Wednesday, April 8, 2020

HIỂU THẾ NÀO về CÔNG HÀM NGÀY 30/3/2020 của VIỆT NAM gửi ỦY BAN RANH GIỚI THỀM LỰC ĐỊA ? (Trương Nhân Tuấn)



Quốc Phương
BBC News Tiếng Việt
8 tháng 4 năm 2020

Phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa gửi Công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, theo truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam hôm 07/4/2020.

Hôm 07/4, nhiều báo của Việt Nam đã đưa tin về động thái mới của Việt Nam, trong đó trang mạng của kênh truyền hình VTC của Việt Nam cho hay:
“Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.”
Hôm 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm bày tỏ lập trường trước Công hàm ngày 12/12/2019 phản hồi đệ trình ngày 12/12/2019 của Malaysia và Công hàm ngày 23/3/2020 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

“Phái đoàn của Việt Nam tại LHQ một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.

“Phái đoàn đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên hợp quốc,” VTC viết.

Nhân dịp này, các nhà nghiên cứu pháp luật, chính trị và bang giao quốc tế đã trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt và nêu quan điểm của mình.

BBC: Quý vị có thể bình luận gì về động thái gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc này của Việt Nam?

Tiến sỹ Trần Công Trục (nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam): Với tư cách một người nghiên cứu về luật pháp và đặc biệt những vấn đề xảy ra trên Biển Đông, thì tôi đánh giá rất cao Công hàm của phía Việt Nam đã gửi cho Liên Hợp Quốc, phản đối Trung Quốc có những công hàm có những nội dung phi lý vi phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, đấy là một nội dung hết sức rõ ràng, thể hiện lập trường rất rõ, rất chi tiết, rất chuẩn xác của phía Việt Nam.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan): Động thái này không gây ngạc nhiên đối với giới nghiên cứu và chuyên gia.
Trong hội thảo ngày 6/10/1919 chúng tôi đã có kiến nghị theo hướng này. Chỉ một ngày sau, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ngay một tuyên bố đề nghị trung ương phân tích về tình hình Biển Đông, với quan điểm kiên quyết nhưng khôn khéo và dứt khoát không nhân nhượng.
Trung Quốc không sợ lắm súng to tàu lớn của Việt Nam, vì chắc Trung Quốc có đủ lực để đối phó.
Nhưng Trung Quốc không bao giờ có chính nghĩa, có được tính chính danh đối với các hành động khủng bố ngư dân VN và ngư dân các nước ASEAN.
Bởi vì dùng tàu hải cảnh hay là các tàu chiến trá hình để đâm chìm các ngư dân tay không, hành nghề trên ngư trường truyền thống của mình, thì những hành động mạn rợ ấy có thể gọi là gì, nếu như không phải là tội ác man rợ, xa lạ với nhân loại văn minh.
Tố cáo những hành động ấy lên LHQ, dựa vào UCLOS 1982, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong một lần hiếm hoi như vừa rồi, dám đích danh quy trách nhiệm cho Trung Quốc, chứ không còn là “nước lạ” nữa.
Với động thái vừa rồi của chính quyền Việt Nam, thì tuy chưa phản ánh hết lòng dân, nhưng hy vọng nó sẽ không còn cái cảnh chính quyền phải xua lực lượng đi đàn áp các cuộc biểu tình hoà bình, tố cáo các tội ác của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh trước đây cũng như các hành động trên Biển Đông.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp (nhà nghiên cứu cao cấp Viện Iseas, Singapore): Công hàm phản đối Việt Nam gửi LHQ mang tính chất pháp lý đa phương cao. Trước đây, các phản đối và lên án thường dừng ở mức song phương, thông qua các mối quan hệ song phương, ví dụ qua phát ngôn ngoại giao.
Lần này, công hàm cho thấy chính phủ Việt Nam đánh giá tình hình Biển Đông toàn diện, công hàm phản đối gửi tổng thư ký LHQ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông trước hết với Trung Quốc.
Đây có thể là dấu hiệu Việt Nam chuẩn bị cụ thể biện pháp pháp lý để xử lý vấn đề biển Đông.

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển): Theo tôi, việc Việt Nam chính thức gửi Công hàm tới LHQ về hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông lần này thể hiện rõ lập trường vững chắc và không khoan nhượng của Việt Nam đối với những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở vùng đảo Hoàng Sa.
Có thể nói đây là một bước đi tiếp nối vững chắc và đúng thời điểm.

Bất thường và tính toán?

BBC: Động thái này có gì bất thường không và ban lãnh đạo Việt Nam cân nhắc, tính toán gì khi có quyết định như vậy?

Tiến sỹ Trần Công Trục: Nếu goi là bất thường theo tôi nghĩ không phải là bất thường, bởi vì điều này Việt Nam cũng đã từng làm, chỉ có điều là công khai hay không công khai thôi.
Và đây là một hình thức đấu tranh theo tôi nghĩ về phía ngoại giao là có thể được gọi là nâng lên một bước mới, không những chỉ là Công hàm trao đổi song phương, mà đưa lên các tổ chức quốc tế, trong đó Liên Hợp Quốc là tổ chức quốc tế cao nhất của thế giới. Thì đấy là một hình thức đấu tranh rất mạnh mẽ.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng: Thời điểm chính quyền có động thái nói trên rõ ràng xuất phát từ những cân nhắc nhất định. Tôi không còn làm việc cho Bộ Ngoại giao nên không thể nói chính xác, thậm chí nếu còn làm việc thì chưa chắc đã được phát ngôn.
Nhưng với tư cách là người nghiên cứu, tôi thấy quyết định ấy là một quyết định đúng thời điểm.
Thứ nhất, Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng, Trung Quốc muốn đánh tiếng, muốn gây sức ép, nhất là quá trình cơ cấu nhân sự mới. Thì đây, Việt Nam trả lời ngay như vậy để nói cho Trung Quốc biết, ai có vào khung cơ cấu này cũng không thể quỳ gối trước Trung Quốc.
Quỳ gối trước Trung Quốc là mất phiếu, và điều quan trọng hơn, đầu hàng Trung Quốc thì bia miệng từ người dân hàng ngàn năm vẫn còn đó.
Thứ hai, giữa mùa Virus Vũ Hán này thế giới hiểu về Trung Quốc hơn, có dịp xác nhận những hành động chống lại thường dân mà ngay trong chiến tranh luật pháp quốc tế cũng cấm các bên tham chiến.
Sau những ầm ĩ giữa Trung Quốc với nhiều nước về quốc tịch của con viruscorona, nhất là sau các vụ đầu cơ khẩu trang và các thiết bị y tế của Trung Quốc, thì Việt Nam và thế giới có dịp hiểu thêm về bản chất lật lọng, đổi trắng thay đen của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc cho rằng, hiện nay là lúc Mỹ, Việt Nam và thế giới đang tập trung chống dịch nên họ tha hố “múa gậy vườn hoang”.
Nếu Việt Nam không hành động về mặt pháp lý lúc này thì còn nuôi dưỡng những hành động thảo khấu trên Biển Đông đến khi nào nữa?
Thứ tư, đây có thể là một “bước đệm” trên con đường dùng luật pháp quốc tế để nói chuyện phải quấy với Trung Quốc.
Với Trung Quốc bao giờ cũng “mềm nắn, rắn buông”. Cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh từng đúc kết: ta càng nhân nhượng thì kẻ thù càng lấn tới!

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Động thái này là phản ứng tích cực và kiên quyết của chính phủ Việt Nam đối với quá trình Trung Quốc vừa qua đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ về đường Lưỡi Bò.
Tuần trước, Bộ ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố mạnh mẽ rằng Việt Nam không chấp nhận bất cứ hành động nào của phía Trung Quốc trên cơ sở đường Lưỡi Bò, tái khẳng định quyền chủ quyền và các quyền khác của Việt Nam ở biển Đông.
Việc gửi công hàm ghi ngày 30/3 là hành động tiếp theo, nhằm mong muốn thúc đẩy việc đảm bảo hòa bình, ổn định và xử lý rối ráo vấn đề biển Đông, sau một tháng - tháng 3/2020, khi mà Trung Quốc đã có nhiều hành động vi phạm Công ước luật Biển LHQ năm 1982 và các nền luật khác,, trong đó, Trung Quốc đã tiếp tục đảy mạnh quân sự hóa ở biển Đông, đe dọa sử dụng vũ lực.

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi, động thái này không có gì là bất thường, mặc dù động thái mà tỏ thái độ rõ ràng và kiên quyết như vậy diễn ra có thể nói là không được nhanh lắm, tức là đáng nhẽ động tác này và lập trường này cần phải bày tỏ rõ ràng hơn từ lâu cách đây một hai năm trước.
Tuy nhiên đến bây giờ, thì bước đi tiếp theo có lẽ là nó phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, tức là cố gắng làm sao đó để tránh xung đột, đối đầu với Trung Quốc, kể cả trên mặt trận ngoại giao và từng bước vẫn đảm bảo được chủ quyền của mình.
Do đó cho nên ở thời điểm này khi Trung Quốc càng lấn tới như vậy, thì được hiểu là phía Việt Nam đã không thể tiếp tục im lặng được nữa và đây có thể nói là một bước đi đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc liên quan vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam và thái độ của Việt Nam với hành vi vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Phản ứng sẽ ra sao?

BBC: Phản ứng của LHQ, Trung Quốc và các bên quan tâm hoặc có liên quan sẽ có thể thế nào?

Tiến sỹ Trần Công Trục: Tôi cho rằng với quan điểm, lập trường Việt Nam rất rõ ràng và chuẩn xác đó, thì sẽ nhận được tiếng nói ủng hộ của các tổ chức quốc tế, trong đó có cả LHQ và đặc biệt các nước lớn có uy tín quốc tế như là Hoa Kỳ, các nước phương Tây.
Tôi cho rằng người ta sẽ rất ủng hộ và hoan nghênh lập trường đó và tôi nghĩ lập trường đó không có gì quá đáng và nó hoàn toàn xuất phát từ các nguyên tắc luật pháp và đặc biệt Công ước Luật biển 1982.
Còn Trung Quốc, đương nhiên thì họ luôn luôn phản đối lại tất cả những lập trường của các nước.
Chúng ta không nên thấy lạ lùng với những chuyện đó và cần luôn luôn sẵn sàng đáp trả lại trên tất cả các mặt trận như là về mặt pháp lý, về mặt tuyên truyền, về mặt đấu tranh ngoại giao, chính trị, cũng như cả trên vấn đề thực địa.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng: Phản ứng của Hoa Kỳ thì như mọi người đã biết. Ở đây phải nói thêm là HK ngày càng có thái độ quyết đoán với hành động bắt nạt các nước nhỏ của Trung Quốc, ngôn ngữ của tuyên bố khá mạnh mẽ: Ủng hộ chủ quyền của VN (đây không phải là lần đầu), bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc (cái này thì lặp lại phán quyết của CPA).
Hoa Kỳ cũng đánh giá hành động đơn lẻ này của Trung Quốc xuyên suốt trong cả một chính sách, trong một ý đồ nhất quán xưa nay, một chiến lược ăn “cướp trên giàn mướp” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, không nên cho rằng, Hoa Kỳ bênh Việt Nam.
Vấn đề ở đây là Hoa Kỳ, dưới triều Trump, mặc dầu đang phải đau đầu với nhiều vấn đề đối nội/đối ngoại, nhưng Hoa Kỳ thấy được tính chất nghiêm trọng của Vành đai, Con đường, của ý đồ muốn làm bá chủ không chỉ trên Biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo là Hoa Kỳ đang đối mặt với “khủng hoảng kênh Suez” trên Biển Đông và trong vấn đề Covid-19.
Nếu Hoa Kỳ không vượt qua được cái cửa ải này thì rõ ràng Hoa Kỳ sẽ phải thoái lui, ngay cả khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” cũng sẽ “cuốn theo chiều gió” nếu Hoa Kỳ thua Trung Quốc trong chiến lược dùng FOIP của Bộ tứ để đối trọng với BRI.
Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và châu Âu từng có tiếng nói thống nhất về vấn đề Biển Đông. Lần này chắc cũng không thể khác.
Đây là cơ hội “kim cương” (chứ không chỉ là vàng) đối với Việt Nam. FOIP là cơ hội có một không hai trong lịch sử của Việt Nam và khu vực, khi cùng một lúc ASEAN phải xử lý mối quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực. Ngoại trừ những “Judas phản Chúa” trong ASEAN, các nhà lãnh đạo còn lại trong ASEAN cũng sẽ phải “đường xa nghĩ nỗi sau này”.
Trung Quốc bóp được Việt Nam thì Trung Quốc cũng sẽ không tha bất cứ nước nào khác trong khối.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: LHQ đang xem xét công hàm này, có thể sẽ có một cuộc họp để nêu vấn đề biển Đông liên quan đến nội dung được nêu trong công hàm, trong đó có vấn đề hành xử của phía TQ, các vấn đề pháp lý chủ quyền, và các khuyến nghị.
Nếu có 1 nước là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đề nghị mở một cuộc họp Hội đồng Bảo an, thì LHQ sẽ thu xếp.
Từ phía Trung Quốc, phản ứng bằng hành động ở biển Đông" tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm 2 tàu cá của ngư dân Việt Nam và bắt giữ ngư dân Việt Nam. Sau đó phía Trung Quốc có thái độ chối cái, đổ lỗi cho ngư dân Việt Nam "đâm tàu cá vào tàu hải cảnh"
Việc ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trong vùng biển Việt Nam, cho thấy phía Trung Quốc đã hành xử vô pháp. Người Việt Nam đang chờ Trung Quốc có thái độ chân thành hơn.

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao: Vào thời điểm này, Việt Nam ra Công hàm này là theo tôi rất đúng thời điểm.
Công luận quốc tế cho tới thời điểm này rất quan tâm đến tình hình Biển Đông và cũng đã thấy rõ những hành vi vi phạm, chà đạp lên luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế của Trung Quốc. Do đó cho nên hiệu ứng tôi cho là sẽ là tốt, ngay tại LHQ, hơn nữa bây giờ Việt Nam bây giờ lại chủ trì cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ hiện nay.
Thứ hai là trong quan hệ đối với Trung Quốc, mặc dù, bất chấp đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành vi có thể nói là lợi dụng tình hình khó khăn của đại dịch toàn cầu và Trung Quốc đang làm những hành động mang tính chất, có thể nói là lén lút và lợi dụng tình huống bất ổn về bệnh dịch để tranh thủ có những hành động mạnh mẽ hơn xuống Biển Đông.
Song song với hành động đó, Trung Quốc còn thể hiện sức mạnh của mình để mà đe dọa đến chủ quyền của Đài Loan.
Còn đối với Mỹ, tôi tin rằng đây là một động thái chắc chắn là sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, bởi vì chính Hoa Kỳ cũng đã có một tuyên bố rất rõ ràng cảnh báo Trung Quốc đừng có lợi dụng đại dịch Covid-19 để thực hiện những hành vi xâm lấn, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông, thì đấy chính là thái độ của Mỹ mà tôi tin rằng cũng phù hợp với quan điểm của Việt Nam.


 --------------------------------------------------------------------------------------------


 .
Trương Nhân Tuấn
08/04/2020

Hiểu thế nào về công hàm ngày 30 tháng 3 năm 2020 của VN gởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa?

Trên VOA hôm qua 7 tháng tư 2020 có đăng bài phỏng vấn TS Hà Hoàng Hợp về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường sa. Bài bài phỏng vấn xảy ra nhân VN gởi công hàm ngày 30 tháng ba năm 2020 mục đích phản đối TQ lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ.

Nội dung công hàm ghi rõ lý do: “Việt nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.

“Các công hàm trên” là hai công hàm của TQ, thứ nhứt là công hàm số “CML/14/2019 ngày 12 tháng 12 năm 2019 nhằm phản hồi đệ trình ngày 12 tháng 12 năm 2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa”. Thứ hai là Công hàm số “CML/11/2020 ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc”.

VN khẳng định qua công hàm rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhứt, qui định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa VN và TQ.

Các yêu sách của TQ (mà VN phản đối) là:

1/ Chủ quyền hai quần đảo Tây sa (tức Hoàng Sa của VN) và Nam sa (tức Trường sa của VN).

2/ Vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định theo điều 121 khoản 3 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

3/ Các nhóm đảo ở Biển Đông, bao gồm HS và TS không có đường cơ sở vẽ bằng cách nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhứt.

4/ Các bãi chìm lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.

5/ Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.

Có nhiều điều cần bàn lại với TS Hà Hoàng Hợp. TS Hà Hoàng Hợp cho rằng “Trước giờ Việt Nam gần như chưa bao giờ nói gì với LHQ về chuyện này cả, bởi vì hiển nhiên rằng LHQ đã giao cho Việt Nam quản lý phần Biển Đông này từ năm 1951, sau khi Nhật Bản và một số nước phải làm thủ tục từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.

Đây không phải là “lần đầu tiên” VN phản đối TQ lên LHQ về vấn đề chủ quyền HS và TS cũng như các yêu sách của TQ về “đường cơ sở quần đảo” và “vùng nước” chung quanh các đảo.

Đã rất nhiều lần VN lên tiếng phản biện trước quốc tế về vấn đề chủ quyền và hải phận. Trước 1975 với VNCH qua tư cách “quốc gia chưa hoàn tất”. Hay với tư cách quốc gia thống nhứt CHXHCNVN sau 1976. Các tuyên bố thể hiện tại các định chế quốc tế thuộc LHQ. Như ở đây là Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ.

Riêng tại Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ, ta có thể thấy VN đã gởi nhiều công hàm phản biện các yêu sách của TQ, từ hơn 10 năm nay, trong phần Hồ sơ ranh giới thềm lục địa mở rộng của VN, hay của VN và Mã Lai…

Cũng tại Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, lần đầu tiên yêu sách của TQ về vùng biển theo bản đồ chín đoạn chữ U được xuất hiện trên trường quốc tế. Dĩ nhiên VN cũng đã nhanh chóng phản đối yêu sách phi lý này.

Việc phản đối như vậy là cần thiết.

Bởi vì, trước luật pháp quốc tế, sự “im lặng” của một quốc gia trước một vấn đề (quốc tế) đòi hỏi quốc gia phải lên tiếng, được xem là “sự đồng thuận ám thị”.

Nếu có theo dõi sự việc, ta biết rằng ngày 12 tháng 12 năm 2019 Mã lai nộp “Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng vùng phía bắc” của quốc gia này lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ. Cùng ngày, TQ nộp công hàm phản biện yêu sách của Mã Lai. TQ khẳng định chủ quyền của họ tại Nam sa (tức Trường sa) đồng thời cho rằng yêu sách của Mã Lai đã chồng lấn với vùng “biển lịch sử” của họ. Ngày 6 tháng Ba, Phi gởi công hàm lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia này. Theo đó Phi khẳng định chủ quyền của Phi ở nhóm đảo “Kalayaan” (tức Trường Sa của VN).

TQ không thể im lặng (vì im lặng là đồng thuận). Do đó TQ lên tiếng phản biện lại yêu sách của Phi, đồng thời khẳng định chủ quyền của họ tại Nam sa (tức Trường sa của VN), chủ quyền Tây sa (Hoàng sa của VN), Trung sa và đá Hoàng nham (tức Scarbourough). TQ cũng khẳng định đường cơ sở quần đảo chung quanh quần đảo Trường sa, đường cơ sở chung quanh quần đảo Hoàng sa và vùng “biển chung quanh”.

Dĩ nhiên việc này “lôi kéo” theo VN. VN cũng không thể im lặng vì sự im lặng của VN có ý nghĩa “từ khước chủ quyền” ở Hoàng sa và Trường Sa đồng thời nhìn nhận yêu sách về vùng biển của TQ.

Nhiều án lệ của Tòa Công lý quốc tế cho thấy, việc “xao lãng” của nhà cầm quyền trước một vấn đề buộc quốc gia phải lên tiếng, thí dụ im lặng trước tuyên bố của một quốc gia khác về chủ quyền một vùng lãnh thổ. Sự im lặng của nhà cầm quyền có thể làm cho quốc gia mất chủ quyền ở vùng lãnh thổ đó.

Tức là sự phản biện của VN trước quốc tế (ở đây là Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ) về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và hải phận là chuyện “hết sức bình thường”.

Theo tôi, phản biện của VN là phản xạ tự nhiên và cần thiết. Không phải như ý kiến của TS Hợp là nhà cầm quyền VN bị thúc đẩy bởi “áp lực từ công chúng” sau vụ TQ đâm chìm tàu của VN gần quần đảo HS. Bởi vì vụ chìm tàu ngày 2 tháng Tư, trong khi công hàm đã ra trước đó ngày 30 tháng ba 2020.

Một số chi tiết lịch sử cũng cần nhắc lại. Không hề có việc “LHQ đã giao cho Việt Nam quản lý phần Biển Đông này từ năm 1951” như ý kiến TS Hà Hoàng Hợp.

Hội nghị San Francisco 1951 được mở ra tại Hoa Kỳ, VN được quốc gia chủ nhà mời tham gia với tư cách là một “quốc gia độc lập, có chủ quyền”. Nhân dịp này đại diện Quốc Gia Việt Nam là ông thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố nhận chủ quyền của VN tại hai quần đảo HS và TS. Đây là lần đầu tiên, sau 80 năm lệ thuộc Pháp, VN được tham dự một “hội nghị quốc tế” với tư cách “quốc gia”.

Đến năm 1954 VN bị chia đôi lãnh thổ tại vĩ tuyến 17. Mặc dầu theo Hiệp định Genève 1954 đây chỉ là “đường phân chia tạm thời”, chủ về quân sự và không nhằm mục tiêu phân chia lãnh thổ. Dầu vậy hai miền Nam và Bắc (tức Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) hiện hữu trên trên trường quốc tế như là hai thực thể chính trị riêng biệt và đối nghịch nhau về ý thức hệ. Hai miền không có bên nào được ngồi vào ghế chính thức đại diện cho VN tại LHQ.

Vì không có bên nào là quốc gia thực sự, có ghế đại diện chính thức tại LHQ (mà chỉ có ghế dự khuyết). Do đó cả hai bên đều không có tiếng nói tại Đại hội đồng LHQ hay trước Hội đồng Bảo an LHQ.

Dầu vậy miền Nam, tức VNCH, được nhìn nhận là đại diện chính thức cho VN tại hầu hết các định chế thuộc LHQ như Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO), UNESCO, Tổ chức Lương nông (FAO) v.v…

Trường hợp TQ, không được tham gia Hội nghị San Francisco 1951 và không có ghế đại diện LHQ cho tới năm 1972. Nhưng không phải vì vậy mà TQ, cũng như VNCH, không có những tuyên bố có giá trị quốc tế về chủ quyền lãnh thổ.

Tuyên bố “bên lề” Hội nghị San Francisco của TQ, mặc dầu không được nhiều quốc gia ủng hộ, nhưng vẫn “có giá trị pháp lý”, như là một yêu sách của quốc gia này về lãnh thổ.

Các hành vi cũng như tuyên bố của VNCH trước quốc tế, từ tháng giêng năm 1974 liên quan đến việc TQ dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa, có giá trị pháp lý, chứng nhận thái độ của VN trước sự việc TQ xâm lược HS của VN.

Điều cần nhắc là VNDCCH đã “im lặng” trước biến cố TQ xâm lăng Hoàng Sa của VN vào tháng giêng 1974. Sự “im lặng” này có nhiều ý nghĩa.

Sau khi thống nhứt đất nước, năm 1977 VN lần đầu tiên khẳng định chủ quyền HS và TS trước quốc tế.

Vì vậy, một tuyên bố của một quốc gia liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ luôn có giá trị pháp lý, ngay cả khi nó không tuyên bố trước Đại hội đồng LHQ hay trước Hội đồng bảo an LHQ.

Dó đó, theo tôi, công hàm phản biện của VN vừa gởi lên Tổng  thư ký LHQ không phải là một “vấn đề rất nghiêm trọng” như TS Hà hoàng Hợp có nói. Công hàm này chỉ gởi đến Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc TLQ mà không phải tuyên bố trước Đại hội đồng LHQ hay gởi tới Hội đồng bảo an LHQ. Mặc dầu thời gian qua VN đóng vai trò “cầm chịch” luân phiên Hội đồng bảo an LHQ.

Về ý kiến công hàm này “báo hiệu một tiến trình pháp lý”.

Theo tôi, VN đã bỏ qua rất nhiều dịp tốt để kiện TQ trước một tòa án quốc tế. Vụ Tư chính năm ngoái là một thí dụ. Vấn đề là VN phải kiện về nội dung nào? kiện ở đâu? Nhiều lần tôi đã nói việc này.

Điều đáng ghi nhận trong công hàm của VN là VN mặc nhiên nhìn nhận “Phán quyết của tòa PCA 2016” Phi kiện TQ về việc “giải thích và cách áp dụng Luật biển”. Ta thấy việc này trong công hàm của VN, như về điều 121 (khoản 3) nói về hiệu lực các đảo, bãi ngầm… và đường cơ sở quần đảo…

Tức VN đã nhìn nhận phán quyết PCA 2016 là “luật”. Đây cũng là ý kiến của cá nhân tôi thể hiện qua các bài viết từ nhiều năm trước.

Nếu chỉ ngừng ở công hàm này thì VN, như đề nghị của các học giả trong ngoài nước. VN có thể copy mô hình của Phi kiện TQ ra tòa PCA, với nội dung “làm lại từ đầu”.

Theo tôi, VN đi con đường này không phải là “thượng sách”. Bởi vì ta biết chắc chắn là TQ sẽ không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, cũng như không nhìn nhận bản án và không chấp hành phán quyết. Như đã xảy ra ở phán quyết PCA tháng 7-2016.

Tức là, nếu VN may mắn thắng kiện TQ tại tòa quốc tế, thì sẽ có hai phán quyết có cùng nội dung mà TQ không nhìn nhận cả hai.

Theo tôi, nếu chỉ bàn trong vấn đề “hải phận” ở Biển Đông, VN có thể đạt được yêu sách của mình, cũng như loại bỏ yêu sách về biển của TQ, mà không cần phải kiện tụng chi cả.

Nhiều lần tôi có đề nghị VN có thể sử dụng nội dung Phán quyết PCA 2016, thông qua Ủy ban ranh giới Thềm lục địa, để nhờ cơ quan này nhìn nhận hồ sơ hợp pháp của VN về ranh giới thềm lục địa mở rộng.

Điều này có thể đang xảy ra. VN đang hợp cùng với Phi và Mã lai, qua các Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình, từ tháng 12 năm 2019.





No comments: