Sunday, May 10, 2020

ĐÓ LÀ ĐẠI DỊCH MÀ, ĐỒ NGU! (Derek Thompson - The Atlantic)




Derek Thompson  -  The Atlantic
Dịch giả: Bùi Như Mai
10/05/2020

Người dân xếp hàng giãn cách trong mùa đại dịch. Nguồn: Nick Oxford / Reuters

Việc đóng cửa quốc gia không phải là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng.

Báo cáo về công ăn việc làm trong tháng 4 do Cục Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistic – BLS) công bố sáng nay đã phá kỷ lục ngoài sức tưởng tượng và kinh khủng về mọi mặt.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 14,7%, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử kể từ khi bắt đầu có thống kê từ năm 1948. Thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục đối với hầu hết mọi giới từ đàn ông, phụ nữ, thanh thiếu niên, người da trắng, người gốc Á, người gốc Tây Ban Nha.

Cuộc khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái cũng là bất ngờ nhất trong lịch sử. Trước sáng hôm nay, Cục Thống kê Lao Động chưa bao giờ ghi nhận con số việc làm hàng tháng giảm hơn 1.9 triệu kể từ mùa Xuân năm 1945. Nhưng từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2020, số người thất nghiệp lên đến 20.5 triệu. Chỉ riêng lĩnh vực bán lẻ đã vượt quá kỷ lục năm 1945 vì mất hơn 2 triệu công việc.

Thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục trong một số ngành công nghiệp, nhưng tệ nhất là ngành giải trí và khách sạn, trong đó tỷ lệ thất nghiệp lên tới 39%. Chỉ riêng 839.000 việc làm bị mất trong ngành công nghiệp đã vượt quá mức thất nghiệp của cái tháng tồi tệ nhất trong cuộc Đại suy thoái. Việc làm tại các nhà hàng và trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí đã giảm xuống tới mức chưa từng thấy kể từ thập niên 1980, xóa sạch ba thập niên tăng trưởng công ăn việc làm chỉ trong vài tuần.

Một thước đo khác của thị trường lao động được một số nhà kinh tế hay xử dụng là tỷ lệ dân số – việc làm, tức là chia số người Mỹ cho số người có việc làm. Suy ra từ đó, số công việc hàng tháng cũng bị giảm nhiều nhất, giảm xuống 51.3%, đây là con số thấp nhất trong lịch sử thống kê. Từ đây có thể hiểu được rằng báo cáo của tháng tới sẽ là, lần đầu tiên trong lịch sử, đa số người Mỹ không có công việc làm chính thức.

Ông Adam Ozimek, nhà kinh tế hàng đầu của Upwork, nói với tôi: “Không có tin vui trong bản báo cáo về việc làm, nhưng điều quan trọng cần nhớ rằng, đây không phải là thời kỳ kinh tế bình thường và công việc bị mất cũng không bình thường. Nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách kinh tế là phải bảo đảm rằng, khi nền kinh tế mở cửa trở lại thì 20.5 triệu việc làm này và các công ty của họ không biến mất. Chỉ cần một phần nhỏ số công ty này không tồn tại, một cuộc suy thoái lớn sẽ không thể tránh khỏi”.

Cuộc khủng hoảng này cho thấy, đây là mối đe dọa độc nhất vô nhị và cũng là sự sống còn đối với các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ. Gần một nửa số mất việc trong tháng 4 này thuộc lãnh vực giải trí và khách sạn như nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Sự suy giảm của các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị nhiều hệ luỵ lâu dài.

Nó sẽ triệt phá nhanh chóng các công việc mà không có khả năng phục hồi, trì hoãn sự phục hồi kinh tế và tạo ra một cuộc khủng hoảng dài hạn về sự thất nghiệp, cả mặt kinh tế và tâm lý. Sẽ không còn cơ hội nữa cho các doanh nhân trẻ, những người có thể sẽ không cả gan làm kinh doanh trong tương lai. Các nhà hàng, quán cà phê, rạp hát, trung tâm cộng đồng và cửa hàng bán lẻ ở trong các khu phố nhỏ sẽ không còn nữa. Đây sẽ là một thảm kịch hàng đầu cho nền kinh tế và cũng sẽ là một thảm họa xã hội.

Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn sự suy sụp trong một tháng vừa rồi để tránh trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế trong 10 năm? Giải pháp rõ ràng nhất để ngăn chặn đại dịch toàn cầu là phép nhiệm màu trong việc chữa bệnh, như chữa trị bằng các thuốc chống virus hoặc đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vaccine. Nhưng giải pháp về dược phẩm trị virus sẽ mất thời gian trong nhiều năm, mà sự sống còn của hàng triệu doanh nghiệp Mỹ và hàng chục triệu việc làm đang bị đe dọa ngay bây giờ.

Tòa Bạch Ốc và hầu hết những người trong đảng Cộng hòa dường như nghĩ rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết bằng cách tuyên bố ầm ĩ về việc mở cửa lại nền kinh tế. Nhưng đây là một sự hiểu lầm nguy hiểm về nguyên nhân gây ra suy thoái: Đó là do đại dịch, hiểu chưa đồ ngốc?

Theo phân tích của một nhóm các nhà kinh tế tại Harvard, việc đóng cửa cách ly “có ít hoặc không có ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh tế”. Một số bài tường trình hiện nay cho thấy, sự suy giảm chi tiêu và việc làm bị mất trong hầu hết các trường hợp, xảy ra trước khi các tiểu bang có lệnh đóng cửa chính thức nền kinh tế của họ. Chính phủ đã không tự đóng cửa kinh tế và chính phủ cũng không thể tự mình mở cửa nền kinh tế.

Bước đầu tiên mà chính phủ thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng công việc làm là Chương trình Bảo vệ lương bổng (Payroll Protection Program – PPP), được chính phủ thiết kế để giúp các công ty sống thoi thóp với các chương trình vay nợ và số nợ sẽ không phải trả lại, tiền trợ giúp này sẽ được dùng để trả lương cho nhân viên, trả tiền điện nước và tiền thuê nhà. Nhưng hiện giờ, PPP đã thất bại thảm hại khi gặp vấn đề cung cấp tiền cho các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực giải trí và khách sạn đang gặp khó khăn.

Adam Ozimek (Lời người dịch: nhà kinh tế hàng đầu của Upwork, được nhắc tới ông ở trên) có một đề nghị tốt hơn là: Cho các doanh nghiệp vay vốn dài hạn của chính phủ không phải trả lãi suất. “Điều này sẽ giúp họ thương lượng với nhà bank để xin tái tài trợ các khoản nợ cũ, mua dụng cụ máy móc, bao gồm mua cả bất động sản nơi kinh doanh, điều đó sẽ giúp giảm chi phí cho họ”.

Với các khoản vay này, các chủ doanh nghiệp tin rằng họ có thể sống sót qua cơn đại dịch có thể xảy ra vào mùa hè này và sẽ thương lượng với nhà bank để xin tái tài trợ các nợ cũ, chuyển từ thuê cơ sở kinh doanh sang sở hữu và đầu tư vào việc mua thêm máy móc giúp cho việc kinh doanh mau phục hồi hơn. Ông Ozimek nói thêm: “Nếu chúng ta không giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ phát triển, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp bị khó khăn nhiều nhất, chúng ta sẽ thấy một làn sóng thất bại khiến việc phục hồi nhanh chóng là không thể”.

Khi nền kinh tế của Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng vào năm 1932, Tổng thống Franklin D. Roosevelt nói rằng, điều duy nhất người Mỹ phải sợ là “sợ chính bản thân mình”. Đó là một tuyên bố rất sinh động và có thể nó đã đúng. Nhưng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, có quá nhiều thứ để sợ hơn là sợ hãi.

Virus là có thật, chuyện nằm bệnh viện là có thật, cái chết là có thật, đeo khẩu trang và cách ly xã hội là có thật, mối đe dọa đối với hàng triệu nhà hàng và cửa hàng bán lẻ là có thật, và mức độ thất nghiệp không thể so sánh được là có thật. Kế hoạch của tòa Bạch Ốc nhằm lật ngược cuộc khủng hoảng kinh hoàng này là “mở cửa lại” nền kinh tế.

Nhưng 20 triệu người Mỹ vừa mất việc trong vài tuần qua, không phải vì chính phủ đóng cửa nền kinh tế, mà vì một đại dịch khiến hàng triệu người Mỹ sợ hãi mà ở nhà. Có rất nhiều điều phải sợ một cách khôn ngoan, nhưng Washington nghĩ rằng một nền kinh tế đại dịch giống như một cánh cửa ga-ra có thể mở trở lại bằng cách nhấn nút, có thể đây là điều đáng sợ nhất.





No comments: