737 ngày xa nhà, xa Ngoại, xa Mẹ, xa con, xa bạn bè
và khi có cơ hội để viết những dòng này là lúc tôi phải rời khỏi Việt Nam một
cách bất đắc dĩ.
Xin cám ơn tất cả những nỗ lực không mệt mỏi của gia
đình, anh chị em, bạn bè, cộng đồng trong nước và quốc tế. Cám ơn đồng đội Mạng
Lưới Blogger Việt Nam và đặc biệt là chị Đặng Thanh Chi đã miệt mài tranh đấu
và vận động cho người em của chị trong suốt 2 năm qua.
Những đoá hoa yêu thương của đồng bào Houston
Xin cám ơn sự quan tâm và tình cảm yêu thương mà tất
cả mọi người đã dành cho tôi và gia đình trong thời gian qua. Cám ơn thật nhiều
sự bao dung của mọi người vì đã bỏ qua những thiếu sót, những nông nổi nóng nảy
của tôi trước đây để mở rộng con tim và vòng tay hỗ trợ, đùm bọc cho gia đình
tôi trong lúc tôi đang bị tù đày.
Tôi đã trải qua 737 ngày buộc phải sống chung với sự
dối trá, chịu nhiều áp lực về tinh thần nhưng tôi biết tôi không hề cô đơn vì
xung quanh tôi vẫn còn có rất nhiều người đang chung tay nỗ lực vì nhân quyền
cho Việt Nam. Tôi tin rằng nếu chúng ta luôn bền bĩ đấu tranh cho tự do, luôn
giữ ngọn lửa khát vọng dân chủ cho nhau, cùng nhau nuôi dưỡng ý chí bảo vệ Tổ
Quốc, chúng ta sẽ chiến thắng độc tài cộng sản.
Sau những gì đã trải qua tôi tin rằng còn rất nhiều
điều phía trước đang đợi chúng ta cùng nỗ lực thực hiện để biến giấc mơ tự do
cho Việt Nam thành hiện thực. Mục tiêu tự do không thể và không bao giờ cho
riêng tôi hay gia đình tôi mà phải cho tất cả 90 triệu công dân Việt Nam.
Ở trong tù sống cùng Nguyễn Đặng Minh Mẫn, ra ngoài
được biết chị Trần Thị Nga và nhiều người khác phải nhận những bản án quá nặng
nề. Nhìn lại hình ảnh công an khám xét nhà, tịch thu những biểu ngữ tôi viết "Cá
cần nước sạch - Nước cần minh bạch", "Yêu cầu khởi tố
Formosa", "Formosa get out!"... Tôi biết mình sẽ phải
làm gì khi đã được tự do.
Một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn các anh chị, bạn
bè và mọi người đã thương yêu đùm bọc mẹ và hai con của tôi khi tôi bị cầm tù.
Cám ơn tất cả những nỗ lực tranh đấu và sự quý mến của mọi người dành cho tôi
trong suốt thời gian qua. Cám ơn các bác, cô chú, anh chị đã đến phi trường
chào đón gia đình tôi thật nồng ấm khi chúng tôi vừa đặt chân đến Houston,
Texas, Hoa Kỳ.
19.20.2018
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
-------------------------------------
XEM THÊM
8/10/2018
“Sự chào đón của mọi
người làm tôi cảm thấy không hề cô đơn chút nào trong suốt 787 ngày qua”, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh xúc động nói ngay giây phút đầu bước ra khỏi phi trường trong
vòng vây của cộng đồng người Việt và báo giới ở thành phố Houston, bang Texas,
Hoa Kỳ.
Blogger Mẹ Nấm đến phi trường George Bush vào khoảng
gần 11 giờ đêm 17/10, giờ địa phương.
Sau khoảng 1 giờ làm thủ tục, Mẹ Nấm và gia đình xuất
hiện trong tiếng hò reo của cộng đồng.
Gia đình blogger Mẹ Nấm chụp ảnh cùng cộng đồng sau khi đặt chân tới phi
trường George Bush vào sáng sớm ngày 18/10/2018.
Trước câu hỏi cho rằng nhiều nhà hoạt động sau khi
sang Mỹ đã im lặng, không lên tiếng như khi còn ở trong nước, Như Quỳnh khẳng định
“Tôi sẽ không im lặng”, và câu trả lời của cô đã nhận được hưởng ứng nồng nhiệt
của cộng đồng.
Blogger Mẹ Nấm đã được phóng thích khỏi nhà tù ở
Thanh Hóa và rời khỏi Việt Nam vào trưa ngày 17/10, sau những nỗ lực can thiệp
từ bên trong và bên ngoài Việt Nam.
Chia sẻ với VOA về giây phút đầu tiên gặp lại mẹ và
hai con trên máy bay, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xúc động nói:
“Mặc dù đã chuẩn bị trước cho việc phải gặp gia đình rất ngắn ngủi trước
khi đi nhưng tôi vẫn cảm thấy sốc khi con trai và con gái ôm tôi trên máy bay.
Chúng tôi đã chờ đợi hơn hai năm trời. Những gì họ đã cố gắng để chặn thông tin
và chặn sự tiếp xúc của chúng tôi cho đến phút cuối thì cảm xúc của con trai đã
vỡ òa trên máy bay. Có lẽ mọi người cũng đã nhìn thấy tấm hình đó."
"Tôi nghĩ sự đoàn tụ ngày hôm nay ngay trên máy bay sẽ là câu trả lời
cho chính những người đã bắt, giam giữ tôi trong suốt thời gian qua, rằng tôi
không cô đơn và tiếng nói yêu tự do không bao giờ lạc lõng như họ nghĩ”, blogger Mẹ Nấm nói thêm.
Trước đó hàng giờ, các cơ quan truyền thông và cộng
đồng người Việt đã có mặt tại phi trường để chào đón blogger 39 tuổi đã được nước
Mỹ, châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế vinh danh vì những đóng góp của cô trong
việc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam.
Chị Thảo Ly, một cư dân Houston, nói với VOA rằng
“chưa bao giờ chị vui như vậy” khi biết được tin Mẹ Nấm và gia đình được tự do
và đến Mỹ, nhưng không khỏi nghĩ tới những nhà hoạt động khác vẫn còn trong nhà
tù, trong đó có bà Thúy Nga, cũng có hai con nhỏ như trường hợp của Mẹ Nấm. Chị
Ly bày tỏ tin tưởng rằng “với Mẹ Nấm, tôi tin rằng dù sống ở bất cứ đâu thì cô
cũng vẫn tiếp tục con đường mà cô đang đi”.
Trong số những người có mặt tại sân bay quốc tế
George Bush, có cả những người đã lớn tuổi từ các thành phố lân cận đã lái xe đến
Houston giữa đêm để đón Mẹ Nấm và gia đình vì ngưỡng mộ sự can đảm của cô, mà
theo họ, “xứng đáng là một anh thư”, “con cháu bà Trưng, bà Triệu”, ông Tường,
83 tuổi, nói với VOA.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một blogger được biết tiếng
tại Việt Nam thông qua các bài viết và hoạt động liên quan đến những vấn đề nhạy
cảm như biểu tình chống Trung Quốc, vụ ô nhiễm môi trường do nhà máy Formosa Hà
Tĩnh gây ra ở vùng biển miền Trung Việt Nam, những cái chết trong đồn công an…
Năm ngoái, Việt Nam tuyên án blogger Mẹ Nấm 10 năm
tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88, nhưng nhiều
chính phủ, tổ chức quốc tế đã chỉ trích Việt Nam về bản án này.
Ngoài các giải thưởng về nhân quyền từ các tổ chức
quốc tế, vào tháng 3 năm ngoái, Mẹ Nấm còn được phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, bà
Melania Trump, trao giải “Phụ nữ can đảm”. Cô cũng được đề cử cho giải Nobel
Hòa Bình gần đây.
Mẹ Nấm là trường hợp mới nhất mà Việt Nam phóng
thích để đi tị nạn ở nước ngoài. Trước đó, một số nhà hoạt động cũng đã bị Việt
Nam phóng thích theo dạng này như LS. Nguyễn Văn Đài, blogger Điếu Cày…
LS. Lê Công Định, một cựu tù nhân chính trị ở Việt
Nam, nhận định trên trang Facebook cá nhân: “Sau
chiến công xuất khẩu lao động trả nợ các nước XHCN anh em những thập niên cuối
thế kỷ trước, đến chiến công xuất khẩu "những bông hoa nhỏ" giải quyết
nạn thất nghiệp nhiều năm gần đây, nay chương trình xuất khẩu tù nhân nhân quyền
đổi lấy giao thương quốc tế dần trở thành chiến công hiển hách mới của phong
trào cách [cái] mạng nước ta”.
Một trong những người đi đón gia đình Mẹ Nấm tại phi
trường ở Houston, GS. Nguyễn Chính Kết, thành viên khối 8406, tỏ ra thông cảm
và chia sẻ với lựa chọn ra đi của blogger Mẹ Nấm. Ông nói: “Người đấu tranh đích thực trong nước không
bao giờ muốn ra hải ngoại để tị nạn vì khi đã dấn thân, bất chấp nguy hiểm, là
họ đã có tấm lòng muốn hy sinh cho đại cuộc”.
Ngay sau khi Mẹ Nấm rời khỏi Việt Nam, Bộ Ngoại giao
Mỹ đã hoan nghênh quyết định của các nhà chức trách Việt Nam và kêu gọi Hà Nội
phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm khác đang bị giam cầm, một phát ngôn
viên của Bộ Ngoại giao nói với VOA qua một thông cáo.
No comments:
Post a Comment