Lê Phan
May 4, 2019
Cách đây 100 năm, vào ngày 4 Tháng Năm, 1919, một
toán sinh viên của Viện Đại Học Bắc Kinh đã từ tòa nhà màu đỏ, lúc đó là thuộc
viện đại học mà người Hoa thường gọi là Bắc Đại, viện đại học uy tín nhất nước,
xuống đường tổ chức một cuộc biểu tình.
Một nhóm sinh viên giơ cao biểu ngữ phản đối sự thay
đổi trong lãnh đạo nhóm Marxist do sinh viên điều hành tại đại học Peking
University ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28 Tháng Mười Hai, 2018. (Hình: Eva
Xiao/AFP/Getty Images)
Sử gia Lê Mạnh Hùng, trong bộ sử quốc tế “Văn Minh,
Con Đường Tiến Tới Xã Hội Hiện Đại,” giải thích: “Sinh viên biểu tình phản đối quyết định của hội nghị Versailles cho
phép Nhật thừa hưởng các tài sản và quyền lợi của Đức tại Sơn Đông. Rất nhiều
sinh viên bị bắt trong các cuộc biểu tình bạo động sau đó. Đợt sóng phản đối
lan sang tất cả các thành thị chính của Trung Quốc. Các thương gia đóng cửa
hàng, ngân hàng ngưng hoạt động và công nhân đình công để áp lực chính phủ. Cuối
cùng chính quyền bị buộc phải trả tự do cho các sinh viên bị bắt, cách chức một
số quan chức bị coi là công cụ của Nhật Bản và từ chối không ký vào thỏa hiệp Versailles.
Vụ bùng nổ này giúp phổ biến các tư tưởng của phong trào Tân Văn Hóa ra ngoài
quần chúng, nay trở thành một phong trào toàn dân (hay ít nhất là tại tất cả
các đô thị) và được biết dưới tên Ngũ Tứ Vận Động.”
Một trăm năm sau Chủ Tịch Tập Cận Bình đã lợi dụng
biến cố này để đánh bóng chế độ độc tài đảng trị của ông. Qua hành động này,
ông Tập đã cho chúng ta thấy một sự phô bày cố gắng của đảng Cộng Sản để kiểm
soát di sản của một phong trào vốn được coi như là mở đầu cho Trung Hoa hiện đại.
Ngũ Tứ Vận Động, một phong trào phản đối chống lại
chủ nghĩa thực dân Tây phương đã làm bùng lên tinh thần ái quốc của nhân dân
Trung Hoa, và giúp phổ biến một làn sóng những ý kiến bác bỏ các truyền thống
và thế giới phân cấp cổ hủ.
Ngũ Tứ Vận Động
không phải là một phong trào của đảng Cộng Sản, nhưng là có sự đóng góp của họ
và tất cả các nhóm tranh đấu quốc gia khác. Nó không những là
một phong trào dân tộc ái quốc mà còn là một phong trào chống cường quyền đòi tự
do dân chủ. Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã lợi dụng tinh thần của phong trào này và
biến nó thành Ngày Thanh Niên. Trong bài diễn văn đánh dấu 100 năm Ngũ Tứ Vận Động,
ông Tập ca tụng tinh thần ái quốc của phong trào trong khi lờ đi những chủ đề
bài độc tài của họ.
Tại Nhân Dân Đại Sảnh Đường, kế bên Quảng Trường
Thiên An Môn, cũng không xa ngôi nhà màu đỏ mà các sinh viên Bắc Đại đã khởi
hành cách đây 100 năm để khởi xướng Ngũ Tứ Vận Động, ông Tập tuyên bố: “Lịch sử tiết lộ là lòng ái quốc chảy trong
huyết quản của đất nước Trung Hoa từ thời cổ sơ. Những ai không có lòng ái quốc,
vốn có thể đến mức đánh lừa hay phản bội tổ quốc, là một sự sỉ nhục không những
trước mắt của đất nước mình mà còn của toàn thế giới nữa.” Và rồi ông ra lệnh
“Thanh niên Trung Quốc trong thời đại mới
phải tuân lệnh đảng và theo sự theo sự hướng dẫn của đảng.”
Nhưng ngày 4 Tháng Năm cũng là một trong những ngày
kỷ niệm đầy tính chính trị mà đảng Cộng Sản phải tìm cách kiểm soát chặt chẽ –
hay che đậy nó – trong năm nay. Đảng Cộng Sản có lý do để thận trọng: ngày kỷ
niệm Ngũ Tứ Vận Động thường thúc đẩy những cuộc phản đối trong quá khứ, kể cả
các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng Trường Thiên An Môn năm 1989 mà chỉ bị dập
tắt trong một đêm thảm sát vào ngày 3 và 4 Tháng Sáu cũng năm đó.
Đảng Cộng Sản cũng đang đối phó với tăng trưởng chậm
lại vốn đã làm cho họ lại còn sợ hãi với những nhắc nhở của một phong trào vận
động đòi thay đổi của quần chúng. Các viên chức đã ra lệnh cho các trường học đề
phòng bất cứ một bộc lộ bất mãn nào quanh ngày 4 Tháng Năm và những ngày “tế nhị”
khác. Đó là theo các thông cáo chính thức trên các website của nhà cầm quyền.
Giáo Sư Quách Ư Hoa, một vị nữ giáo sư xã hội học của
Viện Đại Học Thanh Hoa, viện đại học thứ nhì của Hoa Lục, cho tờ New York Times
biết: “Ngay từ khởi đầu niên học họ đã bảo chúng tôi năm nay không phải là một
năm bình thường và rất tế nhị, thành ra đừng nói sai lập trường.”
Phong trào Ngũ Tứ Vận Động năm 1919, khi các sinh
viên Trung Quốc xuống đường tổ chức một cuộc biểu tình. Nay, đúng 100 năm sau,
Trung Quốc sẽ có 8.3 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và sẽ có nhiều người
không kiếm được việc làm. Chủ Tịch Tập Cận Bình lo sợ, nên đã ngầm khuyến cáo:
“Không ái quốc là ‘sỉ nhục’ và yêu nước là yêu đảng và yêu chủ nghĩa xã hội.”
(Hình minh họa: socialistalternative.org)
Năm nay nhiều triệu sinh viên Trung Cộng sẽ học lại
bài học chính thức về Ngũ Tứ Vận Động, lột bỏ bất cứ một đề nghị nào là họ nên
xuống đường. Trong các bài giảng và qua các bích chương, họ được bảo là Trung
Quốc sẽ không bao giờ bị bắt nạt nữa.
Ông Tập tuy vậy chỉ là một trong những lãnh tụ Cộng
Sản đã lợi dụng Ngũ Tứ Vận Động để thích ứng với nghị trình của ông. Nhiều thế
hệ sinh viên đã được học những bài trình bày cuộc phản đối năm 1919 như là tiền
đề cho sự thành lập của đảng Cộng Sản năm 1921 và chiến thắng không bao giờ cản
trở nổi của họ. Các lãnh tụ đảng từ Mao Trạch Đông, mà cái thời Ngũ Tứ vẫn còn
là một thủ thư ở thư viện tỉnh, đã lợi dụng phong trào để chiêu dụ hay khuyến
cáo sinh viên và trí thức.
Giáo Sư Jeffrey Wasserstrom, giáo sư sử ở Viện Đại Học
California, Irvine, đã chỉ ra: “Ngay cả
chế độ độc tài cũng phải có một câu chuyện họ kể cho nhân dân về lý do tại sao
họ đáng được cai trị.” Và câu chuyện đòi tôn trọng chủ quyền của các sinh
viên năm 1919 hẳn có thể thích ứng với hứa hẹn “thời đại mới” của một cường quốc
Trung Quốc” của ông Tập Cận Bình.
Năm 1919, đoàn sinh viên mặc quốc phục đã tìm cách
trao đòi hỏi của họ cho các sứ vụ Tây phương ở Bắc Kinh và đốt một căn nhà của
một người mà họ bảo đã đầu hàng Nhật Bản. Nhưng tuy phong trào lan khắp nước,
chính phủ phải nhượng bộ, nhưng Sơn Đông vẫn nằm trong tay Nhật Bản.
Trong khi đó, đối với một số người Trung Hoa, cuộc
phản đối năm 1919 tạo những ký ức mà đảng không muốn họ nhớ.
Ngũ Tứ Vận Động đi kèm phong trào Tân Văn Hóa trong
đó sinh viên kêu gọi “Ông Khoa Học và ông Dân Chủ,” đòi hỏi một xã hội tự do,
không bị truyền thống kềm chế, đồng thời khám phá chủ nghĩa vô chính phủ, phong
trào tự do phụ nữ, xã hội chủ nghĩa và cả cá nhân chủ nghĩa.
Di sản chống độc tài của Ngũ Tứ Vận Động đã giúp cho
những người chỉ trích đảng Cộng Sản. Năm 1989, kỷ niệm 70 năm của Ngũ Tứ Vận Động
đã lôi cuốn nhiều trăm ngàn sinh viên và thanh niên xuống đường ở Quảng Trường
Thiên An Môn.
Và mặc dầu những cố gắng của nhà cầm quyền, di sản
đó vẫn còn tồn tại. Trong nhiều tháng nay, công an bận rộn tổ chức một cuộc tổng
phản công chống lại vài chục sinh viên Marxist ở Bắc Kinh vốn ủng hộ các công
nhân bị bóc lột ở vùng Hoa Nam, một số dẫn Ngũ Tứ như đã gợi hứng cho họ. Các
viên chức cũng tìm cách làm im tiếng Giáo Sư Hứa Chương Nhuận, giáo sư luật của
Viện Đại Học Thanh Hoa, người mà hồi Tháng Bảy năm ngoái đã tung ra một loạt những
bài chỉ trích gay gắt đảng Cộng Sản. Tháng Ba năm nay, Thanh Hoa ngưng chức và
điều tra ông.
Hôm Chủ Nhật trước, công an theo dõi khi Giáo Sư Hứa
tụ tập khoảng vài chục bạn bè và người quen đến đặt vòng hoa trước một tấm bia
kỷ niệm một nhà học giả khác đã quá cố của Thanh Hoa, Giáo Sư Vương Quốc Duy, nổi
tiếng về viết lịch sử Trung Hoa theo kiểu Tây phương. Giáo Sư Hứa ca tụng Giáo
Sư Vương cho “tinh thần độc lập và tư do tư tưởng.”
Nhà cầm quyền lo ngại về những sự chống đối này một
phần chính là vì vấn đề kinh tế, theo tờ New York Times. Năm nay sẽ có 8.3 triệu
sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở Hoa Lục, lớn hơn bao giờ hết. Sẽ
có nhiều người trong số họ không kiếm được việc làm thích hợp với kỳ vọng của họ
hay có thể không kiếm được việc làm.
Và đảng Cộng Sản biết rằng trí thức thất nghiệp là mầm
móng của bất mãn. Đó chính là lý do tại sao trong bài diễn văn kỷ niệm Ngũ Tứ Vận
Động, chủ tịch Tập đã ngầm khuyến cáo đối lập: “Không ái quốc là ‘sỉ nhục’ và
yêu nước là yêu đảng và yêu chủ nghĩa xã hội.”
Thế ra “tinh thần” 100 năm của Ngũ Tứ Vận Động, như
tờ The Economist nhận xét, trông ra có khá nhiều lo sợ và nghi ngờ. (Lê
Phan)
No comments:
Post a Comment