Monday, October 1, 2018

ÔNG KAVANAUGH CÒN PHẢI CHỜ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
September 28, 2018

Sau khi được các nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện yêu cầu, Tổng Thống Donald Trump đã ra lệnh Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) mở cuộc điều tra thêm về những lời tố cáo Thẩm Phán Brett Kavanaugh, người được ông đề cử vào Tối Cao Pháp Viện, trước khi Thượng Viện bỏ phiếu.

Các nhà hoạt động và ủng hộ những người bị lạm dụng tình dục phản đối ứng cử viên Tối Cao Pháp Viện Brett Kavanaugh hôm 28 Tháng Chín, 2018, tại Chicago, Illinois. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

Trước đây, ông Trump và giới lãnh đạo Cộng Hòa đã bác bỏ yêu cầu này, được bà Christine Blasey Ford, người đầu tiên trong ba phụ nữ cáo giác ông Kavanaugh, đề nghị ngay từ đầu. Ngày 25 Tháng Chín, Tổng Thống Trump còn nói rằng nếu cứ có ai tố cáo lại bắt điều tra lại thì sau này còn ai muốn ra làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện nữa? Ông Kavanaugh đã được FBI điều tra lý lịch năm bảy lần mỗi khi dược đề cử làm thẩm phán liên bang.

Tổng thống và đảng cầm quyền phải thay đổi thái độ vì hai nghị sĩ Cộng Hòa cho biết họ sẽ không ủng hộ ông Kavanaugh nếu FBI không mở cuộc điều tra. Đó là ông Jeff Flake, Arizona, và bà Lisa Murkowski, Alaska. Hiện nay đảng Cộng Hòa có 51 nghị sĩ so với 49 người đảng Dân chủ. Nếu hai người bỏ thì bên Cộng Hòa chỉ còn 49 phiếu, dù cộng thêm một phiếu của Phó Tổng Thống Pence thì cũng không đủ để phê chuẩn ông Kavanaugh nếu tất cả các nghị sĩ Dân Chủ chống ông. Ngoài ra, còn bà Susan Collins, Cộng Hòa, Maine có thể sẽ bỏ phiếu chống.

Nhưng cũng có hai nghị sĩ Dân Chủ có thể ủng hộ ông Kavanaugh, vì họ đang phải tái tranh cử ở những tiểu bang mà Tổng Thống Trump đã thắng lớn năm 2016. Đó là bà Heidi Heitkamp, North Dakota, và ông Joe Manchin, West Virginia. Nếu có vài nghị sĩ Cộng Hòa chống ông Kavanaugh thì họ cũng có thể chống.

Có thể nói Nghị Sĩ Flake là người châm ngòi khiến cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện bị hoãn lại một tuần. Ông đã ủng hộ việc Ủy Ban Tư Pháp đưa ông Kavanaugh ra cho Thượng Viện bỏ phiếu khiến nhiều người nghĩ rằng ông sẽ ủng hộ. Nhưng ông Flake cùng Nghị Sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) cùng đưa ra điều kiện phải mở thêm cuộc điều tra, cho thấy lá phiếu của chính ông chưa biết ngả phía nào.

Nếu chỉ có một mình ông Flake chống thì phía Cộng Hòa sẽ không lo, vì họ vẫn còn đủ 50 phiếu. Nhưng khi bà Murkowski đồng ý với ông Flake, thì ông thủ lãnh Mitch McConnell phải nhượng bộ. Và Tổng Thống Donald Trump cũng không còn cách nào khác. Họ hy vọng cuộc điều tra của FBI sẽ “bạch hóa hồ sơ” cho ông Kavanaugh, và ông sẽ được tất cả 51 nghị sĩ Cộng Hòa phê chuẩn.

Cuộc điều trần của bà Ford và ông Kavanaugh diễn ra ngày Thứ Năm, trước 21 người thuộc Ủy Ban Tư Pháp là cả một tấn kịch bi tráng sẽ còn lưu lại trong lịch sử Thượng Viện và Tối Cao Pháp Viện. Một bên là bà Ford quả quyết ông Kavanaugh đã toan tính cưỡng hiệp mình trước đây hơn 30 năm. Bên kia ông Kavanaugh quyết liệt phủ nhận: Tôi không bao giờ ép uổng một phụ nữ nào. Cả hai người cùng bật khóc trước công chúng.

Trong lúc bà Ford và ông Kavanaugh xuất hiện trên ti vi công chúng, số phụ nữ gọi điện thoại cho biết mình từng bị tấn công tình dục đã tăng lên gấp đôi. Hội RAINN, The Rape, Abuse & Incest National Network vẫn có đường dây nhận và nghe những lời tố cáo này để chuyển cho các cơ quan công lực điều tra. Số người gọi vào đã tăng 201% trong lúc dân Mỹ theo dõi cuộc điều trần.

Người ta có thể đặt câu hỏi: Trong hai nhân chứng, ai đáng tin hơn? Nói cách khác, nói thật, ai nói dối? Vì chỉ hai người nói hoàn toàn trái ngược nhau, chỉ có một người nói đúng sự thật. Vậy trong hai người đó, ai được lợi gì nếu nói dối và có thể bị thiệt hại gì không?

Sau cuộc điều trần, những người ủng hộ đảng Cộng Hòa, nhất là người ủng hộ Tổng Thống Trump chắc chắn sẽ tin ông Kavanaugh hơn. Nhưng câu hỏi không giản dị như giữa đen và trắng như vậy. Những người ủng hộ Thẩm Phán Kavanaugh có thể nghĩ rằng bà Ford nói sự thật, bà đã bị một người đàn ông hơn 2 tuổi tấn công; nhưng vẫn có thể nghĩ ông Kavanaugh cũng nói sự thật. Vì thủ phạm cuộc tấn công đó không phải là ông. Khi đó, phán quyết cuối cùng không đặt vấn đề bà Ford có nói dối hay không, nhưng đặt câu hỏi về trí nhớ của bà sau biến cố đau đớn đó.

Cho nên FBI sẽ phải đi tìm những người được bà Ford nêu lên như nhân chứng. Đó là những bác sĩ tâm thần, năm 2012 đã nghe bà Ford và người chồng đến kể chuyện bà bị tấn công tình dục và mang nỗi u uất không thể xóa suốt 30 năm. Ngoài ra, còn những người được nghe bà Ford kể chuyện đó, trước khi ông Kavanaugh được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện.

Họ cũng có thể tìm hiểu cuộc sống của ông Kavanaugh trong thời sinh viên. Nhất là khi ông quả quyết, trên đài ti vi và trong Quốc Hội Hoa Kỳ, rằng ông còn “trinh trắng” trong thời học trung học. Có một cựu sinh viên Đại Học Yale ở cùng phòng với ông nói rằng đã nghe khoe về các thành tích chinh phục phụ nữ thời còn trẻ; nhưng đó có thể chỉ là một lời khoe khoang như hầu hết các thanh niên 17, 18 tuổi hay không?

Trong một tuần lễ, liệu FBI sẽ tìm ra điều gì mới? Nếu họ kết luật chẳng thấy điều gì mới, thì coi như ông Kavanaugh thoát nạn, sẽ ngẩng đầu bước vào Tối Cao Pháp Viện. Nếu họ thấy rằng những lời tố giác của ba phụ nữ có bằng chứng chắc chắn, thì ông Kavanaugh chắc sẽ tự rút lui.

Nhưng dù kết quả thế nào, thì tấn kịch ngày Thứ Năm cũng làm cho dân Mỹ bớt niềm tin vào Tối Cao Pháp Viện, cơ quan tư pháp cao nhất của nước Mỹ.

Khi Nghị Sĩ Flake đặt vấn đề cần cho FBI điều tra thêm, ông có thể đã nghe theo yêu cầu của Luật Sư Đoàn nước Mỹ. The American Bar Association trước đây đã ủng hộ Thẩm Phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện, nay gửi thư cho Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện nêu lý do cần phải điều tra thêm. Họ nói rằng chức vụ chờ được phê chuẩn rất quan trọng, không thể làm cho nhanh. Chức vụ thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ giữ suốt đời. Cho nên, việc tiến hành các thủ tục phê chuẩn mà không điều tra kỹ hơn thì “không những làm mất uy tín của Thượng Viện mãi mãi mà còn ảnh hưởng tới niềm tin của người dân Mỹ vào Tối Cao Pháp Viện nữa.”

Ông khoa trưởng Luật Khoa trường Yale cũng đồng ý với Luật Sư Đoàn ABA. Một tiếng nói khác cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của Nghị Sĩ Flake. Đó là Dòng Tên ở Mỹ, tổ chức đứng đầu ngôi trường ông Kavanaugh đã theo học tại Georgetown, Maryland.

Trong một bài quan điểm viết sau cuộc điều trần ở Thượng Viện, tờ báo của Dòng Tên đã tuyên bố rút lại ý kiến ủng hộ ông Kavanaugh trước đây, vì “không còn phù hợp với lợi ích quốc gia nữa.” Tờ báo nhấn mạnh: “Nếu ông ấy được phê chuẩn khi những lời tố cáo ông không bị bác bỏ một cách chắc chắn (firmly disproved) thì sự kiện này sẽ treo lơ lửng trên những quyết định của ông ấy sau này khi ông ngồi trong Tối Cao Pháp Viện, trong nhiều thập niên tới và sẽ càng chia rẽ đất nước chúng ta.”

Xưa nay trong dư luận dân Mỹ Tối Cao Pháp Viện được lòng dân kính trọng hơn cả quốc hội và tổng thống. Nước Mỹ cho Tối Cao Pháp Viện làm hai công việc. Trong khi đó các quốc gia tự do dân chủ khác người ta tách đôi: Những việc tái thẩm để chung quyết các vụ kiện thường trao cho một tòa án phúc thẩm cao nhất, còn công việc giải thích hiến pháp thường được trao cho một Viện Bảo Hiến.

Nhưng gần đây, uy tín của Tối Cao Pháp Viện bị suy giảm vì những cuộc bỏ phiếu chọn thẩm phán tối cao đã bị chính trị hóa quá đáng. Càng bị chính trị hóa và tình trạng đối nghịch đảng phái càng lộ rõ thì uy tín của tòa tối cao càng xuống.

Năm 1987, đảng Dân Chủ đã phá đến cùng việc đề cử ông Robert Bork vào Tối Cao Pháp Viện, do vị tổng thống đảng Cộng Hòa đề nghị. Họ phê phán ông hoàn toàn dựa vào các quan điểm chính trị của ông, mà không đặt trên khả năng cũng như đạo đức.

Năm 1991, Thượng Viện đã phê chuẩn Thẩm Phán Clarence Thomas, mặc dù đã có bà Anita Hill ra điều trần tố cáo ông từng nhiều lần sách nhiễu tình dục bà khi cùng làm một sở. Khi đó, đảng Dân Chủ đang chiếm đa số, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện là ông Joe Biden đã từ chối không cho cô khác làm nhân chứng ra điều trần, để sau cùng Thượng Viện bỏ phiếu thuận một ứng viên do Tổng Thống Goerge W. Bush, Cộng Hòa, đề nghị.

Trong dư luận dân Mỹ, Tối Cao Pháp Viện được 48% dân chúng tin tưởng; sau vụ bà Hill, uy tín đó bị giảm 10%. Đầu năm nay, chỉ còn 37% dân tín nhiệm Tối Cao Pháp Viện nhưng vẫn cao hơn uy tín Hành Pháp 23% và Quốc Hội chỉ có 11%.

Mặc dù trong quá khứ hai đảng vẫn kình chống nhau trong việc phê chuẩn thẩm phán tối cao, nhưng không khí vẫn còn hòa nhã. Ông Thomas, Cộng Hòa đề cử, được 11 nghị sĩ Dân Chủ ủng hộ trong lúc họ đang chiếm đa số. Trong thời Tổng Thống Bush và Obama, các người được họ đề cử được từ bốn đến 22 các nghị sĩ khác đảng ủng hộ.

Không khí chính trị hóa lên cao khi cố Thẩm Phán Tối Cao Antonin Scalia qua đời đầu năm 2016. Tổng Thống Obama đã đề cử ông Merrick Garland nhưng bị Nghị Sĩ Mich McConnell, đảng Cộng Hòa đang kiểm soát Thượng Viện, bỏ qua không đem ra thao luận. Khi Tổng Thống Donald Trump tranh cử, ông đã thu hút được phiếu một phần vì hứa hẹn nếu thắng sẽ đề nghị một người vào Tối Cao Pháp Viện trong danh sách được phía bảo thủ đề nghị. Đầu năm 2017, ông Trump giữ lời hứa, đưa ông Neil Gorsuch lên làm thẩm phán tối cao.

Cuộc tranh cãi về việc phê chuẩn Thẩm Phán Kavanaugh khiến cho không khí chính trị hóa càng nặng nề hơn. Dù ông Kavanaugh được phê chuẩn hay không, uy tín của Tối Cao Pháp Viện cũng suy giảm. Có nhiều người đã đề nghị phải thay đổi cơ quan tư pháp tối cao này để tránh tình trạng chính trị chen vào ngành tư pháp. Một đề nghị giản dị là giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán tối cao, 12 hay 18 năm, thay vì được giữ chức suốt đời như hiện nay. (Ngô Nhân Dụng)







No comments: