Sunday, October 7, 2018

"THỊT CHAY" CỦA HAI DOANH NGHIỆP MỸ ĐƯỢC LHQ VINH DANH (Trọng Thành - RFI)




Thứ Bảy, ngày 06 tháng 10 năm 2018

« Thịt chay » được Liên Hiệp Quốc vinh danh là cứu tinh của Trái đất, giải thưởng môi trường cho tổng thống Pháp gây tranh cãi, Trung Quốc dùng dịp Quốc khánh để gia tăng đàn áp tư tưởng, Nobel Hòa bình tôn vinh một nạn nhân tình dục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Liên Hiệp Quốc vinh danh "thịt chay" của Impossible foods và Beyond meats. Ảnh chụp màn hình : site ONU

Trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt đáng chú ý là giải thưởng của Liên Hiệp Quốc (1) dành cho món hàng « thịt chay », hay nói chính xác là món ăn giả thịt làm từ protein thực vật - sản phẩm của hai doanh nghiệp Mỹ « Impossible foods » (tạm dịch : « Những món ăn không thể tin nổi ») và « Beyond meats » (tạm dịch : « Hơn cả thịt »).

« Impossible foods » và « Beyond meats » là hai công ty trẻ có trụ sở tại California, mới khởi nghiệp từ chưa đầy 10 năm nay. Người sáng lập và lãnh đạo « Hơn cả thịt » là Ethan Brown, nguyên là một chuyên gia trong ngành năng lượng, từng trăn trở với câu hỏi làm thế nào giúp nhân loại trước các hiểm họa nhãn tiền do biến đổi khí hậu ?

Giải pháp nằm ngay trên bàn ăn

Xét về toàn thể, chăn nuôi (cùng việc phá rừng để có đất cho chăn nuôi, hiện ngày càng mở rộng, để phục vụ dân số toàn cầu không ngừng gia tăng) chịu trách nhiệm từ 10% đến 18% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tức xấp xỉ hoặc nhiều hơn lượng khí thải do vận chuyển bằng xe cộ, chưa kể những hệ quả lớn khác về môi trường (2).

So sánh chất lượng bánh kẹp của hai công ty Impossible foods và Beyond meats. Ảnh chụp màn hình: Chương trình Môi Trường LHQ

Cũng giống như giáo sư hóa sinh Patrick O. Brown - nhà sáng lập « Những món ăn không thể tin nổi », ông chủ công ty « Hơn cả thịt » rút ra một nhận thức : giải pháp quyết định nằm chính trên bàn ăn của mỗi chúng ta. Cụ thể là nằm trong vài chục gramme thịt mà con người trong các xã hội khá giả vẫn sử dụng hàng ngày.

Hai nhà cách tân Mỹ quyết định chọn cùng một phương án để giải quyết vấn đề này. Đó là vẫn duy trì khẩu phần protein như cũ, đặc biệt là duy trì khẩu vị ngon lành của thịt, chỉ cần thay đổi chất liệu làm nên « thịt ». Có nghĩa là mọi người vẫn có thể thưởng thức các món ăn khoái khẩu như Hamburger, vẫn duy trì đủ nguồn dinh dưỡng, nhưng đồng thời lại có thể chung tay cho cuộc chiến cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

« Thịt chay » hấp dẫn như thịt

Các sản phẩm « thịt chay » của « Impossible foods » và « Beyond meats », làm từ đậu Hòa Lan, bột mỳ, khoai tây, củ cải đỏ, dầu dừa hay bột nở…, đã được dân Mỹ hưởng ứng nhiệt liệt. Năm nay, sau hai năm tung ra thị trường, bánh kẹp « thịt chay » của Beyond Meats đã có mặt tại hơn 22.000 cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, công viên giải trí ở Mỹ… Beyond Meats đang có kế hoạch chinh phục thị trường châu Âu. Còn bánh kẹp Impossible Burger đã được bán tại 3.000 nhà hàng Mỹ và Hồng Kông.

Khách hàng chính mà hai công ty California hướng đến không phải là những người ăn chay, mà là những người có thói quen ăn thịt. Bí quyết thành công của Beyond meats là làm cho miếng « thịt chay » có độ dai dẻo, tạo cảm giác giống như ăn thịt thật. Kết quả này có được là nhờ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của hai chuyên gia đại học Missouri (hai nhà khoa học Fu-hung Hsieh và Harold Huff), khởi sự từ một thập niên về trước.

Ethan Brown, ông chủ công ty bánh kẹp "Hơn cả thịt"Capture d'ecran site ONU

Về phần mình, Impossible Foods chú trọng nhiều đến khẩu vị. Hương vị thịt bò được tái tạo như thật, nhờ chất « heme » - một thành phần cơ bản của huyết sắc tố (trong máu động vật, nhưng cũng có trong nhiều loài thực vật). Giáo sư Brown, ông chủ của Impossible Foods, đã chiết xuất chất này từ đậu nành, rồi từ men bia, để làm nên câu chuyện khó tin này.

Lãnh đạo hai doanh nghiệp thực phẩm California chưa hài lòng với thành công này. Mong muốn của họ là hướng tới nhiều sản phẩm « thịt chay » ngon lành, hấp dẫn hơn nữa, với mơ ước giúp nhân loại nhanh chóng đưa kỷ nguyên ăn thịt vào dĩ vãng. Khát vọng của hai người anh hùng California không biết có dễ trở thành hiện thực hay không, nhưng việc áp dụng phần nào việc thay thế protein động vật bằng protein thực vật có thể mang lại kết quả nhãn tiền, về môi trường, cũng như sức khỏe con người, chưa kể đến những vấn đề đạo lý đối với vật nuôi.

Vẫn về giải thưởng môi trường của Liên Hiệp Quốc, ngoài hai người hùng California, còn có năm người và cơ sở khác. Bà Joan Carling – người đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ các cư dân bản địa vùng núi Andes (Nam Mỹ) từ hơn 20 năm nay. Cơ sở thứ hai là sân bay Cochin - Ấn Độ, sân bay đầu tiên hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời. Thứ ba là một chương trình phục hồi các vùng sông ngòi bị ô nhiễm ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo chính trị được trao giải năm nay là thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống PhápEmmanuel Macron.

Giải thưởng gây tranh cãi cho tổng thống Pháp

Cùng với giải thưởng nói trên, Emmanuel Macron còn được trao giải Champion du Climat, với 14 nhân vật có nhiều đóng góp khác. Tổng thống Pháp được công luận ghi nhận là người khởi xướng cho phong trào « Make Our Planet Great Again/Làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại » cách nay một năm, ngay sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, với chủ trương Nước Mỹ trên hết. Chính phong trào này đã góp phần quan trọng giúp cho các nỗ lực quốc tế vì khí hậu tiếp tục đà tiến lên, bất chấp sự đào ngũ của Washington.

Tuy nhiên, hai giải thưởng cho tổng thống Pháp bị nhiều chỉ trích trong nước, đặc biệt sau sự ra đi của bộ trưởng Môi Trường Nicolas Hulot, một nhà hoạt động nổi tiếng, cùng với nhiều chỉ dấu khác cho thấy Paris đã không có đủ nỗ lực. Tổng giám đốc Greenpeace Pháp lên án một « trò hề ». Còn nhà khí hậu học Jean Jouzel thì nhắc nhở, tổng thống Pháp đúng là « có một hình ảnh rất đẹp trong con mắt quốc tế và có những phát biểu xuất sắc », tuy nhiên Paris cũng cần phải tuân thủ chính các mục tiêu mình đề ra.

Trên thực tế, riêng về mặt quốc tế, hiện nay ít có quốc gia nào đủ uy tín và năng lực để đứng ra kết nối các nỗ lực toàn cầu như Pháp, đặc biệt với các xúc tác giúp cộng đồng quốc tế đạt Hiệp định Khí hậu Paris 2015. Tuy nhiên, nỗ lực vì khí hậu là cuộc chiến trường kỳ, những thành tích vừa qua chắc chắn chỉ là bước đầu. Có mặt tại New York, tổng thống Pháp đã không dự lễ nhận giải. Ngược lại, ông Emmanuel Macron chủ trì thượng đỉnh vì khí hậu One Planet Summit lần thứ hai ở New York, một sáng kiến được Pháp đưa ra hồi năm ngoái(tháng 12/2017), nhằm tăng tốc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris.

Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York :

« Việc các nguyên thủ gặp nhau tại khách sạn Plaza, chỉ cách tháp Trump Tower có hai khối nhà, như là một hành động thách thức lại tổng thống Mỹ, người đã quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, đe dọa phá hỏng nỗ lực phối hợp quốc tế. Như vậy, để mang lại một hơi thở thứ hai cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà tổng thống Pháp đã mời 40 nhà lãnh đạo, trong đó có thủ tướng New Zealand và tổng thống Togo, cùng khối tư nhân, để truyền đi một thông điệp về vấn đề này. Ông Macron nói : ‘‘Chúng tôi ở đây không chỉ để nói, mà cả để tính sổ nữa’’.

Hàng tỉ đô la đã được cam kết để thúc đẩy việc chuyển sang nền kinh tế xanh. Liên Hiệp Châu Âu muốn dành một phần tư ngân sách hàng năm, bắt đầu từ năm 2021, cho các mục tiêu khí hậu (117 tỉ euro). Một câu lạc bộ gồm 23 ngân hàng phát triển, kể từ giờ sẽ dành một phần tư các khoản tín dụng, tương đương với 200 tỉ đô la, cho các dự án khí hậu.

Nhưng đối với các chuyên gia, hiện tại chúng ta vẫn còn xa so với mục tiêu. Được cổ vũ bởi danh hiệu ‘‘nhà vô địch vì Hành tinh’’ về mặt quốc tế, nhưng bị phản đối trong nước, do các kết quả kém trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố sẽ đưa khí hậu trở thành một trong các trọng tâm của khối các cường quốc kinh tế G7, khi Pháp bắt đầu đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên kể từ tháng Giêng năm tới ».


*
Trung Quốc : Xã hội đã Tây hóa, chính quyền vẫn cự tuyệt tư tưởng phương Tây
Trong lúc Bắc Kinh tiếp tục lún sâu vào cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc tiếp tục gia tăng kiểm soát tư tưởng dân chúng trong nước, đặc biệt nhân dịp lễ Quốc khánh. Bất chấp xã hội Trung Quốc giờ đây thay đổi chưa từng thấy, với các đô thị Tây hóa, hàng hóa sang trọng tràn ngập, chính quyền Bắc Kinh vẫn cương quyết cự tuyệt tư tưởng phương Tây, « chủ nghĩa tự do tư sản », không chỉ đối với hàng ngũ đảng viên, mà cả với toàn dân. Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết cụ thể :

« Đó là những lời huấn thị mà cứ mỗi mùa thu lại được đưa ra đúng vào dịp kỉ niệm thành lập Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 01/10/1949. Nước Trung Quốc giờ đây - với hàng rừng nhà chọc trời, với các parking chứa đầy xe hơi hạng sang và xe thể thao loại xịn - kỉ niệm ngày lập quốc, trong lúc vầng trời Đông vẫn đỏ rực, giống như những lá cờ và bó hoa khổng lồ tại quảng trường Thiên An Môn đợi dân chúng từ khắp nơi đổ về.

Các đảng viên phải nêu gương, và không thể bị chê trách trong các trao đổi trên mạng internet, và đặc biệt là trên We Chat, mạng tin nhắn và hội thoại trực tuyến hết sức phổ biến tại Trung Quốc.

Vào năm tới, chủ nghĩa cộng sản phiên bản Trung Quốc sẽ kỉ niệm 100 năm ngày thành lập. Trung Quốc theo chế độ xã hội chủ nghĩa, điều này ai cũng biết, nhưng sẽ là tốt hơn khi nhắc lại.

Trên tài khoản Wechat của mình, Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc hôm thứ Tư này đã liệt kê những điều đặc biệt bị cấm làm trên Internet. Đó là cổ vũ cho chủ nghĩa tự do tư sản, chế giễu các anh hùng của nước Trung Hoa mới, phê phán lãnh đạo hay những người lao động kiểu mẫu. Đồng thời cũng bị cấm là việc tung lên những thông tin gọi là ‘‘tin đồn’’, hay tiết lộ các bí mật của đảng, đặc biệt về các cuộc điều tra về tham nhũng nhắm vào các thành viên bộ máy Nhà nước. Tóm lại là, siết chặt hàng ngũ và củng cố tinh thần.

Việc bắt buộc phải tôn trọng đường lối của chế độ cũng áp dụng cả cho những ai không có thẻ đảng. Một sinh viên vừa bị đuổi khỏi một trường đại học ở tỉnh Quý Châu tuần này, vì các bình luận trên mạng bị cho là ‘‘chống lại tinh thần yêu nước’’ ».

*
Nạn nhân dám lên tiếng : Ý nghĩa của giải Nobel Hòa bình

Giải thưởng Nobel hòa bình năm nay khá bất ngờ được trao tặng cho hai nhà tranh đấu chống bạo lực tình dục, đặc biệt là cho cô Nadia Murad, 25 tuổi, một nạn nhân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Bất ngờ vì có đến hơn 330 ứng cử viên, trong đó có rất nhiều nhân vật tầm cỡ, đặc biệt những người đóng góp cho việc cơ hội hòa bình trở lại trên bán đảo Triều Tiền. Bất ngờ cũng vì trước đó, Nadia Murad đã được trao hai phần thưởng cao quý của châu Âu về nhân quyền và tự do tư tưởng, giải Sakharov và giải Vaclav-Havel.

Nadia Murad, đại sứ thiện chí của LHQ đại diện cho tiếng nói của những người bị cưỡng bức làm nô lệ, Quốc Hội Canada, ngày 25/10/2016. REUTERS/Chris Wattie

Vì sao Ủy ban Nobel lại đưa ra quyết định này, chủ tịch Ủy Ban Nobel, bà Berit Reiss-Andersen, giải thích :

« Nadia Mural chỉ là một trong số khoảng 3.000 phụ nữ và thiếu nữ, nạn nhân của các hành động hãm hiếp và bạo lực khác của binh lính của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Những hành động bạo lực đó mang tính hệ thống, và nằm trong chiến lược quân sự của Daech. Chính hành động ấy đã được dùng làm vũ khí để chống lại người Yazedi và các cộng đồng tôn giáo thiểu số khác. Sau ba tháng sống trong nỗi kinh hoàng, Nadia Murad đã trốn thoát.

Sau khi chạy thoát, cô ấy đã chọn cách bày tỏ công khai về những gì mà cô đã phải chịu đựng. Năm 2016, vừa mới 23 tuổi, Nadia Murad đã là người đầu tiên được bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí, người đại diện cho tiếng nói của những nạn nhân còn sống sót của nạn cưỡng bức phụ nữ làm nô lệ.

Tôi hiểu rằng hiện tượng #MeToo và các tội ác chiến tranh chắc chắn không thể là một. Tuy nhiên, hai cuộc đấu tranh này có một điểm chung, đó là chúng cho công luận thấy được những đau khổ của người phụ nữ, cũng như các hành động bạo lực. Mà để làm được điều này, điều quan trọng là những người phụ nữ từng là nạn nhân không cảm thấy hổ thẹn, và dám lên tiếng ».

Nadia Murad là người đã trải qua mọi khổ nhục, từ tra tấn, đến cưỡng hiếp tập thể, rồi bị bán đi bán lại làm nô lệ tình dục cho quân thánh chiến. Cô cũng bị cưỡng bức phải từ bỏ đức tin vào tôn giáo nhất thần của cộng đồng Yazidi, một sắc tộc rất ít người, đã có lịch sử hơn 5.000 năm trước Công lịch. Yazidi là một cộng đồng mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo muốn hủy diệt, không chỉ về mặt vật chất, mà cả về nhân phẩm.

Thế nhưng, đối với Nadia Murad, khi tước đoạt nhân phẩm của những người như cô, chính những kẻ thủ ác đã đánh mất nhân phẩm của mình. Thoát khỏi địa ngục trần gian, Nadia Murad tiếp tục dồn sức đưa tội ác của Daech ra ánh sáng, với sự cộng tác của nữ luật sư song tịch Liban – Anh Amal Clooney, cũng là người đề tựa cuốn sách của Nadia Murad, ra mắt đầu năm nay, có tựa đề : « Pour que je sois la dernière » (tạm dịch là : Mong sao tôi là nạn nhân cuối cùng).

*
Ghi chú

1. Giải « Champions of the Earth/Champions de la Terre» là tên gọi chính thức của giải thưởng cao quý nhất về môi trường của Liên Hiệp Quốc, được lập ra từ năm 2005. Trong số những người được trao giải có nguyên phó tổng thống Mỹ Al Gore, người không mệt mỏi vì cuộc chiến khí hậu, nhà khoa học – nhà thám hiểm Thụy Sĩ Bertrand Piccard, người thực hiện chuyến đi vòng quanh Trái đất đầu tiên bằng phi cơ năng lượng mặt trời, hay chàng trai Boyan Slat, người Hà Lan, với khát vọng tẩy sạch rác nhựa khỏi các đại dương…hay đạo diễn Pháp Yann Arthus-Bertrand, với bộ phim tài liệu Home, nói về số phận con người gắn bó mật thiết ra sao với Hành tinh Xanh.

2. Theo nghiên cứu của FAO, khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới dùng để phục vụ chăn nuôi. Đối với chăn nuôi theo lối công nghiệp, để có được một kg thịt bò, tốn khoảng 13.500 lít nước, so với 1.400 lít cho 1kg gạo, hay 1.200 lít cho lúa mì. Các loại gia súc, gia cầm khác thường ít tốn nước hơn nhiều. Theo một ước tính, món Impossible Burger (tức món bánh kẹp « thịt chay » của công ty Impossible Foods), so với một miếng bánh kẹp thịt bò, cho phép tiết kiệm được đến 87% lượng khí thải và 75% nước cùng 95% đất đai được sử dụng để chăn nuôi.









No comments: