03/05/2019
Việt Nam đang ngột ngạt cực độ bởi thời tiết được
ghi nhận là nóng nhất trong 40 năm qua. Số trẻ em và người già nhập viện bởi ảnh
hưởng thời tiết nóng bức tăng nhanh. Thậm chí đã có người chết vì nắng nóng.
“Thời sự nắng nóng” của Việt Nam thậm chí xuất hiện trên cả báo Mỹ (“Vietnam
just observed its highest temperature ever recorded: 110 degrees, in April”,
Washington Post, 22-4-2019). Nóng càng nóng hơn khi mà bây giờ việc tìm bóng
cây để trú nắng bắt đầu trở nên khó khăn. Và đó là cái giá phải trả cho sự tàn
phá rừng và cũng như chặt đốn cây xanh để nhường chỗ cho phát triển đô thị…
Ông Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị
và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), cho biết, cách đây 20 năm, diện tích công
viên của Sài Gòn là khoảng 1.000 hecta; bây giờ, chỉ còn chừng 535 hecta – giảm
gần 50%. Trong quá trình đô thị hóa trong vòng 15 năm trở lại đây, Sài Gòn còn
mất 47 con kênh (bị san lấp) với tổng diện tích 16,4 hecta. Ai sống lâu ở Sài
Gòn cũng đều thấy rõ sự thay đổi chóng mặt bởi cơn lốc bùng nổ các khu quy hoạch
mới xảy ra cùng lúc với sự biến mất cây xanh. “Con đường Duy Tân cây dài bóng
mát” còn đó nhưng vô số “cây dài bóng mát” ở những quận huyện khác của Sài Gòn đã
chỉ còn trên những tấm ảnh cũ.
Ở Sài Gòn, sự ngột ngạt do mật độ con người lẫn xe cộ,
trong khi mảng xanh thiếu, có thể được cảm nhận rất rõ: chỉ cần băng qua cầu
Kênh Tẻ, từ quận 4 sang quận 7, lập tức đã có thể thấy được sự khác biệt khi
hít thở không khí, giữa một nơi chỉ toàn nhà cửa bê tông với một nơi thoáng
đãng nhiều cây xanh. Tuy nhiên, quận 7 cũng đã bắt đầu ngộp thở với hàng loạt
chung cư mới. Đó là cái giá phải trả khi con người “giành” đất với cây xanh,và
chính quyền thì ngày càng chứng tỏ họ không có khả năng quy hoạch đô thị.
Khi vấn đề “mảng xanh” đang bị “khủng hoảng”, người
ta lại lật lại Quyết định 01/2006/QĐ-BXD ngày 5-1-2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
để xem vấn đề cây xanh đô thị được “quy định” như thế nào. Theo Quyết định
trên, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên của đô thị đặc biệt là 7-9 m²/người; đô
thị loại I-II: từ 6-7,5 m²/người; đô thị loại III-IV: từ 5-7 m²/người; loại V:
từ 4-6 m²/người. Trong khi đó, báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 do Bộ
Tài nguyên và Môi trường công bố, tỷ lệ diện tích cây xanh tại Hà Nội và Sài
Gòn chỉ đạt khoảng 2 m²/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố
tiên tiến trên thế giới! Báo Tài Nguyên Môi Trường (25-4-2019) cho biết, theo
tính toán của giới khoa học, khi trồng cây xanh, hai năm đầu tiên cho 3-5m2 cây
xanh; sau 5 năm, có từ 15-18m2 và 10 năm là 25-30m2 cây xanh. Thật nghịch lý
khi mà “chiến lược” phát triển cây xanh lại được tái thiết kế, sau khi vô số
cây cổ thụ hàng trăm năm, chẳng hạn ở đường Tôn Đức Thắng (Nancy cũ), đã bị đốn
hạ!
Riêng Sài Gòn, theo quy hoạch công viên cây xanh “đến
năm 2020” và “tầm nhìn đến năm 2025”, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là
2,4m2/người; khu vực nội thành mở rộng là 7,1m2/người; khu vực ngoại thành là
12m2/người. Vấn đề “thiếu xanh” đã không ít lần được báo chí đề cập và “cảnh
báo” nhưng thực tế không thấy có gì mới. Các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức…,
vốn thưa thớt dân cư và đầy diện tích xanh, nay ngày càng ngột ngạt. Báo chí cứ
thế mà “thèm lắm mảng xanh” nhưng “mảng xanh” tiếp tục biến mất. Có lẽ báo chí
đừng “thèm lắm mảng xanh” nữa. Họ nên “thèm lắm” một chính quyền biết cách tạo
ra mảng xanh chứ không phải ăn chia với các đại gia bất động sản để lấn chiếm mảng
xanh và cắn xé nhau giành giật từng centimet đất trong những phi vụ trục lợi
như đã xảy ra ở Thủ Thiêm, nơi in đậm bóng dáng của cái gọi là “tham nhũng
chính sách”.
Không chỉ “xanh” biến mất ở đô thị, “xanh” ở cao
nguyên cũng không còn. Tình trạng “rừng xưa đã khép” của Việt Nam thậm chí cũng
xuất hiện trên báo Mỹ (“Vietnam’s Empty Forests”, New York Times, 1-4-2019).
Theo trang socialforestry.org.vn, chỉ hơn 5 năm, từ 2012-2017, diện tích rừng tự
nhiên bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật “đạt đến” 11%, 89% còn lại là do
chuyển mục đích sử dụng rừng từ các dự án được duyệt. Độ che phủ rừng hiện còn
chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Tạp chí Môi Trường (số
7, 2016) cho biết, tính đến cuối năm 2014, Tây Nguyên có hơn 2.567.118 hecta đất
có rừng, giảm 180.000 hecta so với năm 2010. Trong 5 năm (2010-2014), trữ lượng
rừng Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m³ (từ 327 triệu m³ năm 2010 xuống 270 triệu
m³ năm 2015); diện tích rừng giảm tới 6,1%, khiến độ che phủ của rừng bị giảm từ
51,8% còn hơn 45%.
Nếu ở đô thị, người ta vừa thất bại trong quy hoạch
vừa trục lợi đất đai bằng công cụ chính sách khiến diện tích xanh bị ảnh hưởng,
thì ở các tỉnh vùng núi, người ta cũng tranh nhau “ăn” rừng. Một số vụ “lấn chiếm
rừng”, thực chất, là chính quyền địa phương bán đất rừng chứ không phải người
dân lấn chiếm. Cho đến nay, vụ “cả nghìn công trình vi phạm trên đất rừng Sóc
Sơn” vẫn tiếp tục bỏ ngỏ, dù UBND TP. Hà Nội đã “ra thông báo kết luận thanh
tra đất rừng”. Tại Quảng Ninh, 31 hecta rừng ở xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) đã
bị “cạo trọc” để công ty cổ phần tập đoàn Hạ Long khai thác than trái phép, dưới
danh nghĩa múc đất đổ nền dự án nghĩa trang Đồng Khuôn. Nói cách khác, rừng biến
mất và cây rừng bị đốn chặt không chỉ bởi lâm tặc, mà còn bởi “chính quyền tặc”!
Hệ thống “tặc” này, như có thể thường thấy ở Việt Nam, gần như luôn xảy ra tình
trạng “có dấu hiệu buông lỏng quản lý” và “bao che nhau”. Điển hình, Nguyễn
Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các
cơ quan tỉnh Đắk Nông), vốn dính vào vụ “ăn” 40 hecta đất rừng, vẫn được Ban thi
đua khen thưởng tỉnh Đắk Nông tặng Huân chương Lao Động hạng Nhì (VietnamNet
8-4-2019)!
Rồi thì Việt Nam sẽ như thế nào? Rồi những đứa trẻ sẽ
lớn lên trong một môi trường “trong xanh” như thế nào? Hãy thử xem ảnh vệ tinh
Google Earth so sánh diện tích rừng Việt Nam giữa năm 1984 và 2016 để có thể thấy
rõ bức tranh kinh khủng xám xịt của “mảng xanh” Việt Nam. Tương lai Việt Nam,
không chỉ chuyện rừng và cây xanh, cũng xám xịt như vậy. Ở thời điểm này, báo
chí vẫn cứ thế mà “thèm lắm mảng xanh”, hơn là “thèm lắm” và nỗ lực đòi hỏi nhất
thiết phải có một chính quyền “sạch”!
No comments:
Post a Comment