Thursday, October 4, 2018

HOA KỲ ĐE DỌA 'XỬ LÝ' TÊN LỬA CỦA NGA (Jonathan Marcus, Phóng viên BBC)




Jonathan Marcus
Phóng viên BBC chuyên về quốc phòng và ngoại giao
4 tháng 10 2018

Lời đe dọa từ một quan chức ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ về việc sẽ "xử lý" một loại tên lửa Nga, thứ vũ khí mà Mỹ tin là vi phạm hiệp định kiểm soát vũ khí quan trọng có từ thời Chiến tranh Lạnh, đang khiến cho mối quan hệ giữa Washington và Moscow càng trở nên căng thẳng.

Đại sứ Kay Bailey Hutchison nói Hoa Kỳ muốn tìm giải pháp cho vấn đề hiện thời. REUTERS

Tuyên bố của quan chức Hoa Kỳ được đưa ra ngay trước thềm hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở thủ đô Brussels, Bỉ, khai mạc vào thứ Tư (3/10).

Đại sứ Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison, phát biểu trước thềm hội nghị và đưa ra một lần nữa lời cáo buộc của Washington về vi phạm của Nga đối với Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987.
Hiệp định này cấm triển khai và thử toàn bộ các loại tên lửa tầm trung phóng từ trên mặt đất, với tầm bắn từ 500 đến 5.500km.

Bất chấp sự phủ nhận của Nga, Mỹ tin rằng Moscow đang có tên lửa tầm trung trong kho vũ khí - mang tên Novator 9M729 - được Nato biết đến với tên gọi SSC-8.
Loại vũ khí này cho phép Nga có thể tấn công hạt nhân vào các nước Nato nhanh chóng ngay sau khi ra thông báo.

Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan ký Hiệp định INF hồi 1987. AFP

Đại sứ Hutchison nói Washington muốn tìm giải pháp ngoại giao.
Tuy nhiên, bà cho rằng Mỹ có thể xem xét tấn công quân sự nếu như Nga tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa này.
"Khi đó, chúng tôi sẽ tính đến việc xử lý tên lửa Nga nếu nó có khả năng tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào của khối," bà nói.

"Họ đã được cảnh báo"

Nhìn thoáng qua, đây có vẻ là một lời cảnh cáo thẳng thừng từ phía Đại sứ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nội dung chính xác điều mà bà đang nói tới thì chưa rõ ràng.
Liệu có phải bà đang đe dọa sẽ bất ngờ tấn công phủ đầu? Hẳn là không.
Liệu có phải bà đang cảnh báo rằng nếu Nga tiếp tục tiến hành phát triển những vũ khí này, Mỹ sẽ tìm cách tấn công các hệ thống đó khi xảy ra khủng hoảng?

Thực ra thì một số chuyên gia Mỹ đã có lúc nói rằng nhiều khả năng Mỹ phản ứng bằng cách tự mình xóa bỏ hiệp định INF và triển khai một loại vũ khí tương tự.
Điều đó, nếu xảy ra, sẽ là một tin xấu cho việc kiểm soát vũ khí.

Ông Putin và cựu Tổng thống Barack Obama từng nhắc tới hiệp định INF. AFP

Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Mỹ từng bị báo động về việc Liên Xô triển khai hệ thống SS-20.
Một số đồng minh của Washington đã đồng tình với việc đáp trả bằng cách triển khai tên lửa US Pershing và Cruise. Động thái này đã làm dấy lên sự phản đối và gia tăng căng thẳng chính trị.
Việc ký kết Hiệp định INF sau đó đã xóa đi toàn bộ loại vũ khí này và giảm đi đáng kể mức căng thẳng.
Nay, một lần nữa, Hiệp định INF lại trở thành chủ đề được nhắc đến.
Nga hầu như không nói gì về tên lửa mới, ngoài việc bác bỏ cáo buộc Moscow vi phạm hiệp định.
Moscow chưa trả lời bất kỳ quan ngại nào của các nước Nato.

VIDEO :
Nga phóng tên lửa từ Biển Caspi vào các mục tiêu ở Syria hồi 2015

Trong một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng "sự đánh giá hợp lý nhất vào lúc này là Nga đang vi phạm nghiêm trọng hiệp định".
"Vì vậy việc cấp bách," ông nói, "là Nga phải đề cập, giải đáp các mối quan ngại này một cách nghiêm túc và minh bạch."
Ông nói thêm rằng theo tin tình báo Hoa Kỳ thì Nga đã bắt đầu triển khai tên lửa mới.

Hiện không rõ chính xác là Mỹ đã biết được những gì.
Các chuyên gia thậm chí còn chưa chắc chắn loại tên lửa đặc biệt nào đang được bàn luận tới. Liệu đây có phải phiên bản mới, có tầm bắn xa hơn của Iskander-M, một vũ khí đã có của Nga?
Hay nó là bản cải tiến của tên lửa hành trình hạm đối đất Kalibr mà Nga đã sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Syria?
Bất kể đó là gì thì Hoa Kỳ vẫn cho rằng Nga đang vi phạm Hiệp ước chống vũ khi INF. Vấn đề nằm ở chỗ đó.
Đại sứ Hutchison có thể đã phát biểu một cách không chặt chẽ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Dường như những người đưa ra các tuyên bố như vậy không nhận thức được mức độ trách nhiệm của họ và mức độ nguy hiểm của những phát biểu mang tính công kích như vậy."

*

LIÊN QUAN







No comments: