Monday, May 11, 2020

TA CẦN LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ THẾ GIỚI THỜI HẬU COVID-19? (Chloe Berge - BBC Travel)




Chloe Berge
BBC Travel
11/05/2020

Là phóng viên mảng du lịch và quan tâm sâu sắc đến tương lai của hành tinh chúng ta, tình cảnh giằng xé về mặt đạo đức khi sử dụng phương tiện đi lại là giao thông hàng không là điều mà tôi liên tục cảm thấy lấn cấn.

Tôi đã giảm số lượng chuyến bay, mua phần bù carbon khi đi du lịch và tập trung các chủ đề bài viết và những câu chuyện cho phép tôi có thể tìm cách giải quyết vấn đề bảo tồn bất cứ khi nào có thể. Nhưng hiệu ứng tích cực của các biện pháp trên khó mà đo đếm được.

Có một điều hiển nhiên là khi cả thế giới ở nhà, hành tinh đã được hưởng lợi.

Không có gì hay ho với virus corona, nhưng với lệnh cấm dịch chuyển nếu không cần thiết và với việc một số quốc gia phong tỏa hoàn toàn, chúng ta nay đang chứng kiến những gì xảy ra với Trái Đất khi con người lần đầu tiên hầu như vắng bóng.

Hình ảnh vệ tinh do NASA và Cơ quan Không gian Châu Âu cho thấy khí thải nitrogen dioxide (NO2 - vốn phần lớn sinh ra do quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch) giảm từ tháng Một đến tháng Hai tại Trung Quốc, do tình trạng kinh tế giảm tốc trong thời gian cách ly.

Phát hiện từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho thấy lượng phát thải CO2 của Trung Quốc (cũng đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch) đã giảm 25% nhờ vào việc nước này áp dụng các biện pháp để kiểm soát bệnh dịch virus corona.

Trong thời gian Ý cách ly, dữ liệu vệ tinh tương tự cũng cho thấy lượng phát thải NO2 giảm ở khu vực phía bắc quốc gia này, và các dòng kênh ở Venice có vẻ như trong lành hơn vì số lượng thuyền cho du khách sụt giảm nhiều (tuy nhiên thì người yêu động vật sẽ cảm thấy khá là thất vọng khi biết rằng những bức ảnh chụp cảnh cá heo vui đùa trên dòng kênh thực ra được chụp cách đó gần 800km ở Sardinia).

Ở Ấn Độ, lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ngày 22/3 đã dẫn đến mức ô nhiễm khí thải NO2 trung bình hạ xuống thấp nhất từng được ghi nhận vào mùa xuân, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA).

Và khi Bắc Mỹ (một trong những nguồn phát thải chính của thế giới) bước vào tình trạng sụt giảm đáng kể về kinh tế, có vẻ như ta cũng sẽ thấy hiệu ứng tương tự ở nơi này.

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu không phải câu trả lời cho cách giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng hiện tượng này cho ta một lý do để nhìn lại tác động từ hành vi của con người gây ra cho hành tinh - trong đó có cả cách ta đi du lịch.

Lệnh cấm đi lại nếu không cần thiết nghĩa là các hãng hàng không phải cho máy bay nằm đậu tại sân bay, cắt giảm cực nhiều các chuyến bay hoặc tạm ngưng hoạt động hoàn toàn.

Dù dữ liệu về tác động môi trường của riêng hoạt động hàng không bị cắt giảm ra sao vẫn chưa được công bố, nhưng ta biết có vẻ như là điều này gây ra tác động đáng kể.

Một nghiên cứu năm 2017 do các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu về Sự Bền vững thuộc Đại học Lund, Thụy Điển (LUCSUS) kết hợp với Đại học British Columbia thực hiện cho thấy có ba lựa chọn cá nhân mà ta có thể đưa ra để nhanh chóng cắt giảm rất nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính: đó là giảm đi lại bằng đường hàng không, bằng xe hơi, và giảm ăn thịt.

Khí thải từ những chuyến bay

Một nghiên cứu năm 2018 xuất bản trên tạp chí Nature Climate Change (Thiên nhiên biến đổi khí hậu) cho thấy khí thải từ ngành du lịch chiếm đến 8% tổng khí thải toàn cầu, trong đó các chuyến bay chiếm phần lớn nhất.

"Đến nay, hành động lớn nhất mà ta có thể làm là ngừng bay hoặc bay ít đi," Kimberly Nicholas, nhà khoa học nghiên cứu về bền vững tại LUCSUS, nói.

"Một chuyến bay khứ hồi từ New York đến London tương đương với hai năm ăn thịt [nếu tính mức xả khí carbon trung bình cho từng cá nhân]."

Trước những con số thống kê gây giật mình này, cùng với dấu hiệu rõ nét của việc môi trường hồi phục mà ta chứng kiến khi thế giới ở nhà để tránh Đại dịch Covid-19, thì câu hỏi cần được nêu ra là: Khi nào ta sẽ du lịch trở lại, và liệu ta có nên làm vậy?

"Không cách nào có được khí hậu an toàn và kế hoạch kinh doanh như bình thường đi kèm với ngành công nghiệp hàng không," Nicholas nhận định.

Nếu ta muốn đạt được mục tiêu đã đặt ra trong Thỏa Thuận Paris về việc đến năm 2030 có thể giới hạn mức Trái Đất nóng 1,5 độ C cao hơn so với mức nhiệt độ thời tiền công nghiệp, ta cần thực hiện những thay đổi đáng kể về cách đi lại.

Một phần trong việc này phải đến từ nội bộ ngành hàng không và vận tải.

Một số hãng hàng không đã có tiến triển trong nghiên cứu tìm ra các sáng kiến như năng lượng sinh học và máy bay vận hành bằng điện.

"Vẫn còn có rất nhiều tiềm năng trong việc tiết kiệm nhiên liệu nhờ việc thiết kế lại máy bay sao cho hiệu dụng hơn," Colin Murphy, phó giám đốc Học viện Chính sách Năng lượng, Môi trường và Kinh tế thuộc Đại học California, Davis, cho biết.

"Nếu bạn sử dụng dầu thải, năng lượng sinh học có thể giảm đến 60% khí hiệu ứng nhà kính so với loại xăng thông thường," ông nói thêm.

Tuy nhiên, diện tích đất đai cần có để trồng các loại cây làm nguồn nhiên liệu sinh học - hay nhiên liệu tái tạo từ các nguyên liệu hữu cơ - cũng là một vấn đề.

Và dù tiềm năng về máy bay vận hành bằng điện là có, thì Murphy lưu ý rằng công nghệ về pin vẫn còn giới hạn, và điều đó có nghĩa là đây sẽ không bao giờ có thể là giải pháp vững vàng cho các chuyến bay đường dài.

Thậm chí nếu ta có thành công với những phát kiến công nghệ này, ta vẫn cần phải thay đổi cách đi du lịch với tư cách từng cá nhân.

Khi hành tinh có vẻ như thở phào như bây giờ, ta cũng có được cơ hội để tự nhìn lại mình. Đại dịch virus corona đã buộc ta phải xem lại cách mà mọi người, hệ thống và các tổ chức kết nối ra sao với nhau trong thế giới này.

Dù rằng sự phát hiện này có tính hủy diệt khi virus đã lan nhanh khắp toàn cầu, thì nó cũng cho thấy ta có thể làm gì để đoàn kết và hành động cùng nhau vì lợi ích chung. Ta đã thực hiện giãn cách xã hội để bảo vệ người già và những người có hệ miễn dịch yếu; ta đã ca ngợi những nhân viên y tế từ ban-công nhà mình, và đã chia sẻ thông điệp #ởnhà trên mạng xã hội.

Góp phần bảo vệ

Khi dịch Covid-19 lùi xa, ta sẽ cần phải một lần nữa nhìn xa hơn ngoài bản thân mình và thực hiện những hành động riêng vì sự tốt đẹp của hành tinh.

Chỉ vì virus corona buộc cuộc sống chậm lại, ta nên xem xét cách tiếp cận thấu đáo và chậm rãi hơn với việc đi du lịch.

Sẽ có sự kết nối chân thật với một vùng đất khi ta dành thời gian để hiểu người dân địa phương, văn hóa và vẻ đẹp tự nhiên theo cách đầy ý nghĩa.

Điều này không thể nào đạt được với những hành trình hời hợt từ điểm đến này tới điểm đến khác, hoặc nhảy cóc qua nhiều quốc gia trong hai tuần.

Điều này có nghĩa là ta có thể thực hiện một chuyến đi dài mỗi năm, thay vì đi năm hay sáu chuyến ngắn, và nguyên việc đó đã giúp làm giảm đáng kể dấu vết carbon ta gây ra.

Du lịch quá mức chỉ là một hình thức khác của tiêu dùng quá mức," Shannon Stowell, CEO của Tổ chức Thương mại Du lịch Mạo hiểm và là một người ủng hộ cho du lịch bền vững, nói.

"Tôi thấy ổn khi số lượng du khách nói chung giảm đi còn chất lượng du lịch tăng lên. Đó là khi mà mọi người có thể hiểu kỹ hơn về nơi họ đến thăm và tạo tác động tích cực đến nơi đó, thay vì có những đám đông quá mức đổ dồn tới, gây ô nhiễm và khiến cho môi trường sống của động vật hoang dã dần mất đi - tất cả đều là tác hại của tình trạng du lịch quá mức," ông nói thêm.

Ta cũng có thể làm giảm nhẹ một số gánh nặng môi trường vì du lịch, chỉ bằng cách đơn giản là thực hiện các chuyến du lịch tại chỗ.

"Đây thực ra là tác động lớn nhất mà ta có thể có," Nicholas nhận định. "Tôi từng là người thường xuyên bay, nhưng tôi đã tìm ra cách khác để có được sự mới mẻ và phiêu lưu. Cơ bản là ta có thể đi chậm lại, đi du lịch chậm lại để làm giàu cho bản thân." Đây có thể giống như tận hưởng bãi biển gần nhà thay vì ở bãi biển tại Mexico và tiết kiệm phần ngân sách carbon của bạn cho một chuyến đi ý nghĩa hơn.

Khi ta bay, ta có thể mua phần bù carbon. "Phần bù carbon có tác dụng hỗ trợ và chúng hoàn toàn có thể giúp thay đổi đáng kể tình thế," Murphy chia sẻ.

Chúng không thực sự tốt như việc thực sự giảm phát thải từ du lịch, do vậy với việc mua phần bù carbon thì bạn không hoàn toàn đảo ngược tình thế đối với những thiệt hại đã xảy ra, nhưng chúng hữu ích.

Khi cố gắng quyết định xem nên mua phần bù nào, thì quan trọng nhất là nên đóng góp cho một dự án mới, nghĩa là dự án đó chưa từng tồn tại trước đây. Vì vậy, khi bạn đóng góp cho một mục tiêu bảo vệ đất đang bị phá rừng, thì hãy chắc chắn rằng mảnh đất được nêu chưa từng được bảo vệ trước đó.

Cách ta bay cũng quan trọng. Hạng thương gia với phần ghế ngồi rộng hơn thật hấp dẫn, và khi mua vé hạng này bạn cũng tăng dấu vết carbon vì điều này có nghĩa là có ít hành khách trên mỗi chuyến bay hơn.

"Bạn càng bị ngồi nhồi nhét bao nhiêu, thì lượng phát thải trong vai trò hành khách tính trên dặm bay sẽ giảm xuống thấp đi bấy nhiêu," Murphy giải thích.

"Ở cấp độ chính sách, ta cần được công khai minh bạch về tác động môi trường mà mỗi lựa chọn của ta gây ra, và ta cần cái giá để có thể kết nối với những tác động này," Austin Brown, giám đốc điều hành Học viện Chính sách tại Đại học UC Davis nói. "Ví dụ như hãy tăng giá vé hạng nhất lên cao hơn." (Giá vé hạng nhất thường được dùng để phụ cấp cho các vé hạng phổ thông tiết kiệm giá rẻ, để giảm chi phí chung của hành trình và giúp nhiều người có thể bay hơn.)

Khi ta đến điểm du lịch, ta cần giảm dấu vết carbon bằng cách tôn trọng văn hóa và môi trường địa phương.

Đi du lịch theo cách có trách nhiệm

"Khi bạn đi du lịch đến một nơi mới, bạn là khách đến nhà họ," Stowell chia sẻ. Một phần của việc đạt được điều này là chọn lựa nơi lưu trú và các hoạt động bền vững, và phương tiện vận tải xanh để khám phá nơi bạn đến thăm.

Điều này có thể cần đến sự phối hợp với một nhà tổ chức chương trình du lịch bền vững tại địa phương, người quen thuộc với bối cảnh du lịch, mà đây cũng là cách đáp lại với nền kinh tế của dân địa phương.

Để tránh những doanh nghiệp du lịch giả vờ thân thiện với môi trường, người đi du lịch nên tìm đến các công ty tổ chức chương trình du lịch với kế hoạch bền vững rõ ràng.

"Nếu bạn vào trang web một công ty và thấy có chương trình du lịch bền vững, và sau đó bạn thấy báo cáo tác động trong 12 hay 48 tháng sau đó, bạn biết họ đã bỏ tiền vào đúng chỗ họ nói," Shannon Guihan nói. Ông là người phụ trách về vấn đề phát triển bền vững tại công ty The Travel Corporation và nhánh du lịch bền vững phi lợi nhuận của công ty, TreadRight, vốn đã phát triển một danh sách giúp người đi du lịch thực hiện thói quen thân thiện với môi trường và chú ý hơn trước mỗi chọn lựa.

"Ta vẫn cần phải đi du lịch," Guihan chia sẻ. "Du lịch là môt trong những ngành tạo việc làm lớn nhất trên thế giới, và còn có điểm đến khắp nơi trên thế giới lệ thuộc vào du lịch và du khách để có thể tồn tại."

Bên ngoài nền kinh tế du lịch toàn cầu, du lịch có tiềm năng tạo ra ích lợi cho tất cả chúng ta.

Khi ta đi theo cách có ý nghĩa, ta thấu hiểu các nền văn hóa giao thoa và phát triển sự cảm thông sâu sắc với những người sống bên ngoài vòng quen biết của mình.

Du lịch cho ta cái nhìn toàn cầu, thứ mà ta sẽ cần đến để biết chăm sóc tương lai cho mái nhà ta ở trên Trái Đất này.

Trong suốt sự nghiệp làm báo của mình, tôi đã chia sẻ tách trà bạc hà với người du mục Ả Rập giữa sa mạc ở Jordan, đã nhìn vào ánh mắt con khỉ đột núi giữa rừng xanh Rwanda và theo dấu chân hổ dưới ánh mặt trời chói lọi với nhà tự nhiên học người địa phương ở Ấn Độ.

Những trải nghiệm đó đã khiến tôi có lòng trân trọng sâu sắc với thế giới tuyệt đẹp, bất tận, đa dạng và vĩ đại mà ta đang sống, và tôi khao khát bảo vệ nó.

Tạm thời ta không được phép đi dạo nữa, và chưa bao giờ cảm thấy điều này xa xỉ đến vậy.

"Cuộc khủng hoảng này có thể cho ta cơ hội để thấm nhuần một tâm lý du lịch mới," Stowell nhận định. "Du lịch là một đặc ân, không phải là quyền."

Tôi không thể tưởng tượng một thế giới không có du lịch, nhưng giờ tôi biết rằng nếu ta không thay đổi cách đi du lịch, thì sẽ chẳng còn hành tinh nào nữa cho ta khám phá.

-----------------
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.




No comments: