Friday, October 19, 2018

VỤ TỐNG XUẤT MẸ NẤM CÓ LIÊN QUAN EVFTA? (Phạm Chí Dũng)




19/10/2018

Đã có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa vụ chính quyền độc đảng ở Việt Nam tống xuất tù nhân lương tâm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sang Mỹ và việc Ủy ban châu Âu thông qua hai thỏa thuận về thương mại và đầu tư EU - Việt Nam tại Bỉ: cả hai sự kiện này đều xảy ra vào buổi trưa ngày 17 tháng Mười năm 2018.

Trùng hợp ngẫu nhiên hay lại đổi chác?

Đúng giữa trưa.

Trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

Có thể xem là ngẫu nhiên, nếu đã chưa từng tồn tại, chính sách bất thành văn ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ của chính quyền Việt Nam. Thậm chí, chính sách này đã tồn tại một cách dày đặc và có hệ thống từ những năm 2000 sau khi bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Hoa Kỳ và bắt đầu ký Hiệp định song phương thương mại Việt - Mỹ, cho đến năm 2006 khi Việt Nam được Mỹ chấp thuận cho tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), sau đó là giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016 khi Việt Nam kỳ vọng được Mỹ cho tham gia vào hiệp định TPP…

Trong suốt thời gian trên, ‘bản lĩnh và trí tuệ của đảng’ đã tiến hóa đến mức luôn chọn cách thả tù nhân lương tâm - những người bất đồng chính kiến - để đổi lấy những lợi ích thương mại mà cộng đồng quốc tế dành cho chế độ này. Đặc biệt vào năm 2014, đã có đến 12 tù nhân chính trị được trả tự do để mưu tính đổi chác TPP.

Còn bây giờ, khi TPP đã trở nên nỗi thất vọng không sao hiểu nổi, chỉ còn lại EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), mà khoảng thời gian tháng Mười và Mười Một năm 2018 sẽ quyết định số phận được ký hay không đối với nó, và nếu được ký thì khoảng thời gian trước tháng Năm năm 2019 sẽ quyết định số phận EVFTA có được Nghị viện châu Âu phê chuẩn hay không.

Không khí điều trần ngày 10/10 ra sao?

Từ giữa năm 2018, trùng với hoạt động của một nhóm chuyên gia của Liên minh châu Âu (EU) đến Việt Nam để kiểm tra lại tiến trình Việt Nam thực hiện những yêu cầu của EU về ‘thẻ vàng hải sản’ của EU, Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc họp quan trọng về điều trần EVFTA - nhân quyền tại Brussels, Bỉ sẽ diễn ra vào tháng Mười năm 2018. Cũng từ thời điểm đó, chính quyền Việt Nam đã khởi động một chiến dịch vận động vừa công khai vừa ngầm kín để EVFTA được Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu ký chính thức và đệ trình hiệp định này lên Nghị viện châu Âu để phê chuẩn cuối cùng.
Đó cũng là lúc bắt đầu có tin Như Quỳnh có thể được tự do.

Ngay sau khi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được tự do, một bản tường trình của Mạng lưới blogger Việt Nam - tổ chức xã hội dân sự độc lập mà Như Quỳnh đã tham gia ngay từ ngày đầu - cho biết chính quyền Việt Nam đã thông báo với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ tháng Bảy năm 2018 về việc sẽ trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhưng chưa biết vào thời điểm nào.

Cũng theo bản tường trình trên, từ tháng Bảy đến tháng Mười năm 2018, có ít nhất vài lần phía chính quyền Việt Nam thông báo cho Mỹ là ‘sẽ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh’ vào một ngày xác định, nhưng ngay sau đó đã thất hứa.

Lời hứa có giá trị duy nhất của phía Việt Nam là lần hứa cuối cùng được đưa ra vào ngày 11/10/2018: sẽ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 17/10/2018.

Vì sao lại có thái độ ‘thiện tâm’ đến thế từ phía nhà cầm quyền Việt Nam?

Nếu biết rõ rằng từ trước tới nay chưa từng có một trường hợp tù chính trị - bất đồng chính kiến nào được chính quyền Việt Nam giang tay phóng thích mà không có lý do đủ sâu xa; và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - một người hoạt động nhân quyền quá nhiệt thành và bằng nhiều bài viết phản biện lẫn tố cáo của mình đã giúp cho người dân miền Trung để phản đối thảm họa xả thải của nhà máy Formosa, người mà vào đầu năm 2017 đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu ‘Người phụ nữ can đảm thế giới’, cũng là người mà đã bị chính quyền Việt Nam thâm thù sâu sắc đến độ giáng cho cô cái án tù giam đến 10 năm trời, thì càng không thể xảy ra chuyện tự nhiên nà cầm quyền trả tự do cho cô.

Không biết vô tình hay hữu ý, ngay trước ngày 11/10 trên là ngày 10/10 - thời điểm mà Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu tổ chức phiên điều trần EVFTA - nhân quyền, với sự tham gia của Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam là Thứ trưởng Bộ công thương Trần Quốc Khánh. Trong buổi điều trần này, đoàn đàm phán Việt Nam đã hoàn toàn thất bại khi không thể chứng minh được là Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ như thế nào, càng cho thấy Việt Nam đã chẳng thèm quan tâm đến các yêu cầu về cải thiện nhân quyền do EU đòi hỏi như Việt Nam phải ký 3 công ước quốc tế về lao động liên quan đến các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), vấn đề nhân quyền và vấn đề môi trường.

Trong cuộc họp trên, điều mà những người tham gia đặt câu hỏi muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết. Ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA.

Một người tham dự cuộc họp là bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.

Thậm chí bà Maria Arena thuộc đảng Xã Hội của Vương quốc Bỉ, là thành viên của Nghị Viện Liên Âu còn nói thẳng: “Năm nay là năm 2018, từ năm 2012-2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền Nghiệp đoàn và nhân Quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Liên Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực chứ không chỉ là lời hứa. Chúng tôi có thể cho thêm thời gian, nhưng thời gian đó phải được Việt Nam sử dụng để có những hành động cho thấy được sự nỗ lực của họ”.

Vụ tống xuất Mẹ Nấm có liên quan EVFTA?

Sau ngày 10/10, một sự kiện ‘ngoài lề’ khác đã diễn ra chuyến công du của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến hai nước thuộc EU là Áo và Bỉ.

EVFTA là lợi ích kinh tế quá thiết thân đối với sự tồn tại của ngân sách và cũng là của chế độ độc đảng ở Việt Nam. Trên danh nghĩa là dự Hội nghi cấp cao ASEM lần thứ 12 và Hội nghị P4G, nhưng rất có thể Nguyễn Xuân Phúc nhắm đến mục tiêu lớn nhất trong chuyến đi châu Âu lần này là thuyết phục bằng được - nếu không phải là Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu thì cũng là một số nước trong EU - để ‘sớm ký kết và triển khai EVFTA’.

Hai sự trùng khớp về thời điểm ‘sẽ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh’ và ‘Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lên máy bay’ với sự khởi đầu và sự kết thúc của cuộc họp Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu vào ngày 17/10 có thể hé lộ một bí mật: sau khi không đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào của EU về cải thiện nhân quyền và nhận thấy rõ là chính vì nguồn cơn đó mà sẽ khiến EVFTA không thể được ký kết lẫn thông qua, chính quyền Việt Nam đã giở ra con bài dự trữ tiềm năng là ‘thả Mẹ Nấm’ - mặc dù trường hợp của Quỳnh được xem là một ‘ca’ của người Mỹ, do chính phủ Mỹ đòi hỏi chứ không phải do yêu cầu của EU.

Câu trả lời từ Việt Nam cho EU!

Không chỉ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để lấy lòng Mỹ và EU, đặc biệt nhằm thuyết phục Ủy ban châu Âu làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu về hai thỏa thuận trong EVFTA, rất có thể chính quyền Việt Nam đã phải giở thêm một con át chủ bài mà trước đó chẳng bao giờ họ muốn đặt lên bàn: hứa hẹn ký 3 công ước quốc tế về quyền lao động mà EU đòi hỏi.

Hẳn đó là cơ sở để “Chúng tôi đang bàn về chuyện này một công khai với những người tương nhiệm của phía Việt Nam và thỏa thuận thương mại sẽ không làm cho Việt Nam bỗng chốc trở thành một nền dân chủ. Nó là một công cụ trong hộp công cụ mà chúng tôi có trong quan hệ với Việt Nam và các nước khác” - Trưởng đặc trách thương mại EU Cecilia Malmstrom nói trong một cuộc họp báo, được đài VOA đưa tin. Theo đó, “các bên đã nhất trí về một thỏa thuận liên quan để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, bao gồm các cam kết, đối thoại và các chế tài khả dĩ”.

Đã khá rõ rằng vụ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có liên quan đến lợi ích EVFTA của chính quyền Việt Nam. Hành động này còn có thể kéo theo một chuỗi hành động khác trong thời gian tới: chính quyền Việt Nam buộc phải thả tiếp một số tù nhân lương tâm và ký 3 công ước quốc tế về quyền lao động mà EU yêu cầu.

Tuy nhiên, như bà Granwander Hainz đã đi guốc thấu cáy trong bụng chính thể cộng sản ở Việt Nam khi chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của chế độ này chỉ là lời hứa suông, cả Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu hãy nên tỉnh giấc: chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Bằng chứng về thái độ hai mặt đó đã tích tụ quá nhiều kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.

Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.

Chỉ một ngày sau khi Ủy ban châu Âu làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu về EVFTA và được Thủ tướng Phúc hân hoan thông báo ‘tin mừng’ cho toàn bộ giới quan chức, một ‘tòa án nhân dân’ ở Việt Nam đã có câu trả lời cho EU khi xử phúc thẩm nhà hoạt động nhân quyền Lê Đình Lượng và y án với mức án 20 năm tù giam!







No comments: