Tuesday, October 9, 2018

MIDTERM BẦU CỬ QUỐC HỘI – NGÀNH LẬP PHÁP QUẢN CHẾ TỔNG THỐNG (FB Phạm Thanh Giao)





Chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa là đã đến kỳ “Midterm Voting” hay “Bầu Cử Giữa Mùa”. Đây là điểm đặc biệt mà những người thành lập ra hệ thống Dân Chủ của nước Mỹ đã khôn ngoan sắp xếp, nhất là trong những thời điểm mà 3 ngành Lập Pháp, Hành Pháp và ngay cả Tư Pháp đều nằm cả ở trong tay của đảng Cộng Hòa, ngay đến ông tổng thống cũng là Cộng Hòa, họ nắm hết quyền lực và gây ra những sự lũng đoạn về trật tự xã hội như hiện nay.

Bài viết này chỉ nhằm giải thích chi tiết để những bác, những cụ nào chưa hiểu rõ, có thể biết để xử dụng quyền lợi đi bầu của mình. Riêng các bác VietForChum thì khỏi cần, vì các bác ấy đã “rỉ tai giải thích rõ ràng” cho nhau rồi, xin miễn bàn và xin miễn tiếp. Chỉ xin lịch sự, mời các bác … ĐI CHỖ KHÁC CHƠI.

QUỐC HỘI MỸ (Congress) gồm 2 viện : HẠ và THƯỢNG VIỆN (The Lower House and the Upper House) hay còn gọi là the Representatives and the Senate.

HẠ VIỆN
Hay còn được gọi là House of Representatives, bao gồm 435 ghế. Các vị Dân Biểu này được bầu phiếu qua chính người dân đang sinh sống ở quận hạt mình ra tranh cử. Do đó, ta có thể nói đây là những người đại diện trực tiếp cho tiếng nói của người dân, “dân người ta biểu sao” thì những ông Dân Biểu này lên tiếng làm vậy …

Số ghế Dân Biểu tranh cử ở mỗi tiểu bang khác nhau và nhiều ít, dựa trên “dân số nhiều hay ít” ở tiểu bang đó. Những tiểu bang như California, Texas, Florida hay New York, vì đông dân, sẽ có nhiều ghế hơn và sẽ có nhiều Dân Biểu ra tranh cử hơn như ở những tiểu bang ít dân hơn, như Maine, New Hampshire, Delaware hay Vermont. Đơn giản là tiểu bang nào đông dân sẽ có nhiều ghế và ngược lại.

Bởi vậy ta thấy ở California, dân số lên tới gần 40 triệu người, được chia ra làm 53 Quận Hạt (Districts), có nghĩa là chỉ riêng ở California, với dân số đông, chiếm tới 53 ghế trong Hạ Viện. Còn như ở Alaska dân số chưa tới 800 ngàn người, với dân số quá ít như thế, Alaska chỉ được 1 ghế duy nhất trong Hạ Viện. Bất kể tiểu bang nào, cho dù ít dân cỡ nào thì cũng bảo đảm được dành cho 1 ghế. Những con số quận hạt và ghế này, sẽ được “kiểm tra và sắp xếp” lại mỗi 10 năm dựa trên sự thay đổi của bản thống kê dân số.

Nhiệm kỳ của các ông Dân Biểu trong Hạ Viện chỉ được duy nhất có 2 năm, do vậy, cứ mỗi 2 năm thì dân Mỹ được bầu lại những người Dân Biểu đại diện cho tiếng nói của mình một lần vào những năm chẵn (2018). Nhưng điểm đặc biệt và rất hay cần chú ý ở đây là, cứ sau khi tổng thống mới lên nhậm chức được 2 năm, thì Hạ Viện lại có cuộc bầu cử Dân Biểu.

Điều này nhằm mục đích để cho dân chúng có cơ hội phản ảnh lại cái “THÀNH QUẢ HAY DỞ” qua nhiều yếu tố của tổng thống đương nhiệm, để dân chúng có cơ hội chọn “đảng phái” khác, ngõ hầu họ có thể kềm chân ông tổng thống nếu ông ta không thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử, hoặc phủ quyết, hoặc lạm quyền quá đáng, vì:

GẦN NHƯ CHỈ CÓ ĐA SỐ PHIẾU CỦA DÂN BIỂU Ở HẠ VIỆN MỚI CÓ ĐỦ SỨC MẠNH ĐỂ LÀM VIỆC NÀY.

- Hạ Viện là nơi duy nhất có thể “khởi tố tổng thống” (impeachement).

- Quyết định và giới hạn số tiền chính phủ được phép dùng để chi tiêu (tài khóa – Revenue Bills), và thuế khóa (Tax Cut mới đây của ông Trump là một thí dụ).

- Những “Dự Luật” được đặt ra ở Hoa Kỳ, sẽ không thể thành luật nếu không có sự chấp thuận của Hạ Viện qua việc họ bỏ phiếu với nhau. Ở điểm này thì Thượng Viện cũng như Hạ Viện đều có sức mạnh ngang nhau. Chỉ cần một Viện không đồng tình thì đạo luật không thành.

Cũng nhờ những điểm này và với nhiệm kỳ chỉ có 2 năm, khiến cho người Dân Biểu PHẢI ĐỨNG VỀ PHE DÂN CHÚNG ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ BẦU CHO MÌNH. Họ phải đại diện cho người dân là thế, chứ không VÔ TRÁCH NHIỆM NHƯ CÁC ÔNG Thượng Nghị Sĩ ở Thượng Viện. Bởi thế, ta thấy một số Dân Biểu sẵn sàng chống lại với đảng phái của chính họ đang theo, vì họ dựa vào số phiếu bầu của dân chúng địa phương, chứ không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ đảng, ngoài việc ủng hộ và vận động.

Ở Hạ Viện, đảng nào chiếm nhiều ghế sẽ chọn ra một người đại diện tiếng nói chung cho Viện, hiện tại thì đảng Cộng Hòa chiếm đa số, và người họ chọn ra là ông Paul Ryan. Người đại diện này sẽ là người chủ trì các buổi thảo luận, tường trình những thành quả sau khi quyết định bởi đa số. Vị trí này khá quan trọng, quan trọng đến nỗi một người đón gió trở cờ như ông Paul Ryan, trước đây lên tiếng mạnh mẽ chống đối ông Trump bao nhiêu, giờ lại bợ đỡ ông Trump hết mình bấy nhiêu, lại có thể trở thành tiếng nói đại diện cho đảng một cách hoàn hảo như thế.

Bạn có biết cái vị trí này nó quan trọng cỡ nào không? Trên hiến pháp Hoa Kỳ, nếu ông tổng thống bị truất phế hay từ chức, thì ông phó TT lên thay. Trong hoàn cảnh hiện nay ở Hoa Kỳ, NẾU, chỉ là NẾU thôi nhé, ông Trump và ông Pence bị truy tố vì tội hợp tác với Nga, và cả hai ông TT và Phó TT đều ra đi, thì chức vụ TT sẽ rơi vào tay người đại diện ở Hạ Viện, là ông Paul Ryan hiện thời. Bởi thế, vì cái tương lai hứa hẹn nó ngon đến cỡ đó, nên Paul Ryan sẵn sàng đón gió trở cờ, thay đổi chính kiến trong nháy mắt.

Cũng như tôi đã trình bày ở trên, người Dân Biểu không nhất thiết phải ngả về đảng phái mình theo, do đó, ngay trong một đảng ở Hạ Viện, ta cũng có thể thấy nhiều nhóm (Committees) hoạt động song song tùy theo việc họ chú tâm và cái hướng họ muốn đi theo. Ở mỗi nhóm, lại còn có những vị “chủ xị” (Chairman) để lèo lái “bàn nhậu” (Committee). Không một nghị luật nào được đưa ra, nếu các nhóm này không bỏ thời giờ ra để thảo luật trước.

Điều quan trọng tôi muốn đặt ra trong bài này, tuy Hoa Kỳ có chính sách đa đảng, có Tam Quyền Phân Lập nhưng vào thời điểm này, đường lối về chính trị ở Hoa Kỳ không khác gì ở các quốc gia Độc Tài, Độc Đảng vì cả 3 ngành Hiến Pháp, Tư Pháp và Lập Pháp đều nằm ở cả trong tay của đảng Cộng Hòa. Bởi thế, ĐÚNG hay SAI, LỢI hay HẠI, thì họ cũng phe đảng với nhau để ĐỒNG THUẬN THÔNG QUA hết ráo.

Đây là một thế lực hết sức nguy hiểm vì như hiện tại, chẳng ai, chẳng có thế lực nào có thể kềm chế họ lộng hành như suốt thời gian 2 năm vừa qua. Cái thí dụ gần đây nhất là việc lờ đi mọi thưa kiện, ém nhẹm mọi khúc mắc, cắt bỏ mọi cuộc điều tra để đưa ông Brett Kavanaugh vào ghế Chánh Án

Tam Quyền Phân Lập không thể nào “hoàn hảo như những nhà lập quốc” đã nghĩ đến và đặt ra NẾU cả 3 ngành đều nằm cả trong tay của một đảng, mà đảng đó lại đặt LỢI ÍCH của MỘT NHÓM NGƯỜI LỚN HƠN LỢI ÍCH CỦA QUỐC GIA. Bầu cho ai, cho đảng phái nào, hay xử dụng lá phiếu cho chính đáng là lựa chọn sao cho đúng đắn, để ít nhất có một ĐẢNG PHÁI KHÁC trong Quốc Hội thì mới kềm chế được bọn người đang âm mưu muốn mang đất nước này về tay những tên ĐỘC TÀI GIA ĐÌNH và ĐẢNG TRỊ.

Bây giờ, hãy tạm gác vấn đề đảng phái qua một bên, hãy nên chỉ vì cái lợi cho đất nước và cho người dân trong đó có mình và gia đình mình cũng như con cháu mình mai này để bỏ lá phiếu cho đúng đắn, thay vì cứ ôm khư khư một đảng nào đó. Và nếu xưa giờ, chúng ta đã sợ và đã phải sống chết để thoát khỏi tay bọn độc tài đảng trị ở Việt Nam, mà lại còn tự đút đầu vào cái tròng này, thì thật là ngu xuẩn và đáng trách. Đơn giản có thế.

Việc bầu bán cho Hạ Viện vào ngày 6 tháng 11 năm 2018 này, quí vị có thể tìm thấy ở Quận hạt (District) nơi mình đang cư ngụ. Ai, quá khứ đã làm được những gì, để được xứng đáng lấy phiếu bầu của mình hay không, phải được coi là một lựa chọn vô cùng quan trọng.

THƯỢNG VIỆN
Khác với Hạ Viện, Thượng Viện (the Upper House) hay còn được gọi là Senate chỉ có 100 ghế chẵn, cứ mỗi tiểu bang được 2 ghế, bất kể lớn nhỏ, đông hay ít dân. Hoa Kỳ có 50 tiểu bang, do đó, Thượng Viện Mỹ có 100 ghế. Tiểu bang to lớn như California cũng chỉ có 2 ghế, và tiểu bang nhỏ xíu như Delaware cũng được 2 ghế đại diện cho tiểu bang.

Nhiệm kỳ của những ông bà Nghị Sĩ này kéo dài tới 6 năm, nhưng để được quân bằng cán cân thay đổi trong thời gian dài 6 năm, thì 100 ghế đó được sắp xếp chia ra làm 3 nhóm (1/3, 1/3, 1/3), để trong 6 năm dài, cứ 2 năm sẽ chỉ phải bầu cử 33 Thượng Nghị Sĩ một lần.

Đây là một điều kiện khiến việc chiếm đoạt đa số ghế trong Thượng Viện của một đảng phái cần phải có thời gian ít là 2 lần bầu cử, thì một đảng mới có thể hi vọng chiếm được đa số ghế. Thí dụ như, nhóm Nghị Sĩ số 1 được bầu lên vào năm 2008 thì nhiệm kỳ họ được kéo tới năm 2014 mới phải bầu lại. Tương tự như thế, nhóm Nghị Sĩ số 2 được bầu lên vào năm 2010 đến năm 2016 mới phải bầu lại. Cũng như trên, nhóm số 3 được bầu lên vào năm 2012, thì đến năm 2018 mới phải bầu lại, và nhóm Nghị Sĩ được bầu lại vào kỳ tháng 11 này, sẽ nhậm chức vào ngày 3 tháng 1 năm 2019. Cứ thế mà tuần tự diễn biến.

Thông thường người của 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ đứng ra tranh cử cho chức Thượng Nghị Sĩ ở mỗi tiều bang. Tuy nhiên, có những người ra tranh cử không thuộc vào 2 đảng kể trên, được gọi là Ứng Viên Độc Lập, thì lúc đó, ai là người được nhiều phiếu nhất sẽ thắng, bất kể là bao nhiêu. Ông Bernie Sanders thuộc tiểu bang Vermont chính là một thí dụ điển hình, ông ta tranh cử theo diện Độc Lập không thuộc 2 đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa.

Không như tổng thống chỉ được làm 2 nhiệm kỳ tối đa là 8 năm, Phó tổng thống, Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu được làm không giới hạn số nhiệm kỳ, miễn sao cứ được bầu và thắng cử là được.

Quyền hành của Thượng Viện cũng rất là quan trọng nhất là trong việc kềm chế tình trạng Phe Đảng và Gia Đình Trị. Tuy nhiên, với tình hình “Tam Thâu Một Mối” như hiện nay của đảng Cộng Hòa và tổng thống Trump, thì thực sự là lũng đoạn đến mức tối đa. Bởi chỉ có Thượng Viện mới có đặc quyền thi hành những điều sau:

- Tổng Thống đương nhiệm có quyền đề cử người mình muốn vào những chỗ, những ghế trong trong chính quyền như: Nhân viên của tòa Bạch Ốc, các vị Cố Vấn trong chính quyền, các Bộ Trưởng, các Đại Sứ, và các vị Thẩm Phán của Liên Bang, nhưng quyền quyết định đồng thuận hay không là do Thượng Viện.

Thời gian một năm qua, ông Trump đã đề cử tất cả những người trong gia đình, những người tay chân, những bộ hạ thân tín, những người không đủ điều kiện vào giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền, và đảng Cộng Hòa của ông ta đã nhắm mắt thông qua.
Thí dụ như ông Rick Perry (Secretary of Energy), ông Steve Mnuchin (Secretary of the Treasury), Scott Pruit (EPA Head), Rex Tillerson (Cựu Secretary of State), bà Betsy DeVos (Secretary of Education), Jared Kushner (White House Senior Adviser), và con gái ông ta Ivanka Trump (White House Senior Adviser). Tất cả những tên tuổi trên đây đều không có tí kinh nghiệm gì trong những chức vụ mà họ đang nắm giữ. Họ tha hồ thử nghiệm (practice), thử sai thì làm lại. Ở VN chuyện này ít ra, khi làm sai thì còn có vài lời xin lỗi và rút sợi dây kinh nghiệm. Dưới trướng của ông Trump thì khỏi cần.

- Tổng thống có quyền đề nghị các mối bang giao, các hiệp ước và các hòa ước với các quốc gia, nhưng Thượng Viện có quyền thông qua hay bác bỏ. Trong quá khứ, Thượng Viện luôn đặt cái lợi cho đất nước cho người dân làm trọng. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, cho dù ông Trump có đề nghị bắt tay bang giao với Tàu, với Nga, với Việt Nam đi chăng nữa, thì đảng Cộng Hòa nắm đa số ghế ở Thượng Viện cũng sẽ nhắm mắt thông qua.

- Việc quan trọng khác nữa là, nếu tổng thống muốn ra tay trừng phạt Bắc Hàn hay Syria, ông ta không thể tự tung tự tác ra lệnh, nhưng phải được Thượng Viện thông qua, chỉ khi nào Thượng Viện đồng thuận thì mới được. Ngay cả việc gia tăng con số chiến binh đóng quân ở đâu trên thế giới, đều phải được thông qua bởi Thượng Viện. Nhưng nếu Thượng Viện bù chớt nằm trong tay của đảng Cộng Hòa như hiện nay, việc ông Trump xua quân qua đánh Bắc Hàn hay Iran là điều có thể họ sẵn sàng nhắm mắt đồng ý.

Cái kết quả tồi tệ cho người dân Hoa Kỳ trong thời điểm này, đó là sự GOM TÓM QUYỀN LỰC VÀO TRONG TAY MỘT NHÓM NGƯỜI, MỘT ĐẢNG DUY NHẤT, mà người dân đã bị lừa bầu phiếu cho, hoặc có bàn tay của Putin nhúng vào đi chăng nữa, thì ít ra vẫn còn có lối thoát, đó là cuộc bầu cử Midterm cho Thượng Viện vào tháng 11 tới đây.

Như tôi đã trình bày ở trên, đây là lúc chúng ta phải nhìn lại. Đảng phái không quan trọng bằng việc xóa bỏ Độc Tài Độc Đảng bởi cái bài học vô cùng đắt giá trong vấn nạn độc tài độc đảng ở Việt Nam, thì chẳng lẽ chúng ta lại mau quên để dẵm ngay vào cái lỗi lầm cũ?
Tam Quyền Phân Lập chỉ thành công khi ba ngành Tư Pháp, Lập Pháp và Hành Pháp ở Hoa Kỳ được kềm chế lẫn nhau qua ít là 2 đảng. Cũng thế, tổng thống không thể LẠM QUYỀN nếu có ít là 2 đảng kềm chế lẫn nhau.

ĐỘC ĐẢNG SẼ CHỈ DẪN TỚI ĐỘC TÀI – và
CÁI KẾT QUẢ CỦA NGƯỜI DÂN SỐNG TRONG CHỦ NGHĨA ĐỘC TÀI ĐỘC ĐẢNG RA SAO THÌ TRONG CHÚNG TA, AI CŨNG ĐÃ CÓ CÂU TRẢ LỜI.

*** Đặt ngược lại, nếu đảng Dân Chủ đang lộng hành như trong vị thế của đảng Cộng Hòa như hiện nay, tôi cũng sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa, để chủ trương đa đảng được thành công. Nhất định không ngần ngại. Tôi từ bỏ đảng Cộng Hòa sau hơn 30 năm cũng vì lẽ đó.

@@@

Xin độc giả lưu ý phần thêm vào và sửa sai dưới đây của bác Hieu Van Ngo. Có nhiều từ ngữ trong bài tôi đã dịch sai hoặc dùng sai.

Khởi trích:

Có vài điểm xin góp ý, không có ý gì khác:

- Congressional election district = khu vực bầu cử dân biểu. Chữ districts như Orange County, Los Angeles, San Bernadino, vv mới là quận hạt, dưới cấp tiểu bang.

- Impeachment = đàn hặc, truất phế, giải nhiệm, vv có tính cách chính trị. Truy tố là thuộc thẩm quyền của công tố và tòa án. Charge = khởi tố; indictment = truy tố.

- Annual budget = ngân sách, tài khóa. Revenue bills = các đạo luật thu tiền.

- Tax levy = đánh thuế.

- Speaker of the House = Chủ tịch Hạ Viện. Còn President of the Senate cũng là Phó Tổng Thống, vị này có thể bỏ lá phiếu quyết định khi Senate có 50/50.

- Năm 1973, VP Spiro Agnew phải từ chức vì phạm tội trốn thuế nên TT Nixon chọn Thủ lãnh Khối thiểu số Hạ Viện là Gerald Ford lên thay; năm 1974, TT Nixon từ chức vì vụ Watergate nên VP Ford lên thay và cử Rockefeller lên thay chức VP.

- DB Joseph Cao (CH) của Louisiana trước đây có lần bỏ phiếu theo DC ủng hộ Obamacare.

- Bình luận gia bảo thủ CH George Will cũng đã bỏ đảng CH và viết bài kêu gọi bỏ phiếu cho DC chống Trump. Có lẽ ông Will cho rằng chống nguy cơ độc tài quan trọng hơn là theo bảo thủ?!

- Các chứ vị như Tổng Giám Đốc (CIA, FAA, EPA, vv), Thứ Trưởng, Thẩm Phán, Đại Sứ, vv trở lên mới cần được Senate chuẩn thuận; nhưng Đổng Lý Văn Phòng White House (Chief of White House Staff), Cố Vấn TT, Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Cố Vấn Kinh Tế, Phụ Tá TT, vân vân ... tuy rất quan trọng nhưng không cần phải được chuẩn thuận như nhiều người lầm tưởng. Những ai không được security clearance thích đáng, TT có quyền ký lịnh bãi bỏ hay lấy lại dễ dàng)
Hết trích.









No comments: