Thursday, October 11, 2018

TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN TRONG KHÔNG KHÍ SÔI SỤC ĐẤU TRANH (Nguyên Huy - Người Việt)




Nguyên Huy  -  Người Việt
October 11, 2018

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Chủ Nhật, 7 Tháng Mười, nhóm “Thân Hữu Nguyễn Chí Thiện” đã tổ chức một buổi Tưởng Niệm thi sĩ Nguyễn Chí Thiện nhân ngày giỗ thứ sáu của ông.

Nhóm Trẻ trong ban Du Ca Nam California trong lễ Tưởng Niệm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện nhân ngày giỗ lần thứ sáu của ông. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Buổi Tưởng Niệm được chia làm hai phần, phần đầu là nghi thức khai mạc và những phát biểu tưởng nhớ đến nhà thơ Nguyễn Chí Thiện của Nhóm Thân Hữu Nguyễn Chí Thiện và quan khách đến tham dự. Phần II là một chương trình ca nhạc đấu tranh trong đó có một số bài thơ của Nguyễn Chí Thiện được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc.

Trong phần đầu, MC Bích Trâm đã nhắc đến tiểu sử của nhà thơ được nhiều người gọi là “Ngục Sĩ,” vì gần suốt cuộc đời của ông là sống trong các nhà tù Cộng Sản. Một số khác lại gọi ông là “Nhà Thơ Dân Tộc,” bởi thơ ông là hiện tình khổ đau của dân tộc Việt Nam từ ngày đảng CSVN cướp được chính quyền năm 1945.

Nhân một lần được tha ra khỏi tù vào năm 1979, ông đột nhập được vào tòa Đại Sứ Anh ở Hà Nội để trao tập thơ gồm 400 trăm bài mà ông sáng tác trong những ngày ngục tù tăm tối, xin nhờ tòa đại sứ giúp chuyển ra ngoài nước để tố cáo trước thế giới rằng “Cộng Sản là một tai họa của nhân loại” như lời ông viết trong thư gửi tòa Đại Sứ Anh. Sau đó ông bị bắt lại và bị giam giữ cho đến năm 1980 mới thoát ra được hải ngoại được sang định cư tại Hoa Kỳ.

Tại hải ngoại, ông đã được cộng đồng người Việt khắp nơi mời đến để được nghe nhà thơ tố cáo tội ác Cộng Sản do chính bản thân mình đã cùng toàn dân Việt chịu đựng phải trải qua.

Quang cảnh buổi lễ Tưởng Niệm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện nhân ngày giỗ lần thứ sáu của ông. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Phát biểu trong dịp này, nhà văn Trần Phong Vũ, trưởng Nhóm Thân Hữu Nguyễn Chí Thiện, nói: “Về Nguyễn Chí Thiện, chúng ta đã biết nhiều. Ông là người đóng góp công sức cho quê hương đất nước. Thơ ông có đề cập đến ‘Sẽ Có Một Ngày’ mà một chương trình của một đài truyền thông Việt Nam hải ngoại đã theo tinh thần của bài thơ đó phát đi ròng rã nhiều năm trời. Bài thơ ‘Sẽ Có Một Ngày’ của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mô tả nỗi mơ tưởng của hầu hết người dân Việt. Nỗi mơ tưởng đó là xóa đi được những khổ đau nhục nhằn mà chế độ của ông Hồ đã mang đến áp đặt lên toàn dân. Bài thơ đó ông làm từ trong tù vào năm 1972 với tất cả tính nhân bản và tình yêu thương.”

Tiếp lời nhà văn Trần Phong Vũ, Giáo Sư Đỗ Anh Tài đã phát biểu: “Nguyễn Chí Thiện là một anh hùng, một chiến sĩ của Nhân Quyền, một ân nhân của Việt Nam khi nói lên qua thơ được nỗi khát khao ước vọng của người dân Việt rằng ‘Sẽ có một ngày con người hôm nay vất súng, vất cùm, vất cờ, vất đảng…’”

Giáo Sư Đỗ Anh Tài chọn đọc bài thơ “Trái Tim Hồng,” bài thơ ông thích nhất, nói lên tất cả tính nhân bản, lòng yêu thương của nhà thơ trước hoàn cảnh không thể nào nói hết được mà chỉ bằng “những hạt máu thơ” do chính nhà thơ đã thốt ra.

Một trong những người lên phát biểu trong ngày giỗ lần thứ sáu của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là Giáo Sĩ Huỳnh Quốc Bình, đến từ Oregan. Ngay những phút đầu, giáo sĩ đã thổi bùng thêm ngọn lửa tranh đấu từ “Hoa Địa Ngục,” tác phẩm thơ gồm 400 trăm bài của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

hóm Du Ca Nam California trong lễ Tưởng Niệm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện nhân ngày giỗ lần thứ sáu của ông. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Giáo sĩ cho rằng thi sĩ nguyễn Chí Thiện là một thanh niên dũng cảm trong chế độ CSVN, dám đối đầu với Đảng cộng sản. Khi giáo sĩ được đọc bốn câu thơ, chỉ bốn câu thôi của Nguyễn Chí Thiện, giáo sĩ đã như được mở đường dẫn lối, đưa đến suy nghĩ khôn cùng là làm sao chấm dứt được chế độ cộng sản. Giáo sĩ cho biết đã đem thơ Nguyễn Chí Thiện ra đọc cho các học sinh của giáo sĩ nghe để mong tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại hiểu được cộng sản là như thế nào theo thơ máu của Nguyễn Chí Thiện. Chúng nó tụ tập thành một đảng cướp, cướp của giết người như thế nào từ ngày nó cướp được chính quyền. Nó thô bạo, lật lọng, lừa đảo ra sao và tàn ác tới mức độ nào… thơ Nguyễn Chí Thiện đã lột tả được hết.

Giáo sĩ cho rằng lấy chuyện tu hành, tôn giáo để biện minh cho việc không chống Cộng, tức là không chống cái ác là một điều không thể chấp nhận. Giáo sĩ nói: “Nhiều người cho rằng tôi là một nhà tu thì không nên phát biểu những lời lẽ chống Cộng. Sai. Cộng sản là cái gì, ai cũng đã biết, đó là cái Ác cho đời sống, mà đời sống là của chúng ta, chúng ta phải bảo vệ.”

Càng nói giáo sĩ càng hăng hái hơn. Giáo sĩ cho rằng người tu hành không xa rời đời sống nếu như các tôn giáo đều nói đến hạnh phúc an vui trong đời sống là điều mà các tôn giáo muốn mang lại cho con người. Cộng Sản đã phủ nhận tôn giáo có nghĩa là phủ nhận hạnh phúc của con người, hướng con người thành những nô lệ phục vụ cho một chủ thuyết, không thần, không Phật, không Chúa, không Allah,…

Nhiều tràng vỗ tay đã nổ ra đồng thuận với ý tưởng của giáo sĩ khi giáo sĩ chấm dứt phần phát biểu của mình.

Không khí sôi động chưa kịp lắng xuống thì Nhóm Du Ca Nam California do nữ Bác Sĩ Thiên Hương và ông Nguyễn Bá Thành cùng đoàn Du Ca Nam Cali đã chiếm lĩnh sân khấu cống hiến một chương trình ca nhạc trong đó có những bài ca đã nổi tiếng của Phan Văn Hưng, của Việt Khang, của Trúc Hồ, của Nguyễn Đức Quang khiến cho mọi người tham dự đều vỗ tay hò nhịp theo tiếng hát du ca sôi nổi của một thời chinh chiến điêu linh.

Mười bốn nhạc khúc hùng ca giục nhau lên đường sau buổi Tưởng Niệm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, đã được kết thúc bằng lời ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang được hầu hết người tới tham dự hòa tiếng cùng ban Du Ca Trẻ Nam California. (Nguyên Huy)







No comments: