Saturday, May 4, 2019

AI KẾ VỊ NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
May 3, 2019

Nếu có lúc tỉnh táo, ông Nguyễn Phú Trọng nên chính thức đề cử một, hoặc hai người kế vị trong hai chức vụ của ông. Thứ nhất, để chứng tỏ ông kính trọng gần 100 triệu người dân Việt Nam. Thứ nhì, ông có thể nhờ thế mà sống lâu hơn.

Xin bàn về vấn đề thứ hai trước, vì nói ra thấy hơi khó hiểu.

Nên cử người sẽ lên thay nếu chẳng may mình có mệnh hệ nào, vì thời xưa các ông vua theo lối đó thường sống lâu hơn! Nhận xét này dựa trên số thống kê các hoàng đế bên Tàu, vì chưa ai nghiên cứu chuyện này trong lịch sử Việt Nam.

Từ đời Tần Thủy Hoàng đến đời vua Phổ Nghi nhà Thanh (221 Trước Công Nguyên đến 1911) nước Tàu có 282 ông hoàng đế. Trong số đó có 152 người, hơn một nửa được chết tự nhiên, nghĩa là không bị giết hoặc bị truất phế. Những ông vua Tàu cai trị lâu nhất là những người đã tấn phong một thái tử kế vị mình. Có 130 ông, mà hơn một nửa đã phong thái tử trong vòng năm năm sau khi lên ngôi.

Một nhà nghiên cứu sử đã tính xác suất trị vì lâu của các ông vua Tàu này là 64%. Chỉ định một người kế vị trung thành và có khả năng thì sống lâu hơn, Yuhua Wang dùng phương pháp thống kê đi tới kết luận này.

Tại sao những ông vua chọn thái tử sớm lại có hy vọng không bị giết hoặc truất phế nhiều hơn những người không làm vậy?

Một lý do, Wang giải thích, là phần lớn những vụ giết vua hay lật đổ ông vua là do âm mưu của chính đám cận thần và quan lớn trong triều. Có 76 ông vua lâm vào cảnh này, trong đó có 34 người bị đám quan trong triều giết còn 41 người bi truất phế. Chỉ có 32 trường hợp vua chết hoặc mất chức vì dân nổi loạn; và bốn người chết vì ngoại xâm.

Chế độ Cộng Sản không khác gì các vua chúa phong kiến bên Tàu thời xưa. Mao Trạch Đông bị Lâm Bưu mưu sát, may mắn thoát nạn.

Stalin chết tự nhiên hay do đám cận thần gây ra, đến nay vẫn là một bí ẩn.

Stalin đã bị tai biến mạch máu não (stroke) mấy lần nhưng đều qua khỏi. Ông ta luôn nghi ngờ các bác sĩ âm mưu giết mình, vì họ gốc Do Thái. Ngày 28 Tháng Hai, 1953, Stalin ăn nhậu với đám cận thần, hai người đưa ông về tận nhà nghỉ là Nikita Khrushchev và Lavrentiy Beria.

Sáng hôm sau, Stalin không thức dậy như mọi ngày, nhưng đám mật vụ bảo vệ ông ta không ai dám vào đánh thức. Bước vô phòng ông Chúa Đỏ có thể bị mất mạng hoặc đày đi Siberia như chơi.

Sau 6 giờ chiều, họ mới báo cáo Bộ An Ninh, nhưng viên bộ trưởng không dám quyết định. Sau cùng, gọi cho Beria, trùm mật vụ NKVD vẫn được Stalin sủng ái. Beria gọi cho đám lãnh tụ khác, nhưng không ai dám quyết định phải làm gì.

Xưa nay mấy người đó đã tập thói quen nghe lệnh chứ không tự quyết định. Nếu Stalin vẫn khỏe mạnh, ông ta sẽ hỏi “Đứa nào ra lệnh mở cửa phòng tao?”

Không ai muốn phải đưa đầu ra nhận tội “khi quân.”

Họ cũng không dám gọi bác sĩ vì không biết bác sĩ nào đang bị Stalin nghi ngờ! Cứ như thế, gần buổi trưa ngày hôm sau họ mới đưa thầy thuốc tới, mở đại phòng vào coi. Stalin đang nằm dưới sàn nhà, sùi bọt mép, hấp hối. Khrushchev và Beria đều có mặt. Họ bảo các bác sĩ chạy tới nhà tù, tham khảo ý kiến của mấy bác sĩ giỏi nhất đã bị Stalin tống giam.

Nếu Stalin chỉ bị stroke nhẹ như mọi khi thì nếu được săn sóc ngay chắc sẽ qua khỏi. Người ta nghi ngờ Khrushchev hoặc Beria, hoặc cả hai, cố tình trì hoãn việc cứu chữa vì họ đều muốn Stalin chết. Chính những ông này cũng không biết ngày nào ông Chúa Đỏ tính chuyện loại bỏ hoặc giết mình!

Các hoàng đế Trung Hoa cũng thường lo đám cận thần ám hại, như các ông tổng bí thư hay chủ tịch đảng Cộng Sản ngày nay.

Đám quan lại và thái giám đều biết rõ hệ thống quản trị việc nước hơn người thường bên ngoài, hơn tất cả những lãnh tụ dân nổi loạn. Đám này lại có thể vận dụng nhiều tiền bạc, tay sai và biết rõ thời cơ hơn mọi người. Ngay cả khi dân chúng nổi loạn hoặc quân ngoại quốc xâm lăng, đám lãnh tụ trong cung đình cũng có thể nhân cơ hội mà lật đổ hoàng đế, chính mình chiếm lấy quyền hay tôn phò chủ mới.

Cho nên các hoàng đế Trung Hoa sớm chỉ định người kế vị có thể sống lâu hơn, vì đám cận thần có thể không còn nghĩ đến chuyện chính mình sẽ đoạt ngôi nữa. Đặng Tiểu Bình chắc đã rút bài học trong sử Tàu, cho nên đã chỉ định trước đến hai đời kế vị, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Cho nên ông Nguyễn Phú Trọng, khi nào ông tỉnh táo lại, nên chính thức cử người sẽ lên thay mình làm tổng bí thư và chủ tịch nước.

Trong đám “cận thần” của ông Trọng bây giờ, không thiếu gì người nuôi mộng nắm một trong hai chức đó. Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, cho tới Ngô Xuân Lịch, Tô Lâm, ai mà chẳng hy vọng? Đó là chỉ kể mấy tên nổi bật thôi, còn những Malenkov hay Hoa Quốc Phong nào khác sẽ từ sau rèm bước ra sân khấu?

Nhưng lý do quan trọng hơn khiến ông Trọng nên lo ủy nhiệm người sẽ lên thay mình, là ông phải tỏ ra kính trọng người dân Việt Nam một chút. Một chút thôi. Giả bộ thôi cũng được. Nhưng không nên ngang nhiên để lộ thói khinh thường hàng trăm triệu người dân như thế này.

Vì đảng Cộng Sản hiện nắm toàn quyền điều khiển nước Việt Nam. Mà ông Nguyễn Phú Trọng đang nắm quyền hành lớn nhất trong đảng. Người dân Việt có quyền biết ông chúa trùm của đảng còn khả năng sử dụng quyền hành của ông hay không! Nếu ông lâm vào tình trạng hôn mê thì ai là người thay thế ông, dù chỉ cần thay trong một ngày hay một giờ?

Làm tổng bí thư, làm chủ tịch nước, không phải chỉ làm những việc như là gửi điện văn chúc mừng hay viết thư chia buồn. Nếu chỉ có thế thì đứa nào chẳng làm được?

Tại các quốc gia tự do dân chủ, người dân biết nếu người cầm đầu nước phải đánh thuốc mê để vào phòng mổ thì ai là người tạm nắm quyền trong thời gian đó dù chỉ một hai giờ. Người ta kính trọng dân. Trong chế độ độc tài họ bất cần. Tệ nhất là chế độ Cộng Sản, cả guồng máy cầm quyền trùm trong bóng tối mênh mông.

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tỉnh dậy rồi mà vẫn không tìm ra ai có thể thay thế mình, thì thôi, hết chỗ nói! (Ngô Nhân Dụng)






No comments: