Monday, October 8, 2018

NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG : "AMERICAN FIRST" VỪA LỢI VỪA HẠI (Đào Văn Bình)




Đào Văn Bình
October 1, 2018

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Chín ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ:

            -AP ngày 26/9/2018: “Trong một cuộc phỏng vấn với AP, BS. Robert Redfield – Giám đốc Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Bệnh Tật cho biết mùa đông năm ngoái (2017) ước lượng 80,000 người đã chết vì bệnh cúm (flu) – số tử vong cao nhất trong ít nhất bốn thập niên.”

            Mùa đông ở Hoa Kỳ cũng là mùa cảm cúm. Chúng ta cần phải trích ngừa ngay, chậm nhất là Tháng 11 dù ở bất cứ tuổi nào. Chớ có ỷ y khi có dấu hiệu cảm sốt, ho vào mùa đông. Cần phải gặp bác sĩ ngay lập tức. Chớ có ở nhà, tự mua thuốc uống. Dễ chết như không.

Dân số Hoa Kỳ ngày nay là 328 triệu cho nên 80,000 người chết không ăn thua gì. Nếu ở các nước nhỏ thì đã trở thành “chuyện động trời” của thế giới. Chính quyền nước đó có thể bị quy trách nhiệm không biết lo cho dân và có thể buộc phải từ chức. Thế mới hay ở các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Hoa hay Ấn Độ…chuyện “kinh khủng” cũng trở thành bình thường. Còn ở các nước nhỏ, chuyện “vớ vẩn”cũng thành vĩ đại.

Tình hình thế giới:

            -AFP ngày 17/9/2018: “Hôm nay Nga công bố một tin tức mới chứng minh cho lập luận của họ là hỏa tiễn bắn rơi chiếc máy bay của Mã Lai tại khu vực giao chiến ở Ukraina năm 2014 là của quân đội Kiev. Trong một cuộc họp báo, bộ quốc phòng Nga lần đầu tiên đã trưng ra số hiệu của chiếc hỏa tiễn và nói rằng nó đã được sản xuất từ thời Sô-viết gửi cho Ukraina nhưng không thấy hoàn lại Nga. Cơ quan điều tra do Hà Lan đứng đầu nói sẽ nghiên cứu chi tiết này.”

            -Reuters ngày 19/9/2018: “Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in nói rằng Bắc Triều Tiên đồng ý cho phép thanh tra quốc tế tới quan sát sự tháo gỡ thường trực những cơ sở hỏa tiễn trọng yếu và sẽ thi hành những bước kế tiếp đóng cửa căn cứ hạt nhân chínhYongbyon nếu Hoa Kỳ cũng thi hành những biện pháp đáp ứng (có đi có lại). Hai nhà lãnh đạo Nam-Bắc đồng ý sẽ biến Triều Tiên thành một bán đảo hòa bình không có vũ  khí nguyên tử và đe dọa nguyên tử.” Theo AP ngày 29/9/2018 bộ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên nói rằng họ cần sự tin tưởng của Mỹ nhiều hơn nữa và phát triển mối bang giao trước khi hủy bỏ vũ khí hạt nhân.

            -Reuters ngày 26/9/2018: “Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa chấp thuận bán cho Đài Loan những cơ phận  dư thừa của F-16 và những máy bay khác trị giá 330 triệu Mỹ Kim khiến Hoa Lục cảnh cáo rằng hành động này gây nguy hiểm cho bang giao Mỹ-Hoa.” Bắc Kinh cũng đã chính thức lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ ngưng việc bán vũ  khí này và không cho tàu chiến Mỹ ghé Hương Cảng vào tháng tới.

            -Reuters ngày 27/9/2018: “Kuwait nói rằng quyết định của Hoa Kỳ di chuyển những hệ thống chống hỏa tiễn Patriot tại một vài quốc gia Ả Rập là chuyện nội bộ, thường nhật và hệ thống quốc phòng của họ không bị ảnh hưởng. Một viên chức bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho Reuters biết là Hoa Thịnh Đốn đã di chuyển bốn hệ thống chống hỏa tiễn khỏi Jordanie, Kuwait và Bahran tiến hành song song với việc Ngũ Giác Đài chuyển mục tiêu chống các nhóm cực đoan Hồi Giáo để đối phó với những gia tăng căng thẳng với Nga và Hoa Lục.”

            -Reuters ngày 28/9/2018: “Bộ trưởng ngoại giao Hoa Lục nói rằng vấn đề người Rohingya không nên làm rắc rối, mở rộng hay quốc tế hóa trong lúc LHQ chuẩn bị thành lập một cơ quan để thu thập bằng chứng về vi phạm nhân quyền tại Miến Điện. Hoa Lục, Phi Luật Tân và Burundi bỏ phiếu chống trong lúc những người ủng hộ nói rằng có hơn 100 quốc gia bỏ phiếu thuận.”

            -The Telegraph ngày 29/9/2018: “Số tử vong do sự tàn phá của sóng thần do vụ động đất với 7.5 độ ric-te ập vào Đảo Sulawesi của Nam Dương có thể lên tới cả ngàn. Vào ngày hôm nay, đã có 384 người chết được ghi nhận tại thành phố Palu nơi người ta đang chuẩn bị cho ngày hội bãi biển thì một đợt sóng thần cao như ngọn tháp đổ vào. Những hình ảnh ghi nhận được từ điện thoại thông minh cho thấy sóng đổ vào và nhận chìm một tòa nhà một tầng và xe cộ ở bãi biển trong lúc người đi đường la hét để chạy trốn.”

Chiến Tranh Lạnh Mới:

            -Reuters ngày 18/9/2018: “Trung Quốc đã trả đũa Hoa Kỳ khi loan báo tăng thuế nhập cảng mới trị giá 60 tỉ Mỹ Kim trên số hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ một ngày sau khi Ô. Trump tăng thuế 200 tỉ đánh vào hàng Trung Quốc. Thuế xuất mới của Hoa Lục ảnh hưởng tới 5207 mặt hàng tức khoảng 95% tổng số hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ.”

            -The Telegraph ngày 21/9/2018: “Bắc Kinh vừa cảnh cáo Hoa Kỳ sẽ gánh chịu trách nhiệm nếu Hoa Thịnh Đốn không rút lại lệnh trừng phạt áp đặt lên Trung Quốc do việc mua vũ khí của Nga. Chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt cấm vận các giới chức quân sự Hoa Lục vì mua 10 phi cơ chiến đấu SU-35 và hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400, vi phạm lệnh Mỹ trừng phạt Mạc Tư Khoa vì đã can dự vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.” Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, đồng thời ngưng cuộc họp quân sự giữa hai bên. Hoa Kỳ nói rằng việc trừng phạt nhắm vào Nga chứ không nhắm vào Trung Quốc. Phải chăng Chiến Tranh Lạnh Mới mỗi lúc mỗi leo thang bằng việc gia tăng thuế nhập cảng và trừng phạt kinh tế?

Tình hình Trung Đông:

            -Yahoo News ngày 17/9/2018: “Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua cuộc khủng hoảng do quân chính phủ được Nga hỗ trợ đe dọa tấn công vào căn cứ cuối cùng của phiến quân ở Idlib bằng cách thiết lập một khu phi quân sự trái độn  và bảo đảm để các nhóm phiến quân này ra đi.”  Và dưới thỏa hiệp này phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút lui khỏi vùng này.

            -Blooberg News ngày 23/9/2018: “Theo Ngoại Trưởng Pompeo (đọc là pom-peo) thì Tổng Thống Donald Trump sẵn sàng gặp Tổng Thống Ba Tư Rouhani khi hai vị tham dự đại hội đồng LHQ vào tuần này. Ô. Pompeo cũng nói rằng Nga không hữu ích gì cho những mục tiêu ngoại giao.” Thế nhưng theo Reuters ngày hôm nay, Ô. Trump lại từ chối gặp tổng thống Ba Tư. Như vậy thì rõ ràng “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, ông bộ trưởng ngoại giao nói một đằng, ông tổng thống làm một nẻo.

Tình hình Biển Đông:

            –Tin trong nước ngày 26/9/2018: Khu trục hạm Calgary và tàu tiếp vận Asterix của Gia Nã Đại đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 26-30/9/2018. Tưởng cũng nên nhắc lại đây, vào ngày 5/6/2018, lần đầu tiên trong lịch sử, bộ trưởng quốc phòng Gia Nã Đại đã thăm Việt Nam và hội đàm với bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Ngày 6/6/2018, chiến hạm Pháp ghé Cảng Sài Gòn. Rồi ngày 5/9/2018, chiến hạm vừa đổ bộ vừa tấn công của Anh cũng ghé Cảng Sài Gòn. Rồi vào ngày 27/9/2018, chiến hạm Ins Rana của Ấn Độ cũng ghé Cảng Sài Gòn. Chưa bao giờ thấy tàu chiến của các cường quốc nườm nượp ghé thăm Việt Nam nhiều đến như vậy.

Nhận Định:

Phiên họp thường niên của Đại Hội Đồng LHQ đã mở ra. Vào ngày 25/9/2018 theo Reuters, “Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Ba Tư Rouhani đã chế diễu nhau với Ô. Trump đe dọa gia tăng cấm vận Tehran còn Ô. Rouhani nói rằng Ô. Trump đang bị bệnh kém tri thức. Ô. Trump đã dùng bài diễn văn thường niên của LHQ để tấn công chế độ độc tài suy đồi Ba Tư, ca ngợi người sợ hãi trẻ con (bogeyman) Bắc Triều Tiên năm ngoái và đưa ra thông điệp ngang tàng là ông sẽ phản đối chủ nghĩa toàn cầu và bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Nhưng trong bài diễn văn hơn 35 phút, Ô. Trump nhắm vào Ba Tư mà Hoa Kỳ cáo buộc là đã nuôi tham vọng vũ khí nguyên tử, gây bất ổn tại Trung Đông qua việc hỗ trợ cho các nhóm vũ trang quá khích tại Syria, Li-băng và Yemen. Những lãnh đạo Ba Tư đã gieo rắc hỗn loạn, chết chóc và phá hủy. Họ không tôn trọng các nước láng giềng và biên giới hoặc chủ quyền của các quốc gia. Sau đó thì Ô. Rouhani đã kịch liệt chỉ trích quyết định của Ô. Trump đã rút lui khỏi thỏa hiệp quốc tế về hạt nhân 2015. Ông thấy không cần thiết phải chụp hình chung với Ô. Trump  và cho rằng việc rút lui khỏi định chế quốc tế của Hoa Kỳ là thiếu nhân cách. Và rằng, đối đầu đa phương là dấu hiệu suy yếu, là triệu chứng của thiếu tri thức, nó để lộ thiếu khả năng hiểu biết về tính phức tạp và ràng buộc với nhau của thế giới.” Theo AFP, Hội Đồng Bảo An LHQ cũng đã chống lại lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Ba Tư. Tổng Thống Pháp Emmanual nói rằng không thể đối đầu với Ba Tư bằng chính sách cấm vận và kiềm chế. Còn bà May- thủ tướng Anh nói rằng cách hay nhất là duy trì thỏa hiệp quốc tế 2005 để giữ Ba Tư không phát triển vũ khí nguyên tử.

            Rồi phiên Đại Hội Đồng do Tổng Thống Donal Trump chủ tọa đã biến thành “đấu trường” khi Tổng Thống Morales của Bolivia – người thường gây ồn ào tại LHQ, có lập trường chống lại Hoa Kỳ vì đã can thiệp vào Trung Đông bao gồm cuộc chiến Iraq, lật đổ nhà độc tài Qaddafi và cuộc nội chiến tại Syria. Ô. Morales không tế nhị gì hết khi nói rằng, “Tổng thống Hoa Kỳ đã đối xử với các quốc gia khác và di dân một cách tàn nhẫn. Hoa Kỳ không thể không lo lắng về vấn đề nhân quyền và công lý. Họ đã ký vào những công ước và thỏa hiệp quốc tế cam kết bảo vệ nhân quyền thì họ không thể đe dọa việc điều tra của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, không thể sử dụng tra tấn hoặc rút lui khỏi Hội Đồng Nhân Quyền và cũng không thể chia cách trẻ em khỏi cha mẹ và nhốt chúng vào trong những cái chuồng.” Trong dịp này Ô. Trump cũng tấn công Hoa Lục phá rối bầu cử và cũng tấn công luôn Nga và Syria.

Rõ ràng trước “đại hội quần hùng” thì không thể ngăn được tiếng nói của mọi quốc gia. Như ngàn đời nay đã chỉ rõ, muốn bá chủ thiên hạ, ngoài sức mạnh siêu việt về quân sự và kinh tế, cần phải có nhân nghĩa. Nhân nghĩa ở đây bao gồm sự quang minh chính đại, tuân thủ luật pháp quốc tế, không can thiệp, không lật đổ và đối xử tử tế với các nước nhỏ. Thiếu những yếu tố này thì dù mạnh như Tần Thủy Hoàng và mới đây là Đức Quốc Xã, vẫn bại vong như thường. Lãnh đạo thế giới không phải chuyện chơi. Ô. Trump có thể lo chuyện nhà thành công nhưng chuyện ngoài đời (đối ngoại) có khi không thành công chỉ vì học thuyết “America First” (Hoa Kỳ Trước Đã). Khi “Hoa Kỳ trước đã” thì cũng giống như tất cả các con sư tử yếu phải chờ cho con sư tử chúa ăn xong, còn thừa thì may ra mới tới các con khác. Thái độ này đúng với “băng đảng”. Chúa đảng phải ưu tiên, nhưng đối với nhân loại và cộng đồng quốc tế thì phải công bằng và san sẻ. Và tình nghĩa luôn luôn đứng hàng đầu.
Hiện nay Hoa Kỳ đang hục hặc với Nicaragua và đe dọa lật đổ hoặc dũng vũ lực với Venezuela khiến đẩy quốc gia dầu hỏa này ngả về tay Hoa Lục. Reuters ngày 22/9/2018 cho biết tàu bệnh viện Peace Ark của Trung Quốc lần đầu tiên ghé thăm Venezuela sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Tổng Thống Nicolas Maduro để tìm kiến sự hỗ trợ tài chính cho quốc gia ở Châu Mỹ La Tinh này đang chật vật về kinh tế. Nếu Hoa Kỳ tấn công Venezuela, vì lý do sinh tồn, Ô. Maduro có thể nhờ Nga đến trợ giúp và như thế tình hình “Sân Sau” của Mỹ sẽ nát như tương, điều chưa bao giờ xảy ra từ năm 1823 “Nam Mỹ là sân sau của Mỹ, không ai được bén mảng tới” của học thuyết Monroe. Hoa Kỳ vừa ban hành lệnh trừng phạt lên năm thành viên thân cận của Ô. Maduro trong đó có phó tổng thống và bộ trưởng quốc phòng.  

Chỉ vì sách lược “America First”, Ô. Trump đã giảm bớt nhân viên ngoại giao, cắt giảm viện trợ cho các nước nhỏ, dùng tiền đó để xây tường ở biên giới Mễ Tây Cơ và tăng cường sức mạnh quân sự. Tài khóa 2017, ngân sách ngoại giao của Mỹ giảm 25% từ 53.1 tỉ xuống còn 39.3 tỉ. Ngân sách quốc phòng Mỹ từ 640 tỉ Mỹ Kim tăng lên 714 tỉ. Chúng ta chờ xem sách lược “America First “ của Ô. Trump đi về đâu? Học thuyết này có thể thỏa mãn tự ái của dân Mỹ và đem lại lợi ích kinh tế nhưng chưa chắc đã đem lại lợi ích ngoại giao, củng cố địa vị bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Ngày nay vận mệnh thế giới không lệ thuộc vào các siêu cường mà lệ thuộc vào cả trăm nước nhỏ.

-Nếu các nước nhỏ ngả theo Mỹ thì Hoa Kỳ vẫn giữ địa vị bá chủ, Nga và Hoa Lục phải cay đắng chấp nhận mệnh lệnh của Hoa Kỳ.

-Nếu các nước nhỏ đứng trung lập/đa phương thì vị thế của Hoa Lục và Nga mỗi lúc mỗi mạnh thêm.

-Nếu các nước nhỏ ngả theo Nga và Hoa Lục thì Hoa Kỳ lâm nguy.

“America First” là khẩu hiệu lợi hại trong lúc tranh cử. Nhưng muốn thành công trên vũ đài quốc tế ngày hôm nay thì phải “America Stands With You” tức “Hoa Kỳ Đứng Cùng Các Bạn” chứ không thể “America First”.

Đào Văn Bình

(California ngày 30/9/2018)








No comments: