Wednesday, May 13, 2020

LẠI LÙI LUẬT BIỂU TÌNH VÌ SỢ "THẾ LỰC THÙ ĐỊCH" ! (Diễm Thi, RFA)




Diễm Thi, RFA
2020-05-12

Nhiều lý do để hoãn

Tại phiên họp Ủy ban Pháp luật sáng 16/4/2020 tại Nhà Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có 6 dự án luật đã rút ra khỏi chương trình, gồm: Luật Về hội; Luật Biểu tình; Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Đặc khu.

Riêng Luật Biểu tình, Bộ Công an cho rằng, dự án này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm, nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá. Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả luật, cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... Do đó, luật này chưa đưa vào chương trình xây dựng luật trong năm 2020 và năm 2021.

Ông Đinh Đức Long, Bác sĩ Trung tá Quân đội lên tiếng về việc này với RFA tối 11/5/2020:

“Cho đến giờ phút này mà Quốc hội mà cụ thể là chế độ cộng sản Việt Nam sau 75 năm cầm quyền mà chưa soạn ra luật theo quy định của hiến pháp để người dân thực hiện quyền đấy thì hành động đấy thứ nhất là vi hiến về mặt pháp luật. Họ cản trở quyền công dân, chà đạp quyền con người. Họ sợ dân thể hiện chính kiến của mình theo con đường pháp luật.
Thứ hai, nó thể hiện chính quyền sợ. Sợ người dân biểu tình. Báo trong nước đăng là sợ thế lực thù địch lợi dụng Luật Biểu tình. Cái đấy hoàn toàn do họ suy đoán một cách chủ quan. Nói về luật thì đấy là suy đoán có tội.”

Ông Đinh Đức Long khẳng định, không có Luật biểu tình là lỗi của chính quyền, cụ thể là Quốc hội chứ không phải lỗi của người dân. Đàn áp biểu tình là hành động trái hiến pháp và vi phạm quyền hiến định của người dân.

Luật Biểu tình được nguyên thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị Bộ Công an xây dựng vào năm 2011, khi tại Hà Nội liên tiếp diễn ra những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Từ đó đến nay, qua nhiều kỳ họp Quốc hội, luật Biểu tình vẫn chưa thể thành hình do bị trì hoãn nhiều lần.

Chiều ngày 26/4/2019, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước đông đảo các cán bộ cấp tướng nghỉ hưu nhân kỷ niệm 44 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam rằng, ông đã hứa với Bộ Chính trị và Chính phủ là TP Hồ Chí Minh sẽ không có biểu tình.

Trong một lần trao đổi với RFA về việc Luật Biểu tình liên tục bị hoãn, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, vướng mắc của việc chậm trễ ban hành Luật biểu tình thứ nhất là về tâm lý vì quá lâu rồi chính quyền chỉ nhìn biểu tình về mặt tiêu cực của nó ở sự hỗn loạn, ở những yếu tố tác động tiêu cực trong xã hội. Người ta thường hay lấy lý do chúng ta chưa quen, chưa có luật, chưa có tập quán. Điều đó theo ông là không thuyết phục:

“Đừng lấy lý do tâm lý chưa quen. Chúng ta sẽ có những khó khăn bước đầu nhưng chắc chắn chúng ta có luật và thực thi nghiêm túc thì người dân cũng quen luật, tuân thủ luật. Ngược lại, cơ quan giữ gìn an ninh xã hội cũng có cơ sở để mà xử lý một cách nghiêm khắc.”

Cũng trong phiên họp sáng 16/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu lý do phải rút dự án Luật Biểu tình là do phải phối hợp các bộ ngành để nghiên cứu, xây dựng dự án luật sao cho bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhưng tránh các thế lực thù địch lợi dụng gây rối mất trật tự, chống phá đảng và Nhà nước.

Những người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối luật Đặc khu trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018. AFP

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nhận xét rằng chính quyền luôn tìm mọi cách để hoãn Luật Biểu tình. Mà theo ông, luật có ra cũng chỉ nhằm ngăn cản người dân biểu tình, chứ không tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền hiến định của mình.

“Quyền biểu tình đã là quyền hiến định rồi, cho nên có luật hay không thì quyền này vẫn tồn tại. Không có luật không có nghĩa dân không có quyền biểu tình. Có khi không có luật lại hay hơn vì tôi dự báo là luật nếu có sẽ bao gồm những quy định mang tính hành chính mà Bộ Công an muốn gây khó dễ cho người biểu tình.”

Quy trình làm luật ‘không giống ai’

Theo quy trình xây dựng luật của Quốc hội thì chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Quốc hội quyết định. Dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Ban soạn thảo tiến hành soạn thảo. Ban soạn thảo tùy từng trường hợp có thể do Uỷ ban thường vụ Quốc hội; bộ hoặc cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thành lập.

Ông Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ đảng từ năm 2014 cho rằng, cách làm luật ở Việt Nam là ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’. Ông giải thích:

“Nói theo quy trình chung là Quốc hội có thể cử ra một nhóm soạn thảo. Khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua, sau đó Chủ tịch nước phê chuẩn thành luật. Nhưng Việt Nam hiện nay có cái ngược đời. Ví dụ Luật biểu tình lại do Bộ công an soạn thảo chứ không phải các nhà làm luật chuyên nghiệp soạn thảo. Điều đó có nghĩa họ soạn sao cho dễ cho cơ quan chủ quản nhất. Công an là lực lượng chống biểu tình thì soạn Luật biểu tình để dễ quản lý, để đàn áp và bóp chết dễ nhất.

Bên đề xuất sẽ là bên chịu trách nhiệm quản lý sau này. Điều này không khách quan vì họ ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’. Họ soạn sao cho có lợi cho họ chứ không phải có lợi cho quyền con người. Nếu tôn trọng quyền con người thì họ phải làm sao cho người dân được thực hiện quyền của mình theo hiến pháp quy định cũng như theo công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Họ chỉ làm sao để khi luật được thông qua thì sẽ thuận cho nhà cầm quyền.”

Cũng cùng quan điểm, ông Vũ Quốc Ngữ nhận định:

“Ở Việt Nam thì cơ quan công quyền lại là cơ quan xây dựng luật. Họ xây dựng luật sao cho có lợi cho việc quản lý. Họ sợ dân lạm dụng luật này để chống phá nhà nước. Tôi nghĩ họ sẽ ra một cái luật với những điều khoản chế tài quyền biểu tình.”

Như vậy là đã gần 10 năm trôi qua kể từ ngày được đề nghị xây dựng, đến nay Luật Biểu tình vẫn chưa thành, và chưa biết bao giờ mới có. Trong khi đó nếu người dân xuống đường biểu tình để phản đối bất cứ điều gì đều có thể bị đàn áp, bắt bớ, thậm chí bỏ tù.

Đến bao giờ Luật Biểu tình mới được ban hành là câu hỏi còn bỏ ngỏ mà theo ông Đinh Đức Long là do người dân không dùng quyền của mình để tẩy chay Quốc Hội khi họ không hoàn thành nhiệm vụ. Ông giải thích:

“Cái này nói cho cùng là ‘tại anh tại ả tại cả hai bên’. Nếu qua nhiều khóa mà Quốc hội không ra được luật biểu tình thì người dân phải dùng quyền của mình để tẩy chay bầu cử Quốc hội vì Quốc hội không hoàn thành nhiệm vụ. Tại sao người ta không làm?
Bây giờ toàn dân Việt Nam tẩy chay không đi bầu đại biểu Quốc hội vì Quốc hội không do dân, vì dân mà chỉ của đảng, do đảng, vì đảng. Đi bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ.”

Ông cho biết bản thân từng tẩy chay bầu cử do ông không tin những đại biểu sẽ thực hiện trọng trách do dân ủy quyền. Ông Đinh Đức Long nhắc lại cho đến nay đại biểu Quốc hội là do ‘đảng cử, dân bầu’, người nào cũng là người của đảng nên ông không bầu.





No comments: