Nguyễn
Văn Tuấn
20/05/2020
Một
trong những đặc điểm nổi bật của giới quan chức và ngoại giao Tàu cộng là hành
vi thô lỗ và cách nói xấc xược trên trường quốc tế. Nhưng con rồng Tàu cộng lại
có vẻ yếu đuối và rất dễ bị 'tổn thương' khi bị các nước khác hồi đáp.
Tàu cộng (hay họ tự xưng
là quốc gia trung tâm) có tham vọng muốn làm một siêu cường trên trường quốc tế.
Họ dương oai diệu võ qua các hoạt động quân sự; họ cố gắng công bố thật nhiều
nghiên cứu khoa học để chứng tỏ rằng 'chúng tôi có thể làm như Mĩ'; họ dạy cho
các quan chức cách nói, ăn, mặc, và hành xử văn minh. Thế nhưng trong thực tế,
cộng đồng thế giới liên tục chứng kiến những hành vi cộc cằn, những phát biểu
thô lỗ, và những ngôn từ xấc xược. Những hành vi và ngôn ngữ đó chẳng giúp ích
gì cho Tàu trong nỗ lực muốn được ghi nhận như là một cường quốc văn minh trong
cộng đồng quốc tế.
Vài ngày trước, nhà cầm quyền Bắc Kinh đơn phương ra "lệnh cấm
đánh cá" ở Biển Đông, và phía Việt Nam lập tức phản đối theo cách nói quen
quen. Phản ứng trước phản đối của phía Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Trung cộng nói rằng Việt Nam "không có quyền bình luận về lệnh ngừng đánh
cá". Giới quan sát đều lắc đầu trước loại ngôn ngữ trịch thượng và hỗn
hào.
Ba tuần trước đây, khi Úc
đề nghị điều tra nguồn gốc của virus Vũ Hán, báo chí Tàu cộng tức tối tung ra
những câu chữ làm cho người Úc… cười ngất. Tờ Hoàn cầu Thời báo của
Đảng Cộng sản Tàu viết rằng nước Úc như là một cục kẹo cao su dính vào đế giày
của Tàu, và họ phải dùng viên đá để khử nó. Khi một viên chức Tàu cộng có quen
biết về nhiều nhân vật Úc được hỏi về cách ví von xúc phạm đó, anh ta trả lời một
cách tránh né rằng "Đó chỉ là một cách nói". Cách nói hỗn xược.
Đối với giới quan chức và
ngoại giao Tàu cộng, tính lịch thiệp hình như vắng bóng trong các bài nói chuyện
và ứng khẩu với cộng đồng quốc tế. Thật vậy, trong một chuyến viếng thăm Việt
Nam năm 2013, Yang Jiechi (Dương Khiết Trì), một quan chức ngoại giao Tàu cộng,
tuyên bố rằng mục tiêu của chuyến thăm của y là 'dạy dỗ' các đồng nghiệp ngoại
giao Việt Nam.
Phản ứng trước những lập
luận của Việt Nam về chủ quyền ở Biển Đông, Hoàn cầu Thời báo,
một cái loa cực đoan của Đảng Cộng sản Tàu từng có thời gọi Việt Nam là "đứa
con hoang". Cách ví von trịch thượng và xấc xược đó xảy ra giữa lúc có
sự căng thẳng nguy hiểm giữa Việt Nam và Tàu cộng trên Biển Đông. Đối với người
Việt Nam, cách ví von "đứa con hoang" không chỉ xúc phạm, mà còn gợi
lên kí ức về một mối quan hệ đầy 'độc chất' giữa Việt Nam và Tàu suốt 1000 năm.
Điều thú vị là một quốc
gia muốn trở thành "siêu cường", nhưng khi đổi vị thế thì con rồng
Tàu tỏ ra rất ư là yếu đuối và dễ bị tổn thương. Vài năm trước, một blogger người
Tàu tên là Fang Kecheng thuộc Đại học Bắc Kinh, chịu khó làm một thống kê công
phu về số lần mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tàu cộng than phiền rằng họ bị tổn
thương hay "cảm thấy bị tổn thương". Theo phân tích của Fang, Tàu bị
tổn thương ít nhứt là 140 lần, và 'thủ phạm' là 42 quốc gia. Các quốc gia làm
Tàu tổn thương có cả Iceland và Guatemala.
Thường, một phát biểu
tiêu biểu như "Sự việc hay sự kiện can thiệp vào nội tình của Tàu một
cách nghiêm trọng, làm tổn thương đến người Tàu, và gây tổn hại đến mối quan hệ
chánh trị/ngoại giao giữa hai nước." Nhà ngôn ngữ học Victor Mair (thuộc
Đại học Pennsylvania, Mĩ), trên trang blog "The Language Log", đã thử
làm nghiên cứu về "sự tổn thương đến người Tàu" dùng Google. Mair ước
tính rằng tính đến 2011 người Tàu đã bị tổn thương 17,000 lần. Trong cùng thời
gian, nước láng giềng Nhật Bản cho rằng người Nhật bị tổn thương 178 lần. Nước
thứ ba là Mĩ, với 5 lần bị tổn thương. Cả hai minh tinh màn bạc Brad Pitt và
phu nhân là Angelina Jolie cũng từng bị tố là làm tổn thương đến người Tàu nhiều
lần qua các bộ phim về người Tây Tạng.
Ngược lại, Tàu cộng dùng
những ngôn ngữ vô giáo dục đối với hàng loạt quốc gia, kể cả Việt Nam, thì các
quốc gia này không thấy than phiền là bị tổn thương.
Tháng 12 năm ngoái, viên
Bộ trưởng Ngoại giao Tàu là Wang Yi (Vương Nghị) có những phát biểu phê phán Úc
trong một buổi truyền hình trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop.
Một quan chức cao cấp trong phái bộ ngoại giao nước ngoài cho biết trong sự
nghiệp 30 năm trong ngành ngoại giao, ông chưa bao thấy một bài phát biểu hỗn
xược như thế.
Tháng 7/2011, các quan chức
ngoại giao Phi Luật Tân phải tẩy chay một viên chức ngoại giao cao cấp của Tàu.
Lí do là viên chức này có những hành vi khiếm nhã không thể chấp nhận được. Một
công văn của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân mô tả viên chức ngoại giao Tàu là không
xứng đáng một nhà ngoại giao.
Trong hồi kí của cựu ngoại
trưởng Mĩ, Hillary Clinton, bà tiết lộ rằng năm 2010 trong Diễn đàn ASEAN tại
Hà Nội, viên Bộ trưởng Ngoại giao Tàu lúc đó là Dương Khiết Trì tỏ ra mất bình
tĩnh và đã lải nhải độc thoại suốt 30 phút! Họ Dương than phiền rằng các nước
ASEAN đã làm phức tạp tình hình ở Biển Đông, nhưng không nói gì về những động
thái hung hãn của hải quân Tàu cộng. Có lúc, Dương tuyên bố rằng "Tàu
là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ, và đó là sự thật". Chỉ
có điều sự thật đó chẳng dính dáng gì đến vấn đề đang thảo luận. Lớn xác nhưng
không chịu trưởng thành.
Những hành vi xấc láo của
giới quan chức Tàu chẳng còn là bí mật, vì nó bàng bạc trong các diễn đàn ngoại
giao quốc tế. Đầu tháng 6/2014, tại Diễn đàn Shangri-La (Singapore), cả thế giới
chứng kiến sự thô lỗ của một viên tướng Tàu khi y hồi đáp bình luận của Bộ trưởng
Quốc phòng Mĩ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinto Abe.
Bộ trưởng Hagel liệt kê một
số va chạm nguy hiểm trên Biển Đông và cảnh báo Tàu cộng rằng không nên có những
hành động làm bất ổn tình hình trong vùng. Thủ tướng Abe thì nói về sự hung hãn
của Tàu cộng trên Biển Đông, và khuyên các nước nên tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong bài hồi đáp, Trung tướng Wang Guanzhong (Vương Quán Trung), Phó Tổng tham
mưu trưởng quân đội Tàu, nói rằng những bình luận của Hagel và Abe là “không thể
tưởng tượng được.” Viên tướng này không cảm thấy thoải mái trước sự thật.
Thật ra, loại ngôn ngữ xấc
xược của Tàu cộng trong ngoại giao không phải là cái gì quá mới. Tài liệu sử học
từ thế kỉ 15 cho thấy các hoàng đế Trung Hoa từng dùng loại ngôn ngữ đó để đe
doạ các nước láng giềng mà họ xem là "man di". Cách viết của họ thường
ngắn và thẳng thừng, và kho tàng ngữ vựng ngoại giao của họ có rất nhiều chữ
khiếm nhã và lưu manh.
"Trung Hoa
là một nước lớn" – đó là một trong những câu nói tâm đắc của các hoàng
đế Trung Hoa. Rõ ràng, cách nói đó và suy nghĩ đó được truyền nhiễm cho đến
ngày nay. Ngôn ngữ và văn hoá mang tính 'di truyền'. Do đó, có lẽ chúng ta
không ngạc nhiên khi thấy giới quan chức cộng sản Tàu ngày nay dùng mệnh đề
"Tàu là một nước lớn".
Trong thế giới lí tưởng,
người ta kì vọng giới ngoại giao hành xử văn minh, với những hành vi nho nhã và
nói năng lịch thiệp. Không ai nghĩ nhà ngoại giao hành xử như kẻ du côn, hành
vi xấc xược, hay dùng thứ ngôn ngữ trịch thượng. Tuy nhiên, cái lí tưởng đó có
vẻ quá xa xỉ đối với các quan chức Tàu cộng.
Mà, cũng chẳng riêng gì
giới quan chức, ngay cả thường dân như du khách Tàu cũng có những biểu hiện lưu
manh và kém văn minh, khi họ đi du lịch ở nước ngoài. Người dân các nước như Việt
Nam, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Hồng Kông, Úc, Mĩ, Âu châu, v.v. đều ngán ngẩm
trước những hành vi 'lạ lùng' của giới du khách Tàu. Ngay cả nhà cầm quyền Tàu
cũng biết điều này, và họ có hẳn những cẩm nang chỉ dạy cho dân họ cách hành xử
văn minh khi ra nước ngoài. Nhưng trong thực tế, du khách Tàu chỉ làm tổn hại đến
nước họ mà thôi. Tương tự, những câu chữ xấc xược – bất kể trong hoàn cảnh nào
– thốt ra bởi các quan chức Tàu cộng trong các diễn đàn quốc tế rất có ích
trong việc tạo nên một hình ảnh xấu xa của Tàu. Không nói ra thì ai cũng biết
những hành vi và ngôn ngữ thô lỗ của giới ngoại giao Tàu cộng chẳng giúp gì cho
ước vọng trở thành một cường quốc văn minh.
Chú thích: Một phần lớn nội dung bài viết này đã đăng trên Asia
Sentinel dưới tựa đề "China’s 'New' Language of Diplomacy"
của cùng tác giả.
No comments:
Post a Comment