Wednesday, October 24, 2018

BẢN TIN NGÀY 24-10-2018 (Báo Tiếng Dân)




24/10/2018

Tin Biển Đông

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Trung Quốc cứ ép ASEAN kiểu này, sẽ khó có COC. Về các yêu sách Trung Quốc dự định đưa vào COC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định: “Nếu các đề xuất này của Trung Quốc được chấp thuận, nó sẽ hạn chế chính việc thực thi chủ quyền, tính độc lập trong ngoại giao và năng lực hoạch định chính sách kinh tế của các nước (ASEAN)”.

Trang Viet Times bàn về 3 phương án đối phó Trung Quốc của Mỹ trên Biển Đông. Phương án thứ nhất là tiếp tục nhân nhượng, đề phòng xung đột leo thang ở Biển Đông dẫn tới chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc. Phương án thứ hai là giữ nguyên hiện trạng, ngăn chặn mọi hành động gây hấn của Bắc Kinh. Phương án thứ ba là khôi phục như trước, nghĩa là buộc Trung Quốc trở lại tình trạng trước khi lấn chiếm bất hợp pháp.

Thêm sóng ngầm ở Biển Đông: Đài Loan lên kế hoạch tập trận ở Trường Sa, theo RFI. Bài báo cho biết: “Tương tự như đợt thao diễn hồi tháng 05/2018, Đài Bắc cũng sẽ cho bắn đạn thật tại đảo Ba Bình mà Đài Loan gọi là Đảo Thái Bình, thuộc quần đảo Trường Sa”.

Infonet có bài lược dịch từ China News Service: Dàn tàu chiến Trung Quốc – ASEAN “đổ bộ” vào Biển Đông.Theo đó, cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa Trung Quốc với 10 nước ASEAN có sự tham gia của tám tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục, một tàu hộ vệ và một tàu tiếp vận của Trung Quốc.


Ông Trọng lên ngôi

Chiều 23/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức trở thành chính khách quyền lực nhất Việt Nam sau thời Lê Duẩn. Báo Zing đưa tin: Tổng bí thư được bầu làm Chủ tịch nước với 99,79% phiếu. Đó là kết quả tất yếu của một cuộc bầu cử chỉ với… một ứng cử viên duy nhất!

Trong lúc tuyên thệ, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Dưới cờ đỏ Tổ Quốc, trước Quốc hội và nhân dân cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, mà không thèm để ý rằng, không ít hành động của ông phủ nhận chính Hiến pháp của chế độ cộng sản Việt Nam viết ra.

Ông Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam ngày 23/10/2018. Ảnh: AP

Nếu có điều gì bất ngờ, thì đó chính là con số 99,79% đại biểu bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, chứ không phải 100% như thường lệ. Theo số liệu do báo chí nhà nước cung cấp, có một phiếu không đồng ý “trong tổng số 477 đại biểu có mặt ở hội trường”. Chỉ có hai khả năng: Thật sự có người to gan đến mức dám chống đối ông Trọng, hoặc chính ông Trọng cảm thấy “nhột” nếu mọi thứ diễn ra quá suôn sẻ, vì phe cánh của ông có toàn quyền kiểm soát kết quả kiểm phiếu.

Về quyền lực của Chủ tịch nước, bài viết trên Zing lưu ý: “Chủ tịch nước có quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân… quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân”. Đây là yếu tố khiến nhiều người đoán rằng ông Trọng sẽ tận dụng chức Chủ tịch nước để thiết lập quyền toàn trị gần như tuyệt đối trong đảng, đưa vây cánh vào quân đội.

Lãnh đạo thế giới chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo VnExpress. Tuy nhiên, dàn “lãnh đạo thế giới” được nói trong bài này chỉ toàn phe cánh cộng sản, gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith. A, có đây rồi, đại sứ Hoa Kỳ chúc mừng tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng!

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Vì sao Trung Quốc, Cuba, Lào kiên định mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước?, mà quên đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao ba quốc gia “kiên định” mô hình này đều tiềm ẩn bất ổn về kinh tế – chính trị – xã hội, trong khi thế giới văn minh không hề đánh giá cao sự “kiên định” ấy?

Báo Công an ND, trong mục “chống diễn biến hòa bình”, PGS, TS Trần Quang Tám có bài: Cảnh giác với thủ đoạn xuyên tạc việc bầu Chủ tịch nước. Tác giả viết: “Đây là nguyện vọng của hơn 96 triệu nhân dân Việt Nam tin tưởng trao gửi cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng, một con người có đủ phẩm chất và năng lực, kinh nghiệm và trí tuệ, bản lĩnh và uy tín, có tâm và có tầm để lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển và thịnh vượng“.

Facebooker Đinh Quỳnh Như viết: “Một đất nước có hơn 90 triệu dân mà không có nổi một người tài, để ông già 74 tuổi nắm tất cả quyền hành trong tay. Dân VN đâu? Các ông các bà cứ việc thờ ơ với chính trị đi, rồi một ngày những bất công những tai họa sẽ giáng xuống đầu các người, lúc đó thì nhà lầu, xe hơi, LV, Chanel cũng không giúp được gì đâu“.

Báo Tuổi Trẻ viết bài như thể Việt Nam sắp có bác Hồ tái thế:Tân Chủ tịch nước ở nhà công vụ, cuộc sống bình dị. “Cuộc sống bình dị” là lớp vỏ rất thường xuất hiện ở các lãnh tụ cộng sản chứ không chỉ ở Việt Nam, nhưng không thể thay đổi sự thật là các “lãnh tụ” đó mang lại họa nhiều hơn phúc, nhiều đau khổ và nước mắt hơn là hạnh phúc cho dân tộc, đất nước họ.

Trang Người Việt có bài: Hiểm họa ‘nhất thể hóa’ khi Nguyễn Phú Trọng ‘hốt liền’ chức chủ tịch nước. Bài viết dẫn lời một người dân bình luận: “Cũng là người Bắc có lý luận, ngày xưa ông Trịnh Kiểm còn biết hỏi ý ông Trạng Trình, để rồi không đoạt ngôi vua Lê mà chỉ ‘Giữ chùa thờ phật thì ăn oản’. Ổng Trọng đúng là gian hùng hơn chúa Trịnh!”

Một cựu đảng viên phân tích: “Với tuổi đó ông Trọng ngồi ngai vàng chắc chẳng bao lâu, vậy coi như Bắc Kinh dùng chuyện nhất thể hóa là một cách gài mìn tạo loạn có lợi cho họ”. Quả thật, diễn biến này mang lại không ít lợi ích cho Bắc Kinh.



Sau ông Nguyễn Bắc Son là ông Trương Minh Tuấn

Sau khi ông Nguyễn Bắc Son mất tư cách cựu Bộ trưởng TT-TT, đến lượt người kế nhiệm của ông là Trương Minh Tuấn chính thức bị mất ghế. Sáng 23/10/2018, Quốc hội xem xét miễn nhiệm Bộ trưởng với ông Trương Minh Tuấn, theo VnExpress. Các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu kín về chuyện miễn nhiệm ông Tuấn, người thay thế ông Tuấn là ông Nguyễn Mạnh Hùng. Tin này không mới, mà chỉ là thủ tục.

Trang PetroNews có bài: Hai đời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông liên tiếp bị xét kỷ luật. Bài viết lưu ý: Bộ Chính trị đã đánh giá rằng Ban cán sự đảng Bộ TT- TT đã có “làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và quá trình cổ phần hoá của Tổng Công ty Mobifone”.


“Công bộc” của dân?

Vụ nguyên Bí thư Bến Cát, Bình Dương bị khởi tố: Bắt thêm nguyên PCT xã, theo báo Đời Sống và Pháp Luật. Ông Nguyễn Minh Tâm, cựu Phó Chủ tịch UBND xã An Tây bị bắt vì liên quan liên quan đến vụ ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu Bí thư thị ủy Bến Cát phạm các tội: “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng ph픓Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Chuyện ở xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh: Bán đất trái luật, cán bộ xóm thu hàng trăm triệu đồng, theo báo Thanh Tra. Lợi dụng chương trình xây dựng nông thôn mới, một nhóm cán bộ xóm Đồng Yên đã bán trái phép hàng chục lô đất, thu gần 800 triệu đồng. Một người dân là ông Phan Văn Quyết nhận ra hành vi trái luật, đến nhà trưởng thôn để đòi lại tiền thì bị đánh nhập viện cấp cứu.

Đơn trình bày sự việc của ông Phan Văn Quyết, người đã bị đánh đến nhập viện khi đến nhà trưởng xóm Đồng Yên đòi lại tiền bán đất trái thẩm quyền. Nguồn: Thanh Tra

Công an tỉnh Phú Thọ vừa bắt phó Phòng TN-MT “giúp” phó chủ tịch huyện tham ô hơn 40 tỉ đồng, theo báo Người Lao Động. Người bị bắt là ông Nguyễn Anh Tuấn, phó trưởng Phòng TN-MT. “Trong quá trình công tác, Nguyễn Anh Tuấn đã để xảy ra sai phạm trong công tác giải phóng mặt bằng, giúp ông Nguyễn Văn Hòa tham ô hơn 40 tỉ đồng”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Để cha ruột xây ‘biệt phủ’ trái phép, chủ tịch UBND xã bị khiển trách. Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, đã để cha ruột là cựu Chủ tịch UBND xã Thới Sơn xây biệt phủ “có giá trị hàng chục tỉ đồng tại xã Thới Sơn từ năm 2016 đến nay nhưng chưa thực hiện các thủ tục về xây dựng, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.


Tin nhân quyền

RFA đưa tin: Mục sư Nguyễn Trung Tôn suy kiệt nhưng không được điều trị. Bà Nguyễn Thị Lành, vợ mục sư Tôn, nói với RFA: “Trại giam cũng không cho thuốc vào, tôi có đi gởi thuốc vào thì họ không cho gởi thuốc vào. Chồng tôi thì hiện nay chân cũng đi không nổi và sức khỏe cũng rất là suy sụp”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu VN đình chỉ thực thi luật ANM, theo BBC. Trong thư ngỏ gửi Quốc hội Việt Nam, ông Nicholas Bequelin, Giám đốc vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ân xá Quốc tế, kêu gọi “các đại biểu hãy có hành động tức thì và có hiệu quả nhằm đảm bảo rằng Luật An ninh mạng mới và Nghị định hướng dẫn luật này tôn trọng và bảo vệ quyền của mọi người dân tại Việt Nam”.


Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu VND: Lộ rõ bản chất ăn cướp

Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Đổi 100 USD sang tiền Việt, 1 thợ điện bị phạt 90 triệu đồng. Anh Nguyễn Ca Rê ở Cần Thơ mang 100 đô đến tiệm vàng Thảo Lực đổi lấy hơn 2,2 triệu tiền Việt Nam. Vừa bước ra khỏi tiệm vàng thì anh Rê bị lập biên bản vi phạm, vì bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Anh Rê bị UBND TP Cần Thơ xử phạt số tiền 90 triệu đồng và bị tịch thu số tiền anh đã đổi được.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Rê- Ảnh: Thanh Nguyên/ MTG

Riêng tiệm vàng Thảo Lực bị phạt 295 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động mua bán sản xuất hàng giả, hàng cấm. Ngoài ra, tiệm vàng này còn bị tịch thu 100 USD mà anh Rê mới đổi, 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo, trị giá gần 548 triệu đồng. Rõ ràng đây là hình thức cướp có giấy phép của UBND TP Cần Thơ.

Báo Lao Động có bài: Người dân sốc toàn tập khi hay tin đổi USD bị phạt 90 triệu đồng. Bài viết tổng hợp một số lời bình của người dân trước sự kiện người dân đổi ngoại tệ bị phạt 90 triệu. Một người dân chia sẻ: “Tôi thường được người thân cho tiền USD và thường xuyên đem ra tiệm vàng đổi. Giờ nghe thông tin này, tôi ớn quá. Phạt gần 100 triệu đồng, chắc tôi bán nhà để nộp”.

Đọc qua bình luận trên các báo VnEpxress, Người Lao Động, Lao Động, Thanh Niên… có thể thấy, xu hướng chung của các độc giả là thông cảm với người bị phạt và cho rằng luật này rất vớ vẩn. Không ít người khẳng định chuyện đổi USD ở tiệm vàng diễn ra thường ngày, vì giá quy đổi ở đó mới phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế.


“Lực lượng nòng cốt” của đảng

Chuyện ở Công ty Ivory Việt Nam, Thanh Hóa: Bị ép tăng ca, 3.000 công nhân may đình công, theo Zing. Các công nhân bắt đầu đình công từ sáng 23/10 để yêu cầu tăng lương và các khoản phụ cấp. Một công nhân chia sẻ: “Các chị em có con nhỏ mà cả tuần tăng ca từ sáng đến tận 21h mới về tới nhà. Trong khi đó tiền ăn và tiền thưởng đều rất thấp”.

Công nhân Công ty TNHH Ivory Việt Nam đình công đòi quyền lợi. Ảnh: Quỳnh An/ Zing

Báo Thanh Niên đưa tin: Nhiều công nhân đình công vì bất ngờ bị cho thôi việc. Đó là các công nhân ở Công ty Yesum Vina ở Khu chế xuất Linh Trung 2, Thủ Đức, Sài Gòn. Họ đình công để “phản đối công ty này đột ngột cho một số công nhân nghỉ việc nhưng không đảm bảo quyền lợi của người lao động sau khi nghỉ việc”.


Ô nhiễm môi trường

VOV đưa tin: Gần 170 tấn cá lồng, bè ở Tiền Giang chết chưa rõ nguyên nhân. Kỹ sư Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, “tuy chưa có kết luận chính thức nhưng qua kiểm tra lâm sàng và thực trạng các lồng, bè cá cho thấy cá chết hàng loạt tại xã Tân Thanh nhiều khả năng do ô nhiễm môi trường nước”.

Chuyện ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình: Dân “tố” Nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh xả thải gây ô nhiễm, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Một người dân chia sẻ về tình trạng ô nhiễm trên sông Dinh: “Đi ngược dòng sông thì phát hiện cống xả thải của nhà máy này, nước thải chảy ra ầm ầm, đục ngầu khu vực xung quanh đó hầu như không có cá sinh sống”.


***






No comments: