Phúc
Sửu - Luật Khoa
06/06/2019
Bài viết của
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tưởng nhớ một chính trị gia Thái Lan vừa qua đời
đã làm dân mạng Việt Nam nổi giận. Trang Facebook của ông Long xuất hiện nhiều
lời phàn nàn bằng tiếng Việt, cả lịch sự lẫn tục tĩu.
Nguyên nhân: Khi nói về chiến dịch đánh Khmer Đỏ ở
Campuchia của quân đội Việt Nam năm 1978-79, ông Long đã viết là “Việt Nam
xâm lược Campuchia” (Vietnam’s invasion of Cambodia) và gọi việc đóng quân
của Việt Nam ở Campuchia sau đó là “sự chiếm đóng của Việt Nam” ở
Campuchia (Vietnamese occupation).
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải chính thức lên tiếng chỉ
trích ông Long vì đã có “phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử,
gây tác động không tốt đến dư luận”.
Bộ đội Việt Nam ở Kampong Cham (Campuchia). Ảnh:
southeastasiaglobe.com
Một phiên bản lịch sử khác: xâm lược và chiếm đóng?
Khi nhìn lướt qua các kênh thông tin phổ biến hàng đầu
trên thế giới, có thể thấy rằng báo chí và dư luận quốc tế không ngại gọi các
hành động của Việt Nam tại Campuchia năm 1978-79 là “xâm lược”
(invasion) và “chiếm đóng” (occupation).
Trang bách khoa toàn thư Wikipedia về cuộc chiến năm
1978-79 thường là một trong những trang đầu tiên hiện lên khi người ta tìm kiếm
thông tin trên Google về sự kiện này.
Theo Wikipedia,
cuộc tấn công của Việt Nam vào Campuchia năm 1978 là một cuộc “xâm lược hoàn
toàn” (full scale invasion) và Việt Nam đã “chiếm đóng” (occupied)
Campuchia sau đó.
Báo Time đưa tin nhân kỷ
niệm 40 năm chính quyền Khmer Đỏ sụp đổ đầu năm 2019, cũng gọi cuộc tấn công hủy
diệt Khmer Đỏ là “một cuộc xâm lược được Việt Nam hậu thuẫn” (Vietnam-backed
invasion). Đưa tin cùng dịp, trang tin hàng đầu của khu vực bán đảo Ả-rập, Al
Jazeera, giải thích rõ là Việt Nam bị Khmer Đỏ tấn công giết chóc dã man từ trước.
Tuy nhiên, trang tin này vẫn gọi cuộc
tấn công của Việt Nam là “xâm lược” (invasion).
Trang history.com – trang đáng tin cậy chuyên viết về
lịch sử được nhiều người ưa đọc – giải thích khá đầy đủ bối cảnh lịch sử cuộc
chiến và các tội ác của Khmer Đỏ. Tuy nhiên, trang này vẫn tường thuật là
Việt Nam đã “xâm lược” (invaded – chia thì động từ invade của invasion)
Campuchia.
Khi đưa tin về cái chết của tướng Lê Đức Anh hồi
tháng 04/2019, các trang tin hàng đầu là Washington
Post (Hoa Kỳ) và Japan
Times (Nhật Bản) cũng gọi hành động của Việt Nam tại Campuchia là “xâm
lược’’ và “chiếm đóng” (invaded and occupied).
Có thể nhận xét ở đây là việc dùng các động từ mạnh
như “invasion” hay “occupation” để gọi các hành động của Việt Nam
không nhất thiết phủ nhận động cơ tự vệ và thành tích giải cứu người dân
Campuchia.
Đặc biệt, khi kèm theo việc dùng các động từ này là
các giải thích nói rõ bối cảnh lịch sử và vai trò quyết định của Việt Nam trong
công cuộc diệt trừ Khmer Đỏ.
Vấn đề của ông Lý Hiển Long trong bài viết khiến người
Việt tức giận có lẽ không phải chỉ là vì ông dùng các động từ mạnh đó, mà còn
vì ông không giải thích rõ hoàn cảnh lịch sử, và cũng không nói rõ thành tích
chống Khmer Đỏ của Việt Nam.
Cũng đã có một số giải thích chi tiết mà dễ hiểu về
“invasion” và “occupation” từ góc nhìn ngôn ngữ học. “Invasion”
trong tiếng Anh có thể hiểu đơn thuần là việc đưa
quân đội vào (địa phương nào đấy), trong khi “occupation”
là việc đóng quân lại. Một giải
thích khác tra cứu về nguyên gốc động từ “invade” cũng cho thấy
từ này có nghĩa gốc đơn giản là đi vào.
Như vậy, các từ này trong tiếng Anh không nhất thiết
mang sẵn nghĩa “xâm lược” và “chiếm đóng” với các hàm ý xấu hoặc
có dã tâm, mà là những từ trung tính, thuần tuý mô tả thực tế.
Đó có lẽ là lý do các từ này được sử dụng rộng rãi
trên báo chí quốc tế vốn có sẵn quan điểm trung dung về cuộc chiến này như đã kể
trên. Chúng được sử dụng vì phản ánh đúng thực tế đưa quân vào và đóng
quân, chứ không phải vì công luận quốc tế đang đưa ra phán xét gì về Việt
Nam, hay đang bao che ủng hộ Khmer Đỏ.
Những người Việt Nam nào còn cảm thấy bức xúc với “invasion”
và “occupation” thì có lẽ sẽ tìm thấy niềm an ủi nào đó ở một
trang thông tin uy tín khác: bách khoa toàn thư Britannica của Anh quốc.
Britannica không dùng các động từ mạnh nói trên
khi tường
thuật về các hành động quân sự của Việt Nam ở Campuchia. Họ nói Việt
Nam thực hiện “can thiệp” (intervention), và duy trì một chế độ “giám
hộ” (tutelage) tại Campuchia cho đến năm 1989.
Quân đội Việt Nam ở Campuchia. Ảnh: Soha.
Luật quốc tế có thể giúp giải thích bản chất cuộc chiến
1978-79?
Những người không hài lòng với việc dùng “invasion”,
“occupation” và thích dùng từ “intervention” như trang Britannica
cũng sẽ tìm thấy nhiều cơ sở có lợi trong công pháp quốc tế.
Chuyện xác định một cách có cơ sở rằng một hành vi
quân sự là “invasion” hay “intervention” thực ra là một mảng công
pháp quốc tế đặc biệt thú vị được gọi là luật quốc tế về sử dụng vũ lực(international
law on the use of force).
Trong mảng này, từ lâu các chuyên gia đã tranh luận
về khái niệm can thiệp quân sự vì lý do nhân đạo (humanitarian
intervention).
Luật quốc tế có các nguyên tắc nền tảng là các quốc
gia phải tôn trọng chủ quyền quốc gia (sovereignty) của nhau, không được can
thiệp vào nội bộ của nhau (non-intervention), và không dùng vũ lực với nhau
(non-use of force); ngoại trừ hai trường hợp đặc biệt được cho phép ghi trong
Hiến chương Liên Hiệp Quốc là tự vệ (bên trong lãnh thổ quốc gia mình) và sử dụng
vũ lực theo ủy quyền của Hội đồng Bảo an.
Can thiệp quân sự vì lý do nhân đạo là khái niệm khá mới, được xem là một trường hợp đặc biệt cho phép
bỏ qua các nguyên tắc nền tảng nói trên: nếu vì lý do nhân đạo, để cứu người
thoát khỏi thảm họa (bao gồm thảm họa diệt chủng) thì các nước phải được quyền
đơn phương dùng vũ lực quân sự tấn công vào một nước khác. Tuy nhiên, trên
nguyên tắc, đây không phải là căn cứ hợp pháp cho hành vi sử dụng vũ lực quân sự.
Luật quốc tế đến bây giờ vẫn còn khá bất định về chủ
đề này. Giới chuyên gia thì vẫn chưa thống nhất được về mặt lý thuyết. Còn các
chính phủ thì luôn cương quyết bảo vệ các nguyên tắc nền tảng về chủ quyền.
Tuy nhiên, kho tàng kiến thức và nghiên cứu luật học
quốc tế vẫn có rất nhiều tài liệu có thể sử dụng để giải thích các hành động
quân sự của Việt Nam ở Campuchia là “humanitarian intervention”.
Khi dùng khái niệm này để giải thích bản chất cuộc
chiến 1978-79, các chuyên gia sẽ phải giải quyết các vấn đề nghiên cứu lịch sử
khá hóc búa.
Mấu chốt để xác định một hành động “humanitarian
intervention” trong luật quốc tế không chỉ nằm ở kết quả cuối cùng của
việc dùng vũ lực quân sự, mà còn nằm ở chủ ý, động cơ thực chất của bên dùng vũ
lực quân sự.
Làm sao để biết chắc chính phủ Việt Nam tấn công
Campuchia thực sự là do họ muốn can thiệp vì lý do nhân đạo?
Trong luận
văn cử nhân của mình, Vũ Minh Hoàng –
một nhà sử học đang là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ở Đại học Cornell (Mỹ) – đã
dùng các nguồn sử liệu đáng tin cậy và các nguồn thông tin hiếm có để tranh luận
rằng, động cơ tấn công Campuchia của Việt Nam năm 1978 chủ yếu không phải là vì
can thiệp nhân đạo, mà là vì lý do tự vệ.
Theo ông Vũ Minh Hoàng, giới lãnh đạo cộng sản Việt
Nam từ trước năm 1978 đã nhìn nhận rằng Khmer Đỏ đang cấu kết với Trung Quốc
trong một âm mưu cùng chống phá Việt Nam. Việt Nam xác định là họ không muốn bị
cùng lúc kẹp giữa hai mối hiểm họa quân sự: Trung Quốc ở phía Bắc và Campuchia ở
phía Nam.
Thế nên, việc vô hiệu hóa hoàn toàn Khmer Đỏ tại
Campuchia khi đó đã được Việt Nam xem là một mục tiêu cấp thiết vì nhu cầu tự bảo
vệ.
Khi chọn lựa phương cách đạt được mục tiêu đó, giới
lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã chọn việc tấn công phủ đầu vào tận lãnh thổ
Campuchia trong một chiến dịch chớp nhoáng. Việc đóng quân lại lâu dài không nằm
trong dự liệu ban đầu của Việt Nam.
Để ủng hộ luận điểm rằng các hành động tiến
quân vào và chiếm đóng Campuchia của Việt Nam là hai
bước khác nhau trong một chiến dịch “intervention/can thiệp quân sự” với
một lý do chính đáng (nhân đạo), thì cần có các bằng chứng sử liệu khác để phản
bác các phân tích nói trên của nhà sử học Vũ Minh Hoàng.
Nhưng vấn đề không chỉ là nghiên cứu lịch sử như thế
nào. Có ý kiến cho rằng việc nghiên cứu áp dụng khái niệm “humanitarian
intervention” theo công pháp quốc tế khá “động chạm”, “nhạy cảm” nếu nhìn từ
quan điểm chính thức của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Bởi vì Việt Nam vốn
là một trong những nước tích cực bảo vệ các nguyên tắc chủ quyền chống lại các
hành vi can thiệp từ nước ngoài.
Điều này có lẽ giải thích tại sao “intervention”
không được dùng trong phần phát
ngôn chính thức bằng tiếng Anh về vụ việc của Bộ Ngoại giao Việt Nam
Đó là một điều khá trớ trêu: Ta không thấy các nhà
ngoại giao Việt Nam đả động gì đến một khái niệm công pháp quốc tế có tiềm năng
giúp giải thích theo hướng có lợi nhất cho Việt Nam về cuộc chiến năm 1978-79 ở
Campuchia.
No comments:
Post a Comment