Sunday, April 5, 2020

VÀI ĐIỀU CƠ BẢN VỀ FAVIPIRAVIR & COVID-19 (Cường C. Nguyễn & Tuấn Nguyễn)




05/04/2020

Trong cuộc chiến đấu chống lại COVID-19, toàn thể nhân loại như những người sắp bị chết đuối, thấy cái gì cũng hy vọng đó là cái phao sẽ đem mình đến bến bờ bình yên. Chính vì thế mà hiện thời có đến 14 thứ thuốc đang được dùng để chữa bệnh này mặc dù tất cả đều đã được sản xuất để điều trị những bệnh khác và dù các dữ kiện về hiệu quả cùng sự an toàn khi dùng cho COVID-19 vẫn chưa đầy đủ.

Ba thứ thuốc được nhắc nhở đến nhiều nhất là chloroquine phosphate, hydroxychloroquine (chữa bệnh sốt rét) và remdesivir (chữa bệnh Ebola, SARS, và MERS). Một tia sáng mới vừa xuất hiện ở cuối đường hầm COVID-19 là thuốc favipiravir.

Hôm thứ bẩy 28 tháng 3, ông Shinzo Abe, Thủ Tướng của Nhật, đã tuyên bố là ông có nhiều hy vọng về thuốc này. Tổng thống Indonesia đã mua 1 triệu viên thuốc này cho nước của ông. Tổng thống Trump cũng đã thảo  luận với ông Abe về favipiravir và muốn FDA cho phép thử thuốc này ở Mỹ. Với áp lực từ Tòa Bạch Ốc, thuốc này chắc sẽ được nhắc nhở trong tương lai.

Favipiravir trước giờ chỉ được dùng ở Nhật và Trung quốc nên ít người biết đến.  Favipiravir được bán ở Nhật với tên Avigan. Thuốc này được khám phá khi Nhật bản mở cuộc tìm kiếm thuốc mới cho bệnh cúm (influenza). Ông Furuta ở hãng Toyama Chemical, một chi nhánh của Fujifilm, tìm ra favipiravir và đã công bố tính chất của thuốc này vào năm 2001 khi thuốc còn có mật mã là compound T-705. Đến năm 2011, Toyama Chemical nộp đơn vào cơ quan tương đương với FDA ở Nhật để xin phép sản xuất nhằm chữa bệnh flu (influenza) và đơn xin đã được chấp thuận năm 2014.

Lịch sử của faviparavir

Sau khi một con virus đã xâm nhập vào một tế bào, nó sẽ sinh trưởng trong tế bào ấy và sau đó sẽ thoát ra ngoài để xâm nhập vào một tế bào khác, và cứ thế mà lan tràn gây ra bệnh. Do đó, các thuốc chống lại virus thường hoàn thành mục tiêu này bằng cách ngăn chặn không cho con virus sinh trưởng hoặc chặn lại, không cho con virus thoát ra khỏi các tế bào. 

Nhiều bệnh nhân COVID-19 bây giờ đang được chữa với thuốc remdesivir với hy vọng là sự sinh trưởng của con virus sẽ bị chặn đứng trong tế bào. Bên Trung quốc, họ cũng đã dùng oseltamivir cho COVID-19. Thuốc này ở Mỹ có tên là Tamiflu và được dùng cho bệnh nhân bị flu (influenza), loại A và B. Tamiflu ngăn chặn sự thoát ly của con virus. Nói một cách khác, con virus flu (influenza) có thể sinh trưởng nhưng bị giam trong tế bào, không thể lan tràn ra các tế bào phụ cận.

Vào khoảng năm 2008 thế giới đã bị đại dịch với bệnh cúm gà H1N1 khiến 17,700 người chết. So sánh với COVID-19 thì con số này qúa nhỏ. Tuy nhiên đối với thế giới lúc bấy giờ thì dịch cúm gà này là điều rất không may vì mặc dù H1N1 cũng là một loại flu (influenza) nhưng những thuốc cho bệnh flu (influenza) như Tamiflu không có hiệu quả! Vì sự thất bại này, nhiều nơi đã nghiên cứu ngày đêm và kết quả là công ty Fujifilm đã trình làng thuốc faviparavir.

Sự khác biệt của faviparavir

Để hiểu lý do tại sao thuốc này được cả Thủ Tướng Nhật và Tổng Thống Mỹ lưu tâm đến, chúng ta nên biết vài chi tiết về bệnh flu (influenza):

Trước nhất, lý do mà mỗi năm mọi người đều phải chích ngừa flu (inluenza) mặc dù đã có chích năm trước là vì con virus này đã đột biến nghĩa là đã thay hình, đổi dạng liên tục khiến năm nay nó có hình dáng khác năm ngoái. Vì sự thay đổi hình dạng này mà cơ thể chúng ta không nhận ra kẻ thù là con virus cũ để chống lại nó. Sự thay đổi của con virus là cách để nó tồn tại, không bị hủy diệt bởi thuốc, hoặc bởi khả năng chống bệnh tự nhiên của cơ thể con người.  

Nói một cách khác, sự thay đổi là một việc tự nhiên của các con virus, kể cả con virus flu (influenza). Nó phải thay đổi để tồn tại; tuy nhiên, nếu sự thay đổi quá lớn thì con virus sẽ bị tự diệt. Đây cũng tương tự như việc thay đổi một vài chữ để làm một bài thơ hay hơn nhưng nếu thay đổi cả đoạn thì thành ra bài thơ mới.

Sự thay đổi hình dạng của virus bắt nguồn từ sự thay đổi trong RNA của con virus khi nó sinh trưởng. Như đã nói ở trên, sự thay đổi hình dạng là việc luôn luôn xẩy ra.  Điều này có nghĩa là RNA của con virus thay đổi liên tục. Nếu thế thì tại sao không tìm ra cách nào để đẩy mạnh thêm cho con virus thay đổi nhiều hơn nữa khiến nó tự diệt tức là tìm một thứ thuốc để làm tăng thêm tốc độ và cường độ việc biến dạng của virus? Thuốc đã tìm được thuộc loại này chính là faviparavir!

Khi Trung quốc dùng faviparavir để chữa cho COVID-19 ở ba bệnh viện khác nhau, từ 20 tháng 2  đến 12 tháng 3, 2020, 71 trong số 116 bệnh nhân (61%)  được phục hồi bẩy ngày sau khi được uống faviparavir.

Faviparavir cũng đã được nghiên cứu ở Đại học Cambridge cho bệnh tiêu chẩy gây ra bởi norovirus. Norovirus là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh từ thực phẩm ở Hoa Kỳ, mỗi năm ảnh hưởng đến 21 triệu người. Khi đem thuốc faviparavir cho những con chuột bị bệnh này, norovirus bị tiêu diệt vì sự thay đổi RNA.

Tóm lại, faviparavir là một loại thuốc có khả năng ngăn chặn virus bằng cách giúp nó tự tiêu diệt. Đây là một chiến thuật mới cho cuộc chiến với COVID-19 -- một điều trớ trêu mà các độc giả có thể nghĩ đến khi đọc về thuốc faviparavir là người Nhật vẫn nổi tiếng về harakiri và nay họ cũng là người tìm ra thuốc để con virus tự sát. Faviparavir sẽ là ánh sáng cuối đường hầm COVID-19, hay cũng chỉ là một ngôi sao chợt loé lên rồi tắt trong giải ngân hà? Hy vọng rằng thuốc này hoặc những thuốc đang được nghiên cứu sẽ đem lại cho thế giới sự an bình mà ai cũng đang mong ước.

---------------------------------------------------
.
05/04/2020

Bác Sĩ Anthony Fauci, đứng đầu lực lượng chuyên gia chống dịch bệnh của chính phủ Hoa Kỳ, đã cảnh báo vào đầu năm 2017 rằng “sự bùng nổ bất ngờ” có thể xảy ra trong thời đại chính phủ Trump, và ông cho biết rằng cần phải làm nhiều hơn để chuẩn bị một trận đại dịch.

“Không còn nghi ngờ gì rằng sẽ là một thử thách đối với chính phủ sắp tới trong lãnh vực bệnh truyền nhiễm,” theo ông phát biểu trong bài nói chuyện có chủ đề “Sự Chuẩn Bị Đại Dịch Trong Chính Phủ Kế Tiếp” tại Trung Tâm Y Khoa của Đại Học Georgetown. Ông đã thuyết trình về đề tài này chỉ vài ngày trước khi Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2017.

Fauci, người giám sát Viện Dị Ứng và Các Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia (NIAID) kể từ năm 1984, đã cảnh báo rằng các thách thức sức khỏe đang ló dạng sẽ gồm các bệnh kinh niên – đã xảy ra – cũng như “sự bùng nổ bất ngờ.”

“Bất luận là gì, lịch sử đã cho chúng ta biết chắc chắn rằng sử bùng nổ sẽ xảy ra,” theo ông cho biết. “Nó là thách thức vĩnh viễn. Nó sẽ không biến mất. Điều mà chúng tôi đang tự tin khác thường về là chúng ta sẽ chứng kiến điều này trong vài năm tới.”

----------------------------------
.
05/04/2020

“2 tuần tới là rất quan trọng,” theo người điều hợp nhóm đối phó dịch vi khuẩn corona của Bạch Ốc là Deborah Birx cho biết trong cuộc họp báo hôm Thứ Bảy.

“Đây là thời đểm không phải để tới tiệm tạp hóa, không phải là lúc để tới nhà thuốc, nhưng nên làm mọi việc mà bạn có thể bảo vệ gia đình bạn và bạn bè của bạn được an toàn,” theo bà cho biết.

Dĩ nhiên, điều này nói thì dễ. Kêu gọi “đừng đến các tiệm tạp hóa” cho rằng mọi người đã dự trữ trước tin này, cho rằng mọi người có thể mua đủ nhiều thứ như thế trong một lúc, và cho rằng mọi người có thể có các dịch vụ giao thức ăn như Instacart. Nhưng nếu bạn có phương tiện để ở nhà và có cách để có thực phẩm, thì nó thật là quan trọng để bạn góp phần làm đứng lại sự lây lan.

Tính tới Chủ Nhật, 5 tháng 4, Hoa Kỳ đã có 9,626 người thiệt mạng và 336,956 người bị lây vi khuẩn corona.

Tổng Thống Donald Trump đã cảnh báo rằng đều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.

New York có 123,160 người bị lây và 4,159 người thiệt mạng.

California có 15,151 trường hợp bị lây và 349 người thiệt mạng.

Quận Cam tại Miền Nam California có 834 trường hợp bị lây và 14 người thiệt mạng.





No comments: