Thu
Hằng -
RFI
Đăng
ngày: 25/05/2020 - 14:49
Từ đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn thúc đẩy đàm phán về
Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với các nước láng giềng Đông Nam Á, được kỳ vọng
là sẽ hoàn thiện trong năm nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Nhưng trên thực địa, Bắc Kinh liên tiếp mở rộng yêu sách chủ quyền, tăng cường
hiện diện ở những vùng biển đang có tranh chấp.
Những sự kiện trên, cùng
với những chỉ trích, cáo buộc gay gắt lẫn nhau liên quan đến dịch Covid-19, khiến
quan hệ song phương Mỹ-Trung thêm căng thẳng trên mọi phương diện. Quân đội Mỹ
huy động đội tầu tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, trong đó có Biển Đông, điều đội oanh tạc cơ B-1B trở lại Guam để hỗ trợ lực
lượng tại chỗ của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực Thái Bình
Dương. Theo trang South China Morning Post ngày 19/05, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt
động quân sự trên không và trên biển « sát cửa » Trung Quốc trong 5
tháng đầu năm 2020 nhiều gấp ba lần so với nguyên một năm 2019.
Có đúng là Trung Quốc
đang lợi dụng dịch Covid-19 để thâu tóm Biển Đông ? Việt Nam đối phó thế
nào trước những căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với
giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường
Quân sự Pháp (IRSEM).
Giám đốc nghiên cứu
Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp
(IRSEM). © Lionel Monnier
RFI : Phải chăng Biển Đông đang trở
thành khu vực thể hiện sức mạnh và đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ? Những
căng này có thể đi đến đâu ?
Benoît de Tréglodé : Năm 2020, chúng ta sống trong giai đoạn
rất đặc biệt. Đại dịch Covid-19 đã làm thổi bùng căng thẳng trong quan hệ song
phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì lý do dịch tễ. Nhưng những vấn đề đối nội nảy sinh trong đợt dịch Covid-19 cũng
phần nào đó tác động đến cách hoạt động trên trường quốc tế của hai nước.
Những yếu tố trên rất
quan trọng để hiểu được những lý do đằng sau một « cuộc chiến thông
tin » trong đó các bên Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ hoặc phương Tây nói
chung, bảo vệ một đường lối, một lịch trình mang tính chất quốc gia của mình,
cũng như để có được một cái nhìn chung về diễn biến của bối cảnh chiến lược
trên thực địa. Sự căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Washington và Bắc
Kinh là yếu tố chủ đạo để hiểu những sự kiện đang diễn ra ở Biển Đông.
Yếu tố thứ hai mà tôi cho
là đóng vai trò trọng tâm để hiểu được mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc
và Mỹ, đó là phải ngược trở lại bản báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được bộ trưởng
Quốc Phòng Mỹ trình bày vào tháng 06/2019 nhân Đối thoại Shangri-La ở
Singapore. Trong báo cáo gồm ba chủ đề chính này, Hoa Kỳ mô tả mạng lưới ngoại
giao và những đối tác của họ ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á.
Chủ đề trọng tâm thứ ba được nêu trong báo cáo, đó là coi Trung Quốc là mối đe
dọa lớn nhất cho an ninh trong khu vực. Sự việc đã rất rõ ràng ngay từ thời điểm
đó và đây cũng chính là điểm, về lý thuyết, định hình khuôn khổ chính sách hiện
nay của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trên đây là hai yếu tố bối
cảnh quan trọng để hiểu được những gì đang diễn ra trên thực địa. Vậy chuyện gì
đang diễn ra ?
Đúng là có nhiều nhà bình
luận, từ vài tuần nay, nhắc đến việc Trung Quốc tái thúc đẩy những hành vi khiêu khích trong bối cảnh khủng hoảng dịch tễ
quy mô toàn cầu và Bắc Kinh tranh thủ thời cơ để đẩy các quân cờ trên thực địa,
trong đó phải kể đến ba sự kiện. Thứ nhất là vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020 ở quần
đảo Hoàng Sa. Tiếp theo là việc « thành phố Tam Sa » của Trung Quốc lập hai quận mới : Tây Sa (Xisha) ở Hoàng Sa và Nam Sa
(Nansha) ở Trường Sa. Và sự kiện thứ ba là việc tầu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 gần đây tiếp tục hoạt động trong
lãnh hải của Malaysia.
Ba sự kiện trên, theo
tôi, cần phải đặt chúng vào bối cảnh tổng thể hơn về quan hệ quốc tế, đặc biệt
là sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Cả ba yếu tố này không hẳn là đặc biệt trong năm
2020 này bởi chúng đều phụ thuộc vào tính chất liên tục trong chính sách hàng hải
của Trung Quốc trong khu vực đã có từ khá lâu. Lấy ví dụ vụ tầu cá của ngư dân
Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020, phải đặt biến cố này vào bối cảnh
có từ lâu, cụ thể là từ năm 2014 khi xảy ra khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981.
.
RFI : Dù sao cũng có thể thấy là kiểu xung
đột này xảy ra thường xuyên hơn từ đầu năm 2020. Vậy nguyên nhân là gì ?
Benoît de Tréglodé : Kiểu đối đầu, kiểu xung đột này thường xuyên xảy
ra và có thể được giải thích với hai yếu tố.
Thứ nhất, phải nhắc lại rằng
từ khoảng 10 năm gần đây, cả Trung Quốc và Việt Nam đều tăng cường đội dân quân
biển. Năm 2009, Việt Nam đã áp dụng Luật Dân quân tự vệ biển - lực lượng phòng
vệ hàng hải và loại tầu dành cho nhiệm vụ này cũng xuất hiện từ thời điểm đó.
Theo tôi nhớ vào năm 2010, chủ tịch nước Việt Nam lúc đó đã khuyến khích lực lượng
dân quân biển cùng với các hiệp hội nghề cá đến các khu vực có tranh chấp với
Trung Quốc để tăng cường sự hiện diện của Việt Nam. Điều này rất quan trọng để
hiểu được tình hình tại chỗ. Phía Trung Quốc cũng làm tương tự, vì thế thường
xuyên xảy ra các vụ tranh chấp, đôi khi rất dữ dội, giữa ngư dân, dân quân biển
và hải cảnh trong các vùng biển có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là việc lập
ra hai « quận » mới trực thuộc « thành phố Tam Sa », bao gồm
cả không gian biển khu vực quần đảo Trường Sa. Trở lại bối cảnh lịch sử gần
đây, chúng ta thấy truyền thông từng nói nhiều về việc Trung Quốc thành lập
« thành phố Tam Sa » vào năm 2012. Đây là cách đáp trả của Bắc Kinh về
việc Quốc Hội Việt Nam, vào tháng 06/2012, đã thông qua Luật Biển bao gồm cả
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ đó, Trung Quốc đòi chủ quyền về hành
chính. Và yêu sách đó được cụ thể hóa bằng việc thành lập hai « quận »
Tây Sa và Nam Sa mà thực ra, nằm trong kế hoạch « thành phố Tam Sa »
đã có từ trước đó. Một điểm quan trọng đáng lưu ý khác, đó là « thành phố Tam Sa » khi được Trung Quốc thành lập năm
2012, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của các đối tác và các nước láng giềng, mà đứng
đầu là Việt Nam, chỉ có khoảng 400 dân cư, nhưng giờ có đến 1.800 người, chủ yếu
sống ở khu vực bắc Hoàng Sa.
Đúng là chúng ta thấy rõ
các chính sách như gia tăng dân số, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhưng nên nhớ rằng
chính sách đó chưa hẳn là nhân cơ hội tình hình dịch bệnh năm nay mà thực ra,
là chiến lược lâu dài, mang tính chất liên tục của Trung Quốc từ những năm
2010. Tương tự như việc tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc thâm nhập vào
vùng biển của Malaysia cũng giống như sự kiện đã xảy ra với Việt Nam.
Vì vậy, tôi không thấy có
sự gia tăng vô cùng quan trọng nào trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19, mà thực
ra, đó là sự tiếp tục trong chính sách đã có từ khá lâu của Trung Quốc.
.
RFI : Dường như Trung Quốc biết cách tận
dụng chính sách « Bốn Không » của Việt Nam để gia tăng hoạt động ngày
càng hung hăng hơn ?
Benoît de Tréglodé : Chính sách « Bốn Không » trước
là chính sách « Ba Không » của Việt Nam : Không tham gia liên
minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng
lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Chính sách này được sửa đổi vào tháng
11/2019 trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam với điểm
« Không » thứ tư, đó là « không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực
trong quan hệ quốc tế », trong đó có việc không dùng vũ lực để giải quyết
tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
Nội dung vẫn khá mang
tính truyền thống, đó là việc đưa ra những tuyên bố phòng thủ để có thể bảo vệ
những quyền lợi chủ quyền đang bị đe dọa vì những lấn lướt trên thực địa trong
chính sách hàng hải của Trung Quốc mà chúng ta đã nêu ở trên.
Về vấn đề này, nên đề cập
một điểm, mang tính rất thời sự : Hà Nội đang nêu ra khả năng đe dọa đối tác Trung Quốc và báo với cộng đồng quốc tế
rằng Việt Nam sẵn sàng làm như Philippines từng làm, có nghĩa là viện đến công lý quốc tế để có thể làm nổi rõ những
tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là vào
năm 2014, chính quyền Việt Nam từng cho thấy dấu hiệu là có thể kiện nhưng từ
đó vẫn không có chuyện gì thực sự xảy ra.
Một lần nữa, chúng ta cần
chú ý rằng mọi chuyện rất phức tạp. Những mối liên hệ chính trị, kinh tế, quân
sự giữa các nước láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực không cho phép
các nước xây dựng một hướng đi chung.
.
RFI : Việt Nam có thể thu được lợi ích
gì từ việc Hoa Kỳ hiện diện thường xuyên hơn và mạnh hơn trong khu vực, đặc biệt
là vào năm đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt-Mỹ ?
Benoît de Tréglodé : Các kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại
không giải thích hết về quan hệ quốc tế. Đúng là Việt Nam sẽ kỷ niệm một phần
tư thế kỷ tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Đó là sự kiện quan trọng đánh
dấu thời kỳ mở cửa của đất nước từ năm 1975. Nhưng cũng đừng quên là 2020 cũng
đánh dấu 70 năm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Tiếp theo, cần phải xem
xét thực tế hiện diện của Mỹ từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đông Nam Á và những
hoạt động của Trung Quốc trên thực địa. Chúng ta thấy là ngay từ tháng 03/2020
đã có nhiều cuộc họp giữa bộ trưởng Y Tế các nước ASEAN với sự hiện
diện của bộ trưởng Y Tế Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ cũng tổ chức họp trực tuyến với
các đồng nhiệm ASEAN, nhưng không hiện diện thực sự trên thực địa.
Về mặt quân sự, nếu nhìn
vào số lượng chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải cho phép hải quân Mỹ được điều tầu
đến bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế, thì rõ ràng là số lượng các
chuyến hải tuần như vậy đã tăng nhiều.
Nhưng nếu nhìn vào mối
quan hệ song phương thực sự diễn ra như thế nào giữa các nước, có thể thấy là rất
nhiều quốc gia Đông Nam Á bảo vệ một nguyên tắc chủ đạo đối với khu vực :
Đó là họ không muốn Washington buộc họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Và đây cũng là một trong những
nguyên tắc ngoại giao của rất nhiều nước trong vùng và đang được tái khẳng định.
Chính sách của tổng thống
Donald Trump đưa đến tham vọng là thuyết phục các đối tác Đông Nam Á của Mỹ chọn
một phe. Nhưng đây lại một nguyên tắc không khả thi đối với rất nhiều nước
trong khu vực.
.
RFI : Những tác động về kinh tế từ dịch
Covid-19 ảnh hưởng như nào đến hoạt động của Mỹ ở vùng Biển Đông ?
Benoît de Tréglodé : Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ một năm nay
đã tạo điều kiện thuận lợi rõ ràng cho nền kinh tế Việt
Nam. Việt Nam cũng không bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do dịch Covid-19.
Một điều thú vị cần nêu
lên, đó là cách đây khoảng 10 ngày, tổng thống Mỹ chính thức thông báo rằng do
cách Trung Quốc xử lý dịch Covid-19, 27 công ty đã rời Trung Quốc chuyển sang
hoạt động ở Đông Nam Á, nhưng lại không phải ở Việt Nam mà là ở Indonesia.
Chúng ta thấy là mọi chuyện có vẻ tế nhị hơn và Việt Nam không phải là bên chiến
thắng duy nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Phải hiểu việc Hoa Kỳ nhắm
vào một quốc gia khác, mà không phải Việt Nam trong bối cảnh này như thế
nào ? Một số nhà phân tích cho tổng thống Mỹ hẳn vẫn còn nghi ngờ về khả năng
Việt Nam thoát hẳn khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vì lý do kinh tế, chính trị,
kể cả lý do lịch sử lâu đời.
Vào thời điểm có thể dẫn
đến chiến tranh lạnh với sự chia rẽ giữa các nước chống hoặc ủng hộ chính sách
của Trung Quốc và vào lúc mà mọi việc trở nên tế nhị hơn với một số nước vừa phản
đối những hành vi xâm lấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng vẫn cần đến sự ủng hộ
về kinh tế và chính trị, tôi cho rằng khu vực Đông Nam Á vẫn muốn giữ cân bằng
giữa các cường quốc.
.
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện
Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
No comments:
Post a Comment