Sunday, May 5, 2019

VENEZUELA TUẦN NÀY & BÀI HỌC CHO VIỆT NAM (Châu Quang)




05/05/2019

Những gì chúng ta thấy bên ngoài

Sáng sớm ngày thứ Ba, 30 tháng 4, không khí “hồ hởi phấn khởi” bao trùm khắp thủ đô Caracas của Venezuela. Hưởng ứng lời kêu gọi của Juan Guaidó, hàng đoàn người đã xuống đường với đầy tin tưởng rằng Nicolás Maduro sẽ từ chức.

Cuộc xuống đường mang tên Chiến Dịch Tự Do do Juan Guaidó dẫn đầu còn có sự hiện diện của Leopoldo López, người tù chính trị nổi tiếng nhất của Venezuela vừa mới được miễn quản chế và là người vẫn được xem là Khổng Minh của Guaidó.

Ngày 30 tháng Tư của Việt Nam có vẻ như được tái hiện tại Venezuela, nhưng lần này phe dân chủ sẽ “giải phóng” phe độc tài, với dự định mừng “đại thắng mùa Xuân” vào đúng ngày lễ Lao động Quốc tế mùng 1 tháng 5.

Đứng vòng ngoài đã có sự ủng hộ tích cực của Colombia và Hoa Kỳ. Tổng thống Trump đánh đi một cái tuýt “nhân dân Hoa Kỳ luôn luôn sát cánh với nhân dân Venezuela”, còn Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton mở họp báo đột xuất, loan tin ba nhân vật quan trọng là bộ trưởng quốc phòng, giám đốc tình báo và chánh án tòa tối cao của Maduro đã đi theo “cách mạng”. Đứng cạnh Bolton là Elliott Abrams, người trực tiếp phụ trách “hồ sơ” Venezuela, nhân vật có đầu óc tân bảo thủ, đã từng phục vụ dưới thời Reagan và Bush con.

Thế nhưng, qua đến xế chiều ngày thứ Ba, quả pháo tưởng là pháo đùng đã biến thành pháo đẹt, trái núi biến thành con chuột. Đoàn người xuống đường của Guaidó không biến thành xe tăng húc sập được cánh cửa “dinh Độc lập” của Maduro.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đưa lý do Maduro đang trên đường chạy ra phi trường quân sự La Carlota để bay sang Havana thì bị Nga ngăn cản. Phe của Guaidó nói họ không nhận được tin này.

Trong số ba người được cho là đã đi theo Cách mạng thì bộ trưởng quốc phòng (Padrino López) và chánh án tòa tối cao (Maikel Moreno) nói đâu có, chúng tôi vẫn ủng hộ Maduro mờ. Chẳng những vậy, Bộ trưởng Padrino López còn lên TV tố giác phe Guaidó muốn đảo chính. Chỉ một mình giám đốc tình báo (Manuel Figuera), người đã ký lệnh ngưng quản chế quân sư López, mới bỏ trốn, và giờ này có lẽ Figuera đã đến được một nơi an toàn đâu đó trên nước Mỹ.

Quân sư López nhanh chân chạy vào tạm trú tại đại sứ quán Tây Ban Nha, không như Thích Trí Quang, chạy vào đại sứ quán Hoa Kỳ thì quá lộ liễu.

Lãnh tụ Guaidó vẫn chưa bị bắt, còn Maduro đi bộ dạo một vòng cho truyền thông hát bài “Anh chưa chết đâu em” dưới sự bảo vệ chặt chẽ của một số người mặc quân phục không thấy đeo phù hiệu huy hiệu gì, nên không rõ là lính Venezuela, Cuba, hay Nga.

Những gì được ghi nhận bên trong

Vấn đề hóc búa nhất của Guaidó là làm sao quân đội về phe với mình. Muốn vậy phải thuyết phục được bộ trưởng quốc phòng. Sau mấy buổi họp bí mật thì cứ tưởng ông này đã OK, và theo kế hoạch thì sáng 30 tháng tư, khi Guaidó kêu gọi quân đội đứng về phe mình, ông tin chắc sẽ có nhiều sư đoàn nghe theo, nhưng hỡi ôi, rút cục chẳng có bao nhiêu, vì họ không thấy bộ trưởng quốc phòng hưởng ứng.

Câu hỏi thứ nhất: Ba ông to đầu của Maduro có chịu đi theo cách mạng, giống như Nguyễn Hữu Hạnh, là chuyện có thật hay không?

Những người thân cận của Guaidó cam đoan với tờ Washington Post, với điều kiện không nêu tên, rằng có. Họ chịu phản Maduro sau khi được hứa hẹn rằng Cách mạng chủ yếu chỉ muốn loại bỏ Maduro, những người làm lớn còn lại sẽ tiếp tục giữ chức vụ cũ trong thời gian chuyển tiếp hay quá độ, hoặc nếu không giữ chức cũ, họ sẽ không bị khởi tố.

Chính vì những thông tin như vậy nên phía chính quyền Hoa Kỳ hết sức lạc quan, thả tuýt và họp báo với thái độ chắc như bắp, để rồi hố nặng, rơi vào cái thế mà người Nam gọi là “quê một cục”, người Bắc gọi là “tẽn tò.”

Câu hỏi số hai: Nếu có thật thì sao hai ông lại chối, chỉ có một ông giữ lời?

Các thầy bàn bảo rằng đó là do quân sư Leopoldo López. Sau khi không còn bị quản chế, thái độ và lời lẽ của ông Khổng Minh này có vẻ muốn chiếm ánh đèn sân khấu, đao to búa lớn, khích động thù hận… khiến cho nhiều người muốn chạy theo Cách mạng, giống như hai ông to đầu kia, hơi nhờn nhợn.

Họ bảo nhau rằng bỏ mẹ, thằng cha này mà lên nắm quyền thì không hiểu rồi đây số phận của chúng mình sẽ ra sao đây? Nó có để yên cho mình đem mớ tài sản tích lũy được sau 20 năm nhờ ơn Chavez, nhờ ơn Maduro, chạy sang ôm chân đế quốc Mỹ mở chợ hoặc mua áp-pác-măng cho mướn hay không đây?

Ngoài hai câu hỏi nêu trên, có người còn giải thích cách mạng 30 tháng tư của Venezuela thất bại vì Maduro đã cài được nhiều Phạm Xuân Ẩn vô phe Guaidó cho nên những gì phe này sắp sửa làm đều được báo cáo tất tần tật cho Maduro.

Lại có người giải thích trong nội bộ phe Guaidó có lủng củng vì nhiều người không đồng ý chính sách khoan hồng đối với các quan to của Maduro. Nhiều quan to đã phạm tội ác tương tự như kiểu nhiều thường dân Việt Nam chết trong đồn công an cho nên không thể tha thứ hoặc miễn truy tố được. Làm như vậy, người dân sẽ nổi giận.

Ngoại trưởng Mỹ Pompei nói Maduro đang được từ 15 đến 20 ngàn nhân viên vũ trang của Cuba bảo vệ. Havana nói rằng họ không có một tay súng nào tại Caracas.

Những ngày sắp tới

Ngày 30 tháng tư vừa qua chỉ là một trong những dấu mốc trong chiến dịch lật đổ chế độ độc tài ở Venezuela chứ chưa dứt điểm được.

Freddy Superlano cũng là một đại biểu quốc hội giống như Guaidó và là kiến trúc sư của Chiến Dịch Tự Do mà Guaidó đã phát động hôm thứ Ba.

Ông Superlano nói cuộc cách mạng sẽ tiếp tục. “Chúng tôi chưa thành công không phải vì chúng tôi ngây thơ, mà chỉ vì chúng tôi muốn tìm một lối thoát ôn hòa. Chúng tôi không có vũ khí nhưng chúng tôi có một cơ hội, một cơ hội giúp giải quyết bế tắc mà không cần đổ máu vì lợi ích của toàn thể nhân dân, thì tại sao lại không nắm bắt lấy cơ hội đó?”

Về phần Maduro cũng chả sung sướng gì. Hàng ngũ thân tín của ông cũng “tay chân rã rời” và giống như Saddam Hussein, mỗi tối ông phải vác chiếu đi ngủ ở những nơi không báo trước, có ngủ chắc cũng không thẳng giấc.

Liệu Hoa Kỳ có đưa quân đến giúp phe Guaidó hay không? Như thường lệ, Ngoại trưởng Pompeo nói mọi giải pháp đều được mang ra bàn. Ai muốn hiểu sao cũng được.

Trước mắt, hôm thứ Sáu, Trump và Putin đã nói chuyện điện thoại một tiếng rưỡi, trong đó có bàn về Venezuela. Với đầu óc của một doanh nhân, có thể Trump sẽ nói này Vlad, nếu cậu buông bỏ Maduro thì cậu muốn gì để gọi là “có đi có lại”?

Châu Quang





No comments: