Monday, May 18, 2020

ĐIỂM TIN NGÀY 18/05/2020 - LUẬT KHOA TẠP CHÍ






Các phiên cập nhật: 8:00 – 18:00 (giờ Việt Nam)

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

.
TT Trump nói ông dùng thuốc ký ninh để chống COVID-19, bất chấp các cảnh báo khoa học
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo ngày 18/5/2020. Ảnh: AP.

Vào thứ Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sử dụng hydroxychloroquine, một loại thuốc sốt rét, trong khoảng hơn một tuần để phòng ngừa coronavirus. Ông cũng nói rằng hiện tại mình không có dấu hiệu bệnh, và giải thích rằng ông uống thuốc này đều đặn hàng ngày, tờ New York Times đưa tin.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra khuyến nghị an toàn vào tháng Tư đối với hydroxychloroquine và chloroquine – các loại thuốc sốt rét được TT Trump khuyến khích sử dụng dù không có bằng chứng khoa học xác thực. FDA khuyến cáo rằng các loại thuốc này có thể làm các bệnh nhân virus bị rối loạn nhịp tim và các loại thuốc này chỉ nên được sử dụng trong môi trường bệnh viện và các phòng thí nghiệm để bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe, chứ không nên tự tiện uống thuốc tại nhà. 
Một vài nghiên cứu đầu tiên về hydroxychloroquine ở các phòng thí nghiệm cho thấy loại thuốc này có thể ngăn ngừa virus tấn công tế bào, khiến nhiều người kết luận rằng loại thuốc này hữu hiệu. Tuy nhiên, các nghiên cứu thuốc trên cơ thể con người đều đem tới kết quả đáng thất vọng. Thậm chí, những nghiên cứu này còn chỉ ra nhiều vấn đề về tim mạch do loại thuốc này. 
“Tôi sẽ không bị ảnh hưởng xấu” – TT Trump tuyên bố và nói thêm rằng ông muốn minh bạch với người dân Mỹ. “Loại thuốc này đã được sử dụng trong 40 năm nay để chữa sốt rét, sốt phát ban và nhiều bệnh khác.”
Tuy vậy, rất nhiều bác sĩ nghi ngờ việc sử dụng một loại thuốc chưa được kiểm nghiệm sẽ chống được coronavirus. Bác sĩ Paul C. Thompson, giám đốc khoa tim mạch tại Bệnh viện Hartford ở Connecticut lo sợ rằng ông Trump đang đưa ra một tiền lệ xấu. Ông cho biết: “Tổng thống là người lãnh đạo cao nhất và có khả năng ảnh hưởng đến cả đất nước. Nếu một người ở vị trí lãnh đạo nhất quyết làm một điều mà các bác sĩ khuyến cáo không nên do thiếu bằng chứng khoa học cộng thêm các rủi ro – thì đó là một vấn đề lớn.”

.
Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ bị sa thải khi đang điều tra TT Trump và Ngoại trưởng Pompeo
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Cựu tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ Steve Linick. Ảnh: AP.

Tờ Politico dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết, tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ Steve Linick bị Tổng thống Donald Trump sa thải thứ Sáu tuần trước khi đang điều tra một nỗ lực của ông Trump nhằm bán vũ khí cho Saudi Arabia mà không thông qua Quốc hội.
Lý do của việc không thông qua Quốc hội là một tuyên bố tình trạng khẩn cấp của TT Trump.
Một bản tin khác cũng của Politico tiết lộ ông Steve Linick cũng đang điều tra việc Ngoại trưởng Mike Pompeo và vợ ông yêu cầu nhân viên dưới quyền giúp việc riêng tư như dắt chó đi dạo và thu dọn quần áo.

.
Tập Cận Bình cam kết chi ra hai tỷ USD để giúp các nước chống dịch
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Một màn hình lớn ở Bắc Kinh chiếu bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hội nghị của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA). Ảnh: CNN.

Nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh của WHO rằng nước này sẽ chi hai tỷ USD Mỹ tiền viện trợ cho các nước chống dịch. Số tiền này sẽ đặc biệt hỗ trợ các nước ở châu Phi – những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc Mỹ cắt viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tờ Wall Street Journal cho biết.
Trong phiên họp này của WHO, Tập Cận Bình cũng khen ngợi tổ chức này và khuyến khích các nước khác tăng cường hỗ trợ tài chính.
Bước đi này của Trung Quốc được cho là để khẳng định vị trí lãnh đạo thế giới trong đại dịch. Vào thứ Hai, một số đồng minh thân cận khác của Mỹ là Pháp và Đức cũng bày tỏ quan ngại về sự thiếu vắng lãnh đạo thế giới trong tình hình đại dịch COVID-19. Lãnh đạo hai nước này cũng chỉ trích cho những quốc gia đang không ủng hộ WHO trong khoảng thời gian này, mặc dù không trực tiếp nói đến Hoa Kỳ. 
Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Ullyot cho rằng việc TT Trump cắt viện trợ cho WHO không phải là một bước đi ảnh hưởng xấu tới vị trí lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Ngược lại, ông Ullyot cho rằng hành động của Trung Quốc chỉ là để đánh lạc hướng thế giới khỏi trách nghiệm của nước này do không minh bạch từ đầu về sự bùng phát dịch bệnh mới. “Với tư cách là nguồn cơn của đại dịch này, Trung Quốc có trách nghiệm đặc biệt là phải chi trả nhiều hơn.” 

.
Pháp và Đức đề xuất gói cứu trợ 500 tỷ euro trong bối cảnh châu Âu nới lỏng phong tỏa xã hội
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Thủ tướng Đức Angela Markel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Vào thứ Hai, Pháp và Đức đưa ra kế hoạch cho một gói cứu trợ 500 tỷ euro để giải quyết các vấn đề kinh tế xảy ra vì dịch COVID-19. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất vay 500 tỷ euro từ quỹ của Liên minh Châu Âu (EU) để trợ giúp các khu vực trong khối EU bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch, hãng tin AFP cho biết.
“Mục tiêu chính là giúp châu Âu bước ra khỏi đại dịch cùng với một tinh thần đoàn kết” – bà Merkel giải thích.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nền kinh tế thế giới rơi vào đợt suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại Khủng Hoảng những năm 1930. Dù vậy, thị trường toàn cầu cũng đã khởi sắc hơn khi các nền kinh tế lớn như Pháp và Đức đưa ra các kế hoạch phục hồi kinh tế.
Ông Macron nói rằng các quốc gia được trợ giúp sẽ không phải hoàn trả số tiền cứu trợ. Tuy nhiên, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz phản đối, và cho rằng khoản cứu trợ này cần phải được hoàn trả như một khoản nợ chứ không thể cho không.

.
Bà Jacinda Ardern trở thành Thủ tướng New Zealand được yêu thích nhất trong một thế kỷ
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong một cuộc họp báo về COVID-19 ngày 21/3/2020 tại Wellington. Ảnh: Getty Images.

Một cuộc thăm dò ý kiến của hãng Newshub-Reid cho thấy bà Jacinda Ardern đã trở thành thủ tướng New Zealand được yêu thích nhất trong một thế kỷ. Lý do được cho là khả năng lãnh đạo của bà khi phản ứng với dịch COVID-19, Reuters cho hay.
Bà Jacinda Ardern đang có mức độ tín nhiệm là 59,5%, con số cao nhất mà Newshub-Reid thu thập được từ một thủ tướng trong khoảng thời gian một thế kỷ. Cùng lúc, Đảng Lao Động của bà Ardern tăng 14 điểm tín nhiệm lên 56,5%, cũng là con số cao nhất mà bất kỳ đảng phái nào ở New Zealand từng nhận được. 
Được biết, New Zealand tiến hành lệnh đóng cửa hơn một tháng và đã nới lỏng vào cuối tháng Tư. Tuy nhiên, nước này vẫn thi hành nhiều biện pháp phong tỏa xã hội nghiêm ngặt với người dân và doanh nghiệp để ngăn chặn virus lây lan trong cộng đồng. Khoảng 92% người dân New Zealand ủng hộ các biện pháp này và cho rằng các biện pháp phong tỏa hà khắc của lãnh đạo là cần thiết. 

.
Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

·         Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:30 ngày 19/5/2020, trên thế giới đã có 4.795.941 người nhiễm coronavirus với 318.213 ca tử vong.

·         Tổng số người nhiễm bệnh tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, hiện nay đã tăng thêm 4 ca sau bản tin tối hôm qua, nâng tổng số lên 324 ca, nhưng vẫn không có trường hợp nào tử vong vì COVID-19.






No comments: