VOA
Tiếng Việt
30/04/2020
Một số người Việt rời Việt
Nam đi tị nạn kể từ sau năm 1975 nói với VOA rằng họ chưa về lại lần nào, ‘vẫn
sẽ không về nếu Đảng Cộng sản vẫn còn cầm quyền ở Việt Nam’ và mô tả điều mà họ
cho là ‘tình hình tối tăm’ ở trong nước hiện nay.
Tháng Tư này đánh dấu
tròn 45 năm ngày Sài Gòn sụp đổ mà chính quyền Hà Nội gọi là “ngày thống nhất đất
nước”, nhưng hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi lánh nạn chế độ cộng sản
xem là ngày “ngày quốc hận,” với làn sóng di tản ồ ạt của nhiều người Việt, mà
phần đông là đến Hoa Kỳ.
VOA đã liên lạc với hai
người trong số đó là ông Đinh Hùng Cường, hiện sống ở tiểu bang Virginia, và
ông Võ Thành Nhân, hiện sống ở bang Maryland, để tìm hiểu lý do vì sao hai ông
quyết định không về Việt Nam.
‘Vẫn là người Việt’
Ông Đinh Hùng Cường, trước năm 1975 nguyên là Quận trưởng Quận Thủ Thừa và có tham gia một
trong những trận chiến cuối cùng với quân Bắc Việt vào những ngày cuối tháng Tư
năm 1975, cho biết cả gia đình ông ‘đều chống Cộng’.
Ông nói trong 45 năm qua,
những người thân của ông còn lại ở Việt Nam như cha mẹ, anh em hay thân hữu ‘đa
số đều đã chết hết rồi’ và mỗi lần có người thân qua đời ở Việt Nam, ông đều
không về dự tang.
“Tôi không về khi người
thân qua đời bởi vì tôi không bao giờ tin tưởng Cộng sản,” ông nói. “Mặt khác,
tôi là người chống Cộng ở hải ngoại nên nếu tôi về sẽ bị họ làm khó dễ nên tôi
quyết định không về.”
Ông Cường, từng là chủ tịch
cộng đồng người Việt Quốc gia tại vùng Washington D.C., Maryland và Virginia,
nói việc ông không về nước cũng là ‘một cách đối kháng với chính quyền Cộng sản’.
Khi được hỏi có đau lòng
không khi không về gặp người thân lúc sinh ly tử biệt, ông trả lời: “Đau lòng của
tôi là đất nước mình đã rơi vào tay Đảng Cộng sản làm cho cả dân tộc đau khổ
còn người thân của tôi tới tuổi già thì phải chết thôi.”
“Bao nhiêu người Việt Nam
ở đây (tức ở Mỹ) chỉ vì họ thương gia đình, thương dòng họ, họ gửi về biết bao
nhiêu tiền nuôi chế độ đó (tức chế độ cộng sản),” ông bức xúc nói.
Theo lời ông thì vợ ông
còn chống Cộng hơn cả ông và các con trai, con gái của ông, mặc dù rời Việt Nam
khi còn rất nhỏ, ‘lớn lên đều đi biểu tình chống cộng sản’ và các con ông ‘đều
không có ý định trở về để làm việc ở Việt Nam’ vì họ ‘học theo hệ thống Mỹ nên
hiểu tự do, dân chủ’.
Trả lời câu hỏi có bao giờ
có ý nguyện về lại quê hương không, ông Cường nói: “Có chứ! Tôi rất mong muốn
trở về sinh sống với đồng bào, dân tộc tôi khi người cộng sản không còn là cộng
sản. Họ phải có tình người, phải có nhân đạo. Còn nếu họ sống chỉ biết lợi lộc
cho Đảng của họ thì trở về tôi cũng không thể sống như vậy được.”
Dù xa quê hương đã nhiều
năm, ông Cường, vốn sinh ra ở Hà Nội và di cư vào Nam vào năm 1954, nói trong
ký ức của ông, ông vẫn nhớ miền Nam ‘hiền hòa, lương thiện, có tình người và đối
xử với nhau rất tử tế’.
Ông cho biết ông ‘vẫn coi
Việt Nam là quê hương’ dù sống ở Mỹ đã lâu. “Mình có sống ở Mỹ đến 100 năm cũng
không thể đổi thành da trắng được và cũng không thể nói tiếng Mỹ như người Mỹ
được,” ông giải thích.
‘Không thực lòng
hòa giải’
Về sự trở về của một số
nhân vật nổi bật như cố Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, cố nhạc sỹ Phạm Duy, ông Cường
nói ‘đó là quyền của họ’ mà ông không phê phán.
Tuy nhiên, ông bày tỏ
nghi ngờ về ‘thành ý hòa giải’ của Đảng Cộng sản và cho biết đó là một trong những
lý do ông không có lòng tin để trở về.
Ông chỉ ra chuyện dễ nhất
để hòa giải là ‘trùng tu nghĩa trang quân đội Biên Hòa’ mà ‘chính quyền trong
nước không làm’. “Những người đó đã chết rồi. Nếu giữ gìn thì đó là cử chỉ hòa
hợp hòa giải với những người của Việt Nam Cộng hòa. Tại sao họ lại chà đạp
nghĩa địa của những người đã chết như vậy,” ông nói.
Ông cho rằng Đảng Cộng sản
hòa giải ‘theo kiểu của người chiến thắng muốn làm gì thì làm cần biết đến người
chiến bại’ và nếu muốn hòa giải thật sự ‘cần phải bỏ sự kiêu căng đó đi’.
Cho dù chính quyền trong
nước không còn gọi ngày 30/4 là ‘Ngày Giải phóng’ đi nữa mà chỉ gọi là ‘Ngày Thống
nhất’ thôi thì vẫn chỉ là ‘bình mới rượu cũ’, ông nói.
“Vấn đề là sự thành thật,
sự thật tâm. Nếu Cộng sản có thực tâm thì đồng bào dân chúng ngoại quốc người
ta nhìn thấy ngay,” ông nói.
Mặc dù chưa về lại Việt
Nam lần nào nhưng ông Cường cho biết ông ‘vẫn nắm tình hình tronrg nước’ qua
‘những người đấu tranh cho dân chủ tự do thông báo tin tức ra bên ngoài’ và
thông tin mở rộng hơn xưa.
“Những chuyện như cướp
nhà, cướp đất, giết người họ đều đưa lên mạng và chúng tôi nhìn thấy rõ ràng,”
ông nói.
Ngoài ra, ông cho biết
ông cũng được nghe những bạn bè ông kể lại những điều họ mắt thấy tai nghe khi
về nước mà ông cho là ‘phồn vinh giả tạo’ vì hố sâu cách biệt rất lớn giữa người
giàu và người nghèo, giữa thành thị với nông thôn.
Ông thừa nhận rằng sau gần
nửa thế kỷ thanh bình thì ‘dĩ nhiên Việt Nam phải có thay đổi’ nhưng ‘thay đổi
đó không theo kịp đà phát triển của thế giới’ và ‘chỉ làm lợi cho những người
trong Đảng chứ không phải người dân’.
Mặc dù mong chế độ cộng sản
trong nước ‘thay đổi’ để ông có thể về Việt Nam nhưng ông Cường cũng nhìn nhận
rằng ‘những người như ông không còn làm gì được để thay đổi tình hình trong nước’.
“Chúng tôi đã tị nạn 45
năm nay rồi thì lấy sức lực gì để đòi cộng sản thay đổi?” ông nói. “Điều thực tế
là những người cộng sản phải mở cái tâm họ ra và nhìn thấy thế giới hôm nay đã
thay đổi.”
Ông cho rằng ‘chế độ cộng
sản khó có thể sụp đổ’ nhưng ‘không thể nào độc quyền cai trị mãi được’ và ‘sẽ
có lúc thực hiện đa đảng để cho người dân dân chủ, tự do’.
‘Sợ lá cờ Việt Cộng’
Còn ông Võ Thành Nhân, đại
diện của Đài truyền hình SBTN tại vùng thủ đô Washington D.C., nói một trong những
nguyên nhân chính khiến ông không về nước trong 40 năm qua là vì ông ‘sợ lá cờ
Việt Cộng’.
“Về nước sẽ nhìn thấy nhiều
cờ Việt Cộng, những bích chương, biểu ngữ họ tuyên truyền nên tôi không thích,”
ông Nhân, người vượt biên sang Mỹ vào năm 1980 khi ông mới 23 tuổi, nói với
VOA.
Theo lời ông giải thích
thì lá cờ đỏ sao vàng gợi cho ông ‘cảm giác về một đoàn quân ác lắm trong chiến
tranh’.
“Nhất là ngày 30/4 nhìn
thấy cờ đỏ tràn ngập thành phố của mình (Sài Gòn), mình thấy khốc liệt quá, hãi
hùng quá,” ông nói thêm.
“Lúc còn nhỏ tôi thấy những
người xung quanh đi ‘cải tạo’ không thấy ngày về cũng sợ lắm. Lúc đó ai dám nói
lên tiếng nói chống đối sẽ bị bắn bỏ,” ông giải thích thêm về ấn tượng của ông
đối với màu cờ đỏ.
Ông cho biết lúc đi vượt
biên thì ông đang học năm 4 Đại học Y khoa. Mặc dù sau khi tốt nghiệp ông có thể
có tương lai vững vàng ở Việt Nam nhưng vì ‘không chấp nhận lý thuyết cộng sản’
nên ông quyết định ra đi. “Nếu ở lại thì tôi cũng phải gia nhập Đoàn, Đảng nếu
muốn tồn tại, nhưng tôi không chấp nhận điều đó,” ông nói.
Ông cho biết vào thời điểm
đó ông phải ‘che giấu lý lịch’ khi đi học đại học và ông sợ rằng sau này nếu bị
phát hiện thì ông sẽ bị trù dập hoặc ‘sẽ không được ưu đãi’.
Ông là người duy nhất
trong gia đình khi đó đi vượt biên, ông nói, và kể từ đó ông chỉ duy trì liên lạc
với người thân bằng cách ‘gặp gỡ ở một nơi nào đó không nhất thiết ở Việt Nam’.
“Mình chấp nhận mình nhớ
quê hương, chấp nhận bị cách ly đất nước nhưng mình chỉ về khi nào không còn cộng
sản,” ông Nhân nói.
‘Không còn cộng sản’ là điều
mà ông Nhân cho rằng ‘có thể đến rất là bất ngờ, chẳng hạn như mâu thuẫn nội bộ
khiến họ sụp đổ’.
Về vấn đề vì sao không
thích chính quyền của Đảng Cộng sản lại dẫn đến việc quay lưng lại với quê
hương, ông Nhân nói ông ‘không đánh đồng Đảng với đất nước, người dân’ nhưng vẫn
quyết định không về.
“Tôi vẫn gặp phần nào những
người dân Việt Nam, những người không chấp nhận cộng sản sống xung quanh tôi ở
đây,” ông lý giải.
‘Sức chịu đựng
cao’
Ông nói ông ‘khác với những
người khác vốn đã từng về Việt Nam vì ‘thăm gia đình, thăm quê hương hay cha mẹ
đau yếu’. “Sức chịu đựng của con người về sự nhớ thương quê hương, đất nước
khác nhau. Tôi có thể chịu đựng được cả chiều dài đến khi nào cộng sản sụp đổ
thì mới về,” ông Nhân nói thêm.
Ông giải thích rằng cách
nhìn nhận của ông về Việt Nam là ‘không chấp nhận cộng sản’. “Một khi đã cảm thấy
là kẻ ác rồi thì suy nghĩ không thay đổi,” ông nói.
Tuy nhiên, ông không cho
rằng đó là định kiến mà là ‘cách nhìn nhận chung của nhiều người đang sống ở hải
ngoại’
Khi được hỏi tại sao
trong bức tranh đầy u tối mà ông nhìn nhận về Việt Nam mà trên 90 triệu người
dân trong nước vẫn sống bình thường, ông Nhân nói: “Có thể người dân trong nước
chấp nhận hoàn cảnh được sống là vui rồi. Trong khi đó hoàn cảnh của mình ở đây
khác. Sự hiểu biết cho phép mình suy nghĩ khác. Sự khác nhau đó cho thấy rằng
có thể người dân tiếp tục bị cộng sản áp đặt chế độ độc tài cai trị,” ông Nhân
nói. (46:00)
Ông cũng chỉ ra rằng ‘có
nhiều người không chấp nhận chế độ nên bỏ nước ra đi’ và rằng ‘nhiều người yên
lặng chưa chắc là họ chấp nhận chế độ cộng sản’.
No comments:
Post a Comment