Quốc Phương
BBC
Tiếng Việt
8 tháng 5 2019
Blogger
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, người vừa mãn hạn năm năm tù giam và được trao trả tự
do hôm 05/5/2019, nói với BBC News Tiếng Việt về dự định tương lai của ông,
trong đó có công ty mà ông từng vận hành trước khi bị bắt.
Blogger Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh trong ngày ra tù
hôm 05/5/2019, bên cạnh vợ của ông, bà Lê Thị Minh Hà. OTHER
Trả lời BBC qua điện thoại hôm 07/05 từ nhà riêng tại
Hà Nội trong một phỏng vấn dài hơn mà dưới đây là trích lược, ông Nguyễn Hữu
Vinh trước hết nói về tình hình sức khỏe của ông và cảm nghĩ khi đoàn tụ với
gia đình:
"Sức khỏe của tôi trong ba hôm nay có thể nói là rất tốt so với khi
mới bước chân ra khỏi trại. Cảm giác lớn nhất của tôi là tôi như từ một thế giới
này bước sang một thế giới khác."
Về những cản trở mà ông và gia đình gặp phải khi có
khách tới thăm, ông nói:
"Chỉ có buổi chiều tôi về thì cản trở kinh khủng, tức là mọi người đến,
đem lẵng hoa đến rất nhiều, nhưng gần như không ai vào được, chỉ có một vị đi
xe ôm và cái nạng trên người nên hình như người ta nghĩ là thương binh, nên người
ta không cản trở. Còn tất cả không vào được.
"Luật sư Trần Vũ Hải cũng không vào được, cãi nhau ầm ĩ cả lên và họ
chốt khắp xung quanh khu nhà của chúng tôi. Khu này trở thành một khu náo loạn."
Cách đối xử trong tù
"...Tôi có thể tóm tắt một điều là cái mà tràn ngập trong 5 năm đối
với tôi và tràn ngập trong việc của tôi hàng ngày và suy nghĩ của tôi hàng ngày
là những cái mà tôi tạm gọi, mà tôi nghĩ tôi phải dùng một từ vừa phải nhẹ
nhàng là đầy những phong cách và cách làm mà tôi gọi là "ăn gian".
"Tức là lách luật, phạm luật rồi vô nguyên tắc thì rất là nhiều, ở
hai giai đoạn là hai năm rưỡi của các thủ tục tố tụng và hai năm rưỡi là các thủ
tục mà gọi là thi hành án, tức là trại giam. Đầy rẫy những sự vô nguyên tắc và
sai trái, kể cả nhân đạo cũng kém, kém so với những cái mà tiêu chuẩn bây giờ
đáng nhẽ phải có và đương nhiên là so sánh với các nước khác trên thế giới."
So sánh với các nhóm khác ở trong trại giam là các bạn
tù thường phạm và nói về sự khác biệt trong việc được ứng xử bởi những người quản
lý trại giam, ông Vinh cho biết:
"Cách dùng từ cho mười mấy người chúng tôi trong một khu riêng thì
không biết cách dùng từ gì. Bởi vì chính những cán bộ trại và hình như hệ thống
trại giam này, họ đều không có một ngôn ngữ nào, từ nào, cái tên nào để đặt cho
một dạng phạm nhân của chúng tôi.
"Ở phân trại này có một khu riêng, chúng tôi có khoảng 15 người, thế
còn ở toàn bộ trại ấy có mấy nghìn người đều là tù tội phạm hình sự, phạm các tội
hình sự, kinh tế, còn trong số chúng tôi tạm gọi gần như là phạm tội về an ninh
quốc gia, trong khung về an ninh quốc gia. Thì họ cũng không nói là khu [tội phạm]
an ninh quốc gia, mà họ cũng không nói là khu chính trị, đương nhiên rồi, vì họ
không bao giờ công nhận là tù chính trị.
"Thế nên khu của tôi, về phạm nhân tạm gọi là 'an ninh quốc gia và chính trị' này
có những cái hơn phạm nhân hình sự, nhưng có những cái kém hơn nhiều. Ví dụ như
là hơn có thể là điều kiện chỗ ăn, chỗ ở rộng rãi hơn, riêng biệt hơn.
"Nhưng về tinh thần có những cái, tôi hình dung, bởi vì tôi không được
chỗ của phạm nhân hình sự, nhưng tôi cố gắng tìm hiểu, và trước đây tôi cũng đã
tìm hiểu rồi, có những cái soi và o ép là hơn hẳn phạm nhân hình sự. Tôi chỉ lấy
một ví dụ có thể là đập vào mắt ngay, tức là một phòng của chúng tôi hai người
thì có ba camera theo dõi, hai cái ở trong và một cái ở sân nhỏ ở ngoài. Tức là
hai người được ba camera đó.
"Còn ở ngoài bên phạm nhân hình sự thì 70 người không có một cái
camera nào. Thì đấy là một ví dụ thôi, nhưng mà đối với chúng tôi có thể quen rồi
thì chúng tôi coi là bình thường, nhưng mà có thể người ở ngoài, rồi người ở
các nước văn minh thì họ có thể lại suy nghĩ khác. Nhưng đơn giản một điều, làm
cách đó tôi cho là chéo ngoe và ngược đời.
"Tức là phạm nhân hình sự rất hay xảy ra những chuyện đánh nhau rồi
vi phạm đủ các thứ, cái đó là phải công nhận, bởi vì tính chất của tội phạm
cũng dễ xảy ra chuyện ấy. Thì đáng nhẽ những phạm nhân đó là đối tượng cần phải
theo dõi bằng camera giám sát nhiều hơn, thì ngược lại chúng tôi lại là những
người bị theo dõi bằng phương tiện đó và không những thế khi mà chúng tôi ra
sân chơi, sân nhỏ nhỏ chơi, thì lúc nào cũng phải có cán bộ, mặc dù chỉ có hơn
mươi người.
"Còn phạm nhân hình sự 70 người, họ ra một sân của khuôn viên ở khu
của họ ở thì không bao giờ cần phải có cán bộ cả. Họ khóa cửa ngoài và cán bộ ở
ngoài thôi. Nó có những trái ngược như thế. Cái đó về phía hệ thống trại giam
nên xem lại. Còn rất nhiều điều khác... nhưng tôi chỉ có thể lấy một ví dụ nho
nhỏ như thế."
'Chỉ là
cưỡi ngựa xem hoa'
Khi được hỏi về các cuộc thăm viếng trại giam của giới
chức trong chính quyền ông Nguyễn Hữu Vinh nói:
"Trong luật thi hành án thì có nói là giám sát việc thi hành án có
nào là Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc... không nói về mặt báo
chí, nhưng chỉ trước khi tôi ra cách đây chỉ ít ngày thôi, với hai năm rưỡi thi
hành án đó, tôi tích tụ lại và làm một cái đơn khiếu nại và khuyến nghị, gửi đến
hai vị rất cao cấp trong hệ thống Đảng và nhà nước Việt Nam.
"Tôi nêu nhiều vấn đề, trong đó tôi đưa ra một hiện tượng là trong
Luật thi hành án thì có hẳn một câu như thế - là các cơ quan này, tổ chức này
giám sát, phối hợp với các hoạt động thi hành án, nhưng hai năm rưỡi và trước cả
tôi nữa, những người ở trước, chưa bao giờ nhìn thấy người của Mặt trận, rồi Hội
đồng Nhân dân, rồi Quốc hội gì cả. Không bao giờ thấy và không bao giờ nghe thấy
ở ngoài có.
"Nhưng về phía ngành Công an, cơ quan quản lý trại giam, trước là Tổng
Cục 8 còn bây giờ là Cục C10, thì cũng một năm một lần, có khi là hai lần các vị
xuống, nhưng mà xuống tôi nói chính xác là cưỡi ngựa xem hoa. Tức là có lần là
cấp đại tá trưởng phòng ở trên Tổng Cục xuống, và có một lần cao nhất, một ông
thiếu tướng xuống và vào hẳn phòng tôi rồi hỏi thăm này khác, nhưng mà vị đó hỏi
tôi là sống thế nào, tốt không, mọi thứ.
"Ở đây tốt không? Thì tôi cũng nói thẳng ra là có những cái tốt, khá
lên, nhưng có nhiều cái là chưa tốt, thì vị đó tỏ ra là khó chịu, và cũng không
hỏi là thế thì không tốt là cái gì? Tức là hỏi, thấy nói không vừa ý mình thì vị
ấy thôi, khó chịu và đi luôn, không có hỏi tại sao tốt cái gì cả? Tất cả những
chuyện xuống đây có tính chất kiểm tra thì thấy chỉ là làm rất là hình thức.
"Và trước khi những vị này xuống, họ thừa biết là tôi và gia đình
tôi có hàng loạt những kiến nghị thay đổi, ít nhất là ở trong khuôn viên của
chúng tôi có hàng loạt thay đổi. Những cuộc như thế đáng lẽ họ xuống họ phải hỏi,
họ phải giải quyết được chuyện, tránh được chuyện là phạm nhân sợ không nói ra
với trại, thì họ phải hỏi riêng chúng tôi. Ví dụ như thế. Nếu họ cần kiểm tra,
thì họ không có cái chuyện ấy..."
Về khách thăm nước ngoài, quốc tế tới thăm ông khi ở
trong tù, ông Nguyễn Hữu Vinh kể lại:
"Rất là may và rất là hiếm có, nó có một chuyện rất cảm động, nhưng
mà lại rất khôi hài. Tức là có hai ông nghị sỹ Đức, sau này tôi mới được biết
là hai ông nghị sỹ Đức cùng với đại diện của Sứ quán Đức và Bộ Ngoại giao đến
trại này thăm, trong mục đích đặt ra thì có thăm trại rồi thăm tôi có rõ ràng
trong những yêu cầu không, nhưng trong đó có mục là thăm tôi, nhưng mà không được
phép.
"Thế và họ có gửi cho tôi một cái đồng hồ để tặng tôi, đồng hồ treo
tường mà ông nghị sỹ Đức mua từ Đức, đem sang tận bên này để ông tặng tôi. Thế
nhưng trong suốt hơn một năm trời nó đã diễn ra những chuyện rất kỳ quái và rất
đáng xấu hổ trong hệ thống trại giam ở Việt Nam này, nhưng mà cụ thể là trong
trại của chúng tôi. Ông ấy tặng tôi, nhưng cuối cùng trại lại nói là tặng cho
giám thị trại, cho trại. Khi được thông báo, tôi hỏi thì họ cứ giấu giấu, diếm
diếm, họ không nói gì với tôi là có người đến thăm và có người gửi đồng hồ cả.
"Đến lúc mà họ không giấu được, thì họ mới nói là tặng trại chứ
không phải tặng tôi...và chuyện này nó rất là hài kịch và gia đình tôi đã đưa
ra công luận rồi và một ngày nào đó tôi sẽ viết về chuyện này với một góc độ
khác, mà tôi tin là mọi người nhìn trong chuyện này thì nó sẽ rất là thú vị."
Ông Vinh cho biết thêm về các chuyến thăm của bạn bè
trong ngành công an và an ninh:
"Có bốn đợt các bạn tôi vào thăm, cái này là một điều rất quý hóa.
Tôi cũng phải nói mình là một người trong ngành công an mà ra khỏi ngành, dứt
áo đi, gọi là một đi không trở lại và đến một ngày làm những việc mà ngành công
an cho là - mà phải dùng từ là "thế lực thù địch", đối đầu với mình,
mà các bạn tôi, cả những người đương chức và cả những người đã về hưu và cương
vị đều cao, từ cấp phòng cho đến cấp Tổng cục, thì họ vào thăm tôi tình cảm, rất
là vui vẻ.
"Hoàn toàn là chuyện bạn bè, chứ không có chuyện vào để giáo dục,
khuyên bảo mà nói là "mày phải thế này, mày phải thế kia" và "phải
cải tạo tốt" thì hoàn toàn không có, mà chuyện bạn bè rất vui, thì cái đó
là một chuyện cảm động.
"Thế nhưng cũng có chuyện kỳ quái là mặc dù bạn tôi vào thăm và rất
có cương vị như thế, và đến độ có đoàn mà trại còn phải đãi đằng rất là trọng
thị, thế nhưng ngược lại Tết vừa rồi cán bộ Trại lại dọa cả tôi và vợ tôi là
khi ra tù thì trước đấy phải nói với bạn bè như thế nào để khi mà ra tù đừng để
có bạn bè đến đây băng rôn, khẩu hiệu này nọ, làm thế nọ, thế kia, (nếu) thế
thì Trại sẽ đem tôi ra, quăng tôi ra đâu đó ngoài đường ngoài rừng, chứ không để
ra ở cổng Trại.
"Tôi ngạc nhiên kinh khủng và tôi phải viết thư cho vợ tôi để nói với
các bạn tôi là phải đưa lên mạng để cho các bạn tôi đọc được, các bạn học ở
trong trường công an đấy, tôi phải nói là "họ làm điều ấy là sỉ nhục các bạn" và làm
cho, ngoài tôi ra, tất cả những ai biết chuyện ấy người ta sẽ nghĩ, sẽ đánh dấu
hỏi về tình cảm, việc đến thăm của các bạn. Tôi không muốn nói ra nhưng chắc ai
cũng hiểu là "người ta sẽ nghi ngờ là các ông đến có phải là thăm bạn
không, hay là các ông đến lại nhấm nháy với Trại là phải xử, hay phải rắn với
thằng này chẳng hạn?"
"Bởi vì nó rất logic là họ đến thăm như thế mà Trại lại có kiểu xử rắn
với tôi. Rõ ràng theo logic của người dân bình thường, người ta nghĩ rằng mấy
ông công an này bạn bè cái gì, các ông đến thì giả vờ như thế thôi, chứ rồi các
ông lại nhăm nhe với Trại là phải đừng có nhân nhượng với thằng cha này, ví dụ
như thế. Nhưng mà tôi tin, tôi hiểu các bạn tôi và chúng tôi chơi với nhau sau
khi ra trường hàng chục năm nay. Tôi tin các bạn tôi rất quý tôi."
"Ngoài ra cũng có bốn, năm cuộc thăm rất đặc biệt, cái này lúc nào
có dịp tôi sẽ nói kỹ, nhưng mà tôi tóm tắt là những cuộc thăm không bình thường,
không nằm trong nguyên tắc gì cả. Và có những cuộc chẳng có màu sắc gì cả, mà nếu
nói xã hội đen thì nó hơi quá, nhưng có những người vào đây, cán bộ nói tôi là
ra làm việc nhưng mà ra thì có mấy ông trẻ, mặc thường phục.
"Rồi tôi hỏi, thì bảo là ở Bộ Công an, tôi hỏi Bộ Công an thì không
giới thiệu tên, không giới thiệu đơn vị, không giới thiệu cấp chức gì cả, tôi hỏi
cấp chức thì nói ỡm ờ, thế rồi tôi hỏi việc của các vị đến đây làm việc cái gì,
thì nói là đến chơi, thăm tôi. Tôi lạ, tôi bảo không phải bạn bè gì cả, thăm
gì, các vị muốn gì? Đại khái là rất là buồn cười và sau này tôi cũng phản ứng mạnh
với Trại, tôi nói là yêu cầu cho tôi biết mấy vị đấy là ai và đến mục đích gì?
Ví dụ thì nó có một cuộc như thế, còn có một số cuộc khác thì có thể sau đó họ
rút kinh nghiệm, thì có hai cuộc, thì họ cũng đàng hoàng, có cấp chức này khác,
nhưng cuối cùng cũng không hết chuyện không đàng hoàng..."
Bạn của bộ trưởng
Ông Nguyễn Hữu Vinh từng học ở trường Trường Sỹ quan
An ninh và tốt nghiệp cùng khóa với đương kim Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nay
ông nói về quan hệ của ông Tô Lâm với ông trước và sau khi vào tù:
"Tôi rất khó để mà biết được đầy đủ và chính xác, tôi chỉ có một vài
chi tiết nho nhỏ thông tin thì tôi cũng xin thưa với quý đài. Thứ nhất là tôi vẫn
coi chuyện bạn bè vẫn là bạn bè. Cách khi tôi bị bắt khoảng mươi ngày, một tuần
gì đấy, thì tôi với bạn Tô Lâm đã cùng nhau ngồi trong một bữa tiệc, một bữa
liên hoan nho nhỏ của bọn chúng tôi để mừng một ông bạn lên Thiếu tướng. Thì bạn
Tô Lâm cũng ngồi cạnh tôi và chúng tôi cũng nói chuyện vui vẻ.
"Thì cách ngày tôi bị bắt, ngày 5/5/2014, khoảng mươi ngày gì đó.
Còn trước đấy nữa thì chúng tôi vẫn thường hay gặp nhau và có đàm đạo, và có
nhiều chuyện nữa tôi không muốn nói ở đây. Nhưng sau đấy, khi tôi vào tù, thời
gian tôi ở Trại B14, thì tôi cũng không có gì, vì thời gian đó hoàn toàn ngăn
cách, giới hạn trong chuyện quyền của tôi được làm việc nọ, việc kia.
"Nhưng từ khi về Trại 5 thi hành án, thì tôi rất để ý việc thực hiện
nghiêm túc hay không của Trại với pháp luật, thì tôi phát hiện nhiều cái rất dở
của khâu thi hành án, kể cả văn bản pháp luật. Ví dụ một Thông tư từ đời ông Lê
Hồng Anh, tiền nhiệm của ông Tô Lâm, có những câu rất là nguy hiểm trong một số
nội dung, và trong những khâu thi hành án của Trại có nhiều vấn đề, thì tôi viết
thư riêng cá nhân, bạn bè thôi. Tôi viết cho ông Lâm và tổng cộng trong mấy
tháng, tôi viết ba thư và tôi chỉ hoàn toàn góp ý chuyện ấy.
"Và tôi thể hiện ngay trong ấy là tôi hoàn toàn không cần và không
muốn có một sự gọi là chiếu cố, đãi ngộ gì với tôi, mà chỉ là công việc, chỉ là
giúp cho ông ấy, góp cho ông ấy công việc. Ví dụ trong Thông tư 40 về Nội quy
trại giam, câu đầu tiên của Nội quy trại giam, đọc vào là thấy chối kinh khủng.
"Tôi thấy đã nguy hiểm quá, nói yêu cầu là "Phạm nhân phải tuyệt
đối chấp hành mệnh lệnh của cán bộ trại giam". Thì tôi thắc mắc, tôi bảo
thế mệnh lệnh trại giam trên cả các luật và thậm chí cả Hiến pháp à? Tuyệt đối
mà! Và thứ hai là cán bộ gì? Cán bộ y tế, cán bộ căng-tin, cũng phải chấp hành
hết à? Rồi cán bộ bảo "phải đánh thằng này, đánh thằng kia" thì cũng
phải tuân thủ à?"
Ông Nguyễn Hữu Vinh nói tiếp:
"... Khi tôi về Trại 5 này thì một trong bốn tốp bạn tôi lên, thì có
một người bạn cũng khá thân với tôi thì có nói, tôi xin phép được thuật nguyên
văn, bảo là: "Hôm bà già mày mất, bọn tao đi viếng, thì bạn Lâm có gọi tao
đến Văn phòng, vì đi công tác, có nhờ tao chuyển phong bì phúng viếng Cụ, thắp
hương hộ. Thì tao cũng đã làm việc ấy rồi."
"Tôi nói là thế thì gửi lời cảm ơn ông ấy. Đấy là trong thời gian chỉ
sau khi tôi bị bắt mấy tháng thôi thì bà cụ mất. Thế còn khi tôi về Trại 5 mà
thi hành án, sau khi tôi có những thư như thế, tôi nghĩ là trừ khả năng ở dưới
họ giấu, họ không đưa cho ông ấy thì tôi không nói làm gì, nhưng nếu ông biết
chuyện ấy thì ông nên có tối thiểu những sự hồi âm. Nó đúng với tính chất cải
cách hành chính của Chính phủ.
"Bởi vì lâu nay nhân dân có đề đạt gì, các cơ quan nhà nước đều có hồi
âm tối thiểu. Nhưng đây không có một hồi âm nào cả và khi mà tôi bắt đầu gửi
cái thư đầu tiên thì rất là vất vả. Cán bộ Trại xét lên, xét xuống, tôi biết chắc
gửi lên Tổng Cục để duyệt này nọ, rồi làm khó tôi, hỏi tôi có biết địa chỉ nhà
hay biết địa chỉ cơ quan, tức là họ cứ làm như là họ không biết. Thế và quan trọng
là sau khi gửi đi thì không thấy hồi âm.
"Nhưng tôi cũng phải nói công bằng là cũng không phải chỉ có thư cho
ông Tô Lâm, sau đó tôi gửi một thư cho ông Trần Đại Quang. Cũng là theo cách
thư riêng thân tình thôi. Bởi vì ông Trần Đại Quang cũng có một thời gian làm
cùng một Cục với tôi và lúc đó ông Tô Lâm cũng thế, ba người cùng đơn vị. Thì
tôi cũng góp ý với ông Quang tương tự như góp ý với ông Lâm.
"Tôi cũng phải nói thêm là trong những thư của tôi, tôi nhấn mạnh
hai điều. Điều một là thực hi văn bản thi hành án rất có vấn đề và thứ hai nữa
là vấn đề gọi là tù chính trị, thì họ phải lưu ý là dư luận ở ngoài quốc tế họ
vẫn cứ hay tạm gọi là chĩa mũi dùi vào Việt Nam về vấn đề tù chính trị, thế nên
phải có cách cư xử làm sao để đừng có tai tiếng hoặc là người ta thấy những cái
nổi cộm những cái không bình thường trong cư xử đối với một số phạm nhân, những
dạng phạm nhân mà tạm gọi là tù chính trị đấy."
Dự định tương lai
Về dự định tương lai của mình, ông Nguyễn Hữu Vinh
nói:
"Về chuyện mưu sinh của mình, tôi cũng tạm chưa nghĩ tới lắm, bởi vì
riêng chuyện công ty tôi cũng phải choán thời gian một chút để nói về chuyện
mưu sinh, bởi vì nó cũng lại rất liên quan đến chuyện tôi bị bắt. Công ty của
tôi quá khác thường và 6 năm liền Bộ Công an tìm mọi cách để thu hồi giấy phép
nhưng mà không được; cuối cùng sau 6 năm là phải chịu chấm dứt sức ép ấy. Thế
nhưng họ cũng không ngừng.
"Một người bạn trong cùng một khóa (trường an ninh) nói riêng với
tôi là: "Chúng tôi rất ủng hộ bạn ra kinh doanh như thế, nhưng tôi nói thật
với bạn là công ty của bạn còn để cái tên như thế là còn mệt đấy."
"Khi tôi bị bắt, thì trong suốt thời gian ấy công ty của tôi là ngừng
luôn, đông cứng luôn và không hoạt động, nhưng chúng tôi vẫn nộp thuế không
đáng kể, theo đúng luật.
"Cách đó nửa năm, gia đình tôi nói là Sở Kế hoạch và Đầu tư có gửi
giấy dọa là sẽ thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tôi,
thì tôi viết đơn mời luật sư vào để cùng tôi xử lý việc này. Thế mà suốt gần một
năm, Trại không cho gửi cái đơn đó, chẳng có lý do gì hết.
"Bây giờ, nếu tôi muốn trở lại việc kinh doanh, bắt đầu rảnh, tôi sẽ
khởi động lại, hoặc là lấy lại giấy phép, hoặc là làm thủ tục cho nó khỏi bị lấy
giấy phép chẳng hạn. Rồi tôi sẽ giao cho ai đấy làm kinh doanh, cho tôi vẫn rảnh
thời gian.
"Tôi sẽ đảm trách việc kinh doanh ít thôi, tôi không tốn thời gian
nhiều, tôi không muốn làm và cũng không có khả năng để làm giàu, đủ tiền để sống
và làm việc theo chí hướng của mình.
"Còn cái dự định thì nhiều lắm, trong tù nghĩ nhiều dự định, nhất là
tất cả những gì tôi biết được trong 5 năm vừa qua và mình đã cố gắng những đấu
tranh của mình, thì nó nhiều kinh khủng, đấy là cả một khối lượng công việc rất
lớn rồi. Thế còn những việc khác, những việc thời sự, thì tôi vẫn rất muốn, bởi
vì mục tiêu của tôi trước đây tôi càng ngày tôi thấy càng quá đúng và quá hợp với
tôi.
"Bây giờ tôi cũng vẫn rất muốn, chỉ có cái là mình phải tìm hiểu,
mình phải biết ở ngoài hiện nay, rồi tình thế xã hội trong nước, ngoài nước rồi
vân vân. Các quy định pháp luật mới mình phải cố gắng tìm hiểu, cập nhật thật
nhiều.
"Và gặp mọi người, để mọi người, nhiều người hiểu biết, có kiến thức
và sáng kiến thì sẽ cùng với mình góp ý và sẽ tìm một cách làm nó hay hơn, tốt
hơn, hiệu quả hơn chẳng hạn. Thì tôi vẫn đang dự tính nhiều hướng, có thể hơi
khác nhau tí thôi, nhưng xu hướng chung vẫn là như thế, không thay đổi," blogger Anh Ba Sàm nói.
No comments:
Post a Comment