Friday, May 22, 2020

NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN ANH TUẤN BỊ BẮT (tổng hợp)




Tuấn Khanh
22/05/2020

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bị bắt giải đi vào hôm nay, 22/5/2020, trong một bối cảnh được dự đoán rằng vụ thảm sát ở Đồng Tâm sẽ được đưa ra giải quyết theo cách của nhà cầm quyền, trong thời gian sắp tới.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bị an ninh ập vào quán cafe tại Hà Nội và đưa đi sáng nay, 22/5/2020. Ảnh: FB Lê Nguyễn Hương Trà

Trước đó, blogger Phạm Thành (Bà Đầm Xòe) cũng bị bắt đi vì tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN.

Nếu đúng như dự đoán, thì để đối phó với lực lượng truyền thông tự do, nhà cầm quyền đã áp dụng cách bẻ bút trước, với những người phản biện và phân tích đáng ngại. Tương tự như trò cúp điện hay tắt micro hèn hạ ở các phiên tòa mà phía nhà nước độc tài đuối lý trước các luật sư.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn hay blogger Phạm Thành đều là những người hoạt động bằng ngôn luận và hoàn toàn không phải là mối nguy của xã hội. Rất khác với nhiều biểu hiện và tội lỗi của nhiều quan chức đảng Cộng sản, cả hai người bị bắt nói trên luôn chọn đứng về lẽ phải, đứng về nhân dân – những kẻ thấp cổ bé miệng.

Ông Phạm Thành là người có nhiều tác phẩm tạo tiền lệ, khẳng định quyền tự do của một công dân trong thời đại độc tài. Cò Hồn Xã Nghĩa hay Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo… Những quyển sách đó đã chứng minh sức mạnh tinh thần của ông, vượt xa những cáo trạng sắp tới đây mà nhà cầm quyền sẽ áp cho ông.

Năm 2011, Nguyễn Anh Tuấn công khai tuyên bố rằng mình đang tàng trữ những tài liệu phản biện xã hội mà nhà cầm quyền gọi tên là phản động, là thứ bị quy kết thành tội trạng. Anh thách thức nhà cầm quyền bắt anh vì điều này. Hôm nay, việc im lặng bắt và áp giải Nguyễn Anh Tuấn ở một quán cafe, cho thấy cách thức của một hệ thống, còn thấp kém hơn cả suy nghĩ tự do của một thanh niên.

Trước đại hội 13, tình trạng bắt bớ bùng phát. Nó cũng là thông lệ trước các đại hội của người cộng sản. Hiển nhiên, thông lệ này nhắc người dân rằng những gì gọi là trọng đại hay niềm vui của những đảng Cộng sản, luôn kèm bắt bớ và tù đày với người dân Việt Nam.

---------------------------------------


Vào 11:00 trưa nay 22/5, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đang ngồi café tại Starbucks Legend Nguyễn Tuân, Hà Nội thì bị an ninh ập vào đưa đi!

Nguyễn Anh Tuấn (1990, Đà Nẵng) vừa xong thạc sĩ Chính Sách Công tại Đại học Việt Nhật (ĐH Quốc Gia Hà Nội); là một nhân tài trẻ cùng với nhiều trải nghiệm phong phú về xã hội dân sự. Sau nhiều năm học tập và vận động dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam ở Philippines, Úc, Đài Loan, Châu Âu,.. Tuấn trở về Việt Nam hoạt động giúp đỡ ngư dân miền Trung khi xảy ra thảm họa xả thải Formosa.

Từ đó đến nay, Tuấn bị thu giữ hộ chiếu và nhiều lần bị câu lưu trái phép!

---

Lần bị an ninh đột kích này, nhiều khả năng liên quan đến vụ Đồng Tâm hiện vẫn còn trong quá trình điều tra của BCA, kéo dài từ giữa tháng 1/2020. Trước và sau khi thảm kịch chấn động nhân tâm xảy ra, nhiều cá nhân và tổ chức XHDS đã tiếp cận hỗ trợ pháp lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân xã Đồng Tâm; cũng như hướng dẫn đơn thư gửi đến chính phủ các nước, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế...vv.

===

[16:30] Tuấn đã được thả sau khi bị an ninh đưa đi làm việc tại CA phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Buổi làm việc xoay quanh các vấn đề về Đồng Tâm, như đã dự đoán!

Hiện đang trong bối cảnh truyền thông quốc tế ca ngợi Việt Nam xử lý khủng hoảng dịch bệnh tốt; những vụ việc ồn ào như Đồng Tâm hoặc tương tự Formosa trước đây sẽ được cố gắng để che đậy! Và, cũng cần phải biết, trước các kỳ đại hội Đảng, công tác an ninh và không ngoại trừ việc đấu đá nội bộ; các cuộc bắt bớ thường xảy ra, tui từng là một ví dụ.



-----------------------------------------

Người Việt Online
May 22, 2020

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 22 Tháng Năm, Facebook Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đang ngồi cà phê tại quán Starbucks Legend ở phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thì bị an ninh CSVN ập vào đưa đi.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn. (Hình: Facebook Nguyen Anh Tuan)

Ông Nguyễn Anh Tuấn, 30 tuổi, thạc sĩ Chính Sách Công tại Đại Học Việt Nhật, thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, là Facebooker theo sát diễn biến vụ tranh chấp đất giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội trong các năm qua.

Ông Tuấn được ghi nhận là một trong vài người được ông Lê Đình Kình, “thủ lĩnh” của dân Đồng Tâm tin tưởng và báo tin riêng cho đến khi ông Kình bị giết trong vụ tấn công hôm 9 Tháng Giêng.

Bà Hương Trà nêu suy đoán rằng vụ câu lưu ông Tuấn “nhiều khả năng liên quan đến vụ Đồng Tâm hiện vẫn còn trong quá trình điều tra của Bộ Công An.” Facebooker này cũng cho biết thêm rằng trước sự việc hôm 22 Tháng Năm, ông Tuấn “đã bị thu giữ hộ chiếu và nhiều lần bị câu lưu trái phép.”

Bên cạnh vụ Đồng Tâm, ông Tuấn được ghi nhận thường xuyên lên tiếng bảo vệ những người yếu thế như dân oan, tử tù. Trong một post hôm 20 Tháng Năm trên trang cá nhân, ông kêu gọi cư dân mạng ký tên vào một bản kiến nghị “đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải.”

“Ký kiến nghị này, không chỉ là để đòi công lý cho một cá nhân mà còn giúp góp phần cải sửa nền tư pháp què quặt của nước nhà. Cũng là để giảm bớt rủi ro một ngày bản thân chúng ta hoặc người thân chúng ta trở thành nạn nhân của nó. Hãy ký, vì chính bạn,” theo Facebook Nguyen Anh Tuan.

Vụ câu lưu nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn diễn ra chỉ một ngày sau vụ nhà cầm quyền CSVN bắt tạm giam nhà báo tự do Phạm Thành, tức blogger “Bà Đầm Xòe,” tác giả sách chỉ trích Nguyễn Phú Trọng.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn (giữa) bị bắt trong lúc đang đi uống cà phê tại Hà Nội hôm 22 Tháng Năm. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)

Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận trên trang cá nhân: “Nếu đúng như dự đoán, thì để đối phó với lực lượng truyền thông tự do, nhà cầm quyền đã áp dụng cách bẻ bút trước, với những người phản biện và phân tích đáng ngại. Tương tự như trò cúp điện hay tắt micro hèn hạ ở các phiên tòa mà phía nhà nước độc tài đuối lý trước các luật sư. Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn hay blogger Phạm Thành đều là những người hoạt động bằng ngôn luận và hoàn toàn không phải là mối nguy của xã hội. Rất khác với nhiều biểu hiện và tội lỗi của nhiều quan chức đảng Cộng Sản, cả hai người bị bắt nói trên luôn chọn đứng về lẽ phải, đứng về nhân dân – những kẻ thấp cổ bé miệng.”

Hồi cuối Tháng Tư, báo nhà nước lần đầu cho thấy một quan chức Hà Nội lên tiếng úp mở nhận trách nhiệm về vụ CSVN tấn công võ trang ở Đồng Tâm và giết ông Lê Đình Kình hôm 9 Tháng Giêng.

Theo báo Thanh Niên, trong một cuộc họp, bà Phạm Hải Hoa, phó ban thường trực Ban Dân Vận Thành Ủy Hà Nội, thừa nhận “có hạn chế trong công tác dân vận về việc đánh giá, dự báo tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm, chưa kịp thời, sâu sát.”

Bà Hoa được ghi nhận nói rằng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết các “vụ việc phát sinh trong nhân dân” còn hạn chế như vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Theo thông lệ, trong các vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền, Ban Dân Vận được ghi nhận là nơi đưa ý kiến, đề nghị về cách giải quyết cho Thành Ủy sau khi họ đã cho người “thăm dò, nắm bắt tâm tư của người dân tại địa bàn.” (N.H.K) [qd]






No comments: