa là chúng ta phải tải các apps vào máy điện thoại để kiểm soát khả năng lây nhiễm của bản thân? Chúng ta từ bỏ quyền riêng tư của mình cho công nghệ?

Các cầu thủ bóng đá phải chấp nhận để được kiểm tra bệnh trước khi xuống sân thi đấu?
Chúng ta bị buộc phải tiêm ngừa vắc-xin trước khi được phép đến sở làm? Và khi nào điều này sẽ kết thúc?

Có phải sự phản đối của lương tâm không còn chỗ đứng?

Đúng là một thời đại lạ lùng, và đến ngay cả “bình thường sắp tới” cũng sẽ không còn là kiểu “bình thường như cũ”.

Có Phải Chúng Ta Đang Đánh Mất Những Điều Khiến Chúng Ta Mạnh Mẽ?

Trường hợp khủng hoảng này nhắc chúng ta về một điều khác mà Carl Schmitt đã nói, “ Lãnh tụ tối cao là người quyết định”.

Vâng, Lãnh tụ tối cao đã trở lại. Chủ nghĩa toàn cầu đang được tái sắp xếp.

Vậy lãnh tụ tối cao ở đâu? Thật là đáng báo động nếu chúng ta trở thành kiểu chính phủ tiền phát-xít Đức(Weimar) và đang trên đường hướng tới chế độ độc tài. Những sự thách thức từ Trung Quốc, cũng như mối đe dọa từ Nga đang buộc chúng ta phải thay đổi từ nội tại, và nó đã bắt đầu.

Trung Quốc ngày nay quyền lực hơn Liên Xô đã từng. Nó đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nó đang “vươn vòi bạch tuộc” để tạo ảnh hưởng đến từng xó xỉnh khắp nơi, đồng thời với đó là sự khắc nghiệt bắt buộc của “kiểu Tự do trong nhà”.

Tập Cận Bình đã nói thẳng rằng ông ta không chấp nhận “Tự do kiểu phương Tây”. Ông ta nghểnh mặt tự hào với cái mô hình Tư bản Độc tài của mình.

Bản thân phương Tây đã bộc lộ nhiều vấn đề từ cả trước khi virus corona đến: sự yếu đuối nội tại; sự phân cực trong chính trị; chết chìm dưới sự tấn công của làn sóng văn hóa chiến.

Các nhà lý luận bắt đầu đặt những câu hỏi mang tính chất sống còn, “liệu rằng chế độ dân chủ sẽ chết?”

Chúng ta đã đánh mất những vũ khí đã từng giúp chúng ta mạnh mẽ; và điều gì mới thật sự là quý giá nhất cho chúng ta ngày hôm nay?

Nhà biên kịch vĩ đại Athur Miller đã viết The Crucible (Lò thử thách) như một lời cảnh báo cho sự cuồng loạn và nghi kỵ.

Hãy để tôi diễn giải lại lý luận của ông ta theo kiểu của tôi như sau:” Tự do là một pháo đài, và chúng ta không thể coi thường những vết nứt cho dù nhỏ nhất trên thân pháo đài đó.”

(Cố Sự Quán dịch)

----------------------------------------------

XEM THÊM
.
Ngô Trường Anh Vũ
Doanh nhân, blogger ở TPHCM
16/03/2020

Có phải nền dân chủ chống khủng hoảng kém hơn độc tài? Câu trả lời ngắn gọn là không hề!


Trong bài này, chúng ta sẽ tập trung so sánh cách phòng dịch của 4 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Ý với 3 nước Đông Á là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Các nước khác có thể được đề cập để ví dụ và mở rộng vấn đề. Còn việc chống dịch của Mỹ là cả một câu chuyện dài nên xin được gác lại.

Đại dịch Corona Virus về bản chất là một khủng hoảng trên diện rộng, cũng là một thách thức đối với mô hình quản trị của từng quốc gia. Có ý kiến cho rằng các nhà nước Châu Âu đã chậm trễ và chủ quan trong việc phòng dịch và xa hơn nữa là thể chế dân chủ xử lý khủng hoảng kém hơn nhà nước độc tài. Tuy nhiên, khi phân tích nhiều mặt của vấn đề thì điều này chưa phải chính xác. Một lí do quan trọng chính là điều kiện tự nhiên của từng quốc gia.

Môi trường ôn đới

Đặc tính của Corona Virus là lây lan tốt hơn trong môi trường ôn đới. Chúng ta dễ dàng nhận ra việc này qua sự so sánh tình hình dịch bệnh ở các nước ở dải nhiệt độ khác nhau. Ấn Độ chỉ mới có 84 ca nhiễm dù vệ sinh ở nhiều nơi rất kém, Philippines là 98 và Indonesia là 96. Tốc độ lây lan của COVID-19 ở các nước nhiệt đới rõ ràng là thấp hơn, công tác chống dịch ở các nước ôn đới vì thế đang khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nằm trong dải nhiệt ôn đới tương tự Anh, Pháp, Đức, Ý. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt về điều kiện chống dịch giữa các quốc gia này?

Câu trả lời chính là địa lý. Lãnh thổ trải rộng với nhiều đồng bằng của Châu Âu đã đặt nền tảng cho những liên kết xuyên quốc gia trong suốt lịch sử. Cho đến hôm nay ở Tây Âu gần như không còn tồn tại đường biên giới vật lý. Việc tự do di chuyển xuyên nhiều quốc gia của những người nhiễm bệnh là một trở ngại rất lớn để theo dấu và cách ly tất cả những người có tiếp xúc gần.

Đây là điểm khác biệt căn bản giữa các nước Châu Âu với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi hai cường quốc của Đông Bắc Á có khí hậu ôn đới tương đương, thì tính cô lập của vị trí địa lý với ít hoặc không có quốc gia chung đường biên giới đã giúp hai nước này phần nào tự cách ly và kiểm soát tốt hơn dịch bệnh. Nếu không tính 696 ca nhiễm bệnh trên tàu Diamond Princess, thì Nhật Bản chỉ có 754 ca bệnh đến ngày 14/3, thấp hơn Anh, Đức, Pháp và Ý. Hàn Quốc sau thời gian hỗn loạn vì giáo phái Tân Thiên Địa cũng đã bước đầu ổn định được tình hình. Đài Loan với địa lý hải đảo cũng cô lập rất tốt dịch bệnh với chỉ 53 ca lây nhiễm.

Như vậy trong khi có cùng thể chế dân chủ, thì các quốc gia có nhiều liên kết trên đất liền là Pháp, Đức, Ý sẽ khó kiểm soát tình hình dịch bệnh hơn là các quốc gia hải đảo như Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong cùng khối Châu Âu, Anh cũng sở hữu vị trí hải đảo và so với Pháp, Đức, Ý thì số ca nhiễm vẫn đang thấp hơn.

Trung Quốc đã xử lý khủng hoảng như thế nào

Trung Quốc cũng có khí hậu ôn đới. Nền độc tài Trung Quốc đã xử lý khủng hoảng như thế nào?

Có thể nói Trung Quốc đã thất bại trong việc đối phó với dịch bệnh. Sự thất bại của chính quyền Trung Quốc không những làm ảnh hưởng người dân nước họ mà còn gây liên luỵ cho hàng tỷ con người trên toàn cầu. Đừng bao giờ quên rằng dịch bệnh đã bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch của một chính thể độc tài. Tất cả chính thể độc tài đều tìm cách bưng bít thông tin cho đến khi không còn kiểm soát khủng hoảng được nữa.

Trung Quốc gần đây công bố ngày 17 tháng 11 đã phát hiện bệnh nhân đầu tiên của dịch bệnh lần này. Tuy nhiên, những người lên tiếng cảnh báo sớm cho cộng đồng như nhóm bác sĩ Lý Văn Lượng đều bị bắt giam. Mãi đến giữa tháng 1, 2020 Trung Quốc mới phát đi thông tin một dịch bệnh đang lan rộng tại Hồ Bắc và Vũ Hán bị cách ly không lâu sau đó. Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc đã làm dịch bệnh lan rộng mất kiểm soát, người Trung Quốc mang mầm bệnh đi khắp toàn cầu và nhân loại mất đi 2 tháng quý giá.


Để so sánh, ngày 19 tháng 5 năm 2018 các bác sĩ Ấn Độ đã phát hiện sự bùng phát của virus nguy hiểm Nipah vốn có tỷ lệ gây tử vong hơn 40% tại vùng Kerala. Khi được thông báo, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Ấn Độ cùng chính quyền trung ương lẫn địa phương đã lập tức vào cuộc. Kết quả chỉ sau 10 ngày họ đã kiểm soát được tình hình. Sự minh bạch của Ấn Độ đã cứu nguy kịp thời cho người dân nước họ, trong 19 người nhiễm thì đã có đến 17 người tử vong. Đánh giá về việc này, giáo sư Daniel R. Lucey của đại học Georgetown đã nói rằng "Mọi việc đã có thể tồi tệ hơn rất nhiều".

Khi có khủng hoảng, người ta có xu hướng so sánh phản ứng của các quốc gia mà quên mất rằng sự chuẩn bị trước khủng hoảng đóng vai trò then chốt. Để có được sự chuẩn bị này thì cần một thời gian dài tích luỹ nguồn lực phát triển trong đó thể chế tự do hơn hẳn thể chế tập quyền nhờ kích thích được tiềm lực của nhiều tầng lớp xã hội. Không những thế, ngay cả khi bị buộc phải áp dụng những biện pháp cứng rắn tương đương thì xã hội dân chủ cũng tỏ ra bền vững hơn nhiều xã hội của một nhà nước độc tài.

Đều là phong toả cách ly, đều là quá tải y tế nhưng tình hình của Vũ Hán và Lombardy là khác hẳn nhau. Liên tục xuất hiện những đoạn video clip quay lại cảnh người dân Ý cùng ra đứng ở ban công hát với nhau, động viên nhau trong mùa dịch. Cũng không có một lực lượng chính quyền nào ép buộc dân chúng đi cách ly hay ở yên một chỗ, thậm chí dùng vật nặng chặn cửa ra vào như tại Vũ Hán. Sở dĩ một xã hội dân chủ làm được điều đó vì người dân có lòng tin vào những người được bầu lên từ lá phiếu của họ, điều không xuất hiện ở thể chế độc tài.

So sánh hệ thống y tế của 4 nước dân chủ Châu Âu

Mở rộng vấn đề. Ngay cả khi cùng áp dụng thể chế dân chủ thì sự can thiệp quá nhiều của chính phủ vào một lĩnh vực cũng là không tốt vì sẽ kiềm hãm thị trường tự do.

So sánh hệ thống y tế của 4 nước dân chủ Châu Âu là Anh, Ý, Pháp, Đức sẽ cho ta một bài học thú vị. Trong khi Anh và Ý chỉ có lần lượt 2,8 và 3,4 giường bệnh trên 1000 người, thì con số này ở Pháp và Đức là 6,5 và 8,3, có nghĩa là Pháp và Đức có chiều sâu hệ thống y tế hơn hẳn Anh và Ý. Nếu xảy ra bùng dịch với quy mô tương đương thì chắc chắn Anh và Ý sẽ quá tải y tế trước Pháp và Đức.

Sở dĩ có sự khác biệt này là vì Pháp và Đức chủ trương chia sẻ lĩnh vực y tế cho thị trường tự do, còn Anh và Ý thì muốn can thiệp sâu hơn vào Y tế thông qua các tổ chức của chính phủ. Ở Anh tổ chức này là National Health Service (NHS) còn Ý có Servizio Sanitario Nazionale (SSN), 79% chi tiêu cho lĩnh vực y tế ở Anh đến từ chính phủ, con số này ở Ý là 74%. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức được đánh giá là một ví dụ về việc các công ty bảo hiểm và bệnh viện công và tư không chỉ có thể cùng tồn tại, mà còn bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện tốt hơn lời hứa về chăm sóc sức khỏe toàn dân. Pháp áp dụng mô hình tương tự sớm hơn người Đức và từng được WHO đánh giá là quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thế giới.

Như vậy, trong cùng khí hậu ôn đới, thì các nhà nước dân chủ chống dịch tốt hơn nhà nước độc tài. Khó khăn hiện tại của các nước Châu Âu có phần không nhỏ đến từ điều kiện khí hậu và địa lý tự nhiên.

Không những thế, đối với các nước Châu Âu thì bản thân tập quyền nhiều hơn hay phân quyền nhiều hơn trong cùng một lĩnh vực cũng tạo ra sự khác biệt lớn. Tập quyền toàn trị như Trung Quốc thì khi xuất hiện khủng hoảng còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ra thảm hoạ nhân đạo như tại Vũ Hán hay Thiên An Môn trước đây. Một nhà nước tập quyền khác là Liên Xô cũng đã gây nên một thảm hoạ tương tự bằng việc bưng bít thông tin.

Trong sự kiện Chernobyl, mãi đến khi Thuỵ Điển phát hiện ra nồng độ cao bất thường của chất phóng xạ trong khu vực thì Liên Xô mới công bố tai nạn hạt nhân và di tản dân chúng, hàng ngàn dân thường đã chết vì nhiễm phóng xạ.

Trường hợp Việt Nam

Ở trường hợp Việt Nam, mặc dù đã có những cố gắng trong công tác phòng dịch thì Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều yếu điểm và sơ hở. Việc cho phép hàng trăm ngàn lượt người Trung Quốc nhập cảnh cũng như để lọt cả một ổ dịch trên chuyến bay VN0054 là một ví dụ.

Nói một cách công bằng thì việc để lọt những cá nhân có khả năng gây lây nhiễm diện rộng cho cộng đồng là không thể tránh khỏi và chắc chắn sẽ diễn ra không ít thì nhiều, không sớm thì muộn.

Rất may mắn là người Việt có một hàng rào phòng thủ thứ hai để bảo vệ mình là khí hậu tự nhiên. Châu Âu không có điều kiện ấy, kịch bản "sống chung với dịch" từ đó cũng thực tế hơn. Nhiều nhà khoa học phương Tây đã cảnh báo Corona Virus chủng mới hoàn toàn có khả năng trở thành một dịch bệnh theo mùa như dịch cúm, có nghĩa là không bao giờ chấm dứt và chỉ có thể bị kiềm chế mà thôi.

Người ta đã vội vàng chỉ trích nền dân chủ Tây Âu mà quên đi sự thật rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan mới là những nước đối phó tốt nhất với khủng khoảng lần này. Họ đều là những nước Châu Á nhưng biết học hỏi mô hình quản trị dân chủ Tây phương, biến đổi để phù hợp với đặc điểm riêng của quốc gia mình, dung hoà triết học phương Đông và phương Tây.

Điều quan trọng cuối cùng là một thể chế dân chủ luôn sẵn sàng thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Các nhà triết học phương Tây cho rằng sự tự do lớn nhất chính là tự do về lựa chọn. Công tác chống dịch của phương Tây rất cần sự tự giác của người dân là vì vậy. Các thể chế chính trị và kinh tế suy cho cùng là sự chọn lựa của xã hội, người Châu Âu đã chọn thể chế tự do và họ sẽ đối mặt với khủng hoảng bằng thể chế tự do.

Khủng hoảng lần này người phương Tây đã không tránh được sai lầm, nhưng đó là một bài học cho các nước dân chủ và chắc chắn họ sẽ còn nghiên cứu để hoàn thiện mô hình xã hội của mình đến rất lâu nữa.

Còn Việt Nam? Trước khi có thể bàn đến chuyện chúng ta sẽ học được điều gì hay chỉ trích nỗ lực sống chung với dịch của phương Tây, thì phải thành thật nói với nhau rằng cách phòng dịch hiện tại không cho phép nền kinh tế mỏng manh trụ được thêm bao lâu nữa.

------------------------------------
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.







No comments: