Thursday, April 9, 2020

KHỦNG HOẢNG CORONA ĐÁNH THỨC GÃ KHỔNG LỒ ĐANG NGŨ : GIỚI TRẺ TRUNG QUỐC (Vivian Wang và Javier C. Hernández)




Vivian Wang và Javier C. Hernández
Carl Trần chuyển ngữ
Dịch giả gửi tới Dân Luận
08/04/2020

* Cách điều hành của đảng cộng sản trong những tháng tới sẽ giúp định hình cách nhìn của hàng trăm triệu người trẻ đối với cuộc mặc cả chuyên chế của đảng trong nhiều thập kỷ sau.

Sinh viên đã tràn ngập truyền thông xã hội để tổ chức quyên góp cho các bác sĩ Trung Quốc khi ấy đang chiến đấu với đại dịch coronavirus. Công nhân đã tuần hành trên đường phố yêu cầu bồi thường cho nhiều tuần lễ thất nghiệp trong các cuộc phong tỏa toàn thành phố. Những nhà báo công dân trẻ đã lên YouTube kêu gọi tự do ngôn luận.

Dịch coronavirus đã huy động người trẻ Trung Quốc, dóng lên một lời kêu gọi hành động cho một thế hệ vốn ít thể hiện sự phản kháng đối với nghị trình của đảng cộng sản đương quyền.

Trong phần lớn đời mình, nhiều thanh niên Trung Quốc đã bằng lòng từ bỏ các quyền tự do chính trị chừng nào đảng còn giữ nguyên cam kết của mình trong một cuộc mặc cả chuyên chế bất thành văn bằng cách cung cấp việc làm, sự ổn định và cơ hội thăng tiến trong xã hội. Giờ đây, con virus đã phơi bày giới hạn của cuộc đánh đổi đó.

Giận dữ và kích động, nhiều thanh niên Trung Quốc đang phản đối việc chính phủ nỗ lực che giấu những sai lầm và ngăn cản sự tiếp tay của xã hội dân sự.

Một số người đã lên tiếng về cái giá của sự bưng bít, công kích hệ thống kiểm duyệt và việc bịt miệng những người thổi còi. Nhiều người khác, bằng cách lôi kéo tình nguyện viên và tổ chức biểu tình, đã thử thách thái độ thù địch của đảng đối với những tổ chức độc lập. Những người khác nữa thì tìm cách truy cứu trách nhiệm của các tổ chức từ thiện được nhà nước hậu thuẫn bằng cách phanh phui những vụ tiền quyên góp của công chúng đã được chuyển trước tiên vào các cơ quan công quyền thay vì các bệnh viện.

Cơn dịch đã thúc đẩy một sự thức tỉnh thế hệ có thể sánh ngang với những hậu quả chính của Thế chiến II hoặc cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và có thể phá vỡ sự ổn định xã hội mà đảng cộng sản phụ thuộc vào.

Hannah Yang, 34 tuổi, cư dân Bắc Kinh, nói, "Những sự kiện gần đây đã khiến một số người thấy rõ hơn rằng chỉ trích đất nước của mình không có nghĩa là không yêu nước." Yang đã tạo ra một kênh trên Telegram, một ứng dụng nhắn tin được mã hóa, để chia sẻ ảnh chụp màn hình của những bài báo và bài đăng trên truyền thông xã hội bị kiểm duyệt cắt bỏ. Hơn 14.000 người đã tham gia kênh này.

Cô nói, "Một ngày kia, chắc chắn sẽ có một câu chuyện kể về các sự kiện gần đây ở Trung Quốc, và ít nhất chúng tôi có thể cho người khác biết chính xác chuyện gì đã xảy ra ở đây."

Trong khi virus tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, những câu hỏi tương tự -- về niềm tin vào chính phủ, an ninh kinh tế, lối sống -- chắc chắn sẽ phải đối diện với những người trẻ ở nhiều quốc gia.

Nhưng những câu hỏi ấy có tiếng vang đặc biệt ở Trung Quốc, đối với một thế hệ hầu như không biết gì về tình trạng nghèo đói và hỗn loạn đặc trưng của nước này trong những thập kỷ sau cuộc cách mạng cộng sản.

Không như các sinh viên đại học biểu tình ủng hộ dân chủ khiến nhà cầm quyền đàn áp ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, thế hệ này -- lớn lên trong một nền kinh tế đang tăng tốc, bị bão hòa bởi tuyên truyền của nhà nước -- cho đến nay rất ít biểu lộ sự phản đối trước hiện trạng.

Những tháng tới đây sẽ kiểm tra xem liệu đảng có thể xoa dịu những mối quan tâm mới hình thành trong giới trẻ, hay là áp lực sẽ ngày một tăng lên thành sự bất mãn rộng lớn ăn mòn tính chính danh của nhà cầm quyền.

Thành công gần đây của Trung Quốc trong việc giảm lây nhiễm coronavirus đã làm dấy lên lại lòng nhiệt thành dân tộc, bất chấp những lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại của chính phủ. Nếu đảng có thể tái khởi động nền kinh tế một cách nhanh chóng và khôi phục cuộc sống hàng ngày trong khi các nước như Ý và Hoa Kỳ phải trầy trật để làm điều đó, thì việc xiển dương kiểu nhà nước tập trung, mạnh mẽ có thể có tác dụng.

Nhưng nếu đại dịch gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu làm tiêu tán nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc và chấm dứt nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế ở nước này, thì lòng căm phẫn đối với đảng có thể ngày một dâng cao. Lúc này đã có nhiều người trẻ lo ngại về triển vọng công việc của họ khi các nỗ lực ngăn chặn dịch của chính phủ đưa đến những hậu quả coi mòi sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc co cụm lần đầu tiên kể từ năm 1976.

Xueguang Zhou, một nhà xã hội học tại Đại học Stanford từng viết về chính phủ Trung Quốc, nói, "Thời kỳ này đã gây chấn thương và xáo trộn cho nhiều người trẻ, khiến họ phải suy ngẫm về kinh nghiệm và tương lai của mình."

Nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã cam kết bảo vệ công nhân và đưa các nhà máy hoạt động trở lại. Chính quyền của ông đang gia tăng tuyên truyền trên toàn quốc, mô tả việc ứng phó với virus của chính quyền là một mô hình cho các nước khác. Và chính quyền cũng đang trù dập giới bất đồng, nhắm vào các nhà báo công dân đã tìm cách chia sẻ những câu chuyện không qua sàng lọc về cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán cũng như những nhà chỉ trích như Ren Zhiqiang, một ông trùm bất động sản bộc trực dám gọi ông Tập là một "chú hề" đói khát quyền lực.

Dù sao, vết sẹo của cơn đại dịch đã giết chết hơn 3.000 người ở Trung Quốc sẽ không dễ phai mờ.

Carol Huang, 28 tuổi, lâu nay thờ ơ với chính trị, khi tin rằng hầu hết người dân có vẻ ủng hộ đảng và ông Tập.

Nhưng gần đây, cô Huang, cư dân Vũ Hán, thành phố nằm giữa Trung Quốc nơi cơn dịch khởi đầu, đã tự gánh lấy sứ mạng tranh cãi với phe ủng hộ đảng trên truyền thông xã hội và bênh vực những nhà báo Trung Quốc đã chỉ trích cách chống dịch của nhà cầm quyền.

Cô nói, "Chính phủ cho rằng, 'Hoặc là bạn lắng nghe tôi, hoặc là bạn vào địa ngục.' Không có mảnh đất trung lập. Đây là điều tôi đang cố gắng thay đổi trên truyền thông xã hội."

Những người dùng internet khác ở Trung Quốc -- gần một nửa trong số họ dưới 30 tuổi, theo thống kê chính thức -- đã chỉ trích câu chuyện do đảng đưa ra theo những cách ít trực tiếp hơn.

Một số người, như cô Yang ở Bắc Kinh, đã thiết lập những "nghĩa trang ảo" trên mạng để tập hợp những bản tin và bài bình luận liên quan đến virus đã bị bộ máy kiểm duyệt của chính phủ xóa khỏi internet. Tại nhiều trường đại học, sinh viên đã tổ chức những chiến dịch vận động quần chúng trên truyền thông xã hội để quyên góp cho các bệnh viện ở Vũ Hán, trích đăng lời kể của các bác sĩ và y tá mô tả cảnh thiếu thốn tiếp liệu.

Một số tình nguyện viên giỏi kỹ thuật thì phân tích dữ liệu của Hội Chữ Thập Đỏ Vũ Hán và Tổng Hội Từ Thiện Vũ Hán, hai tổ chức từ thiện được chính phủ hậu thuẫn đã kiểm soát mọi khoản quyên góp nhằm giúp chống dịch. Họ khám phá ra các tổ chức này đã chuyển nhiều tiền và khẩu trang đến các trụ sở công quyền hơn là đến các bệnh viện, và họ đã công bố các chi tiết đó trên truyền thông xã hội.

Một tình nguyện viên ở Bắc Kinh đã phân tích dữ liệu của Hội Chữ Thập Đỏ nói dự án trên được khai sinh một phần do hoàn cảnh: Lệnh phong tỏa trên toàn quốc buộc mọi người phải ở nhà, dán mắt vào tin tức và những bài tường trình trên truyền thông xã hội đưa ra từ Vũ Hán, khiến những tiếng kêu cứu không thể bỏ qua.

"Người dân Vũ Hán đã cho những người từ ngoài dòm vào, gồm cả tôi, rất nhiều can đảm," tình nguyện viên này nói. Bình thường anh làm giáo viên. Anh yêu cầu giấu tên vì sợ bị nhà cầm quyền trả thù.

Những người tạm ngừng công việc thường nhật của mình để tình nguyện cho biết cơn dịch đã đưa họ đến gần hơn với cộng đồng của mình.

Khi cơn dịch trở nên tồi tệ hơn hồi tháng 1 và các quan chức ở Vũ Hán áp đặt lệnh phong tỏa, Lin Wenhua, một người quay phim tự do trong thành phố, đã chuyển từ sản xuất quảng cáo sang sử dụng máy quay phim của mình để ghi lại cuộc khủng hoảng.

Anh Lin, 38 tuổi, đã đăng tải những đoạn video trò chuyện với các bác sĩ và y tá, trong đó họ mô tả là không có thời gian nghỉ ngơi, và với những người lao động vô gia cư phải di dời vì cơn dịch. Anh thu hút được hơn năm triệu người theo dõi trên Weibo, một trong những mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, ngay cả khi một số video của anh bị xóa bởi các viên chức kiểm duyệt.

"Bản chất con người đã được phóng đại trong cuộc khủng hoảng này," anh nói. "Bạn nhìn thấy những cá tính ấm áp và tốt bụng, nhưng bạn cũng thấy những cá tính đặc biệt xấu xí."

Một vài người trẻ tuổi đã chuyển những kinh nghiệm thực tế của mình thành những lời kêu gọi mang tính chính trị rõ ràng.

Li Zehua, một người dẫn chương trình cũ của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, cơ quan phát thanh truyền hình nhà nước, đã đi tới Vũ Hán để đưa tin về cơn dịch với tư cách một nhà báo công dân. Anh đã phỏng vấn các công nhân nhập cư bị mắc kẹt và các công nhân hỏa táng. Trong video cuối cùng của mình, anh Li, 25 tuổi, thúc giục những người đồng trang lứa tìm hiểu thêm về lịch sử Trung Quốc.

Trong một đoạn video bị cắt sau khi có hai người đàn ông mặc thường phục xông vào căn hộ của anh, Li nói, "Tôi không muốn ngụy trang giọng nói của mình, tôi cũng không muốn nhắm mắt và bịt tai. Tôi hy vọng có thêm nhiều bạn trẻ dám đứng lên!"

Từ đó không ai nghe tin tức gì về anh Li, cũng như Chen Qiushi, một nhà báo công dân trẻ tuổi khác ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, bất chấp sự chỉ trích rộng rãi đối với phản ứng chống dịch sai lầm ban đầu của chính quyền, những người kêu gọi bỏ bớt kiểm duyệt và kiểm soát từ trung ương có lẽ vẫn chỉ chiếm thiểu số tại một quốc gia nơi lòng yêu nước to tiếng được nuôi dưỡng từ nhỏ.

Lan rộng hơn nhiều là nỗi lo về hậu quả kinh tế của cơn dịch.

Trong mấy tuần lễ trở lại đây, một số người trẻ đã tham gia những cuộc biểu tình để đòi bồi thường cho sự gián đoạn gây ra bởi virus và các lệnh phong tỏa của chính quyền.

Peng Lun, 28 tuổi, một người bán quần áo ở thành phố Quảng Châu phía nam, mới đây cùng hàng trăm người tuần hành trên đường phố yêu cầu giảm tiền thuê cho các chủ cửa hàng. Anh cho biết vợ chồng anh đã cạn tiền cho thức ăn và chỗ ở.

Anh nói, "Không còn ai mua gì nữa cả. Chúng tôi phải làm sao để sống đây?"

Giới chuyên gia cho rằng có phần chắc nền kinh tế Trung Quốc sẽ là yếu tố quyết định liệu người trẻ sẽ tiếp tục tham gia vào các vấn đề chính trị và xã hội. Fengshu Liu, một giáo sư tại Đại học Oslo từng nghiên cứu về giới trẻ Trung Quốc, nói rằng trong khi những hoạt động trên truyền thông xã hội có thể là thoáng qua hoặc bị kiểm duyệt, thì tình trạng thất nghiệp khó có thể che đậy.

Giáo sư Liu nói, "Thất nghiệp, những tác động lên đời sống hàng ngày của người trẻ -- nếu những vấn đề này không được lần lượt giải quyết, thì có thể có một số rủi ro."

Những mối lo về kinh tế là điều khiến Mei Qingyuan bận tâm. Anh mới tốt nghiệp đại học tại thành phố Hàng Châu phía đông. Trong cơn dịch, anh phải làm việc tại nhà vì không thể trở lại thực tập tại Thượng Hải. Xưởng quần áo của cha mẹ anh đã tạm dừng hoạt động trong khi nhiều nhân viên nhập cư bị mắc kẹt ở những nơi khác.

Tuy nhiên, anh vẫn đánh giá mình tương đối không bị ảnh hưởng. Xưởng của cha mẹ anh đã mở cửa lại. Và mặc dù anh còn buồn vì nỗi đau của người dân Vũ Hán, anh đã trở lại với đời sống thường nhật của mình.

Anh nói, "Một mặt, điều đó khiến tôi buồn. Nhưng mặt khác, điều đó là không thể tránh được. Mỗi người có cuộc đời của riêng mình."
"Và, ở Trung Quốc," anh nói thêm, "quan tâm đến chính trị không nhất thiết là một điều tốt."
___________________

Vivian Wang là thông tín viên New York Times làm việc tại Trung Quốc. Trước đây, cô đưa tin về chính trị ở tiểu bang New York cho ban tin tức đô thị. Cô lớn lên ở Chicago và tốt nghiệp Đại học Yale. @vwang3

Javier C. Hernández là thông tín viên về Trung Quốc làm việc tại Bắc Kinh. Từ khi tham gia báo New York Times năm 2008, anh từng đưa tin về giáo dục, thị trường chứng khoán và chính trị ở thành phố New York. @HernandezJavier

*
Nguồn: Bài của Vivian Wang và Javier C. Hernández, New York Times ngày 28 tháng 3, 2020





No comments: