Wednesday, October 10, 2018

CHÍNH TRỊ THỰC TIỄN (Phần 2) : NHÀ HÁT THỦ THIÊM (FB Nguyễn Hồng Lam)





Thủ Thiêm trong thời điểm này đang trở thành trung tâm của sự oán thán. Đưa ra quyết định chi 1508 tỷ đồng để xây nhà hát giao hưởng tại mảnh đất này, HĐND TP Hồ Chí Minh đã khiến dư luận kinh ngạc về sự hấp tấp, yếu kém trong nhận thức và khả năng chính trị thực tiễn của từng đại biểu. Tỷ lệ đồng thuận 100% chỉ chứng tỏ, đây là sự yếu kém có hệ thống và của cả hệ thống.

Lẽ tất nhiên, một nhà hát xứng tầm cho thành phố được coi là một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước sẽ là điều không ai phản đối, nếu không nói là đáng ao ước và ủng hộ. Xây dựng công trình lớn ở trung tâm mới của thành phố trong tương lai, theo quy hoạch mở rộng về phía Đông cũng phù hợp, chẳng có gì sai. Con số 1500 tỷ - chắc chắn sẽ bị đội lên, theo truyền thống gian dối và vị lợi ở xứ ta - cũng không phải là quá lớn, bởi chỉ tương đương với tổng thu ngân sách của thành phố trong 1, 2 ngày. Mục tiêu xây dựng để phát triển cũng đã được bàn đi bàn lại từ nhiều năm trước, không có gì đáng để chỉ trích.

Điều đáng phê phán là cách thức đi tới việc thực hiện nó. Cả đất đai lẫn nhân tâm ở Thủ Thiêm vẫn còn ngổn ngang. Hàng loạt sai phạm qua nhiều nhiệm kỳ của chính quyền thành phố vẫn chưa được kết luận đầy đủ. Hàng loạt cán bộ sai phạm vẫn chưa bị xử lý. Hàng loạt oan khiên với biết bao nhiêu thiệt hại, mất mát của nhân dân vẫn chưa được bù đắp, giải quyết. Giữa và xung quanh Thủ Thiêm đường sá, hạ tầng vẫn còn tồn đọng vô số sự trồi sụt, nhếch nhác, thiếu thốn, yếu kém… gây trực tiếp phiền nhiễu đời sống của nhân dân. Đặt một công trình tầm cỡ thế kỷ vào giữa bối cảnh đó có khác gì mặc áo gấm đi dự đám ma trong ngày giáp hạt? Một quyết tâm đỏm dáng không đúng chỗ. Một điệp khúc mỉa mai, phản cảm, thất nhân tâm.

Khi giơ cánh tay lên biểu quyết, có bao nhiêu đại biểu HĐND thành phố đã thật sự vì dân, hiểu và đại diện cho ý nguyện của nhân dân để chắc rằng lòng mình không vô cảm? Đồng thuận 100%, câu trả lời là không ai cả! Phải chăng quyền lợi chính trị đã khiến trách nhiệm trong từng cá nhân đại biểu bị hóa thạch? Cái giơ tay đồng thuận phải chăng chỉ mang tính cơ học?

Hỏi, tức cũng đã là trả lời. Ngay sau kết luận của bà Chủ tịch HĐND thành phố, rằng xây nhà hát là vì “cần cho người dân”, “đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”, hàng ngàn người đã lên tiếng phản đối trên nhiều phương tiện thông tin - truyền thông và cả ở trong từng câu chuyện bình dân trà dư tửu hậu. Xa rời thực tiễn, một quyết định và quyết tâm chính trị đã rơi vào thế việt vị trong lộ trình phát triển.

Và như thế, phiên họp bất thường chỉ đưa đến một quyết định rất bất thường; họp khẩn cấp chỉ để biểu quyết quá vội vã. Hoàn toàn xa rời ý nguyện nhân dân, thiếu cơ sở thực tiễn, quyết định đưa ra bị phản đối kịch liệt không vì chuyện đúng sai mà vì không hợp đạo lý. Nó cũng không phải chuyện nên - cần nghiêm túc, chỉ tạo cơ hội làm rộ lên thêm nhưng hoài nghi, sự thiếu minh bạch và thậm chí là âm mưu và nguy cơ - những thứ tồi tệ nhân dân không cần nhưng xã hội đang phải oằn lưng gánh trĩu.

Xây nhà hát trên mảnh đất oan khiên, đó là không đúng chỗ.

Dựng công trình reo vui khi lòng dân chưa nguôi oán thán, đó là không đúng lúc.

Từ cái nhìn thực tiễn, tôi cho rằng tấu khúc hoan ca trên tiếng khóc than thì chẳng khác gì nhất định xây nhà thật cao trong khi tầm nhìn còn quá thấp. Chưa xây đã sụp đổ, đó là khi công trình thế kỷ nghìn tỷ được cố xây trên nền móng đã mục ruỗng giữa lòng dân.

Một công trình như thế, vội xây lên để làm gì, hay chỉ để có thêm một vết nhơ đồ sộ khoét rỗng thêm ngân sách? Nhà hát hoành tráng, kỳ vĩ ấy sẽ có gì tốt đẹp diễn ra, hay chỉ là sân khấu nối dài thêm những màn bi kịch?

Tôi không phản đối việc xây nhà hát giao hưởng, chỉ phản đối cả thời điểm lẫn địa điểm xây dựng. Viết những dòng này, tôi không có mục đích gì khác ngoài góp thêm một tiếng nói kỳ vọng sẽ dừng ngay Dự án công trình nhà hát Thủ Thiêm trong thời điểm hiện tại. Một nghị quyết không nên thông qua, không nên tồn tại khi không hợp lòng dân. Đừng cố chấp mà giải thích rằng tất cả đại biểu đều đồng thuận thì đó là hợp lý. Con số 100% đồng thuận chỉ khẳng định một sự thật cay đắng: tất các đại biểu chỉ nhìn được trị giá của công trình mà không thấy giá trị của lòng dân; chỉ nhìn ra cơ hội mà không trông thấy đạo lý.

Nhân dân, hoặc đã chọn sai đại biểu, hoặc niềm tin đang bị phản bội!

Ngày 10-10-2018
NGUYỄN HỒNG LAM



------------------------------------


Cái tin một ông Trưởng Công an xã ở Long An đòi 100 triệu đồng/người để làm giấy CMND cho dân – 3 anh em ruột được nhà chùa nuôi từ nhỏ – khiến mạng xã hội dậy sóng. Đa phần – khỏi chờ xác minh – cứ ném đá ào ào. Nhiều bình luận phẫn nộ được đưa ra. Không ít người “đóng” luôn nhận định: đó là biểu hiện của một xã hội thối nát cùng cực. Ăn gì mà lắm thế? Chối vào đâu khi có clip ghi lại cả tiếng lẫn hình vụ “đòi tiền”?

Có mấy điểm rất không hợp lý. Cả ba công dân kia đều đã lớn, sao trước đến nay không, bỗng đồng lúc đi làm CMND? Chỉ là chuyện thủ tục hành chính, ai dám chối từ. Ông Nguyễn Hoàng Khải – Trưởng CA xã Hòa Khánh Tây, Đức Hòa, Long An dựa vào đâu để đòi số tiền rất lớn đó? Chẳng lẽ ông ta không sợ luật pháp?

Bị kiểm tra xác minh, ông Khải cho biết, do người dân cứ đòi “bồi dưỡng” (để làm cho nhanh), ông hét đại “giá trên trời” để người dân nản, không đòi đưa tiền, không quấy rầy thêm.

Tôi không bàn gì thêm. Tôi tin cách lý giải của đồng nghiệp Trương Châu Hữu Danh: “Không riêng gì Long An mà cả miền Tây, công an xã sống sát dân và không có chuyện lấy tiền để làm giấy – dù là vài trăm ngàn đồng. Ở miền Tây, công an xã nghèo, mà dân cũng nghèo. Cho nên, không nên dựa vào đây rồi nói công an vòi tiền. Oan lắm”.

Tôi cho rằng, đó là cách nhìn rất sát thực tế, khả tín.

Chợt nhớ một chuyện tôi chứng kiến cách đây đã 20 năm, khi tình cờ có mặt tại UBND xã Suối Tre, Long Khánh, Đồng Nai. Tôi và một đồng nghiệp báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đang ngồi hỏi chuyện anh Trưởng Công an xã thì có hai vợ chồng áo quần rúm ró chở nhau trên cái xe đạp cà tàng lao thẳng vô trụ sở. Cô vợ ngồi sau, tay cầm tờ giấy nhàu nát đang giữ hông chồng vội nhảy xuống ngay. Anh chồng lết đôi dép Lào mòn vẹt cố phanh, nhưng do hấp tấp nên bánh trước vẫn đâm huỵch vào tam cấp ủy ban xe mới chịu dừng.

Trưởng Công an xã nạt luôn: “Chuyện gì?”. Cô vợ mếu máo: “Dạ, con nộp đơn…tố cáo ly dị ảnh. Uống gụ say dzề uýnh con hoài à”. Anh chồng cướp lời: “Uống …mà hổng có say. Tại nó hỗn, chửi quá con mới uýnh”. Trưởng công an xã đốp tiếp: “Cô là vợ nó, sao cô dám hỗn mà chửi chồng, hả?”. “Dạ, tại…tại con tức quá, ảnh dzìa phia, nhậu rồi còn đòi con…”

Chẳng thèm nghe hết, anh Trưởng Công an xã quẳng cuốn Bộ luật hình sự dày cộp ra trước mặt anh chồng: “Đánh vợ bi nhiêu lần rồi? Đọc đi. Có biết đánh vợ là phạm tôi gì không? Biết mấy năm tù không?”

Hai vợ chồng run như cầy sấy. Anh chồng lắp bắp: “Dạ…có biết chữ đâu….mà đọc”.
“Không biết, tao đọc cho tụi mày nghe. Điều…quy định: đánh đập vợ bị tù 10 đến 20 năm. Nếu thường xuyên, gây thương tích, có thể bị chung thân đến tử hình… Mày đánh vợ bao nhiêu lần rồi, hả?”.

Anh chồng run gần chết. Chị vợ cũng run: “Dạ… đánh mà…sơ sơ hà. Thôi con… hổng ly dị nữa chú ơi! Con xin lại tờ giấy. Người… người ta viết giùm chứ con hổng … có viết”.

Chỉ nghe đến đó, anh chồng đã co cẳng chạy mất, dựng xe lên đạp trối chết. Vội, xe mòn nhông, tuột xích pedal quay mòng mòng, anh chồng phốc xuống đầy bộ chạy luôn ra đường. Cô vợ vớ tờ đơn, quên cả chào, chạy theo la bai bải: “Chờ…tui…dzớiiiiiiiii!”

Tôi trợn con mắt: “Gì kỳ vậy cha nội. Đọc luật cho dân sao dám chế tùm lum vậy?”. Anh Công an tỉnh bơ: “Chứ ông muốn tôi làm sao? Nghe tụi nó cãi lộn, khóc lóc hết buổi à? Vậy đi, cho nó lẹ.”

“Nhưng luật nào quy định chung thân với tử hình?”. Anh công an cười khì khì: “Tụi nó không biết chữ, có đọc đâu mà lo?”. Tôi vẫn băn khoăn: “Không biết thì anh phải giải thích, chứ lừa, hù dân vậy sao được? Ra khỏi đây, vợ chồng người ta lại đánh nhau nữa thì sao?”. Anh Công an vẫn cười: “Không đâu. Thằng chồng sợ, không dám đánh vợ. Vợ sợ chồng phải đi tù, cũng không hỗn nữa đâu mà bị đánh. Anh coi, ghét nhau, thằng chồng có chở vợ đi nộp đơn ly dị không? Thằng chồng có chạy ra đường rồi dừng chờ chở vợ về không? Vậy đi cho nó lẹ. Giận hờn thì đi kiện, chứ tụi nó còn thương nhau lắm. Giải thích lòng vòng chỉ mất công, mệt mình, mà nó cũng không hiểu đâu”.

Hoàn toàn không đồng tình, nhưng tôi phải công nhận tay Trưởng Công an xã này thạo nghề, rành cách xử lý. Chính trị thực tiễn có logic, cách thức riêng của nó. Biết vận dụng hợp lý thì hiệu quả.

Dường như những người thích tỏ ra hiểu biết trên mạng chẳng bao giờ chịu hiểu ra điều đó. Nghe một, lý lẽ mười, phán lung tung. Nhìn đâu, họ cũng chỉ cố moi ra cái xấu để tỏ ra ta đây rành rẽ, ưu thời mẫn thế, đầy hiểu biết và trách nhiệm.

Trong khi ưa đem đề tài “có lý luận” trong tiêu chuẩn chính trị thượng tầng ra bỡn cợt, các chính khách bàn phím lại đồng thời luôn tỏ ra “có lý luận” gấp đôi khi bàn những chuyện họ không biết gì, chỉ nghe hơi. Và bàn rất hăng. Mà cả hai chuyện đều xảy ra ở miền nam, toàn dân miền Nam bàn thôi đấy.

Là bởi vì cả hai đối tượng này đều chẳng biết cóc khô gì vể hai chữ thực tiễn.

Ảnh: UBND tỉnh Long An họp báo giải trình kết quả xác minh của CA tỉnh về vụ clip Trưởng CA xã “đòi 100 triệu/người” để làm CMND: https://scontent-iad3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/42996834_10210266031287247_3699396894166876160_n.jpg?_nc_cat=109&oh=7a4b0940c1e0b629e0f147c51baa8b92&oe=5C1484E1







No comments: