Franklin
Foer - Atlantic
Dịch giả: Nguyễn
Trung Kiên
18/05/2020
Jack Cable ngồi xuống bàn
làm việc trong phòng ký túc xá chật chội của mình để trở thành người trưởng
thành đối với nền dân chủ Hoa Kỳ. Anh là một thanh niên bình thường, với mái
tóc nâu được cắt tỉa gọn gàng và cặp mắt kính dày, vừa mới nhập học tại
Stanford – học kỳ đầu tiên của cuộc đời xa nhà – và các cuộc bầu cử [Quốc hội]
giữa nhiệm kỳ của năm 2018 sẽ diễn ra chỉ trong chưa đầy hai tháng nữa. Anh cảm
thấy thật sự hồi hộp trước viễn cảnh của cuộc bỏ phiếu. Nhưng trước khi có thể
bỏ phiếu vắng mặt, anh cần phải đăng ký với Hội đồng bầu cử ở quê nhà Chicago.
Ảnh Jack Cable chụp
ở Chicago hồi tháng 4/2020, sinh viên đại học Stanford phát hiện ra rằng các lỗ
hổng nguy hiểm trong cơ sở hạ tầng bầu cử ở Illinois, đã không được sửa chữa
sau năm 2016. Nguồn: David Kasnic/ Atlantic
Khi Cable cố gắng hoàn
thành các biểu mẫu điện tử, đột nhiên anh nhìn chằm chằm vào một thông báo lỗi
trên trình duyệt của mình. Nhấp lại vào tài khoản đăng ký ban đầu của mình, anh
nhận ra rằng, mình đã vô tình gõ thừa một dấu ngoặc kép trong địa chỉ nhà mình.
Việc một tổ hợp phím duy nhất đã khiến bản đăng ký bị cắt ngắn khiến Cable cảm
thấy sợ hãi.
Mặc dù còn rất trẻ, nhưng
Cable đã nổi tiếng trên toàn cầu với tư cách là một tin tặc đầy tài năng – hay
“một tin tặc có đạo đức”, vì anh có xu hướng để lộ danh tính. Khi còn là học
sinh trung học, anh đã bắt đầu tham gia vào các cuộc vá lỗi để kiếm phần thưởng
– các cuộc thi trong đó các công ty như Google và Uber công khai mời gọi các cuộc
tấn công vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của họ để họ có thể xác định và vá các lỗ
hổng trước khi các tin tặc đen tối có thể khai thác chúng. Cable – người kiên
trì phi thường, có sở trường tìm kiếm những lỗ hổng này. Anh đã kiếm đủ giải
thưởng bằng tiền mặt từ tiền thưởng trong các lần vá lỗi để trang trải chi phí
cho bốn năm học tại Stanford.
Cable nhận ra thông báo lỗi
trên trang web của Ủy ban bầu cử Chicago là một dấu hiệu rõ ràng về lỗ hổng bảo
mật. Thông báo lỗi đó chỉ ra rằng, trang này dễ bị tấn công bởi những người có
ý định trục lợi, rằng họ có thể đọc và thậm chí có thể thay đổi cơ sở dữ liệu
liệt kê tên và địa chỉ của cử tri tại Chicago – thành phố lớn thứ ba Hoa Kỳ. Mặc
dù hiểu biết về kỹ thuật, Cable vẫn không biết làm thế nào để cảnh báo cho
chính quyền. Anh bắt đầu gửi những cảnh báo khẩn cấp về vấn đề này đến mọi địa
chỉ email chính thức mà anh có thể tìm thấy. Trong bảy tháng tiếp theo, anh đã
cố gắng liên lạc với Giám đốc Thông tin của thành phố, Văn phòng Thống đốc bang
Illinois, và Bộ An ninh Nội địa.
Trong khi chờ đợi ai đó
chú ý đến sự cấp báo của mình, Cable bắt đầu tự hỏi liệu phần còn lại của cơ sở
hạ tầng bầu cử của Hoa Kỳ có yếu kém như Chicago. Năm 2016, khi còn là học sinh
trung học, anh đã đọc về cách mà tình báo quân đội Nga (viết tắt là GRU) đã tấn
công trang web của Ủy ban bầu cử bang Illinois, chuyển dữ liệu cá nhân của hàng
chục nghìn cử tri về Moscow. GRU thậm chí đã truy cập sâu vào máy tính của một
công ty nhỏ ở Florida, vốn đã bán phần mềm cho các cơ quan phụ trách bầu cử tại
tám tiểu bang của Hoa Kỳ.
Vì tò mò, Cable đã kiểm
tra xem nhà nước của mình đã làm gì để tự bảo vệ mình trong những năm qua.
Trong vòng 15 phút sau khi hack vào trang web của Ban bầu cử, anh phát hiện ra
rằng những điểm yếu cũ của nó vẫn chưa được sửa chữa hoàn toàn. Đây là những lỗ
hổng cơ bản nhất trong an ninh mạng – vốn có thể ngăn chặn được với các kiến thức
về lập trình được dạy trong các lớp nhập môn về khoa học máy tính – và chúng vẫn
tồn tại, mặc dù những lỗ hổng tương tự đã được FBI và Bộ An ninh Nội địa xác định
và không được đề cập rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Người Nga có
thể đã dễ dàng đi qua cùng một lớp bảo mật như họ đã từng thực hiện trong năm
2016.
Giữa các giờ lên lớp,
Cable bắt đầu thực hiện các thử nghiệm trên phần còn lại của cơ sở hạ tầng điện
toán của hệ thống bầu cử quốc gia. Anh thấy rằng, một số bang hiện có hệ thống
phòng thủ rất chắc chắn, nhưng nhiều bang khác thì lại yếu ớt hệt như tại
Illinois. Nếu một thanh niên trong phòng ký túc xá – thậm chí một người có tài
năng đặc biệt – có thể tìm thấy những lỗ hổng này, thì chúng cũng sẽ không bị bỏ
qua bởi một nhóm tin tặc có kỷ luật, vốn đã mất nhiều năm nghiên cứu các mạng
này, một nhóm có đầy đủ nguồn lực của một quốc gia hùng mạnh là Nga, để có thể
làm mất uy tín cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ.
***
#DEMOCRACYRIP (Vĩnh biệt nền dân chủ Hoa Kỳ) vừa là một
hashtag, vừa là một kế hoạch. Người Nga từng mong đợi Hillary Clinton thất cử,
và đã chuẩn bị để có thể ngay lập tức tuyên bố kết quả bầu cử là một sự gian lận
[nếu Hillary thắng cử: ND]. Đại sứ quán Nga ở Washington đã từng cố gắng thuyết
phục các quan chức Hoa Kỳ cho phép mình hoạt động như một quan sát viên tại các
điểm bỏ phiếu. Một chiến dịch viết các dòng tweet trên Twitter nhằm cáo buộc những
bất thường trong việc bỏ phiếu đã được tiến hành. Các nhà ngoại giao Nga đã sẵn
sàng công khai tố cáo kết quả bầu cử là bất hợp pháp. Tất nhiên, các sự kiện
trong năm 2016 đã đi theo hướng khác. Tuy nhiên, hashtag đáng để suy ngẫm trong
giây lát, bởi vì, mặc dù đã thất bại so với mục tiêu sử dụng ban đầu, nó vẫn là
một chủ đề thích hợp cho một nhiệm vụ vẫn đang diễn ra.
Sự can thiệp của Nga vào
cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua là một trong những hiện tượng được nghiên
cứu kỹ lưỡng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đương đại, vốn đã được xét xử bởi Luật
sư Đặc biệt Robert Mueller và các bên nguyên của ông, bởi các nhà điều tra làm
việc cho các ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ, bởi các nhóm trong các tập đoàn
Facebook và Twitter, và bởi hầu như tất cả các think-tank. Tuy nhiên, nó có thể
nhầm lẫn một tình tiết – sự thao túng của cuộc bầu cử [tổng thống Hoa Kỳ] năm
2016 – với toàn bộ câu chuyện.
Các sự kiện ở Hoa Kỳ đã
diễn ra thuận lợi hơn bất kỳ điệp viên nào ở Moscow có thể mơ ước: Không chỉ ứng
cử viên ưa thích của Nga giành chiến thắng, mà Trump thậm chỉ đã dành nhiệm kỳ
đầu tiên để hoàn thành tiềm năng mà Moscow nhận thấy: Làm mất uy tín của các thể
chế của Hoa Kỳ, xé nát các mạch ngầm của nền văn hóa Hoa Kỳ, và [tự] cô lập một
quốc gia vốn luôn tự cho rằng mình là một thành tố không thể thiếu đối với thế
giới tự do. Nhưng thay vì tự hào thưởng thức chiến thắng của mình, Nga gần như
ngay lập tức bắt đầu tái lập nó. Thúc đẩy chiến dịch tái tranh cử của Trump là
một chiến thuật; #DemocracyRIP vẫn là mục tiêu lớn hơn.
Ngay trong tuần sau khi
Donald Trump trúng cử, Nga đã sử dụng các tài khoản giả trên các phương tiện
truyền thông xã hội để tổ chức một cuộc biểu tình ở thành phố New York, nhằm ủng
hộ tổng thống đắc cử, và một cuộc biểu tình khác ở cũng New York để phỉ báng
ông. Các tin tặc tiếp tục cố gắng đột nhập vào các hệ thống bỏ phiếu của nhà nước;
các chú lùn Nga ranh mãnh với vẻ thân thiện tiếp tục khởi động các chiến dịch
truyền thông xã hội nhằm châm ngòi cho cuộc xung đột chủng tộc.
Thông qua các công ty
con, chính phủ Nga tiếp tục chuyển tiền mặt cho các kênh video lan truyền với
những cái tên như ‘In the Now’ và ‘ICYMI’, sau đó tấn công vào các độc giả cả
tin bằng những lập luận về Syria và CIA. Mùa đông này, người Nga thậm chí còn bảo
đảm thời gian phát sóng cho kênh Sputnik mang tính tuyên truyền [có hại cho Hoa
Kỳ: ND] trên ba đài phát thanh ở Kansas, tuyên truyền về thói đạo đức giả của
Hoa Kỳ ở tận sâu trong nội địa của đất nước.
Trong khi người Nga tiếp tục nỗ lực làm suy yếu nền dân chủ Hoa Kỳ, thì
Hoa Kỳ rồi cũng bắt đầu phản ứng một cách muộn màng. Trong toàn bộ chính quyền – ít nhất là chính
quyền liên bang, xuất hiện một cảm giác đầy hoang mang rằng nền dân chủ Hoa Kỳ
đòi hỏi các lớp phòng thủ mới. Các thượng nghị sĩ soạn thảo luật với các tiêu đề
hoành tráng; các quan chức đã đưa ra đề xuất thành lập những đơn vị và bộ phận
mới; việc thực thi pháp luật được giao cho các lực lượng đặc nhiệm. Tuy nhiên,
nhiều cảnh báo đã không được thực hiện, và những lô-cốt phòng phủ được xây dựng
lên dường như không đầy đủ.
Jack Cable là một dấu hiệu
nhỏ về cách chính phủ Hoa Kỳ đã đấu tranh để vượt qua người Nga. Sau khi anh
dành phần lớn thời gian của cả một học kỳ để liên tục lên tiếng cảnh báo, các
quan chức ở Chicago và Văn phòng Thống đốc, cuối cùng đã chú ý đến các cảnh báo
của anh và sửa chữa các trang web của họ.
Cable đã có thể có một
vai trò lớn hơn nữa trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng điện tử phục vụ cho việc bầu
cử tại Hoa Kỳ. Anh là thành viên của một nhóm tin tặc tại Stanford, và đã thu
hút sự chú ý của Alex Stamos, cựu giám đốc an ninh của Facebook, hiện đang giảng
dạy tại đây. Đầu năm nay, Stamos đã hỏi Bộ An ninh Nội địa rằng liệu ông có thể
tập hợp một nhóm sinh viên đại học, bao gồm Cable, để giúp Washington một tay
trong việc tìm kiếm lỗi. Stamos nói với tôi: “Nhóm này rất tài năng, nhưng
là tài năng chưa được tinh lọc”.
Bộ An ninh Nội địa, vốn ý
thức sâu sắc về [tính nghiêm trọng của] vấn đề hiện tại, nhưng lại bị hạn chế
nguồn lực để giải quyết nó, đã chấp nhận đề nghị của Stamos. Chưa đầy sáu tháng
trước ngày bầu cử, chính phủ sẽ cố gắng xác định điểm yếu nhất của nền dân chủ
bằng cách sử dụng các sinh viên đại học trong kỳ nghỉ hè.
Bất chấp những nỗ lực có
chủ ý như vậy, trạng thái dễ bị [tin tặc] tấn công của Hoa Kỳ đã trở nên nghiêm
trọng hơn, chứ không phải bớt nghiêm trọng đi, trong suốt bốn năm qua. Nền
chính trị của chúng ta thậm chí còn thô sơ và rạn nứt hơn so với năm 2016; niềm
tin của chúng ta vào chính quyền, và có lẽ, vào chính bản thân nền dân chủ,
ngày càng trở nên lung lay hơn. Đại dịch virus corona có thể làm trầm trọng
thêm các vấn đề này; ở mức tối thiểu, đại dịch đang thu hút sự chú ý và giành
nguồn lực cho các chiến lược phòng thủ cho mùa bầu cử tới.
Trong khi đó, Trump đã cho rằng sự can thiệp của Nga là một trò lừa bịp,
và sa thải hoặc đe dọa các quan chức tình báo, đồng thời bày tỏ sự thân thiện của
mình với chính người đã ra lệnh tấn công nền dân chủ Hoa Kỳ [Putin]. Fiona Hill, học giả vốn từng là chuyên gia
hàng đầu về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Trump, nói với tôi: “Việc
họ (chính quyền Trump) phải đối mặt với rất ít hậu quả cho
hành động của họ khiến họ có ít lý do để dừng lại [các hành động đó]”.
Người Nga đã học được nhiều
về những điểm yếu của Hoa Kỳ và cách khai thác những điểm yếu này. Vốn đã tiến
hành các cuộc thăm dò với quy mô lớn hơn nhiều so với hình dung của công chúng
đối với các hệ thống bỏ phiếu của Hoa Kỳ, giờ đây người Nga chắc chắn có khả
năng tạo ra nhiều lộn xộn hơn trong Ngày bầu cử và có thể không để lại các dấu
vết có thể phát hiện.
Sau khi đột nhập vào hộp
thư điện tử các nhà hoạt động chính trị Hoa Kỳ, bao gồm cả những người đang hoạt
động ở trong và ở ngoài nước Mỹ, người Nga đã đi tiên phong trong các kỹ thuật
mới để xâm nhập vào các chiến dịch tranh cử và phổ biến các thông tin bị đánh cắp.
Ngay cả khi truyền bá thông tin sai lệch, vốn nổi tiếng nhất và có lẽ được đánh
giá cao nhất về chiến thuật, người Nga đã đổi mới, tìm ra những cách thức mới để
thao túng người Mỹ và đầu độc nền chính trị Hoa Kỳ. Sự can thiệp của Nga vào
năm 2016 có thể được ghi nhớ là khúc dạo đầu thử nghiệm, đã báo trước cho cuộc
tấn công [vào kỳ bầu cử] năm 2020.
***
1. Hack phiếu bầu
Khi các công chức Ukraina
đến trụ sở làm việc vào sáng ngày 22 tháng 5 năm 2014, ba ngày trước cuộc bầu cử
tổng thống, họ phát hiện ra rằng các ổ cứng trong máy tính của họ đã bị hỏng.
Vài giờ trước đó, các tin tặc do Kremlin hậu thuẫn, đã giáng một đòn kỹ thuật số
nặng nề tới một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng dân chủ Ukraina – mạng lưới
thu thập các phiếu bầu từ khắp quốc gia. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ chế nhạo
nạn nhân của mình, đăng bức ảnh một phòng tắm đã bị chế cùng ảnh hộ chiếu của vợ
một ứng cử viên.
Dựa vào một hệ thống dự
phòng, người Ukraina đã có thể hồi sinh mạng lưới của họ. Nhưng vào đêm bầu cử,
các cuộc tấn công vẫn tiếp tục. Các tin tặc đã gửi cho các nhà báo Nga một liên
kết đến một biểu đồ mà chúng đã đăng lên trên trang web chính thức của Ủy ban bầu
cử trung ương Ukraina. Biểu đồ này cho thấy, một người theo chủ nghĩa dân tộc
cánh hữu đã chạy nước rút để dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống. Mặc dù công
chúng đã không thể truy cập vào biểu đồ này, truyền hình nhà nước Nga đã đưa ra
kết quả giả mạo trên một bản tin vốn thu hút rất nhiều người xem.
Nếu cuộc tấn công vào
Ukraina đại diện cho một cái gì đó giống như một cuộc chiến tranh kỹ thuật số
toàn diện, thì sự tấn công mạng của Nga vào hệ thống bầu cử điện tử của Hoa Kỳ
vào hai năm sau đó lại dễ dàng hệt như một tên trộm đột nhập vào nhà bằng cách
mở cửa ra vào. Người Nga có khả năng gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với những
gì họ đã làm – ít nhất là để biến ngày bầu cử thành một mớ hỗn độn, nhưng họ đã
không hành động như vậy, vì họ coi đó là một hoạt động không cần thiết hoặc
không đáng giá. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã thừa nhận rằng, họ không hoàn toàn
chắc chắn tại sao Nga lại không hành động gì [trong ngày bầu cử của Hoa Kỳ].
Một giả thuyết cho rằng
Barack Obama đã buộc Nga phải kiềm chế khi ông kéo Vladimir Putin lại một bên để
trao đổi riêng vào buổi họp cuối của Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu,
Trung Quốc, vào ngày 5 tháng 9 năm 2016. Khi chỉ còn lại các phiên dịch viên,
Obama đã đưa ra một lời khuyên cẩn thận không gây rối với sự liêm chính của cuộc
bầu cử. Có lẽ lúc đó, Obama đã không hình dung ra bất kỳ hậu quả cụ thể nào đối
việc [Putin sẽ] bỏ qua cảnh báo của mình.
Có lẽ cảnh báo đã được
chú ý. Tình báo quân đội Nga tiếp tục thăm dò các hệ thống bỏ phiếu trong suốt
tháng Mười, tuy nhiên, và có những lời giải thích khác, đáng ngại hơn, dành cho
sự kiềm chế rõ ràng của Nga. Michael Daniel, người từng là điều phối
viên về an ninh mạng trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Obama, nói với Ủy
ban Tình báo Thượng viện rằng, về bản chất, người Nga chỉ đang tập dượt. Họ
đang thu thập thông tin tình báo về các mạng kỹ thuật số được sử dụng trong các
cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và sắp xếp chúng lại thành một bản đồ để họ “có thể
quay lại sau đó và thực sự tiến hành một chiến dịch”.
Nga có thể thực hiện loại chiến dịch nào vào năm 2020? Không giống như Ukraina, Hoa Kỳ không có một
nút trung tâm mà nếu bị tấn công thì có thể vô hiệu hóa nền dân chủ Hoa Kỳ từ
trong cốt lõi. Thay vào đó, Hoa Kỳ có một loạt các mục tiêu nhỏ hơn nhưng vẫn đầy
hấp dẫn: Các nhà cung cấp thiết bị, vốn là các công ty hoạt động trong thị trường
ngách, bán thiết bị bỏ phiếu cho các tiểu bang và các hạt thuộc tiểu bang; các
nhân viên của các chính quyền địa phương đó, mỗi người có mật khẩu vốn có thể bị
đánh cắp; máy bỏ phiếu kết nối với Internet để truyền kết quả bầu cử [về
Washington, D.C.].
Matt Masterson là cố vấn cấp cao của Vụ An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng thuộc Bộ
An ninh Nội địa, một cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ các cuộc bầu cử khỏi sự
tấn công từ bên ngoài; đó là nơi mà Jack Cable sẽ làm việc vào mùa hè này. Tôi
đề nghị Masterson mô tả các kịch bản xấu khiến ông phải mất ngủ. Nỗi sợ hãi lớn
nhất của ông là một quan chức bầu cử có thể vô tình kích hoạt một phần của mã độc
tống tiền (ransomware). Đây là những đoạn mã độc hại mã hóa dữ liệu và các
file, về cơ bản là thay thế cho khóa an ninh của hệ thống; tiền sau đó được yêu
cầu để đổi lấy mã khóa. Năm 2017, Ukraina đã bị nhắm tới một lần nữa, lần này với
một phần mềm độc hại tương tự có tên là NotPetya. Nhưng thay vì tống tiền
Ukraina, Nga đã tìm cách làm tê liệt nó. NotPetya đã xóa sạch 10% máy tính của
Ukraina; nó vô hiệu hóa ATM, mạng điện thoại và hệ thống ngân hàng. (Hoa Kỳ nhận
thức rõ về khả năng của NotPetya, vì nó dựa vào một công cụ được tạo ra – và bị
đánh cắp từ – Cơ quan An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ). Nếu người Nga gắn một lỗi
như vậy vào cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri, họ có thể khiến toàn bộ cuộc bầu cử
qua mạng trở nên bất khả thi về mặt logic thuật toán; và vì thế, việc theo dõi
những người đã bỏ phiếu và nơi họ bầu chọn là không thể thực hiện được.
Nhưng Nga không cần phải
mạo hiểm với một cuộc tấn công tàn khốc đến vậy. Nó chỉ đơn giản là có thể can
thiệp với cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri, chứa đầy lỗ hổng tương tự như cơ sở dữ
liệu mà Cable tiếp xúc. Sự can thiệp như vậy có thể khiến các cử tri không thể
in thông tin của mình ra các lô giấy cuộn và sẽ gây ra những sự gián đoạn đáng
kể: Các tin tặc có thể thay đổi các con số trên địa chỉ, vì thế nên ảnh căn cước
của cử tri sẽ không khớp với hồ sơ chính thức. Khi người dân đến các điểm bầu cử,
họ vẫn có thể bỏ phiếu, nhưng chỉ là sự bỏ phiếu tạm thời. Sự nhầm lẫn và việc
bổ sung giấy tờ có thể khiến các cử tri phải xếp hàng dài để chờ đến lượt, và tạo
ra sự nghi ngờ về tính toàn vẹn của cuộc bỏ phiếu.
Với sự mong manh của nền
dân chủ Hoa Kỳ, ngay cả sự can thiệp nhỏ nhất, hoặc gợi ý về sự can thiệp, có
thể làm suy yếu niềm tin vào việc kiểm phiếu. Vào đêm bầu cử, người Nga có thể
thay thế một trang web khác đè lên trang web chính thức của Ủy ban bầu cử
Wisconsin, giả mạo cho thấy Trump với một vị trí dẫn đầu khá cách biệt. Các
quan chức chính phủ sẽ bị buộc phải tuyên bố đó là một trò lừa bịp. Hãy tưởng
tượng vị tổng thống mị dân bằng những dòng tweet trên Twitter có thể tranh thủ
khai thác sự nhầm lẫn này trong những ngày sau đó.
Những kịch bản như vậy phải
làm dấy lên sự đỏi hỏi phải cải cách hệ thống. Nhưng trong quá khứ, khi chính
phủ liên bang đã chỉ ra những lỗ hổng này và cố gắng bảo tìm cách vá chúng lại,
thì các tiểu bang nổi giận và phản đối. Vào tháng 8 năm 2016, Jeh Johnson, thư
ký về an ninh nội địa của Tổng thống Obama, đã tổ chức một hội nghị trực tuyến
với các công chức phụ trách bầu cử [tại các tiểu bang] và thông báo cho họ về sự
cần thiết phải bảo vệ cơ sở hạ tầng của hệ thống bầu cử điện tử quốc gia. Thay
vì chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của ông, họ nói với ông rằng: “Đây là trách
nhiệm của [các tiểu bang] chúng tôi và không nên có sự chi phối của liên bang đối
với hệ thống bầu cử [tại các tiểu bang]”
Sau cuộc bầu cử năm 2016,
chính phủ liên bang có thể đã mạnh tay hơn với các địa phương. Các hành động
can thiệp chưa từng có của nước ngoài có lẽ đã tạo ra sự quyết đoán này. Nhưng
điều đó đã không xảy ra. Tổng thống nhận thấy bất kỳ lời đề xuất nào về [nỗ lực
giảm thiểu] sự can thiệp của Nga là sự giảm bớt tính hợp hiến của chính ông. Điều
này đã góp phần hình thành nên thuyết âm mưu về sự im lặng [về nghi vấn đối với
sự can thiệp của Nga] liên quan đến các sự kiện trong cuộc bầu cử năm 2016.
Một năm sau cuộc bầu cử,
Bộ An ninh Nội địa nói với 21 tiểu bang rằng Nga đã cố gắng tấn công hệ thống bầu
cử của họ. Hai năm sau, một báo cáo của Thượng viện công khai tiết lộ rằng,
trên thực tế, Nga đã nhắm vào toàn bộ 50 tiểu bang. Khi đó, Bộ trưởng Bộ An
Ninh Nội địa, bà Kirstjen Nielsen, đã cố gắng nâng cao [tầm quan trọng của] vấn
đề an ninh bầu cử với tổng thống, khiến Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney
nói với bà rằng hãy tránh xa vấn đề này. Theo báo ‘New York Times’, Mulvaney
nói rằng đó không phải là một vấn đề lớn và Tổng thống không cần thiết phải
quan tâm.
Bầu không khí này đã bóp
nghẹt những gì có thể là một thành tựu thật sự của lưỡng đảng. Vấn để bỏ phiếu
luôn khiến đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chia rẽ. Đặc biệt kể từ quyết định [bầu
cho] Bush hay Al Gore vào năm 2000, Đảng Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa đàn áp
cuộc bỏ phiếu; Đảng Cộng hòa cáo buộc đảng Dân chủ thực hiện hàng loạt âm mưu
gian lận. Bất chấp thực tế này, cả hai đảng dường như đồng ý rằng việc tấn công
hệ thống bầu cử Hoa Kỳ của Nga không phải là một điều tốt đẹp gì.
Sau cuộc bầu cử năm 2016,
Thượng nghị sĩ Dân chủ Amy Klobuchar, từ bang Minnesota, đã hợp tác với Thượng
nghị sĩ đảng Cộng hòa James Lankford, từ Oklahoma, về Dự luật bầu cử an toàn. Dự
luật này sẽ cấp tiền cho các tiểu bang để thay thế các máy bỏ phiếu điện tử bằng
các máy bỏ phiếu bằng tay, và sẽ yêu cầu các bang kiểm tra kết quả bầu cử để xác
nhận tính chính xác của chúng. Các cải cách cũng dường như đã có tác động rất
quan trọng để giúp cử tri bỏ phiếu dễ dàng hơn.
Dự luật Bầu cử An toàn sẽ
không tạo ra một sự bảo vệ hoàn hảo khỏi các cuộc tấn công của Nga, nhưng nó sẽ
là một cải tiến có ý nghĩa đối với hiện trạng, và có vẻ như nó có thể được
thông qua. Sau đó, vào đêm trước phiên họp để thông qua dựa luật này – khoảnh
khắc để các nhà lập pháp bổ sung những điểm cuối cùng của họ, các Thượng nghị
sĩ đảng Cộng hòa đột nhiên rút lại sự ủng hộ của họ, và dự luật đã không được
thông qua.
Sau đó, đảng Dân chủ đã
nhạo báng Mitch McConnell, lãnh tụ của Nhóm đa số trong Thượng viện, rằng “ngài
Mitch của Moscow”, một danh hiệu đủ để khiến thượng nghị sĩ đồng ý với việc ban
hành đạo luật để cung cấp hàng trăm triệu đô-la cho các tiểu bang bang nhằm mua
các hệ thống bầu cử mới, nhưng không có bất kỳ yêu cầu bảo mật nào được đặt ra
cho các tiểu bang hoặc bất kỳ cải cách có ý nghĩa đối với một hệ thống [bầu cử]
vốn đã bị rạn nứt.
McConnell nói rõ rằng ông
coi thường toàn bộ ý tưởng đối với việc cải thiện về mặt lập pháp đối với vấn đề
an ninh bầu cử: “Tôi sẽ không để cho các đảng viên đảng Dân chủ và những cái
loa của họ trên truyền thông sử dụng việc tấn công của Nga vào nền dân chủ của
chúng ta như một phương tiện lừa đảo cho các mục tiêu mang tính đảng phái của họ,
mà vốn sẽ không làm cho các cuộc bầu cử của chúng ta an toàn hơn chút nào”.
Đối với McConnell, sự áp đảo
về phiếu bầu là ưu tiên cao hơn so với việc bảo vệ Hoa Kỳ trước một kẻ thù nước
ngoài.
2. Đánh cắp thông
tin quy mô lớn thông qua hoạt động lừa đảo
Đặt lại vấn đề về các
email [bị đánh cắp] của John Podesta trước mặt ông quả thật là một hành động nhẫn
tâm. Nhưng tôi muốn ông giúp để lập nên một bản thống kê chính xác hơn về việc
hoạt động tin tặc của Nga – làm thế nào nó để lại một mớ lộn xộn của cảm giác bị
tổn thương, làm mất đi không gian tinh thần đầy quý giá và định hình lại tiến
trình của một chiến dịch [tranh cử của Hillary Clinton].
Sau khi liên tục giục ông
tham gia buổi phỏng vấn, cuối cùng tôi đã gặp được người đứng đầu chiến dịch
[tranh cử] cũ của Hillary Clinton, tại văn phòng ở Washington, nơi nhìn xuống
gác chuông của nhà thờ mà Tổng thống Abraham Lincoln từng cầu nguyện trong cuộc
Nội chiến. Mặc một chiếc áo sơ mi kẻ sọc, với một cây bút bi được nhét vào túi,
Podesta đu đưa qua lại trên chiếc ghế xoay khi ông cho phép tôi hỏi về một
trong những khoảnh khắc đáng sợ nhất trong lịch sử của nền chính trị Hoa Kỳ
đương đại.
Nhiều tháng trước khi
WikiLeaks bắt đầu công bố các email của Podesta, ông mơ hồ phát hiện ra rằng
tài khoản Gmail của mình đã bị xâm phạm. Các tài liệu nội bộ về chiến dịch đã
xuất hiện trên một trang web vô danh, và ông đã nghĩ đến khả năng chúng đã bị
đánh cắp từ máy tính của mình. Tuy nhiên, cuộc gọi từ một thành viên trong nhóm
truyền thông của chiến dịch vào ngày 7 tháng 10 năm 2016 khiến ông choáng váng.
Khi ông kết thúc một phiên thảo luận về việc chuẩn bị tranh luận với bà
Clinton, ông biết rằng Julian Assange có ý định công bố nội dung từ hộp thư điện
tử của ông trong tháng còn lại của chiến dịch. Nó là một câu châm ngôn quen thuộc
nhưng luôn bị bỏ qua trong hoạt động chính trị, rằng không có email nào có thể
chứa nội dung mà người ta không muốn xem trên trang nhất của tờ ‘New York
Times’. Nhưng điều đó đã từng là thực tế của Podesta.
Trên tầng 10 của trụ sở
chính của chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton, tại Brooklyn, một nhóm gồm 14
nhân viên đã nhanh chóng tập hợp lại. Họ che một cánh cửa kính bằng giấy mờ để
ngăn những người đi lại bên ngoài có quan sát công việc của họ, và bắt đầu đọc
từng chữ trong 60.000 email của ông – mọi bản PDF được chuyển tiếp, mọi lời kêu
ca từ một nhân viên nào đó, thậm chí cả những bước tỉ mỉ trong công thức nấu
cơm kiểu Ý của ông. Công việc này sẽ ngốn trọn một tháng. Mỗi ngày, Podesta
dành thời gian để gặp gỡ các phái viên từ tầng 10 và xem xét những phát hiện của
họ. “Tôi ước rằng bản thân mình không còn cảm thấy đau đớn”, ông nói với
tôi.
Các tài liệu mà WikiLeaks
công bố đã tạo ra một số khoảnh khắc đầy nguy hiểm. Podesta đã nhận được những
email lén lút từ các đồng nghiệp và đã tự mình gửi một vài email. Để hàn gắn
các mối quan hệ, Podesta cảm thấy mình cần xin lỗi đồng nghiệp, bạn bè, các cựu
thư ký của Nội các [của tổng thống Obama: ND]. Ngay cả khi nội dung của các
email bị rò rỉ có vẻ vô hại, những phiền toái mới sẽ xuất hiện. WikiLeaks đã
không biên tập lại nội dung để bảo vệ quyền riêng tư, và để lại số điện thoại
di động của nhân viên chiến dịch cho cả thế giới biết. Giữa các cuộc họp, nhân
viên sẽ thấy điện thoại của họ rung lên không ngừng; những người lạ sẽ viết thư
thoại với những tin nhắn kiểu như ‘Tôi hy vọng bạn đã bị hãm hiếp trong tù’.
Những kẻ đánh cắp danh
tính đã nhanh chóng vây quanh Podesta, cố gắng đòi quyền lợi về an sinh xã hội
của ông và xin cấp thẻ tín dụng mang tên ông. Mặc dù sự nghiệp chính trị đã cho
phép ông thì thầm vào tai các tổng thống, Podesta với sự thanh đạm đầy huyền
thoại đã đến New York trên Vamoose – một tuyến xe buýt giảm giá. Một kẻ lừa đảo
đã hack email để đánh cắp những điểm ông tích lũy được trong chương trình tích
điểm [của hãng xe bus] Vamoose.
Khi Podesta hồi tưởng lại
những khoảnh khắc đau đớn này, ông tuyên bố rằng ông vẫn kiên trì một cách bền
bỉ để đối diện với họ: “Tôi vẫn tiếp tục diễn thuyết trên truyền hình. Tôi vẫn
tiếp tục quyên tiền [cho chiến dịch bầu cử]. Tôi tiếp tục đi du lịch với vợ chồng
bà Hillary và [cựu] Tổng thống Clinton. Tôi tiếp tục làm mọi thứ mà tôi đã làm”.
Nhưng đây là những tuần lễ kết thúc của một cuộc bầu cử sẽ gom được gần 80.000
phiếu bầu trải rộng trên ba tiểu bang. Đối với một chiến dịch được cho là đã không đầu tư nguồn
lực của mình vào đoạn cuối cùng, câu hỏi phải được đặt ra: Người Nga đã hủy hoại
chiến dịch tranh cử này tệ hại đến mức nào? Thiệt hại ít nhận thấy nhất của vụ
tấn công mạng này lại có thể là thiệt hại nặng nề nhất.
***
Trong những năm sau vụ
tin tặc tấn công Podesta, Tom Burt của Microsoft đã liên tục chiến đấu với
các thủ phạm. Khi ông được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Windows, Word và
các phần mềm khác của Microsoft, ông đã phát triển cảm giác về nhịp điệu và
thói quen của tình báo quân đội Nga. Thông qua công việc tại Microsoft trong
quá trình làm việc với các đảng chính trị và các chiến dịch tranh cử trên toàn
thế giới – Microsoft đào tạo nhân lực và cung cấp phần mềm an ninh có chiết khấu
cho họ, Bur Burt đã tập hợp được các hồ sơ dài về các hành động [của tin tặc]
trong quá khứ.
Những gì ông nhận thấy là
các cuộc tấn công có xu hướng bắt đầu ở ngoài biên của một chiến dịch tranh cử.
Một chiến dịch tình báo quân sự Nga (GRU) tiêu chuẩn bắt đầu với các nghiên cứu
viên trong các tổ chức nghiên cứu độc lập, các học giả và chuyên gia tư vấn
chính trị. Những cá nhân và tổ chức này thường có các cộng sự về an ninh mạng yếu
kém, và sự thâm nhập vào thế giới phục vụ các mục đích kép.
Khi GRU hack được vào hộp
thư điện tử của các nhà nghiên cứu và các giáo sư này, nó sẽ thu thập thông tin
hữu ích về chiến dịch tranh cử. Nhưng các tài khoản bị hack cũng cung cấp các nền
tảng cho một cuộc tấn công trực tiếp hơn. Khi vào sâu, GRU sẽ gửi email từ các
tài khoản bị hack. Các email đến từ một nguồn đáng tin cậy và mang một thông điệp
chính đáng. Theo Burt, “Nó sẽ nói một cái gì đó giống như ‘Xem bài viết tuyệt
vời này về Bờ Tây [ở Trung Đông] mà bạn nên tóm tắt lại’, và nó có một liên kết
đến một bản PDF. Bạn nhấp vào nó và bây giờ mạng [máy tính phục vụ chiến dịch]
tranh cử của bạn đã bị tấn công“. (Mặc dù Burt không thảo luận về các tổ chức
cụ thể, ông đã viết một bài đăng trên blog vào năm ngoái mô tả các cuộc tấn
công vào Quỹ Marshall của Đức và các văn phòng châu Âu của Viện Aspen).
Podesta trở thành nạn
nhân của một cuộc tấn công lừa đảo chung chung: một cảnh báo bảo mật giả mạo
thúc giục ông thay đổi mật khẩu Gmail của mình. Nhiều người trong chúng ta có
thể nghĩ rằng chúng ta đủ tinh vi để tránh một cái bẫy như vậy, nhưng người Nga
đã phát triển một cách lão luyện trong việc điều chỉnh các thông điệp được thiết
kế riêng, vốn có thể thậm chí là mục tiêu được cảnh giác cao độ nhất. Email đến
từ một địa chỉ giả mạo trông như thể nó thuộc về bạn bè hoặc đồng nghiệp, nhưng
có một chữ cái bị bỏ qua. Một điều tra viên nói với tôi rằng ông nhận thấy rằng
người Nga sử dụng các chi tiết lượm lặt được từ Facebook để viết các thông điệp
hài hước. Nếu một nhà tư vấn chiến dịch đã nói với nhóm bạn của mình về chuyến
đi câu cá sắp tới, GRU sẽ gói phần mềm độc hại của họ trong một email cung cấp
thiết bị câu cá giảm giá.
Nhiều trong số các kỹ thuật
này được vay mượn từ các tập đoàn tội phạm trên mạng của Nga, chúng xâm nhập
vào ngân hàng và các trạm giao thông bằng thẻ tín dụng bị đánh cắp. Burt đã chứng
kiến những tổ chức bất hợp pháp này sử dụng các công nghệ mà ông tin rằng sẽ sớm
được sử dụng vào hoạt động chính trị. Chẳng hạn, phần mềm âm thanh tổng hợp mới
cho phép tin tặc bắt chước giọng nói với sự chân thực đầy thuyết phục. Burt nói
với tôi: “Trong thế giới tội phạm mạng, bạn bắt đầu thấy những âm thanh lừa
đảo, nơi ai đó nhận được tin nhắn thư thoại từ ông chủ của họ, ví dụ: ‘Này, tôi
cần cậu chuyển khoản tiền này vào tài khoản sau ngay lập tức’. Nghe có vẻ giống
ông chủ của bạn, và vì vậy bạn sẽ thực hiện điều đó”.
Những gì người Nga không
thể kiếm được từ xa, họ sẽ cố gắng ăn cắp vặt với các đặc vụ trên mặt đất. Cùng
một đơn vị GRU đã hack Podesta, được cho là đã gửi các điệp viên tới Rio de
Janeiro, Kuala Lumpur và The Hague để thực hành những gì được gọi là “tấn
công mạng trong cự ly gần”. Khi ở trên mặt đất, họ sử dụng các thiết bị điện
tử sẵn có, để mở mạng Wi-Fi của bất cứ ai mà họ đang theo dõi.
Nói cách khác, người Nga
chấp nhận rủi ro mà ít quốc gia khác dám làm. Họ làm bất cứ điều gì có thể bởi
họ đã gặt hái được những phần thưởng phong phú như vậy từ việc tấn công mạng.
Trong tất cả các chiến thuật của Nga được triển khai trong năm 2016, việc tấn
công mạng và đánh cắp tài liệu đã gây ra thiệt hại ngay lập tức và có thể sờ thấy
được.
Năm 2020, thiệt hại thậm
chí có thể còn lớn hơn. Podesta nói với tôi rằng khi ông nhận ra hộp thư điện tử
của mình đã bị xâm phạm, ông sợ rằng các tin tặc sẽ tạo ra các email đáng xấu hổ
hoặc thậm chí là mang tính đổ tội cho ai đó, rồi sau đó gửi chúng đi bằng địa
chỉ email thật. Không thể biết được mục đích của các tin tặc Nga, nhưng chúng
đã đưa ra quyết định thông minh để không làm thay đổi email của Podesta. Nhiều
cơ quan truyền thông đã đăng lại bất cứ email nào WikiLeaks công bố mà không
xác minh chi tiết, và họ đã bị trừng phạt vì sự vội vàng của mình. Do đó, vụ rò
rỉ thư điện tử của Podesta đã tạo ra tiền lệ, một kỳ vọng rằng tài liệu bị hack
là xác thực – có lẽ là phiên bản xác thực nhất hiện có, một cơ hội để xem xét lại
việc truyền đạt thông điểm của cuộc vận động tranh cử.
Trên thực tế, người Nga
không có sự can thiệp nào để thay đổi nội dung tài liệu. Năm 2017, các tin tặc
có liên hệ với GRU đã xâm phạm các hộp thư của các nhân viên trong chiến dịch
tranh cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Các nội dung khá tầm thường, chứa
đầy các yêu cầu đặt chỗ trong nhà hàng và các bản ghi nhớ bình thường. Hai ngày
trước khi chúng được phát hành, các tài liệu khác xuất hiện trên bảng tin trên
Internet. Không giống như các email, đây là những điều bịa đặt thuần túy, có ý
định cho thấy Macron đã trốn thuế bằng việc chuyển thu nhập sang Quần đảo
Cayman. Tuy vậy, thời điểm công bố các email này đã khiến chúng trở nên đáng
tin cậy. Thật tự nhiên khi cho rằng các bức email này cũng đã được thu thập từ
vụ xâm nhập email ở trên. Vụ tấn công thư điện tử [trong chiến dịch tranh cử của]
Macron cho thấy, một kỹ thuật mới đầy nguy hiểm, sự pha trộn [thông tin] đầy
nham hiểm của những người bị hack với những thông tin bịa đặt nhằm khai thác sự
thèm khát của cử tri đối với các bằng chứng thiếu tin cậy trong các tài liệu bị
đánh cắp.
3. Thông tin sai lệch
phiên bản 2.0
Vào mùa xuân năm 2015, những
tin tặc Nga ở St. Petersburg nhìn chăm chú vào các dữ liệu được cung cấp bởi một
webcam đặt ở thành phố New York. Ngồi xổm một cách thoải mái trước màn hình máy
tính trên tầng hai của tòa nhà văn phòng trên đất Nga, những tay tin tặc chờ đợi
xem liệu họ có thể ảnh hưởng đến hành vi của người Mỹ hay không.
Những người này làm việc
cho một công ty được tài trợ bởi Yevgeny Prigozhin hói đầu, một nhà cung cấp
xúc xích vừa chuyển sang kinh doanh nhà hàng, được báo chí Nga gọi là “đầu bếp
của Putin”. Trong một hệ thống tham nhũng đầu sỏ là nền kinh tế Nga, những người
như Prigozhin kiếm lợi từ các mối quan hệ của họ với Putin và duy trì quan hệ
thân cận với nhà độc tài bằng cách thực hiện các nhiệm vụ thay ông. Hoạt động tại
St. Petersburg được điều hành bởi Cơ quan nghiên cứu Internet (IRA), một doanh
trại của các tin tặc của quân đội Nga phục vụ lợi ích của Kremlin. (Prigozhin
đã phủ nhận mọi liên quan đến IRA).
IRA là hậu duệ đáng tự hào của truyền thống Nga. Trong những ngày đầu tiên của Liên Xô, nhà nước
Xô-viết tin rằng, họ có thể đưa thế giới tiến tới cách mạng thông qua chiến
tranh tâm lý và lừa dối, khai thác sự chia rẽ và yếu kém của xã hội tư bản. Khi
được giao nhiệm vụ này, KGB đã gọi chương trình của mình bằng cái tên quan liêu
nhưng đáng ngại là ‘Các biện pháp hoạt động’. Nó theo đuổi công việc này với
tinh thần nghệ thuật. Nó giả mạo những lá thư từ Ku Klux Klan (ND: Một nhóm thù
ghét của những người Mỹ da trắng, có mục tiêu chính là người Mỹ gốc Phi) đã đe
dọa giết các vận động viên châu Phi tại Thế vận hội mùa hè 1984 ở Los Angeles.
Nó đã kích động các thuyết âm mưu về CIA, rằng cơ quan này đã dàn dựng sự lây
lan của virus AIDS trong phòng thí nghiệm và âm mưu ám sát Tổng thống John F.
Kennedy. Một số trong những kế hoạch này của KGB đầy liều lĩnh. Nhưng một người
đào thoát sang phương Tây nói, nhiều người Mỹ tin rằng chính Liên Xô giết Tổng
thống John F. Kennedy hơn là tin vào bản Báo cáo Waren [ND: Hội đồng do Tổng thống
Johnson thành lập để điều tra về cái chết của John F. Kennedy].
IRA đã cập nhật các
nguyên tắc của ‘Các biện pháp hoạt động’ trong thời đại kỹ thuật số. Trên
phương tiện truyền thông xã hội, thông tin có thể phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ
hết. Trong khi đó, KGB đã từng cần tìm phương tiện báo chí để dựng lên câu chuyện
của họ – thường là các nhóm độc giả quy mô hẹp của báo chí cấp tiến. Facebook
và Twitter hầu như không phân biệt giữa các nguồn tin chính thống và các quảng
cáo lừa đảo mới nổi. Và nhiều nền tảng mới được thiết kế để thao túng người sử
dụng, để giữ cho họ tham gia càng lâu càng tốt. Các thuật toán của những nền tảng
này thổi phồng các nội dung để làm gia tăng sự hoảng loạn và tức giận của người
dùng.
Với webcam đặt tại New
York, IRA đang kiểm chứng một suy nghĩ cảm tính: rằng, thông qua phép màu của
phương tiện truyền thông xã hội, giờ đây nó có thể trở thành đồ chơi với người
Mỹ như thể họ là những con rối [cho các phương tiện truyền thông xã hội]. Như
nhà khoa học chính trị Thomas Rid kể lại trong cuốn sách lịch sử mới xuất bản đầy
ảnh hưởng của mình: ‘Các biện pháp chủ động’ [Active Measures], một bài đăng
trên Facebook với lời hứa rằng sẽ phân phát miễn phí một miếng xúc xích có thể
khiến bất kỳ ai tới một địa điểm cụ thể vào một thời gian quy định trước. Quay
trở lại St. Petersburg, các nhân viên của IRA đã theo dõi khi người dân New
York vừa di chuyển vừa nhìn chằm chằm vào điện thoại của họ trong sự thất vọng
và lẩn tránh.
Các mưu mẹo là vô hại,
nhưng nó đã giúp chứng minh một lý thuyết với hậu quả nguy hiểm hơn rất nhiều:
Phương tiện truyền thông xã hội đã có thể giúp người Nga kiểm soát cảm xúc và
thậm chí là hành động của người Mỹ, với chi phí thấp ở mức đáng kinh ngạc.
Không có nghiên cứu nào có thể định lượng được được bao nhiêu phiếu bầu của cử
tri Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi 10 triệu dòng tweet mà IRA đã bơm vào thế giới kỹ
thuật số; không có số liệu nào ghi lại cách các bài đăng của nó trên Facebook
và Instagram đã thay đổi giá trị và cảm xúc của người Mỹ khi trả lời các cuộc
thăm dò ý kiến vào năm 2016. Cuối cùng, gánh xiếc thú của các nhân vật giả mạo
và hàng loạt ảnh chế do IRA tung ra được cho là hiệu quả hơn để trang trí cho
các tít bài giật gân trên báo chí hơn là dịch chuyển công luận.
Về phần mình, các tay sai
của IRA đã vô cùng tin tưởng vào bản thân mình vì [chúng tưởng rằng] đã làm
nghiêng quỹ đạo của lịch sử. Chính phủ Hoa Kỳ nhận được email từ một nhân viên
IRA mô tả cảnh tượng tại văn phòng St. Petersburg vào Đêm bầu cử [của Hoa Kỳ]:
“Từ khi 8 giờ sáng, kết quả quan trọng nhất của công việc của chúng tôi đã đến,
chúng tôi đã mở một chai rượu sâm banh nhỏ. Nhìn vào mắt nhau, chúng tôi thốt
lên gần như đồng thanh: ‘Chúng tôi đã khiến cho cho nước Mỹ trở nên vĩ đại’.”
Đã từng thực hiện một chiến
dịch ồn ào vào năm 2016, IRA đã học cách tự điều chỉnh. Các bài viết tay trước
đây của nó, phần lớn đầy rẫy lỗi cú pháp và ngữ pháp, thì giờ hầu như không còn
cần phải biên tập. Bây giờ, IRA đã cẩn thận để tránh xa những sự cẩu thả như vậy.
Giờ đây, bất cứ khi nào nó muốn, các mồi nhử của IRA có thể tự khiến chúng trở
nên không rõ ràng.
Các công ty truyền thông
xã hội không còn đối xử với những kẻ đưa ra mồi nhử người Nga này như những kẻ
can thiệp vô hại, và đã chứng tỏ khả năng kiểm soát chặt chẽ. Nhưng cản trở những
kẻ tấn công cuối cùng thì dễ dàng hơn là ngăn chặn những kẻ tấn công mới.
Dựa vào cách tiếp cận kín
đáo hơn này, IRA đã mang lý thuyết về ‘thí nghiệm xúc xích’ của mình vào đời sống
chính trị Hoa Kỳ. Khi những người theo chủ nghĩa chủng tộc da trắng thượng đẳng
xin giấy phép tổ chức tuần hành vào năm 2018 để kỷ niệm cuộc biểu tình đầu tiên
của họ ở Charlottesville, Virginia, một nhóm người sử dụng Facebook đã tổ chức
một cuộc phản công ở Washington, D.C. Nhóm này được gọi là ‘Người phản kháng’.
Các quản trị viên của nó, người đã đi theo những người được gọi tên Mary và
Natasha, đã tuyển mộ một đội ngũ những người tổ chức nhiệt tình để thúc đẩy cuộc
biểu tình. Khi Facebook gỡ trang ‘Kháng chiến’ xuống, sau khi phát hiện mối
quan hệ của trang này với các tài khoản của các thành viên IRA, và ngụ ý rằng
Mary và Natasha là những nhân vật hư cấu, những người cánh tả tại Hoa Kỳ đã bị
sốc khi biết rằng họ dường như đang ấp ủ kế hoạch với những tay tin tắc nước
ngoài. Theo tờ ‘New York Times’, họ cũng rất tức giận với Facebook: dù trang
‘Kháng chiến’ đó có phải là một mưu đồ của Nga hay không, nó đã trở thành một địa
điểm để người Mỹ thể hiện sự bất bình thật sự của họ. Trên thực tế, thật khó để
xác định nơi các ‘Biện pháp hoạt động’ kết thúc và hành động chân chính bắt đầu
– một loại truyền thống mà KGB sẽ ngưỡng mộ.
Mặc dù IRA có thể chuyển
sang tàng hình khi chiến dịch yêu cầu, nhưng trong các trường hợp khác, nó sẽ sử
dụng vũ khí thô sơ của mình. Bắt đầu từ năm 2017, nó đã đưa ra một nỗ lực bền bỉ
để phóng đại bóng ma về sự can thiệp của nó, một chiến thuật mà các công ty
truyền thông xã hội gọi là “tấn công vào nhận thức”. Các tin tặc của nó đã được
hướng dẫn để đăng bài về Báo cáo Mueller [báo cáo về nỗ lực can thiệp của Nga
vào cuộc bầu cử năm 2016 tại Hoa Kỳ], và thổi bùng ngọn lửa giận dữ của công
chúng đối với sự can thiệp trắng trợn mà IRA tự tiết lộ.
Vào ngày diễn ra cuộc bầu
cử giữa nhiệm kỳ 2018, một nhóm tự xưng là IRA đã công bố một bản tuyên ngôn
hoành tráng trên trang web của mình, với tuyên bố: “Ngay
sau ngày 6 tháng 11, bạn sẽ nhận ra rằng phiếu bầu của bạn không có ý nghĩa gì.
Chúng tôi quyết định bạn bầu cho ai và ứng cử viên nào sẽ thắng hay thua. Cho
dù bạn bỏ phiếu hay không, không có sự khác biệt khi chúng tôi kiểm soát các hệ
thống bỏ phiếu và kiểm đếm. Hãy nhớ rằng, phiếu bầu của bạn không có giá trị.
Chúng tôi đang lựa chọn cho bạn”.
Sự tuyên bố này là vô lý,
nhưng sự giả vờ này có mục đích. Nếu có đủ người Mỹ tin rằng Nga có thể làm bất
cứ điều gì họ muốn đối với các quá trình dân chủ của Hoa Kỳ mà không phải chịu
hậu quả gì, thì điều đó cũng làm tăng sự hoài nghi về nền dân chủ Hoa Kỳ, và do
đó phục vụ mục đích của Nga. Như Laura Rosenberger, cựu nhân viên Hội đồng An
ninh Quốc gia dưới thời Obama, người điều hành Liên minh Bảo vệ Dân chủ, nói rằng:
“Họ muốn [người Mỹ] chúng ta nhận thấy rằng luôn có một người Nga núp dưới mỗi
chiếc giường của mình”.
Đánh giá bằng chiến dịch
tranh cử tổng thống năm nay, họ đã thành công trong nỗ lực này. Khi Đảng Dân chủ
tại Iowa đấu tranh để thực hiện công nghệ mới được sử dụng để kiểm tra các kết
quả của cuộc họp kín của ban lãnh đạo của chiến dịch tranh cử tại bang này, thì
các bình luận viên truyền hình, các chuyên gia Twitter và thậm chí là một thành
viên của Quốc hội suy đoán về khả năng [mạng máy tính của ban lãnh đạo chiến dịch
tại Iowa] bị tấn công, mặc dù thiếu bằng chứng để biện minh cho cuộc nói chuyện
lỏng lẻo đó. Sự kém cỏi của người Mỹ đã bị nhầm lẫn thành một âm mưu chống lại
nước Mỹ.
4. Sự phản ứng
không được phối hợp
Khi những phát hiện đầu
tiên về các nỗ lực của IRA bắt đầu xuất hiện trong những tháng sau cuộc bầu cử
năm 2016, ban đầu, Facebook đã từ chối thừa nhận vấn đề này. Sự phòng thủ của
Facebook đã kêu gọi sự chú ý đến thái độ tôn trọng tự do tư tưởng và biểu đạt của
nó đối với nội dung mà nó đưa lên trong News Feed của người dùng. Facebook thấy
mình lúng túng trước các ủy ban của Quốc hội, hoạt động bên trong của nó được
các nhà báo điều tra phơi bày. Rõ ràng, đó là công việc của Alex Stamos, để
ngăn chặn cuộc tấn công cuối cùng, và bây giờ ông phải đối mặt với một làn sóng
bất đồng khác, với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến rất gần. Stamos lo lắng rằng,
trong trường hợp không có hàng phòng thủ được bố trí, công ty của ông, cũng như
Hoa Kỳ, sẽ lặp lại sai lầm của năm 2016.
Vào mùa xuân năm 2018,
ông đã mời các giám đốc điều hành từ các công ty công nghệ lớn và lãnh đạo các
cơ quan tình báo đến trụ sở Facebook ở Menlo Park, California. Khi nghĩ về điều
đó, Stamos đã rất ngạc nhiên khi một hội nghị thượng đỉnh như vậy đã không thể
tổ chức sớm hơn. Điều khiến ông sốc hơn nữa là một nhận thức mà ông có được khi
cuộc họp triệu tập: Thậm chí rất ít người trong số họ biết nhau. Ông nói với
tôi: “Những người điều hành các cơ quan khác nhau làm việc về sự can thiệp của
nước ngoài đã gặp nhau lần đầu tiên tại Menlo Park, mặc dù họ chỉ cách nhau có
10 trạm tàu điện ngầm tại Washington D.C.”. Quy trình hợp tác bình thường
trong chính phủ đã không tồn tại đối với vấn đề này.
Hội nghị thượng đỉnh
Stamos đã thành công trong việc thúc đẩy hợp tác. Trước cuộc họp, một công ty
công nghệ sẽ xác định và vô hiệu hóa các tài khoản của người Nga, nhưng lại
không cảnh báo cho các đối thủ cạnh tranh, điều sẽ cho phép các tin tặc tương tự
tiếp tục hoạt động mà không bị trừng phạt. Trong suốt năm 2018, ngành công nghệ
dần dần bắt đầu hợp tác trong nỗ lực chung. Các nhà điều tra chính về mối đe dọa
của các nhóm tình báo, tại 30 công ty – bao gồm Facebook, Verizon và Reddit –
đã tham gia một kênh chung trên Slack, một nền tảng nhắn tin. Khi một công ty
bí mật thu thập thông tin về một hoạt động tình báo mới, nó có thể nhắn cho các
công ty khác. Mùa đông này, Facebook và Twitter đã cùng nhau đóng hàng chục tài
khoản liên quan đến một địa chỉ dân cư duy nhất ở Accra, Ghana, nơi người Nga
đã thành lập một doanh trại các tin tặc của quân đội Nga và thuê 20 người địa
phương để mạo danh người Mỹ gốc Phi và chọc giận người Mỹ trên mạng.
Tuy nhiên, đây vẫn là một
trò chơi mèo đuổi chuột, trong đó những con chuột được hưởng những lợi thế nhất
định. Bất chấp năng lực kỹ thuật của các công ty truyền thông xã hội, họ đã xây
dựng các thuật toán có khả năng xác định đáng tin cậy các chiến dịch phối hợp
được điều hành bởi các tài khoản giả mạo của người Nga. Trong hầu hết các trường
hợp, các thuật toán của họ sẽ chỉ ra tính không chính xác của một số tài khoản
nhất định. Những điểm dữ liệu đó trở thành một đầu mối, sau đó được chuyển cho
các điều tra viên.
Facebook có vài chục nhân
viên trong nhóm điều tra về mối đe dọa từ các tin tặc tình báo, nhiều người
trong số họ từng là nhân viên của CIA và FBI tại Washington. Tuy nhiên, các
công ty công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào lời khuyên của lực lượng thực thi
pháp luật. Facebook và Twitter thường xuyên làm việc với FBI. Nếu không có FBI,
Facebook có thể đã bỏ lỡ một video của IRA chứa đầy những lời nói dối về sự can
thiệp của Nga trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Sau khi được chính phủ cảnh
báo, Facebook đã chặn IRA tải lên video trước khi nó xuất hiện trên trang của
mình, sử dụng kỹ thuật tương tự mà nó triển khai để kiểm duyệt các video của
Nhà nước Hồi giáo và các nội dung khiêu dâm trẻ em. Vốn bị khinh thường bởi sự
từ chối kiểm duyệt, thì nay các công ty truyền thông xã hội đã chứng tỏ mình có
khả năng thực thi chính sách kiểm duyệt một cách tích cực. Sau khi đối xử với
IRA như một kẻ xen ngang vô hại, các công ty này đã đối xử với nó với thái độ
khinh bỉ mà họ dành cho những kẻ khủng bố và tà đạo.
***
Vạch ra các chiến lược để
ngăn chặn cuộc tấn công cuối cùng thì dễ dàng hơn nhiều so với ngăn chặn cuộc tấn
công tiếp theo. Kể cả khi thông tin sai lệch của Nga có thể giảm bớt trên
phương tiện truyền thông xã hội – và những nỗ lực này rất đang khuyến khích –
thì vẫn có những cách khác, có thể gây hậu quả hơn, để thao túng nền chính trị
Hoa Kỳ, và vẫn có những chiến lược phòng thủ để chống lại chúng.
Vào một buổi chiều đầu
tháng 3, tôi đã gõ địa chỉ Ủy ban Bầu cử Liên bang làm điểm đến vào ứng dụng
Uber và được đưa đến tòa nhà mà cơ quan này đã dọn đi được 2 năm. Địa chỉ cũ đó
khiến tôi trễ nửa tiếng trong cuộc hẹn với Ellen Weintraub, thành viên phục vụ
lâu nhất và kiên quyết nhất của một ủy ban được giao nhiệm vụ ngăn chặn dòng tiền
nước ngoài đổ vào các chiến dịch chính trị. Khi tôi gọi cho văn phòng của bà để
thông báo về sự chậm trễ của mình, trợ lý của bà nói với tôi rằng đừng lo lắng:
Lịch trình của Weintraub đã thay đổi vào chiều hôm đó. Trên thực tế, trong sáu
tháng qua, Ủy ban Bầu cử Liên bang đã không tiến hành nhiều công việc chính thức
cho lắm. Chỉ có ba ủy viên được Thượng viện phê chuẩn là làm việc toàn thời
gian, mặc dù cơ quan này nên có sáu, hay tối thiểu là bốn người.
Tôi hỏi thành viên cao cấp
của Ủy ban Tình báo Thượng viện, rằng ông có tin vào thông tin mà ông nhận được
về [hoạt động thao túng của] Nga hay không. Ông trả lời: “Tôi không có câu
trả lời cho câu hỏi đó”.
Weintraub, một đảng viên
của đảng Dân chủ, có vẻ hơi bốc đồng. Gần đầu thời kỳ nghỉ đông của Ủy ban Bầu
cử Liên Bang, bà đã ra lệnh cho một ủy viên đồng nghiệp – người đã chặn việc xuất
bản một bản ghi nhớ dường như chỉ trích chiến dịch của Trump bởi một cuộc họp với
một luật sư người Nga vào năm 2016, sau đó đăng bản ghi nhớ trong một chủ đề gồm
57 phần trên Twitter. Weintraub đã trở nên quen thuộc với các đồng nghiệp của
bà khi phớt lờ các câu hỏi về sự hiện diện các khoản tiền bất hợp pháp của nước
Nga và các quốc gia khác trong các chiến dịch tranh cử của Hoa Kỳ. Khi Ủy ban
nhận được đơn khiếu nại, cho thấy FBI đang điều tra Hiệp hội Súng trường Quốc
gia như một kênh dẫn tiền của Nga, bà đã yêu cầu các ủy viên đồng nghiệp của
mình cho phép FBI điều tra, như bà nói: “Để xem họ có thông tin thú vị để
chia sẻ hay không. Nhưng họ nói, ‘Chúng tôi sẽ không báo cáo cho FBI. Họ đã
không muốn làm bất cứ điều gì’.”
Bên ngoài văn phòng
Weintraub, chủ đề về sự tài trợ bất chính của Nga cho các chiến dịch tranh cử hầu
như không gây ra bất kỳ sự chú ý nào. Tôi chỉ thấy Liên minh Bảo vệ Dân chủ là
tổ chức duy nhất theo dõi vấn đề một cách toàn diện. Cơ quan này đã thu thập
các ví dụ về dòng tiền của Nga chảy vào các chiến dịch tranh cử trên khắp thế
giới: Khoản vay 9,4 triệu Euro dành cho Mặt trận dân tộc của Marine Le Pen tại
Pháp; các chiến dịch bầu cử tại Madagascar với khoản tiền khổng lồ mua quảng
cáo truyền hình để ủng hộ ứng cử viên ưa thích của Nga và trả tiền cho các nhà
báo để đưa tin về các cuộc biểu tình của ứng cử viên này.
Hoặc đưa một trường hợp gần
nhà hơn: Lev Parnas và Igor Fruman, những người Mỹ gốc Liên Xô đã làm việc với
Rudy Giuliani trong cuộc tìm kiếm tài liệu gây tổn hại chính trị để triển chiến
dịch khai chống lại cựu Phó Tổng thống Joe Biden, vốn bị buộc tội âm mưu lấy tiền
từ một kẻ giấu tên Nga để dùng vào các chiến dịch tranh cử tại Hoa Kỳ. Một số
trường hợp được Liên minh Bảo vệ Dân chủ trích dẫn là tình huống, nhưng chúng tạo
thành một mô thức. Kể từ năm 2016, Liên minh này đã xác định ít nhất 60 trường
hợp được Nga tài trợ cho các chiến dịch chính trị bên ngoài biên giới Nga. (Điện
Kremlin phủ nhận sự can thiệp vào các cuộc bầu cử ngoài nước Nga).
Khi tôi hỏi Weintraub rằng
bà có ý thức về việc có bao nhiêu ví dụ như vậy tồn tại trong nền chính trị Hoa
Kỳ hay không, bà trả lời: “Chúng tôi biết có những thứ khác đang diễn ra ở
đó, và chúng tôi không làm gì cả”. Kể từ khi Tòa án Liên Bang Hoa Kỳ ra
phán quyết vào năm 2010, nhằm đưa ra các hạn chế về tài chính phục vụ chiến dịch
tranh cử, hầu như không có bất kỳ sự kiểm tra mang tính hệ thống nào ngăn cản
người nước ngoài tài trợ cho các chính trị gia Hoa Kỳ bằng cách sử dụng vỏ bọc
của các công ty ẩn danh. Với quyết định đó, tòa án tối cao đã mở ra cơ hội cho
Nga theo đuổi một trong những phương pháp được ưa chuộng nhằm gây bất ổn cho nền
dân chủ toàn cầu. Bằng các chiến dịch tài trợ tình cờ, người Nga đã giúp nâng
cao các chính trị gia cực đoan và nuôi dưỡng các phong trào làm xói mòn tính cố
kết xã hội. Weintraub nói: “Tất cả mọi người đều biết rằng có những sơ hở
trong hệ thống tài trợ vận động tranh cử của chúng ta, tại sao chúng ta lại
nghĩ rằng những kẻ thù của chúng ta, những người đã thể hiện một mong muốn làm
vấy bẩn nền dân chủ của chúng ta, cũng sẽ sử dụng những sơ hở đó?”
***
Các vấn đề về sự thiếu
chú ý [đến sự thao túng của Nga], các vấn đề về sự phối hợp, và những mối quan tâm
sâu sắc đối với [cuộc bầu cử trong] tháng Mười Một – những chủ đề này xuất hiện
nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn của tôi cho câu chuyện này. Thật vậy, nhiều
lúc mọi người dường như đang đưa ra những cảnh báo giống nhau. H. R. McMaster,
người từng là cố vấn an ninh quốc gia cho Donald Trump, nói ngắn gọn khi ông đề
xuất một lực lượng đặc nhiệm mới cho những nỗ lực thường mang tính lộn xộn của
chính phủ để bảo vệ cuộc bầu cử. Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện,
đã cảnh báo về vấn đề này khi ông nhận ra bộ máy quan liêu đã kém cỏi đến mức
nào, khi chia sẻ thông tin mà họ đang thu thập về mối đe dọa từ Nga.
No comments:
Post a Comment