Monday, May 18, 2020

CARL THAYER NHẬN ĐỊNH VIỆC HOA KỲ MỜI VIỆT NAM TẬP TRẬN VÀNH ĐAI THÁI BÌNH DƯƠNG (Mỹ Hằng - BBC)




Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
18/05/2020

Mỹ không mời Trung Quốc, nhưng mời Việt Nam tham gia cùng 25 nước trong cuộc tập trận quy mô có tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) trên Biển Đông năm 2020.

Hải quân Mỹ gọi đây là cuộc tập trận 'lớn nhất thế giới', năm nay dự kiến diễn ra từ 17-31/8, ngắn hơn hai tuần so với các RIMPAC trước đó, và chỉ diễn ra trên biển do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo Defense News.

Bà Rochelle Rieger, người phát ngôn Chỉ huy Hạm đội Ba của Hải quân Mỹ xác nhận với VOA rằng 25 quốc gia từng tham gia RIMPAC 2018 đã chính thức được mời tới RIMPAC 2020, trong đó có Việt Nam.

Hải quân Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự RIMPACT từ năm 2018 và tiếp tục không mời năm 2020.

Trong số 25 nước được mời năm nay, sáu nước Đông Nam Á gồm có Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia, Singapore, Malyasia.

Hải quân Mỹ đã tổ chức diễn tập Vành đai Thái Bình Dương từ đầu những năm 1970.
Hồi tháng 3/2020, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc John Aquilino và Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong khi bàn về việc tổ chức RIMPAC 2020 và kế hoạch thăm cảng Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đã nhấn mạnh mối quan hệ đối tác của Hoa Kỳ với Việt Nam, theo USNI News.

"Hoa Kỳ đứng về phía Việt Nam, vì họ giữ vững chủ quyền và độc lập trong khi họ thực hiện các yêu sách chính đáng theo luật pháp quốc tế", Đô đốc Aquurino nói.

Trong khi đó, Đại sứ Kritenbrink cho biết, "mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi giúp thúc đẩy các lợi ích an ninh chung bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp trên cơ sở hòa bình."

Chưa rõ Việt Nam có nhận lời tham gia RIMPAC 2020 hay chưa, nhưng năm 2018 Việt Nam đã cử đại diện tham gia, dù không mang theo tàu chiến nào để bổ sung vào danh sách 46 tầu chiến mà 25 quốc gia mang tới Hawaii.

Liệu khả năng Việt Nam tham gia RIMPAC 2020 trong khi Trung Quốc đứng ngoài cuộc có làm cường quốc này giận giữ thêm hay không trong bối cảnh xung đột trên Biển Đông đang ngày càng căng thẳng, và có ý nghĩa thúc đẩy gì trong mối quan hệ Việt Nam, Hoa Kỳ?

BBC News Tiếng Việt có cuộc trao đổi với GS Carl Thayer từ Úc.

BBC:Việc Mỹ mời Việt Nam tham gia RIMPAC 2020 có ý nghĩa gì? Đặc biệt là vào thời điểm này, khi các nước đang đối phó với dịch Covid-19 và Trung Quốc đang tăng cường hoạt động trên vùng biển tranh chấp?

CS Carl Thayer: Đây là lần thứ tư Việt Nam tham dự RIMPAC. Việt Nam đã gửi các nhà qua sát của mình tới các cuộc tập trận tương tự vào năm 2012 và 2016. Việt Nam cũng là một nước tham gia chính thức vào RIMPAC lần đầu tiên năm 2018 và đã gửi 8 sỹ quan hải quân tham gia, nhưng không mang tới tàu chiến nào.
Dưới thời chính quyền ông Trump, các tài liệu chính sách chính như Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ, Chiến lược An ninh Quốc phòng Mỹ, và Báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đều chỉ ra rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược tiềm năng của Mỹ.
Đó là lý do tại sao Việt Nam được mời tham gia tập trận chung vào năm 2018 và vào năm nay. Chính Mỹ là nước muốn Việt Nam tham gia vào một mạng lưới thỏa thuận an ninh khu vực.
Về vấn đề thời gian, RIMPAC được tổ chức hai năm một lần vào khoảng tháng 6-7. Năm nay, RIMPAC bị cắt ngắn hơn hai tuần, từ 17-31/8. Trong những năm qua, diễn tập hải quân được thực hiện tại vùng biển ngoài khơi San Diego, California and Hawaii. Năm nay cuộc diễn tập hải quân sẽ bị giới hạn ở vùng biển xung quanh Hawaii.

.
BBC:Ông có nhận định như thế nào về khả năng Việt Nam tham gia vào cuộc tập trận chung nói trên sau khi nhận được lời mời từ Mỹ?

GS Carl Thayer: Do đại dịch Covid-19, RIMPAC 2020 sẽ chỉ có các hoạt động diễn tập trên biển.
Không có khả năng Việt Nam sẽ gửi một tàu chiến nào tham gia cuộc diễn tập này; vì vậy, Việt Nam sẽ phải có các thỏa thuận đặc biệt để các sỹ quan hải quân của mình được tham gia vào RIMPAC 2020. Họ có thể đi theo một tàu chiến từ một quốc gia thân thiện nào đó.

.
BBC:Nếu Việt Nam chấp thuận tham gia tập trận với Mỹ và các nước khác tại RIMPAC 2020, ông nghĩ liệu Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào? Ông có cho rằng Việt Nam đã ý thức đầy đủ và cũng đã chuẩn bị đầy đủ cho việc này?

GS Carl Thayer: Trung Quốc đã tham gia RIMPAC lần đầu tiên vào năm 2014, và sau đó tiếp tục tham gia năm 2016. Trung Quốc không được mời tham gia năm 2018 do nước này quân sự hóa trên Biển Đông.
25 nước tham gia RIMPAC 2018 đã gửi tới tàu chiến, máy bay và lính hải quân tới diễn tập. Cùng với Việt Nam, sáu nước thành viên ASEAN khác là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cũng đã tham gia.
Việc loại Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi là một vấn đề song phương liên quan tới Mỹ. Việt Nam đã không chịu bất kỳ chỉ trích nào cho việc họ tham gia RIMPAC 2018 và khả năng cao là Trung Quốc sẽ không chỉ trích sự tham gia của Việt Nam trong năm nay.

.
BBC: Việc Mỹ 'loại' Trung Quốc nhưng mời Việt Nam tham gia RIMPAC 2020 cho thấy điều gì về mối quan hệ Mỹ-Trung? Điều này có góp phần làm tăng cường mối quan hệ Mỹ-Việt và thúc đẩy nó lên một tầm cao mới hay không?

CS Carl Thayer: Trung Quốc đã bị đưa ra khỏi cuộc chơi RIMPAC từ năm 2018 do đó việc loại Trung Quốc năm nay không phải điều gì đáng ngạc nhiên. Nó không phải là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việc loại bỏ Trung Quốc ra khỏi cuộc diễn tập là một sản phẩm cuộc cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Trung Quốc đối với việc Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-119. Các mối quan hệ song phương đều ở vào vị thế thấp nhất chưa từng có dưới thời chính quyền Trump.
Việt Nam và Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ đối tác toàn diện. Hai nước không chính thức nâng cấp mối quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Việc gửi lời mời Việt Nam tham gia RIMPAC 210 cho thấy Mỹ nhìn nhận Việt Nam như một quốc gia đóng góp tiềm năng cho chiến lược Ấn Đô-Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong hàng hải.
Việc Mỹ mời Việt Nam cũng chỉ ra rang Mỹ mong muốn đưa ra tín hiệu ủng hộ Việt Nam vào thời điểm Trung Quốc gia tăng bắt nạt và đe dọa.

.
BBC: Ý nghĩa của cuộc tập trận RIMPAC 2020 là gì trong bối cảnh căng thẳng và xung đột với giữa Trung Quốc với Việt Nam và với các nước Đông Nam Á khác gia tăng?

GS Carl Thayer: Chủ đề của năm nay cuộc tập trận RIMPAC năm nay là Khả năng, Thích nghi, Đối tác. Theo thông cáo báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, "cuộc tập trận năm nay sẽ bao gồm diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm đa quốc gia, hoạt động đánh chặn trên biển và các sự kiện huấn luyện bắn đạn thật, trong số các cơ hội hợp tác huấn luyện khác. Kế hoạch sẽ tiếp tục được thực hiện linh hoạt khi các nhà lãnh đạo Hải quân theo dõi và đánh giá diễn tiến các tình huống."
Về mặt này, các cuộc tập trận của RIMPAC không liên quan trực tiếp đến căng thẳng hiện tại ở Biển Đông. Nhưng sự tham gia của bảy quốc gia ASEAN có nghĩa là Hoa Kỳ đang ra tín hiệu ủng hộ đối với các quốc gia này vào thời điểm Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Liên quan nhiều hơn đến Đông Nam Á là sự thay đổi trong việc triển khai các tàu Hải quân Hoa Kỳ đến Biển Đông trong các cuộc tuần tra trên biẻn. Điều này được minh họa rõ nhất trong tháng này khi các tàu USS America và USS Bunker Hill đi vào vùng biển ngoài khơi phía Đông Malaysia vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng đe dọa Malaysia về các hoạt động thăm dò dầu khí.
Hoa Kỳ sau đó đã triển khai tàu USS Montgomery và USNS Cesar Chavez đến cùng khu vực để duy trì việc theo dõi thường xuyên các động thái của Trung Quốc.

*
*
Tin liên quan
·        

·        

·        

·        







No comments: