Saturday, May 9, 2020

GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19 NGHĨ VỀ MẤY CHỮ TỔ QUỐC - ĐÒNG BÀO (Boristo Nguyễn)




Boristo Nguyễn
(Người Việt ở Nga)
08/05/2020

Nghe tin Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống virus corona tôi rất mừng. Mừng vì cha mẹ già và những người ruột thịt của tôi đang sống ở đấy. Đỡ bớt cho tôi một nỗi lo. Đọc báo Việt Nam thấy đăng liên tục các bài thế giới ca ngợi Việt Nam tài giỏi tôi vừa mừng, vừa tự hào mình là con dân nước Việt. Mừng mừng thật, tự hào tự hào thật nhưng tự dưng tôi lại chạnh lòng nghĩ về những người Việt tại Nga đang khốn khổ giữa đại dịch Covid-19.

Tự dưng tôi lại nghĩ đến hai chữ Tổ quốc

Từ bé, chúng tôi được dạy: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Tổ quốc là nơi mình sinh ra và lớn lên, là nơi cha mẹ, tổ tiên mình ở đó, không yêu làm sao được. Tôi yêu Tổ quốc không phải vì những lời dạy, hay giáo huấn này nọ. Tôi yêu Tổ quốc vì nó chính là một phần máu thịt của tôi, của ông bà bố mẹ, của những người ruột thịt thương yêu nhất của tôi. Tổ quốc là nơi đi xa thì nhớ, là chỗ quay về khi mệt mỏi trên đường đời.

Và tự dưng tôi cũng lại nghĩ đến hai chữ Đồng bào.

Lúc bình thường cuộc sống cuốn đi và đầy nỗi lo toan, tôi ít nghĩ về những người đồng bào của mình nhưng giờ đây khi phải chứng kiến rất nhiều khổ đau, bất hạnh của người Việt tại Nga tôi lại nghĩ đến họ. Làm sao không nghĩ đến được khi những tin không vui đến liên tục, khi người ra đi nơi đất khách lặng lẽ một mình không người thân thích, không được tiễn đưa. Làm sao không nghĩ được khi một buổi chiều tối lạnh dưới 0 độ hàng trăm người già có, trẻ nhỏ có, người đang mang bệnh cũng có, phải trả nhà ra đường. Làm sao không nghĩ được khi đọc những dòng chia sẻ của người con sống ở Việt Nam về bố mình nhiễm bệnh vừa mới mất nơi đất khách quê người, không người ruột thịt tiễn đưa. Người bố mấy chục năm bươn chải, tuổi đã cao, sức khỏe cũng đã kém, hứa cố gắng làm thêm mấy tháng để đủ tiền sửa nhà rồi sẽ về sum họp gia đình. Rồi gia đình, chồng cấp cứu đưa đi bệnh viện, vợ (chắc cũng dương tính) một mình 2 con nhỏ đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 5 tháng, nhà hết tiền sống. Nhiều người sang đây làm thuê, giờ không việc làm thì cũng hết tiền phải kêu cứu, sống nhờ các nhóm tương trợ cứu giúp.

Đơn đề nghị giúp đỡ khẩn cấp

Tôi rất không thích phân định ai là Việt kiều (đa phần đã ổn định về kinh tế, và tư cách pháp nhân) ai chỉ là những người sang đây bươn chải kiếm sống tạm thời. Họ đều là đồng bào của tôi, đều là những người Việt ở xa Tổ quốc, định cư lâu dài hay trụ được lúc nào hay lúc ấy. Ở đây tôi đang nói về nhóm người có thu nhập thấp, nhóm rất đông người. Họ từ những vùng quê, vì nghèo khó mà ra đi kiếm sống. Để sang được đây nhiều người phải bán đồ hay vay lãi. Họ hi vọng có thể kiếm được tiền để cứu giúp gia đình, bớt nghèo bớt khổ. Họ là tầng lớp thiệt thòi. Thiệt thòi đủ thứ. Đừng nghĩ cứ sang Tây là sung sướng, là chê đất nước nghèo mà bỏ nước ra đi, khi gặp khó khăn thì quay về. Nước Nga những ngày này đang gồng mình lên chống dịch. Mức độ dịch bệnh của Nga nặng hơn Việt Nam rất rất nhiều lần. Người Việt mình, kể cả những người không có bảo hiểm ý tế hay thậm chí giấy tờ tùy thân cũng được chữa chạy miễn phí như người Nga. Sự tận tâm, y đức của bác sĩ Nga đã được không ít người Việt chứng thực và ca ngợi. Tuy nhiên với một số lượng nhiễm bệnh nhiều đến như vậy thì họ phải phân loại, nặng đưa đi bệnh viện, chưa đủ nặng thì chữa ở nhà. Điều này có thể gây hoang mang, nhất là cho những người không biết tiếng Nga. Bệnh tật mới chỉ là một vấn đề. Còn nhiều vấn đề nặng nề khác phát sinh do đại dịch covid-19. Về nỗi khổ của người Việt ở Nga những ngày này có thể kể rất dài. Đây là một ví dụ: 


Đơn xin về Việt Nam

Trong cơn tũng quẫn hoạn nạn tâm lí con người ta thường hướng về gia đình, về đất mẹ, nơi họ nghĩ sẽ được chở che, giúp đỡ. Đó là điều tự nhiên và cần được trân trọng. Vậy nên khi đọc báo được tin Việt Nam sẽ cho máy bay “giải cứu công dân” (1) về nước nhiều người mừng và đặt nhiều hi vọng. Sống rồi! Thế là mình thoát rồi! Một hi vọng khá “ngây thơ”. Họ hồn nhiên khi nghĩ rằng sẽ được bay về với giá bình thường, thậm chí có người còn nghĩ là được bay miễn phí. Hi vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Giá vé 1 chiều từ Moscow về Việt Nam là 1300$, cao gấp 4 lần với giá vé hạng economy bay lúc bình thường. Thời buổi đại dịch này cũng như các doanh nghiệp khác Vietnam airlines chắc cũng có nhiều khó khăn, các chi phí dịch vụ cho chuyến bay chắc cũng tăng. Tôi không có bất cứ ý kiến gì về việc tại sao giá lại cao đến như vậy. Hãng hàng không chắc cũng có cái lí của mình. Tôi chỉ băn khoăn một điều: cả thảy chỉ đón 200 người, lại là chuyến bay giải cứu, vậy thì giải cứu ai? Người đáng được giải cứu hơn cả phải là những người có hoàn cảnh khó khăn nhất thì lấy đâu ra tiền mà mua vé. Người có thể mua vé mà không quan trọng giá cả thì hoàn cảnh lại không đến nỗi khó khăn. Người Việt ở Nga rất nhiều vậy ai sẽ được giải cứu? Tôi cũng biết nước mình chưa giàu, nhà nước đã vô cùng vất vả để chống đỡ và chiến thắng dịch bệnh. Đón người Việt từ nước ngoài về sẽ tạo ra nguy cơ rất lớn bùng phát lại, và bùng phát rất mạnh. Chắc chính phủ cũng rất băn khoăn giữa đón công dân mình về hay không đón, đón nhiều hay ít. Nếu ở địa vị đó chắc tôi cũng sẽ rất khó đưa ra lựa chọn. Vẫn hiểu là như vậy nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng, thương cho những người Việt đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn ở nơi đất khách quê người. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Komersant: “Trên mạng xã hội cũng như báo chí có nhiều câu hỏi tại sao phải đón công dân về, tại sao phải cố gắng làm như vậy, tại sao phải chi tiền cho họ? Phải chăng tốt hơn là giúp đỡ các địa phương? Theo cá nhân ông, liệu có cần phải đón họ về?” bộ trưởng ngoại giao Nga Lavrov nói thế này: “Cá nhân tôi có thể nói nhiều điều nhưng ở đây tôi đang nói chuyện không phải với tư cách cá nhân. Hiến pháp và luật pháp đòi hỏi chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để công dân chúng ta có thể tự do ra khỏi nước Nga và quay về bất cứ lúc nào”(2).

Bộ trưởng ngoại giao Nga Lavrov trả lời phỏng vấn báo Komersant về việc đón công dân Nga về nước.

Các nước đón hàng trăm nghìn công dân về như vậy, chắc họ cũng không thể không biết là sẽ phải đối mặt với những rủi ro gì? Nhưng họ vẫn làm. Tự dưng tôi lại muốn mơ như hồi còn nhỏ có ông Bụt hiện ra để cứu giúp đồng bào tôi. Mơ thì mơ vậy chứ ở tuổi này tôi lấy đâu ra Bụt. Lâu nay tôi vẫn nghĩ, Tổ quốc như mẹ hiền, con nào cũng là máu thịt. Tuy vẫn biết chuyện “bọc trăm trứng” chỉ là truyền thuyết nhưng tôi vẫn nghĩ đó là cái tinh thần nhân ái vốn có của người Việt. “Lá lành đùm lá rách”, đùm bọc yêu thương lẫn nhau. Cái tinh thần đó đã giúp người Việt vượt qua bao khó khăn thử thách. Tôi cũng hiểu được cái tâm trạng của người dân trong nước sau những ngày dãn cách xã hội mệt mỏi, họ rất không muốn người Việt ở nước ngoài mang bệnh về. Nhưng tôi thấy buồn khi nhiều người chỉ thấy nỗi khổ của chính mình mà không thấy nỗi khổ của người khác, coi mình có đóng góp (đóng thuế) mà hỏi những người đồng bào của mình đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa? Họ không biết những đồng tiền kiếm được do bươn chải kiếm sống ở đất người đa phần lại quay về nhà. Ít thì giúp đỡ gia đình, đỡ gánh nặng cho nhà nước. Nhiều thì xây nhà máy, khách sạn … tạo công ăn việc làm, đóng thuế cho nhà nước. Và tôi không thể tìm được lời để mô tả cái cảm giác của mình khi đọc những bài báo nhục mạ đồng bào mình đang trong cơn nguy ngập như những lời bình trên vtc.vn về bức ảnh chụp các cháu sinh viên đang mắc kẹt tại Dallas: “Hình ảnh cả chục du học sinh ngồi vạ vật ở sân bay ôm tấm biển cầu cứu được chia sẻ khắp các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ thương xót, mong nhà nước đón các em trở về. Còn tôi, cảm xúc duy nhất khi thấy bức ảnh đó chỉ là sự giận dữ. Các em được ăn học, được sống ở đất nước văn minh, phát triển nhất thế giới nhưng khi đất nước đó vừa xảy ra biến cố, các em lại tìm mọi cách trở về quê hương. Không tìm được đường về thì ngồi vạ vật cầu cứu. Tại sao phải cầu cứu?” (3)(4)

Lời bình trên vtc.vn về bức ảnh chụp các cháu sinh viên đang mắc kẹt tại Dallas. Fb Đông Kiên, 24-03-2020

   Lâu nay tôi vẫn nghĩ, đồng bào là một khối thống nhất, bao gồm tất cả những ai là con dân nước Việt, đang sống trong nước hay lưu lạc nước ngoài.

         Hay là tôi nhầm?

P.S.  Lại vừa có một tin đau lòng, một bạn rất trẻ mới ra đi. Người vợ trẻ với đứa con nhỏ cứ hỏi đi hỏi lại một bạn trong nhóm Tương trợ người Việt tại Nga: “cô ơi cháu phải làm sao?” Ai sẽ trả lời cho bạn ấy đây?

Moscow, 01-05-2020
Boristo Nguyen













No comments: