Saturday, May 16, 2020

NẾU KHÔNG HỦY BẢN ÁN GIÁM ĐỐC THẨM HỒ DUY HẢI, UY TÍN CỦA NỀN TƯ PHÁP VIỆT NAM SẼ SỤP ĐỔ (Thái Vĩnh Thắng)




NỘI DUNG :

.
.

==================================================
.

Bản án giám đốc thẩm về vụ án giết người mà bị cáo là Hồ Duy Hải bị buộc tội và bị kết án tử hình cần phải bị hủy bỏ, niềm tin của người dân Việt Nam vào công lý sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu bản án này không được hủy bỏ. Bản án này đã gây nên sự bức xúc và phẫn nộ trong xã hội, nhất là những người quan tâm đến công bằng, công lý, hiến pháp, nhà nước pháp quyền và quyền con người.

Bản án giám đốc thẩm đã mắc những sai lầm trầm trọng sau đây:

1. Vi phạm nguyên tắc hồi tỵ, theo đó chánh án Nguyễn Hòa Bình không thể tham gia xét xử phiên tòa này vì ông đã từng tham gia vụ án này với tư cách Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm.

2. Vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không có nhân chứng hoặc vật chứng chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội thì phải coi như Hồ Duy Hải vô tội.

3. Kết luận sai về sự vi phạm luật tố tụng của cơ quan điều tra mà lại không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Pháp luật tố tụng hiện đại của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều quy định việc điều tra, truy tố, xét xử phải đúng quy định của pháp luật, bất kỳ vi phạm nào trong quá trình điều tra đều dẫn đến phải hủy bỏ kết quả điều tra.

Trong vụ trọng án giết hai mạng người mà tang vật vụ án: dao, thớt không được giữ lại, phải mua lại ở chợ để làm vật tương tự, mẫu máu lấy được ở hiện trường không đem đi xét nghiệm ngay, sau một tháng mới xét nghiệm nên không có kết quả rõ ràng, buộc tội Hồ Duy Hải nhưng dấu vân tay ở hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Kẻ thủ ác thuận tay trái nhưng Hồ Duy Hải thuận tay phải (tình tiết mới do Luật sư phát hiện ra).

4. Vi phạm nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo và không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.
Trong trường hợp vụ án này, cơ quan điều tra vụ án có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khả năng sửa án, hủy án là việc mà Tòa án tối cao không thể không nhìn thấy, nhưng lại không triệu tập bị cáo, có triệu tập luật sư nhưng luật sư không được tham gia phần tranh biện. Phải đợi đến khi có đề nghị của đoàn luật sư, luật sư bào chữa mới được gọi lại đến phiên tòa. Như vậy đã không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.

5. Không tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo nguyên tắc độc lập của thẩm phán.
Chúng ta rất rõ rằng, hình thức thể hiện ý chí của các thẩm phán trong Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ. Chỉ có bỏ phiếu kín các thẩm phán mới thể hiện đúng ý nguyện của mình. Việc biểu quyết công khai sẽ buộc các thẩm phán phải nghiêng về ý kiến của Chánh án vì làm trái ý của thủ trưởng sẽ gây cho họ khó khăn trong công việc về sau này. Hơn nữa chúng ta đều biết rằng việc tiến từ biểu quyết công khai đến bỏ phiếu kín là một bước tiến bộ trong chế độ dân chủ. Vì thế các nguyên tắc bầu cử của chúng ta là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Việc loại bỏ hình thức bỏ phiếu kín mà chọn biểu quyết công khai rõ ràng đã hạn chế tính độc lập của thẩm phán.

Những vi phạm và sai lầm trên đây ở cấp giám đốc thẩm của TANDTC rõ ràng là không thể chấp nhận được. Đề nghị Quốc hội – cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng giám sát của mình để khắc phục sai lầm trên đây của Hội đồng thẩm phán TANDTC.



-----------------------------------------
.

1. Triển khai thực hiện việc chuyển các trại giam giữ sang cho Bộ Tư pháp quản lý, bao gồm các trại giam thi hành án phạt tù và trại tạm giam, nhà tạm giữ đối với các bị can, bị cáo đang trong quá trình xử lý hình sự.

Đây là kế hoạch đã được đặt ra từ năm 2005 bởi Nghị quyết số 49 của Bộ chính trị về tầm nhìn cải cách tư pháp đến năm 2020. Tới nay là năm cuối của thời hạn nhưng vẫn chưa làm được.

Có lẽ đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn về quyền lực nhà nước, do muốn nắm vững quyền lực chính trị cho nên đã có sự e ngại không muốn cải cách vấn đề này. Tới nay muốn thực hiện đòi hỏi sẽ phải có quyết tâm chính trị lớn.

Một điểm thuận lợi trong vấn đề này là lâu nay đã được nghiên cứu rồi giờ chỉ việc đem ra thực hiện.

2. Sửa đổi pháp luật quy định chỉ Tòa án mới có quyền ra các lệnh bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Khi đó cơ quan điều tra hay viện công tố muốn bắt giữ thì phải xin lệnh của Tòa án mới được thực hiện.

3. Triển khai lắp đặt đầy đủ các thiết bị ghi âm, ghi hình khi hỏi cung.

4. Củng cố vị thế vai trò cho luật sư bào chữa, tham gia ngay từ đầu các vụ án hình sự. Những vụ án oan như Hàn Đức Long là do không có luật sư tham gia từ đầu, vụ Hồ Duy Hải có lẽ cũng vậy, mãi về sau mới xuất hiện luật sư.

5. Thực hiện đúng quy định về Quyền trình bày lời khai của bị cáo, ở các nước thì đó là Quyền im lặng. Tạo cơ chế để luật sư bào chữa gặp gỡ giải thích rõ cho bị can hiểu về quyền trình bày lời khai của mình, vì đó là quyền cho nên không bắt buộc phải khai báo, có quyền từ chối trả lời câu hỏi.

Có người sẽ hỏi, ông là luật sư nên chỉ biết nghĩ cho mình, nếu làm như vậy thì gây khó khăn cho hoạt động điều tra, ông không nghĩ cho người khác à, người ta sẽ làm việc ra sao?

Xin thưa như sau: Toàn bộ những vấn đề đó là luật pháp văn minh, bảo hộ con người, pháp luật các nước người ta đều thực hiện rồi, ngay như Trung Quốc là nước tập quyền mà họ cũng đã chuyển trại giam sang cho Bộ Tư pháp giống như hầu hết các nước, Việt Nam chờ đến bao giờ mới áp dụng, mãi lạc loài so với nhân loại tiến bộ hay sao?

Các nước họ quy định như thế thì đâu phải họ trói tay cơ quan điều tra? Không phải vậy, thực chất tất cả những nội dung trên sẽ chỉ đặt ra yêu cầu với cơ quan điều tra là phải thay đổi đường lối nghiệp vụ làm án của mình, phải tiến bộ lên, và từ bỏ những lạc hậu đi.

Lâu nay việc điều tra luôn coi hoạt động lấy cung là khâu điều tra trọng yếu, hầu như tập trung mọi hoạt động vào đó, tập trung mọi thời gian và nhân sự vào việc lấy cung, nhưng đó là cách làm lạc hậu.

Đúng ra việc điều tra phải tập trung vào hiện trường, tìm kiếm nhân chứng vật chứng, nâng cao kiến thức về tâm tính con người, về ngành tội phạm học, để suy nghiệm về hành vi của hung thủ, đoán định động cơ mục đích phạm tội, từ đó xác định phương hướng điều tra và định hình hung thủ.

Ví như vụ Hồ Duy Hải hai cô gái nạn nhân đều bị mất rất nhiều trang sức trên người, cả hai cô đều có vòng cổ tay bằng vàng, nhẫn hoa tai vàng, dây chuyền vàng. Khi cùng ngồi cạnh nhau giải quyết cho khách dịch vụ ở bưu điện thì sẽ đập vào mắt kẻ nào đó làm nảy sinh lòng tham. Đến ngày cuối năm sắp tết do cần tiền nên gây án làm liều, vậy có thể xác định là giết để cướp tài sản chứ động cơ khó thể là hiếp, khó thể có ý định hiếp ở nơi công cộng và có hai người.

Phải tập trung vào tìm kiếm thu thập đầy đủ các dấu vân tay có ở hiện trường, sàng lọc với cơ sở dữ liệu danh chỉ bản để khoanh vùng nghi phạm. Thu thập đầy đủ các mẫu máu của các vệt máu ở hiện trường, các mẫu máu đó có thể của nạn nhân hoặc của hung thủ, đưa đi giám định đối chiếu với những người tình nghi. Thu thập bảo quản những vật dụng có thể là công cụ phương tiện phạm tội như dao, thớt, ghế. Rồi qua các trang thiết bị khoa học hiện đại đưa đi xét nghiệm, từ đó đưa ra chứng cứ vật chất khách quan để xác định thủ phạm.

Cũng nên biết rằng, những vụ án khó xác định dấu vết thủ phạm như vụ Hồ Duy Hải cũng không phải là nhiều trong tổng số án hình sự hàng năm. Hầu hết số vụ phạm tội về trật tự xã hội, đánh chém nhau hay tội phạm kinh tế thì nghi phạm đều được xác định ngay và tài liệu chứng cứ tương đối rõ ràng dễ thu thập, việc còn lại trong các vụ án đó là tổng hợp tài liệu chứng cứ áp vào với các yếu tố cấu thành tội phạm để kết luận.

Cho nên những việc như quyền im lặng, vai trò luật sư bào chữa, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, không phải tự nhiên mà đã có trong luật, nó đã có bởi đó là sự đúng đắn, là văn minh, là nhân quyền. Và hiện nay luật đã có thì chỉ là vượt qua được những ì trệ, lạc hậu, lạm quyền, lười nhác không chịu trau dồi cố gắng để thực hiện cho đúng.

Cũng xin thưa rằng. Việc xây dựng một nền tư pháp công minh tiến bộ bảo hộ con người sẽ đem đến lợi ích cho tất cả các bên, gồm tất cả những người đang có quan điểm khác nhau. Không khí bất an lâu nay tồn tại ở nơi này nơi kia cũng chỉ vì thiếu một khả năng bảo hộ bởi tư pháp, người có tội thì hoảng sợ, người không vi phạm cũng không thể yên tâm.

Một nền tư pháp công minh tiến bộ sẽ giúp cho người mắc lỗi sẽ chỉ phải chịu mức hình phạt tương ứng với mức lỗi mà mình gây ra, thay vì nặng hơn. Và người không vi phạm cũng có thể yên tâm vì nền tư pháp có đủ khả năng nhận ra điều đó, thay vì gây oan.
Nhìn sang bên Hàn Quốc, nền tư pháp của họ đã xử lý cả Tổng thống, mà là Tổng thống đương nhiệm, điều đó cho thấy quyền lực tư pháp của họ lớn đến thế nào. Mà đã không hề có đổ vỡ xáo trộn gì lớn, tất cả chỉ gồm một số tờ giấy, một số điều luật, một số vụ bắt giữ, một số vụ thẩm vấn và phiên tòa.

Nêu tới đây có người sẽ hỏi, vậy thì phải làm như thế nào?

Lâu nay nhiều người đã yêu cầu phải có tư pháp độc lập, nhưng nêu vấn đề như vậy thì lại bế tắc, đảng cầm quyền đang lãnh đạo đâu chịu từ bỏ quyền của mình đối với tư pháp?

Tôi cho rằng chưa cần phải đòi hỏi tư pháp độc lập, mà cần yêu cầu thực hiện một số biện pháp kỹ thuật để tăng tính độc lập tương đối cho các Thẩm phán, để từ đó tạo lập sự công tâm khách quan trong việc làm.

Tức là khi đã trao quyền cho Tòa án như quyền quyết định việc bắt giam giữ, thì để đảm bảo quyết định của tòa là công tâm khách quan, có thể thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Thứ nhất: Tăng lương. Ngành Tòa án có một quyền lớn rất đặc thù, đó là có quyền tuyên án tù, án tử hình, tước đoạt quyền lợi tài sản kinh tế nhiều tỷ đồng, mà đối với con người thì có điều gì giá trị hơn tính mạng và tự do?

Do quyền của Thẩm phán đặc biệt giá trị như vậy, cho nên mức lương không thể ngang bằng với các ngạch hành chính khác, phải nâng lên gấp 4,5 lần hiện nay. Cũng nên nhớ rằng số lượng Thẩm phán và biên chế ngành Tòa án lại không cao. Tổng biên chế ngành tòa án hiện nay chỉ khoảng 17 nghìn, con số quá nhỏ so với các ngành khác.

Mấy tháng trước một vị lãnh đạo tòa án tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, biên chế của ngành tòa án cả nước chỉ khoảng 17 nghìn, nhưng biên chế ngành giáo dục của riêng tỉnh Thanh Hóa đã là khoảng 11 nghìn (vậy thì 63 tỉnh sẽ lớn thế nào). Biên chế ngành tòa án của cả tỉnh thanh hóa khoảng hơn 400, nhưng biên chế công an của riêng thành phố Thanh Hóa đã gần 1000 (vậy thì biên chế của cả tỉnh sẽ lớn bao nhiêu).

Cho nên số lượng biên chế không lớn là một điểm thuận lợi có thể giải quyết việc tăng lương cho Thẩm phán.

Thứ hai: Nâng thời gian nhiệm kỳ của Thẩm phán lên 10 năm, họ sẽ không chịu bị đánh giá kỷ luật về các quyết định tư pháp, mở rộng đối tượng tuyển dụng Thẩm phán cho cả các luật sư.

Thứ ba: Tăng số lượng thành viên Hội đồng xét xử, tăng thêm số lượng hội thẩm nhân dân, hội đồng xét xử có thể lên 9 người như ở Nhật Bản và mở rộng chọn luân phiên trong dân chúng, để tăng tính độc lập trong các phán quyết.

Thứ tư: Trước đây đã có đề án thành lập tòa án khu vực để giảm sự ảnh hưởng của chính quyền cấp huyện đối với các tòa án huyện, nhưng đề án này đã không được thực hiện. Nay nên xem xét lại việc thực hiện.

Trên đây chỉ là một số vấn đề sơ lược, còn nhiều vấn đề khác, mà muốn làm rõ từng vấn đề thì có khi cần phải viết cả một cuốn sách mới được.


-----------------------------------------------
.

Trước tòa án của pháp luật, nghi can Hồ Duy Hải phải được áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình tố tụng hình sự.

Hải có quen biết hai cô nhân viên bưu điện và có mặt tại hiện trường lúc án mạng xảy ra thì Hải thuộc diện tình nghi như nhiều người khác. Để chứng minh Hải phạm tội phải làm nhiều bước điều tra nữa như: Xác định chính xác thời điểm xảy ra án mạng, xác định Hải có mặt đúng lúc đó, xác định dấu vân tay hay dấu vết ADN trên hung khí và trên người nạn nhân, xác định vết cắt trên cổ nạn nhân là do hung thủ thuận tay nào … Tất cả những bước đó, cơ quan điều tra đã không làm được, do vậy không thể kết luận Hải là hung thủ.

Không chứng minh Hải có tội thì các cấp tòa phải tuyên Hải vô tội chứ không còn con đường nào khác.

Ông Nguyễn Hòa Bình đã vi phạm pháp luật khi cố tình tuyên Hải có tội trong phiên giám đốc thẩm vừa rồi.

Chưa nói, vụ án bưu cục Cầu Voi đang được giới luật sư và công luận soi rọi lại, phát hiện thêm nhiều tình tiết mới chứng minh Hải ngoại phạm và có sự khuất tất cố tình trong quy trình điều tra và tố tụng như:

– Hải thuận tay phải, vết cắt trên nạn nhân do hung thủ thuận tay trái.

– Thời gian Hải di chuyển từ tiệm cầm đồ đến bưu cục Cầu Voi sau 6 lần dừng xe chỉ trong 15 phút là quá phi lí.

– Nghi can số một ban đầu là Nguyễn Văn Nghị đã biến mất khỏi hồ sơ vụ án và phát hiện mới nhất là không có tên tuổi và hồ sơ tại địa phương cư trú. Nay lại xuất hiện một nghi can mới tên Nguyễn Hữu Nghị hoàn toàn không có trong hồ sơ vụ án từ trước đến nay, với nhân thân khác hẳn nghi can Nguyễn Văn Nghị.

Càng ngày càng thêm nhiều tình tiết để tiệm cận đến sự thật, lột truồng mọi khuất tất trong quá trình tố tụng ở vụ án Cầu Voi. Các tình tiết mới cho thấy các cơ quan tố tụng đã cố tình làm sai lệch bản chất vụ án chứ không phải là sơ sót nhỏ như phiên giám đốc thẩm kết luận áp đặt.

Một khi sự thật được phơi bày, nhiều người sẽ phải trả giá đắt, trong đó có ông chánh án Nguyễn Hòa Bình và 17 vị thẩm phán của phiên giám đốc thẩm.

Tuy nhiên không cần phải chờ đến ngày đó, ngay hiện nay ông Nguyễn Hòa Bình đang bị trả giá đắt.

Ông ta bị tòa án dư luận đưa ra xét xử khá nặng nề, mà ở tòa này, nguyên tắc suy đoán có tội được phép áp dụng tối đa.

Ông là quan chức cấp cao của nhà nước, là người của công chúng, nên công chúng có quyền trưng hình ảnh được cho là có dấu hiệu sai trái luân lý của ông lên, công khai tài sản được cho là của ông, truy xét nhân thân … để lấy đó làm chứng cứ phán xét ông trước dư luận.

Ảnh được cho là của ông chụp thân mật với con dâu trong một chuyến con dâu được đi cùng ông công du ở Úc được đưa lên công khai (chắc chắn do nội bộ của ông tung ra). Qua tấm ảnh này chưa thể kết luận ông có quan hệ bất chính với con dâu hay không, nhưng dư luận có quyền bóng gió nghi ngờ và bóng gió lên án ông về mặt đạo đức. Nguyên tắc luân lý bất thành văn, buộc bố chồng tránh càng xa càng tốt việc gần gũi riêng rẽ với con dâu.

Tài sản nhiều quá so với mức lương được cho là của ông cũng được đưa ra. Với khối tài sản như vậy thì chưa kết luận ông tham ô hay không, nhưng dư luận có quyền nghi ngờ và đánh dấu hỏi chúng từ đâu ra.

Năm sinh của ông là 1953 hay 1958 cũng được đưa ra phán xét ở tòa án dư luận.

Dù được quyền sử dụng nguyên tắc suy đoán có tội, nhưng tòa án dư luận, rất công bằng, cũng không kết tội được ông qua các dấu hiệu trên. Giống như tòa án pháp luật mà ông là chánh án tối cao, tòa án dư luận cũng chỉ có quyền ở mức đưa ông vào diện đối tượng bị nghi ngờ. Mức nghi ngờ ở tòa án dư luận cũng có nghĩa là ông đã bị kết án rồi.

Có vài ý kiến cho rằng không nên đưa chuyện tài sản, nhân thân và hình ảnh đời tư của ông ra công luận. Lập luận ấy không đúng.

Ông là quan chức cao cấp, ông là người của công chúng và mới nhất ông vừa thay mặt pháp luật đưa ra một quyết định làm công chúng nghi ngờ, nên công chúng có quyền giám sát mọi hành vi của ông, có quyền nêu ra các dấu hiệu nghi ngờ khuất tất để truy vấn ông.

Ông được toàn quyền giải trình lại hoặc toàn quyền im lặng. Nhưng im lặng trước tòa dư luận cũng đồng nghĩa với chuyện tự kết án mình.

Ông Nguyễn Hòa Bình nghe nói học cao đến bằng cấp tiến sĩ, liệu có hiểu các điều sơ đẳng mà tui nêu ra ở trên không?

Khi đặt ra câu hỏi như vậy, bản thân tui đã muốn đưa ông ra tòa án dư luận về vấn đề học vấn và bằng cấp của ông rồi đó.








No comments: