Saturday, April 4, 2020

NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
03/04/2020

Mới chưa đầy 40 tuổi, nhưng nhà văn cựu quân nhân Elliot Ackerman hãnh diện khoe là số bạn thân của ông không còn sống trên cõi trần đời này, cũng nhiều ngang ngửa với số bạn quá cố của một ông lão 81.

Không ai nghi ngờ điều đó, vì Ackerman là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, với thành tích tham dự không sót một trận đánh lớn nào của cuộc chiến tranh Iraq.

Ông phục vụ quân đội Mỹ 8 năm, ngày giải ngũ ông mới 31; nguyên nhân khiến ông phải chứng minh sự già dặn của mình, là ông viết báo, viết văn; nhiều bài ông viết tạo đụng chạm với nhiều nhân vật đầy uy quyền và kinh nghiệm.

Bài phê bình mới nhất của ông mang tựa đề “There Is an Antidote to Our Fear. It”s Called Leadership.” DỊCH: Người Mỹ đang mắc bệnh khiếp đảm; và đang cần thuốc Lãnh Đạo.

Ackerman viết:

“Kể từ ngày con vi khuẩn corona đảo lộn cuộc sống của chúng ta, tôi bị ám ảnh bởi con số 70%; nhiều bác sĩ tin là 70% người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng của trận đại dịch covid-19, cũng như nhiều trung đội trưởng cùng đơn vị bảo tôi -trước ngày tấn công thị trấn Falluja của quân Hồi Giáo- là, ‘cố gắng giữ cho số tổn thất không nhiều hơn 70%.’ Cuộc tấn công đó diễn ra năm 2004.

“Chữ ‘sợ’ không có trong ngữ vựng của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến; sợ hay không sợ thì đơn vị chúng tôi cũng vẫn tấn công, vẫn vượt qua những bãi mìn, và một hàng rào hỏa lực, để chiếm đoạt thành phố Falluja, vì đó là lệnh -mệnh lệnh mà chúng tôi sẽ thực hiện và sẽ hoàn tất nhiệm vụ, không cần biết cái giá chúng tôi phải trả.

“Tôi đã trải qua cái nguy cơ 70% tử trận mà không chết tại Iraq, nhưng thành tích đó không bảo đảm là tôi còn sống sau cái nguy cơ đại dịch Corona hiện nay.”

Nỗi sợ trước khi, và trong khi tiến vào hàng rào hỏa lực địch bảo vệ thành Faluja cũng lây từ người lính TQLC này qua người lính TQLC khác như nỗi sợ con vai rút corona vô hình chuyền từ tay cậu thanh niên sang cho người yêu, cậu ôm ấp, nựng nịu; hoặc từ cái nhẩy mũi của cô hàng thịt ngoài siêu thị đưa con vai rút từ miếng thịt bầy bán trên quầy, vào miếng steak ngon lành trong bữa cơm chiều của gia đình ông bác sĩ đã suốt ngày đứng bên giường bệnh.

Ackerman còn viết,

“Donald Trump thường tự xưng là ‘a wartime president,’ (một vị tổng thống thời chiến), mà ông lại có tác phong chỉ huy của một cấp tướng tổng tư lệnh thiếu oai nghiêm -như khoa trương những thứ y dược không thực sự trị được bệnh Covid-19, hoặc hứa hẹn tình hình của trận đại dịch covid-19 sẽ thuyên giảm sau ngày lễ Phục Sinh.
“Có vẻ ông không biết việc nhiều tướng lãnh ‘dỏm’ đã hứa với binh sĩ là ‘chúng ta sẽ vui hưởng mùa Giáng Sinh này bên vợ con,’ mà vài năm sau, quân đội vẫn sa lầy trong những chiến trường du kích.”

Đừng quên tấm gương hứa cuội của tổng tư lệnh Lyndon Johnson, hứa đem quân viễn chinh từ chiến trường Việt Nam về, mà chính bản thân ông ta lại chết đứng giữa giòng sông Bến Hải như tướng cướp Từ Hải, người hùng của nàng Kiều, nói tiếng Việt, gốc Bắc Kinh.

Cũng đừng tin lời xướng ngôn viên trường túc Laura Ingraham của đài Fox News ca tụng tổng tư lệnh Trump là “hứa cuội để giúp người Mỹ có hy vọng, hầu vui sống qua mùa vai rút.” Vai rút hay vai xệ, thì cuộc sống Huê Kỳ có lúc nào thiếu vui, thiếu nhộn đâu. Người gốc Việt vẫn ăn phở thếch ao (take out), dù tiệm phở đóng cửa.

Tuy nhiên, nếu cuối tháng này mà chưa diệt được con vai rút corona là tổng tư lệnh Trump mất uy tín với người gốc Việt lắm, vì họ cần ngày 30 tháng Tư để xuống đường, khóc thương ngày mất nước.

Ngày đó, năm đó nhà báo Ackerman chưa sinh ra đời, cả cô Ingraham cũng vậy, nhưng đã có đến 47,424 người lính Mỹ thật sự chết trận trên chiến trường Việt Nam, chết bên cạnh hàng triệu chiến sĩ VNCH.

Nhà báo, nhà binh, và nhà văn Elliot Ackerman, cùng bà xướng ngôn viên Laura Ingraham nói về tổng tư lệnh Trump. (NY Times / CBS News)

Nhà báo Ackerman cho là việc lãnh đạo chiến tranh xoay quanh hai yếu tố quan trọng; một là “kiên trì trung thực khi đối mặt với sự thật nghiệt ngã (steely honesty in the face of grim facts) và hai là khẳng định khả năng của những người bạn lãnh đạo (affirming the capabilities of those you lead).

Ackerman dẫn chứng quan điểm thứ nhất bằng người đại đội trưởng của anh -một đại úy TQLC, anh viết, “Ông ta tập hợp các sĩ quan và hạ sĩ quan trong đại đội lại, rồi nói với chúng tôi là ông ta không biết con số 70% có chính xác hay không, nhưng chúng ta cứ mặc nó, không quan tâm đến nó, vì nó chẳng phải là vấn đề. Chúng ta mới thật sự là vấn đề, chúng ta có một trọng trách phải hoàn thành, và cách duy nhất để giữ con số 70% đó xuống thấp hơn là phát triển tối đa khả năng của chúng ta.”

(He gathered the officers and staff noncommissioned officers. He told us that he didn’t know whether the 70 percent figure was accurate but that we should assume it was. He also told us that it didn’t matter. We had a job to do, and our competence in doing it was the only way to keep that figure down.)

Dẫn chứng quan điểm thứ nhì, Ackerman giới thiệu một ông trung sĩ nhất với 30 năm thâm niên quân vụ; hai ngày trước ngày tấn công Falluja, ông trung sĩ này nói trước đại đội về truyền thống của TQLC trong trận ác chiến ven rừng Argone trong trận Thế Chiến Thứ Nhất, trận Iwo Jima trong Thế Chiến Thứ Nhì, trận tái chiếm Huế năm Mậu Thân, và giản dị bảo đại đội là trận Falluja, là hành động mà chúng ta sẽ làm để giữ cho truyền thống chiến thắng trong mọi khó khăn đó được tồn tại.

Ackerman đang là một nhà văn rất nổi tiếng của Mỹ, và thành tích của anh trên chiến trường cũng được khẳng định bằng một chiến thương bội tinh và hai anh dũng bội tinh.
Tuy nhiên anh đem cuộc tấn công Falluja ra làm tiêu chuẩn để phê bình cách tổng thống Mỹ đối phó với đại dịch covid-19, vẫn là một cách so sánh giữa một múi mít và một quả dâu. Mùi vị khác, và nhiều thứ không cùng một tiêu chuẩn.

Nếu, thay vì Falluja, anh dùng cuộc đổ bộ tại Inchon của tướng MacArthur ra so sánh thì hai yếu tố “kiên trì trung thực khi đối mặt với sự thật nghiệt ngã” (steely honesty in the face of grim facts) và “khẳng định khả năng của những người dưới quyền lãnh đạo của tổng thống” (affirming the capabilities of those you lead) có kích thước gần nhau hơn.
Dù sao cũng còn vài tuần nữa anh mới tới tuổi tứ thập nhi bất hoặc -tuổi 40 mới hết nghi hoặc, mới so sánh chính xác được.

Đừng vội; tuổi đó, tài đó, là giỏi lắm rồi.                   





No comments: