Thursday, April 9, 2020

KHỦNG HOẢNG VIRUS CORONA KHIẾN NGƯỜI MỸ THUỘC CẢ HAI ĐẢNG CHỐNG TRUNG QUỐC (Josh Rogin - Washington Post)




Josh Rogin  -  Washington Post
Carl Trần dịch
09/04/2020

Chính phủ Trung Quốc đã quản trị sai lầm cuộc bùng phát covid-19, và Hoa Kỳ nên đáp trả như thế nào, đó là những vấn đề mắc kẹt trong chính trị đảng phái ở Washington. Nhưng trên toàn quốc, người Mỹ thuộc cả hai đảng ngày càng đồng ý với nhau rằng, Hoa Kỳ cần một chiến lược đối với Trung Quốc cứng rắn hơn, thực tế hơn, và phụ thuộc ít hơn vào sự trung thực và thiện chí của chính phủ Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) và các lãnh đạo Trung Quốc khác đứng im lặng tại khu vực lãnh đạo Trung Nam Hải ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy để vinh danh các nạn nhân của virus corona. Ảnh: Tân Hoa Xã / Reuters.

Ngay giữa cuộc khủng hoảng thì khó đánh giá chính xác mối quan hệ Mỹ-Trung đang thay đổi ra sao. Nhưng mọi người đều cảm thấy nó sẽ không bao giờ như trước. Các nhà lãnh đạo chính trị ở Washington và Bắc Kinh đang tạm dừng cuộc đấu khẩu. Nhưng có bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc đang có kế hoạch sử dụng cuộc khủng hoảng để tạo ưu thế về kinh tế và chính trị trên toàn thế giới.

Tại thủ đô Hoa Kỳ, phe Cộng hòa đả kích phe Dân chủ, ông Joe Biden và giới truyền thông vì chỉ trích chưa đủ mạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phe Dân chủ thì đả kích Tổng thống Trump vì dùng tên gọi “virus Trung Quốc”, và đả kích bất cứ chính khách Cộng hòa nào là phân biệt chủng tộc nếu họ đổ lỗi cho ĐCSTQ gây ra đại dịch virus corona.

Tuy nhiên một cuộc thăm dò mới cho thấy, bên ngoài thủ đô, cuộc khủng hoảng virus corona đang thật sự đưa người dân Mỹ lại gần nhau trên vấn đề Trung Quốc. Người theo đảng Cộng hòa và người theo đảng Dân chủ hiện nay hầu hết đồng ý rằng, chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của đại dịch, rằng không thể tin được chính phủ đó trên vấn đề này hay bất cứ vấn đề nào khác, và chính phủ Hoa Kỳ nên duy trì quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc về thương mại và về mọi mặt, đặc biệt nếu Bắc Kinh một lần nữa không tuân thủ các cam kết của mình.

Đây là vấn đề đạt được nhiều đồng thuận nhất mà ta có thể có được trong thế giới chia rẽ ngày hôm nay,” ông Mark Penn, chủ tịch của cơ quan tổ chức thăm dò Harris Poll, nhận xét. “Nhìn chung, có rất ít sự tin tưởng dành cho bất cứ điều gì chính phủ Trung Quốc nói hoặc làm, đặc biệt người đứng đầu. Ông Tập Cận Bình chỉ có chưa bằng một nửa uy tín của Tổng thống Trump trong cuộc thăm dò này.”

Trong mẫu thăm dò toàn quốc gồm 1.993 người Mỹ trưởng thành mà Harris khảo sát trực tuyến từ ngày 3/4 đến ngày 5/4, tổng cộng 23% nói ông Tập, chủ tịch Trung Quốc, là một nguồn thông tin đáng tin cậy liên quan đến dịch covid-19, với số người Cộng hòa và số người Dân chủ xấp xỉ bằng nhau. Tòa Bạch Ốc và truyền thông Hoa Kỳ được đánh giá lần lượt 53% và 60% về mức độ tin cậy, với người Cộng hòa có xu hướng ủng hộ Tòa Bạch Ốc và người Dân chủ ủng hộ truyền thông.

Sự đồng thuận lưỡng đảng về Trung Quốc không dừng lại ở đó. 90% người Cộng hòa nói chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan của virus, so với 67% người Dân chủ. Chỉ có 22% người Cộng hòa và 34% người Dân chủ nói, họ tin rằng chính phủ Trung Quốc đã báo cáo chính xác số liệu về virus corona.

Về thương mại, càng có thêm sự đồng ý. Cả hai đảng dường như đều không chắc liệu Trung Quốc có sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” của ông Trump hay không. Nhưng đa số đông đảo thuộc cả hai đảng đều tin rằng, chính phủ Hoa Kỳ nên tái áp đặt thuế quan cứng rắn nếu Bắc Kinh không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình. Đa số thuộc cả hai đảng cũng tin rằng các nhà sản xuất Hoa Kỳ nên rút khỏi Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng.

Trong khi có vẻ như người Mỹ thuộc cả hai đảng đều không tin vào tuyên truyền của ĐCSTQ về cuộc khủng hoảng virus corona, có ít sự đồng thuận về điều gì nên làm đối với vấn đề này. Trong khi 71% người Cộng hòa trả lời rằng Trung Quốc nên đền bù thiệt hại bằng cách nào đó cho các nước khác, chỉ có 41% người Dân chủ cảm thấy nên làm như vậy.

Một đa số vững chắc 66% người Cộng hòa cho rằng, ông Trump nên có quan điểm thậm chí còn cứng rắn hơn đối với Trung Quốc so với hiện tại. Trong số người Dân chủ, 38% nói ông Trump nên cứng rắn hơn, 23% nói ông nên mềm mỏng hơn và 38% nói quan điểm hiện nay của ông là đúng mức. Người Cộng hòa ủng hộ ông Trump dùng tên gọi “virus Trung Quốc” và chấp thuận việc ông đơn phương sử dụng những biện pháp trừng phạt nhắm vào các giới chức Trung Quốc nào đã nói dối về virus. Phần lớn người Dân chủ phản đối cả hai điều này.

Câu hỏi chính trị dành cho ông Biden, ứng cử viên hàng đầu để nhận sự đề cử của đảng Dân chủ, và các nhà lãnh đạo khác của đảng là liệu họ có nhân cơ hội này để sát cánh với nhau hay không trên vấn đề Trung Quốc, tước đi lợi thế chính trị của phía Cộng hòa hay thay vào đó lại chấp nhận điều mà một số thuộc phe cực tả đang thúc đẩy — một chiến lược ủng hộ giao thương phác họa Hoa Kỳ, chứ không phải Bắc Kinh, như là phần lớn hơn của vấn đề.

Loại chính sách ấy không được nhiều người ủng hộ ngoại trừ một số cử tri trẻ tuổi,” ông Penn nói. “Quan điểm của đa số ở đây là bắt Trung Quốc thực hiện đúng những lời hứa của họ, xem Trung Quốc về căn bản là không đáng tin cậy, và có một chính sách thương mại cứng rắn hơn đối với họ.”

Bên ngoài cuộc thăm dò ý kiến này, có rất nhiều chỉ dấu cho thấy, thái độ ngày một cứng rắn hơn đối với chính phủ Trung Quốc từ cả hai đảng trước cuộc khủng hoảng virus corona. Chỉ trong năm vừa qua, các thượng nghị sĩ Charles E. Schumer (Dân chủ, ở New York) và Tom Cotton (Cộng hòa, ở Arkansas) đã làm việc cùng nhau để trừng phạt Trung Quốc vì đã không kiềm chế được nguồn fentanyl đổ vào Hoa Kỳ.

Sự phẫn nộ đối với việc chính phủ Trung Quốc cầm tù hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người sắc tộc khác theo Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương đã tập hợp những người như Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa, ở Florida) và Dân biểu Ilhan Omar (Dân chủ, ở Minnesota) lại với nhau. Cách ứng phó sai lầm của chính phủ Trung Quốc đối với virus corona chỉ là ví dụ mới nhất cho thấy những hành vi sai trái và dối trá của họ ảnh hưởng ra sao đến người dân Mỹ ở mọi tiểu bang và thuộc mọi tầng lớp xã hội.

Các nhà lãnh đạo của cả hai đảng nên xem xét các dữ liệu, lắng nghe cử tri của mình và sau đó hãy ngừng sử dụng Trung Quốc làm một vũ khí chính trị chống lại các đối thủ, bởi vì đó chính là những gì ĐCSTQ muốn chúng ta làm. Hợp tác với nhau để đối đầu với hành vi xấu của Trung Quốc không chỉ là một điều phải làm vì an ninh quốc gia. Đó cũng là chính trị thông minh.
_____

Josh Rogin: là một ký mục gia cho phần Ý kiến Toàn cầu của nhật báo Washington Post và một nhà phân tích chính trị cho CNN. Trước đây, ông đưa tin về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia cho Bloomberg View, Newsweek, Daily Beast, tạp chí Foreign Policy, Congressional Quarterly, tạp chí Federal Computer Week và nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản.

NGUỒN :
Josh Rogin 
April 8, 2020




No comments: