Thursday, May 21, 2020

ĐẢNG CỌNG SẢN TRUNG QUỐC SẼ TỒN TẠI THÊM ĐƯỢC BAO LÂU? (Christina Zhou)




Christina Zhou
Gia Huy biên dịch

Cộng sản Trung Quốc – gần đây đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình – là một trong những chế độ độc đảng kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại. Liệu ĐCSTQ có thể tiếp tục duy trì quyền lực của mình trong thời gian tới, hay sẽ biến đổi thành một mô hình khác?

ĐCSTQ dùng phương thức “hy sinh bách tính, chèn ép nhân quyền, huỷ hoại sinh thái” để phát triển kinh tế. (Ảnh minh hoạ từ Shutterstock)

Các nhà phân tích nói rằng mặc dù không có giới hạn thời gian đối với các chính phủ độc tài, nhưng sự cầm quyền độc đảng của ĐCSTQ có thể không bền vững về lâu dài bất chấp khả năng ứng phó và sự đặc thù trong quá khứ của nó so với các chế độ khác.

Nhưng để biết khi nào và làm thế nào cuối cùng Trung Quốc có thể thực hiện cải cách chính trị, thì đầu tiên quan trọng phải hiểu được làm thế nào ĐCSTQ duy trì được quyền lực trong thời gian dài như vậy.

Làm thế nào ĐCSTQ tồn tại lâu như vậy?

Rory Truex, trợ lý giáo sư về các vấn đề quốc tế và chính trị của Đại học Princeton, đã nói với đài ABC rằng ĐCSTQ đã biết cách giảm thiểu nguy cơ từ hai mối đe dọa chính đối với các chế độ độc tài: các cuộc đảo chính và các cuộc cách mạng.

Ông Truex cho biết để ngăn chặn mối đe doạ thứ nhất, Đảng này có một hệ thống để đảm bảo việc chuyển giao quyền lực từ người lãnh đạo sang người kế vị diễn ra “tương đối hòa bình”.

Sau cái chết của Chủ tịch Mao năm 1976, cố lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình đã viết giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước vào trong Hiến pháp của Trung Quốc, thừa nhận sự nguy hiểm của việc một người nắm trong tay tất cả. 

Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp gây tranh cãi được thông qua vào tháng 3 năm 2018 đã loại bỏ giới hạn 10 năm, cho phép mở rộng hơn hai nhiệm kỳ 5 năm, để Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cầm quyền vô thời hạn.

Trong lúc đó, chế độ này tự bảo vệ mình khỏi một cuộc cách mạng bằng cách “cai trị một cách hợp lý để làm dân chúng thấy hạnh phúc, do đó họ không muốn nổi dậy”, cũng như qua việc kiểm soát thông tin và đàn áp, ông Truex cho biết.

Michael Albertus, đồng tác giả của cuốn sách “Chủ nghĩa độc đoán và Nguồn gốc của Dân chủ Ưu tú”, nói rằng ĐCSTQ đã đặt cược tính hợp pháp của nó theo sự phát triển quốc gia và đã thực hiện lời hứa đó một cách đáng kinh ngạc, đưa nửa tỷ người thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây.

Năm nay cũng được đánh dấu là “năm thắng lợi quyết định để xóa bỏ đói nghèo”, ông Tập đã nói trong bài phát biểu năm mới của mình, khi thời hạn do ĐCSTQ tự áp đặt 2020 đã đến.

“Chúng ta sẽ hoàn thành việc xây dựng một xã hội thịnh vượng trên tất cả các lĩnh vực và hiện thực hóa mục tiêu trăm năm đầu tiên,” ông Tập nói trên truyền hình nhà nước.

Hơn 40 năm qua, Trung Quốc đã chuyển đổi từ một trong những quốc gia nghèo nhất trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới thông qua việc cải cách kinh tế và các chính sách mở cửa của mình.

Đồng thời, Bắc Kinh đã sử dụng quyền lực để kiểm duyệt và loại bỏ những gì mà họ xem là mối đe dọa đối với tính hợp pháp của chế độ.

Ông Truex lưu ý rằng Đảng Cộng sản được cho là “chế độ tinh vi nhất” trong việc đàn áp, kiểm soát và bóp méo thông tin bằng việc sử dụng Internet, công nghệ, kiểm duyệt và tuyên truyền.

“Điều đáng nói đây là một chế độ độc tài thông minh, họ đã nhìn ra mối đe dọa đối với quyền lực của họ và đã tìm cách để giảm thiểu các mối đe dọa này,” ông Truex cho biết.
“Nhưng có vài bằng chứng cho thấy một số điều có thể thay đổi dưới thời Tập Cận Bình… một số điều đã thực sự làm Đảng Cộng sản có thể bị sụp đổ dưới sự cầm quyền của ông Tập,” ông Truex nói.

Còn ông Albertus cho biết ĐCSTQ mạnh cũng một phần vì họ đã “tiêu diệt kẻ thù chính của họ” – Quốc Dân Đảng (QDĐ).

QDĐ đã cầm quyền Trung Quốc hơn hai thập kỷ, trước khi thất bại dưới tay những người công sản vào cuối cuộc nội chiến năm 1949.

QDĐ sau đó đã chạy sang Đài Loan, tại đây họ là đảng cầm quyền duy nhất cho đến năm 2000 khi bị đánh bại bởi Đảng Tiến bộ Dân chủ sau một thời gian chuyển sang chế độ dân chủ.

“Chắc chắn, [ĐCSTQ] đã có những lúc suy yếu thật sự,” ông Albertus cho biết, dẫn ví dụ về vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn.

“Nhưng họ đã tiến hóa để phát triển thành một tổ chức phân tầng chặt chẽ và nhiều đảng viên ĐCSTQ cũng đã góp sức vào sự tồn tại lâu dài và khả năng dự đoán thời cuộc của nó”


Điều gì khiến chế độ độc đảng sụp đổ?

Năm 2013, Larry Diamond, một học giả dân chủ nổi tiếng của Đại học Stanford, đã viết rằng cộng sản Trung Quốc đang hướng đến giai đoạn nguy hiểm mà ông gọi đó là “cơn ngứa 70 năm.”

Và có nhiều lý do tại sao chế độ này tiếp tục tồn tại trong khi những chế độ khác đã sụp đổ.

Sự tương phản giữa Trung Quốc ngày nay và Liên Xô trước khi sụp đổ không thể rõ ràng hơn.

Vào thời điểm Mikhail Gorbachev trở thành lãnh đạo của Liên Xô năm 1985, nền kinh tế đã suy thoái, Mục tiêu của ông là hồi sinh nó bằng hai cải cách lớn: cải cách kinh tế (perestroika) và mở cửa chính trị (glasnost).

Sarah Percy, phó giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Queensland, gần đây đã viết rằng cải cách kinh tế đã mở cửa cho chỉ trích công khai, và “vấn đề cho phép chỉ trích đã làm tình hình trở nên không thể kiểm soát”.

“Một khi người dân được phép lên tiếng trong một số lĩnh vực, họ sẽ tiếp tục làm như vậy trong những lĩnh vực khác, điều này thách thức sự kiểm soát của chính phủ đối với các vấn đề chính trị cũng như các vấn đề kinh tế,” bà viết.

Trong khi đó, mở cửa chính trị đã mở ra chiếc hộp tự do ngôn luận của Pandora. Giảm kiểm duyệt truyền thông đã dẫn tới việc chỉ trích các quan chức chính phủ. 

Maria Repnikova, một nhà khoa học chính trị của Đại học Bang Georgia, đã nói với kênh ABC rằng sự sụp đổ của Liên Xô đã trở thành một “tấm gương” đối với chế độ Trung Quốc.

“ĐCSTQ đã đổ lỗi cho đường hướng cải cách của Gorbachev khi mở cửa chính trị đã dẫn tới tình trạng không thể kiểm soát,” bà nói với ABC.

“Đó là điều mà chế độ Trung Quốc muốn tránh bằng mọi giá thông qua việc kết hợp giữa phản ứng nhanh và kiểm soát toàn diện.”

Bà Repnikova, tác giả cuốn sách “Chính trị Truyền thông tại Trung Quốc”, nói rằng Bắc Kinh bị ám ảnh bởi việc nắm bắt và hướng dẫn dư luận, xử lý các cuộc khủng hoảng bằng những tuyên truyền quy mô lớn cả trên truyền thông truyền thống và mạng xã hội.

Ông Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ thành lập chính quyền. (Ảnh cắt từ video)

ĐCSTQ khác với các chế độ độc đảng khác như thế nào?

Các chuyên gia cũng cho rằng sự kéo dài việc cầm quyền của ĐCSTQ là do khả năng học hỏi và thích ứng của nó.

Kerry Brown, giáo sư về Trung Quốc học và là giám đốc của viện Lau China tại Đại học King London, lưu ý rằng đảng này rất linh hoạt ở chỗ nó “không quá căng thẳng về ý thức hệ”.

Ví dụ, khi ĐCSTQ đang ở tình trạng ảm đạm nhất trong cuộc Cách mạng Văn hóa vào giữa thập niên 70, các nhà lãnh đạo đảng “đã tự tái sinh” bằng cách tập trung vào kinh tế, ông nói.

Giáo sư Brown cho biết ý tưởng về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” cũng là “điều cốt lõi” bởi vì có nghĩa là ĐCSTQ không giống bất kỳ hệ thống nào khác.   

Trong khi chế độ độc đảng của Triều Tiên cũng khá đặc biệt, với triều đại họ Kim cầm quyền gần giống như chế độ quân chủ. Hệ thống chính trị đóng kín khét tiếng của Triều Tiên đã hạn chế nghiêm trọng bất cứ cơ hội phát triển kinh tế nào.

“Tôi luôn nghĩ rằng Triều Tiên ngày nay có một vài điều giống như Trung Quốc dưới thời Mao,” ông Truex nói.

“Bạn có thể gọi đó là chế độ toàn trị, nơi đảng kiểm soát toàn bộ cuộc sống của người dân và kiểm soát hoàn toàn luồng thông tin.”

Graeme Smith từ Đại học Quốc gia Úc cho biết ĐCSTQ đã nhận ra từ rất sớm, thậm chí trước khi lên nắm quyền năm 1949, rằng việc thanh trừng thường xuyên để thanh lọc hàng ngũ của Đảng sẽ không phải một chiến lược dài hạn

Ông nói tại Campuchia, việc thanh trừng đã góp phần lật đổ nhà lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot.

Một tài liệu của Trung tâm Wilson xem xét quan hệ giữa ĐCSTQ với Khmer Đỏ trong thập niên 70 cho biết Đặng Tiểu Bình đã chỉ trích Pol Pot về “chủ nghĩa cực đoan quá mức” của đảng này, nói thêm rằng khuynh hướng “cánh tả” của họ – cụ thể việc thanh trừng đã làm tổn hại khả năng chống lại các cuộc tấn công quân sự của Việt Nam.

Mặc dù ĐCSTQ cũng đã thanh trừng một số lượng lớn các đảng viên trong quá khứ, nhưng sau đó nó đã chuyển sang chiến lược chỉnh đốn đảng.

“Nếu bạn bị nghi ngờ về ý thức hệ hoặc tham gia vào các hoạt động mà đảng không chấp nhận, khi đó việc chỉnh đốn sẽ được thực hiện để làm bạn trở lại đúng hướng,” tiến sĩ Smith giải thích.

“Ý tưởng là tất cả cán bộ về cơ bản là tốt và họ có thể được cải tạo thông qua công tác tư tưởng.”

Nhưng tiến sĩ Smith nói thêm rằng chiến dịch chống tham nhũng đặc trưng của ông Tập với tên gọi lóng “đả hổ diệt ruồi” đã làm ông trở thành kẻ thù của nhiều người kể từ khi ông trở thành Chủ tịch nước, gồm cả một số người quyền lực có thể kế vị ông Tập trong tương lai.


Bắc Kinh sẽ trở thành ngoại lệ đối với quy tắc này?

Tiến sĩ Diamond từ Đại học Stanford nói với ABC rằng mặc dù không có “luật chắc chắn” nào khiến chế độ độc đảng phải sụp đổ sau 70 hoặc 80 năm, nhưng ông cũng không tin chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản có thể bền vững trong thời gian dài.

“Những người cầm quyền rất mong muốn ĐCSTQ trở thành lực lượng chính trị hùng mạnh nhất vào năm 2049, khi đó chế độ sẽ đạt tuổi 100, và tôi không tin rằng điều đó sẽ xảy ra,” ông cho biết.

“Mặc dù những ảnh hưởng chính trị của việc hiện đại hóa đã bị chậm lại và trì hoãn bởi nhiều yếu tố, bao gồm việc quản lý thông tin khắt khe của chế độ và mức độ đàn áp và giám sát độc tài chuyên chế, nhưng chế độ này phải đối mặt với mâu thuẫn lâu dài giống như các chế độ chuyên chế khác gặp phải.”

Tiến sĩ Diamond nhận định các giá trị của người dân thay đổi khi họ có thu nhập và trình độ học vấn cao hơn, và cuối cùng “họ muốn tự chủ hơn, tự trọng hơn, tự do hơn và kiểm soát nhiều hơn chính cuộc sống của họ”.

“Nhiều người đang rời đi hoặc đã rời đi bởi vì họ không thể có sự tự do và tự chủ này tại Trung Quốc – chắc chắn không phải bây giờ dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản,” ông cho biết.

“Đúng là có một số người đang trở về theo ‘Chương trình một Ngàn Tài năng’ hoặc vì các cơ hội có liên quan… cũng đúng là gần đây chủ nghĩa dân tộc đã tăng lên trong giới trẻ. Tuy nhiên, nếu tôi là ĐCSTQ, tôi sẽ quan tâm đến các xu hướng về lâu dài và những mâu thuẫn cơ bản trong hệ thống.”

Anne-Marie Brady, giáo sư về chính trị Trung Quốc tại Đại học Canterbury, nói rằng câu hỏi lớn là ĐCSTQ có thể tiếp tục mang tới các lợi ích kinh tế cho dân chúng Trung Quốc hay không?

“Tăng trưởng đã chậm lại tại Trung Quốc và họ có một xã hội già hóa nhanh nhất trên thế giới,” bà cho biết. “Các ngân hàng Trung Quốc có nhiều nợ xấu, con số thất nghiệp thực tế thì bị kiểm duyệt, và lạm phát thì rất cao.”

Tiến sĩ Diamond tin rằng “sự bùng nổ nhân khẩu” của Trung Quốc – được khuyến khích bởi chính sách một con hiện đã được bãi bỏ – sẽ khó mà đảo ngược nếu không có số lượng người nhập cư tăng đáng kể.

“Nhưng làm thế nào Trung Quốc có thể làm điều đó với quy mô đủ lớn?” ông đặt câu hỏi.
“Tôi nghĩ rằng những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm khuyến khích tăng trưởng dân số sẽ thất bại bởi vì vẫn còn rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống tại Trung Quốc. Sự già hóa nhanh chóng của dân số sẽ là thách thức về mọi mặt của ‘giấc mơ Trung Hoa’.”


Tập Cận Bình với khẩu trang ngồi một mình

Hệ thống chính trị của Trung Quốc sẽ như thế nào trong tương lai?

Tiến sĩ Diamond thấy rằng ĐCSTQ đang phải đối mặt với “hệ thống tham nhũng từ trên xuống dưới,” nhưng cho biết có một “mâu thuẫn cơ bản” khi cố gắng giải quyết nó.

“Không có cách nào để kiểm soát tham nhũng ngoại trừ thông qua nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật (chứ không phải cai trị bằng pháp luật), và điều đó yêu cầu tách Đảng Cộng sản ra khỏi nhà nước và bộ máy tư pháp,” ông nói.

“Nhưng nếu ĐCSTQ không còn thống trị tối cao đối với nhà nước và bộ máy tư pháp thì nó có nguy cơ mất quyền kiểm soát. Đây là một vấn đề nan giải mà ĐCSTQ không thể giải quyết trừ khi tiến tới một nền dân chủ.”

Không ai biết chắc chắn Trung Quốc có trở thành một nền dân chủ với quyền phổ thông đầu phiếu đầy đủ hay không, nhưng ĐCSTQ chắc chắn đã không tránh né việc sử dụng từ này.

Trong chuyến công du tại Thượng Hải vào tháng 11, ông Tập nói rằng dân chủ của Trung Quốc là một loại hình dân chủ “toàn diện”.

Ông Truex nói rằng Đảng Cộng sản thường sử dụng từ dân chủ – nhưng đó không là dân chủ như phương Tây biết.

“Ví dụ, nếu bạn khảo sát các công dân Trung Quốc, thì phần lớn sẽ nói rằng họ sống trong một chế độ dân chủ, mặc dù phần lớn mọi người sẽ nghĩ Trung Quốc là một chế độ độc tài,” ông cho biết.

“Do đó từ “dân chủ” đã bị làm sai lệch về ý nghĩa tại Trung Quốc.”

Ông nói thêm rằng trong khi các nước phương Tây có xu hướng gắn dân chủ với bầu cử, thì Trung Quốc đang cố gắng tăng sự tham gia của công dân vào chính trị theo một số cách khác nhau.

Ví dụ, nhiều chính quyền cấp địa phương có cái gọi là “hộp thư của thị trưởng,” nơi mọi người có thể khiếu nại trực tuyến, và công chúng cũng được phép đưa ra phản hồi khi một luật được thông qua.

“Có nhiều quy trình khác trong đó về cơ bản cho phép các công dân nói lên sự bất bình hoặc quan điểm của họ về các chính sách,” ông cho biết.

“Nhưng không rõ thực tế chính phủ có thực hiện những điều này hay không … hay họ chỉ làm ra vẻ bề ngoài.”

Ông Albertus nói rằng ĐCSTQ có thể đi theo con đường tương tự như Quốc Dân Đảng (QDĐ) đã làm ở Đài Loan, mở ra cuộc tranh luận chính trị dần dần dựa trên những điều kiện của chính họ.

Sau khi QDĐ đến Đài Loan năm 1949, họ là đảng cầm quyền duy nhất trước khi chuyển sang nền dân chủ vào năm 1996, khi đó hòn đảo này lần đầu tiên tổ chức bầu cử Tổng thống trực tiếp.

Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) đã được bầu lần đầu tiên vào năm 2000. 

“Nếu thành quả phát triển kinh tế [của ĐCSTQ] tiếp tục, họ cũng có cơ hội cạnh tranh và chiến thắng thực sự ngay cả trong chế độ dân chủ,” ông Albertus nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng họ phải có động lực nào đó để thực hiện động thái này, và rất có thể nó đến từ một mối đe dọa chính trị đang gia tăng mà họ không thể kiểm soát.

“Nếu có một thách thức lớn đối với sự cầm quyền của ĐCSTQ được dự đoán trong 5 hoặc 10 năm nữa, sẽ có thể thúc đẩy thể chế này cố gắng chuyển sang chế độ dân chủ theo cách riêng của họ,” ông cho biết.

“Điều đó có thể xảy đến, như tại nhiều quốc gia khác, khi tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy bắt đầu yêu cầu có sự đại diện và quyền tự do lớn hơn tách biệt khỏi an ninh kinh tế.

“Nhưng tại thời điểm này, ĐCSTQ có lẽ nhìn nhận rằng mối đe dọa đó còn xa mới xảy ra trong tương lai, nên họ không cần thiết phải cải tổ lúc này,” ông Albertus kết luận.

--------------------------

Christina Zhou, bài viết đăng trên abc.net.au

(Gia Huy biên dịch)

Xem thêm:








No comments: