04/05/2019
Sự sụp đổ của miền
Nam dù được tiên đoán từ khi người Mỹ rút quân về nước và giảm viện trợ, nhưng
khi xảy ra, nó đến nhanh chóng bất ngờ, gây hoang mang cho một số công dân miền
Nam lúc bấy giờ đang công tác hoặc du học, hay du lịch ở nước ngoài. Họ cảm nhận
như thế nào về những diễn biến dồn dập ở trong nước? Điều gì xảy đến với họ sau
ngày 30/4/1975, khi bỗng nhiên sự nghiệp bị cắt ngang, học bổng không còn bởi
vì qua đêm, họ trở thành những người vô tổ quốc? VOA-Việt ngữ trò chuyện với một
cựu nghiên cứu sinh ở Pháp và một nhà cựu ngoại giao từng đại diện cho Việt Nam
Cộng Hoà tại Liên Hiệp Quốc.
Biến cố 30 Tháng Tư
đã đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân miền Nam lúc bấy giờ đang sinh sống hoặc
học tập ở hải ngoại. Từ xa nhìn về quê hương và theo dõi tin tức tường thuật về
những diễn tiến dồn dập ở trong nước trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng
Hoà, họ càng hoang mang, một phần xót xa cho đất nước, một phần lo lắng cho những
người thân còn kẹt lại và cho chính bản thân, từ nay bơ vơ trên xứ người.
Một sinh viên ưu tú
được học bổng Colombo du học ở Canada, nhưng vào thời gian ấy đang nghiên cứu để
hoàn tất luận án tiến sĩ ở Đại học Poitiers bên Pháp, ông Nguyễn Duy Vinh, kể lại
tình hình lúc bấy giờ:
“Ngày 30 Tháng Tư là ngày mà hầu hết sinh viên đi từ
miền Nam mà tôi quen biết ở thành phố Poitiers mọi người đều buồn, và rất lo lắng
bởi vì mình có thân nhân ở Việt Nam và không biết tình trạng sẽ chấm dứt như thế
nào?”
Tiến sĩ Duy Vinh
nói những điều kinh hoàng xảy ra tại Campuchia khi quân Khmer Đỏ do Pol Pot
lãnh đạo chiếm được Nam Vang khoảng 1 tháng trước ngày 30/4, càng làm tăng nỗi
lo âu và sợ hãi của những sinh viên miền Nam xa xứ.
“Cuộc thanh trừng đẫm máu diễn ra thì các đài truyền
hình ở Pháp đều cho thấy như vậy. Sinh viên đi từ miền Nam nhìn thấy những hình
ảnh đó thì cũng sợ là nguy cơ tương tự sẽ xảy đến cho miền Nam Việt Nam. Lúc đó
là lúc gây cấn và buồn bực, lo lắng nhất của sinh viên du học.”
Tâm trạng của những
sinh viên sống xa nhà vào những ngày cuối cùng trước khi Saigon thất thủ, theo
ông là vừa đau buồn, vừa bồn chồn lo lắng cho những người thân còn kẹt lại. Ít
có ai từng du học ở các nước Âu Châu vào thời gian đó quên được cuộc biểu tình
của sinh viên miền Nam ở Paris vào ngày 27/4/1975. Khoảng 300 sinh viên từ
Paris và nhiều thành phố khác chít khăn tang, mang cờ Việt Nam Cộng Hoà, lặng lẽ
tuần hành trên các đường phố ở Paris, mang theo những biểu ngữ làm bằng vải đen
kẻ đòng chữ trắng: “Vinh Danh Các Chiến Sĩ Đã Nằm Xuống Cho Tự Do", “Miền
Nam Tự Do Bất Diệt", “ Ngày Đại Tang" vv…
Tiến sĩ Nguyễn Duy
Vinh kể rằng sinh viên ở Poitiers cũng thu xếp một chuyến xe lên Paris tham dự
biểu tình. Ông Vinh thuật lại không khí cuộc biểu tình và tâm trạng của những
người tham dự:
“Không khí lúc đó họ về kể lại thì trang nghiêm,
trang nghiêm mà im lặng. Không có la hét, đi như một đám tang vậy. Họ cũng hô
khẩu hiệu nhưng mà không phải là một cuộc biểu tình chống đối rầm rộ. Họ đi tuần
hành một đoạn dài để cho người Pháp nhìn thấy là có sự chống đối rõ ràng.”
Bà Alice Swann, một
nhà ngoại giao từng đại diện cho Việt Nam Cộng Hoà tại Rome, Ý, và sau này, tại
Geneve, Thụy sĩ, nói rằng trong giới ngoại giao thì biến cố 30/4 không gây ngạc
nhiên, bởi vì đó là điều tất yếu từ khi hiệp định Paris được ký kết:
“Biến cố 30/4 không phải là một sự ngạc nhiên đối với
tôi, bởi vì tôi đã biết là miền Nam sẽ bại. Đây chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhưng tôi biết có rất nhiều người miền Nam yêu nước, họ đã hy sinh rất nhiều,
trong việc làm, trong cuộc sống của họ để chiến đấu cho Việt Nam Cộng hòa. Điều
làm cho tôi rất buồn là nhiều người đã hy sinh mạng sống một cách vô ích… Rồi
sau đó tôi lo lắng về những gì sẽ xảy đến cho miền Nam, cho gia đình và cho bạn
bè, đó là những gì tôi cảm thấy vào lúc đó.”
Đại sứ VNCH tại Thụy Sĩ Lê Văn
Lợi, và bà Alice Swann (thứ nhì bên trái)
Bà Swann cho biết
là sau 30 Tháng Tư 1975, nhờ uy tín của mình, Đại sứ VNCH tại Thụy Sĩ Lê Văn Lợi
đã được chính quyền nước sở tại và Liên Hiệp Quốc cho phép mở cửa sứ quán cho tới
tháng Sáu năm 1975, để giúp các công dân miền Nam, trong đó có nhiều sinh viên
du học, làm giấy tờ và xin việc làm để tự lo liệu cho bản thân:
“Ông vẫn tiếp tục làm việc và trong hai tháng đó đã
giúp được nhiều người Việt cư ngụ tại Thụy Sĩ gồm du học sinh và du khách bị kẹt
tại, không thể làm gì cả. Đại sứ Lợi giúp họ, về giấy tờ, xin quy chế tị nạn tại
Thụy sĩ, và sau khi họ được chấp nhận cho tị nạn, giúp họ tìm việc làm bởi vì
ông quen biết rộng, có thể xin việc cho nhiều người tại Liên Hiệp Quốc chẳng hạn.”
Tiến sĩ Vinh nói
hơn 4 thập niên sau, mỗi dịp 30/4 ông lại sống lại tâm trạng của một sinh viên
miền Nam vào ‘Tháng Tư Đen’:
“Tâm trạng thì nó vẫn luôn luôn xao xuyến, tiếc tiếc
và ân hận là đã để xảy ra tình trạng như vậy. Oán hận thì nó cũng qua đi, nhưng
ân hận thì đúng hơn, hối tiếc những chuyện mình có thể làm được mà mình không
làm.”
Ông bày tỏ cảm kích
đối với quê hương thứ hai của ông vì đã tôn trọng sự khổ đau của người tị nạn
Việt Nam khi cho thông qua đạo luật công nhận 30/4 là ngày “Hành trình tìm tự
do”. Ông nói:
“Những buổi lễ ấy vô cùng xúc động. Năm nay cũng có
một buổi thượng kỳ vào ngày 30/4 như mọi năm. Ở Canada có đạo luật S-219 do Thượng
nghị sĩ Ngô Thanh Hải vận động, được chấp thuận để trở thành một ngày lễ của
Canada gọi là “Hành trình tìm Tự do”. Mặc dù đó không phải là ngày nghỉ, nhưng
mà thấy người ta rất là tôn trọng sự khổ đau của người dân tị nạn Việt Nam,
thành ra mình cũng vô cùng may mắn và hạnh phúc được ở trên xứ sở này.”
Tiến sĩ Vinh nói
sau hơn 4 thập niên, lẽ ra những sự đau khổ ấy đã phải được xoa dịu nếu như Hà
nội chủ động và thành thật muốn hòa hợp hòa giải.
“Có bao nhiêu gia đình đã bị mất mát, cái khổ đau
này chính ra nó phải được hàn gắn qua một sự hòa hợp hòa giải thành thật của
nhà nước Việt Nam, nhưng họ đã không làm được điều đó. Ngày nay mà họ vẫn chưa
tìm cách chữa những tội ác đã gây ra, như đưa bao nhiêu người vào trại cải tạo.
Họ triệt hạ luôn cả hệ thống kinh tế miền Nam. Ngày nay nhìn lại tình trạng quê
hương thì thấy nó quá bi đát, nào là tham nhũng, nào là mất đất mất đảo vào tay
Trung Cộng, dòng Cửu Long ngày càng cạn đi, Biển Đông thì cạn kiệt.”
Ông bày tỏ lo lắng
cho tương lai của Việt Nam, trong khi sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc
ngày càng bắt rễ trên cả nước Việt Nam. “Họ
đánh cá vô tội vạ, làm hại những rặng san hô dưới đáy biển, phá hoại hệ thống
sinh thái dưới Biển Đông. Ở trong nước thì đạo đức cũng tụt hậu, giáo dục ngày
càng thoái hóa thì mình thấy là họ không đưa được Việt Nam về một hướng tốt, đối
với tôi ngày 30/4 lại càng phải nói thêm nữa. Đây không phải là để báo thù mà để
ghi lại một trang lịch sử mà con cháu không thể quên được.”
Tiến sĩ Vinh nói
ngày 30/4 là để tưởng niệm những người đã khuất, theo ông hành động này không
phải là níu kéo quá khứ mà dịp này phải tưởng nhớ những người đã khuất với lòng
thành kính như trong ngày giỗ của cha mẹ, ông bà. Ông nói cộng đồng người Việt,
con cháu người Việt có nghĩa vụ phải nhớ bởi vì “quên tức là có lỗi với tổ
tiên”.
No comments:
Post a Comment