Tuesday, May 7, 2019

BA SÀM NGUYỄN HỮU VINH KỂ CHUYỆN TÙ : 'TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ BỊ O ÉP & KIỂM SOÁT VỀ TINH THẦN' (Cát Linh - Người Việt)




Cát Linh/Người Việt (thực hiện)
May 7, 2019

LTS: Lúc 10 giờ 30 tối 7 Tháng Năm (giờ Việt Nam), Nhật Báo Người Việt thực hiện cuộc phỏng vấn trực tuyến với Nhà Báo, Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Basam, trang mạng chuyên về điểm tin tình hình trong nước, thế giới, các bài viết về dân chủ, nhân quyền. Trong đó, nổi bật với các bài về Trung Quốc và Biển Đông.

Ông Nguyễn Hữu Vinh lập trang blog Basam vào năm 2007. Trang blog này không lâu sau trở nên nổi tiếng nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam. Hôm 5 Tháng Năm, ông Nguyễn Hữu Vinh mãn án 5 năm tù vì cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và trở về nhà riêng ở Hà Nội. Việc bắt ông Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 5 tháng Năm, 2014 đã gây ra một làn sóng rộng khắp các trang mạng trong và ngoài nước. Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của phóng viên quốc tế.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Người Việt tối 7 Tháng Năm, ông Nguyễn Hữu Vinh kể lại nhiều câu chuyện trong thời gian bị cầm tù, đặc biệt là sự phân biệt đối xử giữa tù nhân chính trị và tù hình sự. 

***
Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ngày mãn án tù. (Hình: Nguyễn Lân Thắng)

Tù chính trị bị giám sát nghiêm ngặt

Việc giam giữ có sự phân loại. Một số trại đại đa số là tù hình sự, là những người phạm các tội như kinh tế, gây tai nạn chết người hoặc chiếm đoạt tài sản… Một số ít thôi tạm gọi là tù chính trị như chúng tôi, bị tách ra một khu riêng. Tôi ở trại 5 (Thanh Hóa). Ở phân trại đó khoảng 700 người là tù hình sự.

So sánh một cách khách quan sự khác biệt giữa hai khu đó. Khu chính trị thì điều kiện sống, tạm gọi là điều kiện vật chất thì thuận lợi hơn khu hình sự rất nhiều. Một phòng giam lớn của khu hình sự có vài chục phạm nhân. Trong đó rất thiếu quạt mát vào mùa hè. Rất khổ.
Còn chúng tôi ở bên này, 1 phòng nhỏ thôi, 2 đến 3 phạm nhân thì có 1 cái quạt. So với bên hình sự thì nó thuận lợi hơn.

Thế nhưng, thứ nhất, điều kiện vật chất thì đáng lẽ là phải tốt hơn nữa trong phạm vi có thể nhưng người ta luôn siết chặt một cách vô nguyên tắc. Nếu như có đấu tranh mức độ nào đó thì người ta mới nới lỏng ra.

Ông Nguyễn Hữu Vinh đưa tin tức ngay sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 24/07/2011, gần Hồ Gươm, Hà Nội. (Hình: Nguyễn Lân Thắng)

Thứ hai nữa là tinh thần. Có những cái o ép, kiểm soát mà lẽ ra phạm nhân hình sự phải chịu nhưng lại không bị. Tôi lấy ví dụ như ở trong một phòng giam của chúng tôi, chỉ có 2 hoặc 3 người thôi nhưng có đến 2 cái camera giám sát 24/24. Khi mất điện, tắt đèn tối đen nó vẫn giám sát được. Ngoài sân nhỏ cũng có 1 camera. Nghĩa là 3 người (trong phòng giam tù chính trị) có 3 camera.

Nhưng ở ngoài khu hình sự, một phòng giam rất lớn thì không có camera nào cả. Phạm nhân hình sự rất dễ có những chuyện đụng độ với nhau, và nhiều chuyện khác nữa đáng lẽ rất cần phải có camera giám sát nhưng họ lại coi như không cần.

Mấy phạm nhân chính trị thường là rất nghiêm túc trong chuyện thực hiện nội qui. Chúng tôi trong suốt mấy năm ở đây không vi phạm nội qui nhưng vẫn bị giám sát. Khi chúng tôi ra ngoài vui chơi hoặc lao động một chút thì lúc nào cũng có vài cán bộ ngồi đấy. Tôi cũng có nhiều lần gợi ý là họ không cần cẩn thận quá như thế, chỉ cần khóa cái cửa là được rồi. Tù hình sự, 50 người, 70 người mà người ta vẫn khóa cửa để cho vui chơi trong khuôn viên ấy, không cần cán bộ trông coi như chúng tôi, 10 người, 15 người cũng có cán bộ trông coi.

Hoặc là mấy ngày tôi sắp về đây thì tôi thấy ngay hiện tượng họ (trại giam) tăng cường giám sát. Mấy người qua phòng tôi chia tay, tâm sự mấy câu, họ nhìn camera họ thấy thế là có sự chỉ đạo bên ngoài vào, dùng điện đàm ra lệnh ngay ở trong là “thôi, dẹp, cho mỗi người về một phòng.” Tôi biết ngay là họ không muốn chúng tôi trao đổi với nhau nhiều.
Đấy là một cái ví dụ. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa. Ví dụ như thư từ, gặp người nhà, viết cái gì mà hơi đụng chạm tới những cái họ cho là chính trị là bị chặn ngay. Như mấy tháng đầu tôi viết thư về nhà là bị chặn lại, không cho gửi rất nhiều thư mà không giải thích lý do gì cả. Mà tôi cho rằng giáo dục phạm nhân là rất nên để cho phạm nhân quan tâm đến thời cuộc. Đó là dạy cho người ta, để người ta thay đổi con người, hướng thiện. Đây lại ngược lại, khi tỏ ra hướng thiện thì bị ngăn chặn. Cái đó là chuyện không thể giải thích nổi.

Sự khác biệt về tinh thần giữa tù nhân hình sự và chính trị

Ví dụ, có một việc trong văn bản pháp luật qui định là giữa gia đình phạm nhân với trại phải có những sự trao đổi, phối hợp để giúp phạm nhân cải tạo. Muốn làm điều đó thì trại có làm đôi việc, trong đó có một việc mà mỗi năm chỉ làm một lần, đó là có gia đình một số phạm nhân được mời đến trại để họp hội nghị gia đình như được ăn uống cùng với gia đình. Đấy như một phần thưởng với những phạm nhân cải tạo tốt.

Nhưng chuyện đấy chỉ xảy ra với các phạm nhân tù hình sự. Còn đối với chúng tôi thì không biết gì về những việc ấy cả.

Đến một ngày, tôi để ý loa thông báo ngoài khu vực tù hình sự thì tôi ngờ ngợ có việc đó. Tôi tìm cách hỏi phạm nhân hình sự thì tôi mới biết có chuyện đó. Tôi mới đề nghị là chúng tôi cũng phải được tiêu chuẩn đó thì tại sao chúng tôi không được thông báo chuyện ấy. Dù chúng tôi không được cũng phải cho chúng tôi biết là tại sao không được. Chúng tôi hoàn toàn bị bưng bít chuyện đó.

Đề nghị này của tôi qua mấy năm, họ cứ ậm ờ, không giải đáp, không trả lời gì cả. Có năm thì họ nói là ờ vì năm nay trại bận bịu nhiều việc nên không tổ chức hội nghị gia đình hoặc là tổ chức rất là hẹp thôi. Họ không giải đáp một cách minh bạch cho chúng tôi.

Đấy là một ví dụ cho thấy phạm nhân tù chính trị và tù hình sự có sự khác biệt rất chênh lệch về tinh thần rất quan trọng. Có thể là hơn về vật chất nhưng về tinh thần thì có những cái rất thua thiệt.

Kể cả thăm nuôi, có qui định là mấy tháng thì phạm nhân được xếp loại khá, tốt sẽ được thưởng là có thêm nhiều giờ thăm nuôi từ gia đình, hoặc có người được phòng riêng để ở với gia đình 24 tiếng. Cũng như với hội nghị gia đình, chúng tôi hoàn toàn không được thông báo chuyện này cũng không ai được hưởng chế độ này. Liên tục mấy năm tôi đấu tranh cho việc này nhưng họ cũng không giải đáp và không giải quyết.

Nhưng tôi cũng được biết là họ ngấm ngầm cho vài người được hưởng cái đó.

Cái này lại là một cái tệ khác, một cái sai khác. Tôi biết tại sao họ ngấm ngầm làm như thế, tại sao họ làm sai nguyên tắc, phân biệt đối xử như thế. Những cư xử này nó chẳng phải là nghiệp vụ gì cả, nó trở thành một cái gọi là cách cư xử nhỏ mọn, không thể gọi là nghiệp vụ được. Nó sẽ là phản tác dụng, phản giáo dục và vô giáo dục.

Tôi nói thẳng trước mặt cán bộ trại, phó giám thị, tôi nói các vị là những người gọi là giáo dục phạm nhân nhưng lại làm những việc phản giáo dục. (Cát Linh)


Copyright © 2018, Người Việt Daily News








No comments: