Thursday, October 18, 2018

BẢN TIN NGÀY 18/10/2018 (Báo Tiếng Dân)




18/10/2018

Blogger Mẹ Nấm rời khỏi nhà tù, đi Mỹ tị nạn

Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã được trả tự do sáng hôm qua, nhưng bị trục xuất đi Mỹ. Mạng lưới Blogger Việt Nam cho biết: “6:30 sáng, 17.10.2018, 2 xe mang biển số 80 của Bộ Công an và 1 xe 16 chỗ ngồi của trại giam đã chở Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rời trại giam để tống xuất Mẹ Nấm ra khỏi Việt Nam. Vì vé chuyến bay sẽ cất cảnh lúc 12 giờ trưa nên xe CA cố ý dừng lại ở trạm Cầu Giẽ Ninh Bình, nghỉ 40 phút để khi đến sân bay Nội Bài là gần sát giờ bay. CA đã hộ tống Mẹ Nấm vào cổng sau dành riêng cho nhân viên. Tại đây Công an chỉ cho phép Mẹ Nấm gặp nhân viên Đại sứ Quán Hoa Kỳ trong vòng 5′. Sau đó Mẹ Nấm đã lên máy bay cùng nhân viên của sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội“.

Việc trả tự do này diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến thăm Việt Nam. Blogger Mẹ Nấm bị bắt ngày 10/10/2016, bị kêu án tù 10 năm và đã ở tù đúng 2 năm và 7 ngày.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết: “Chỉ vài giờ sau cái bắt tay này giữa Sài Gòn, máy bay cất cánh đưa Mẹ Nấm và cả gia đình rời Việt Nam. Dời lại cả tháng so với dự kiến ban đầu, và cũng không đợi tới sau khi TBT Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Chủ tịch Nước, việc chọn trả tự do cho Mẹ Nấm vào đúng ngày Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch bắt tay Bộ trưởng Mattis giữa Sài Gòn sẽ còn là một diễn biến được bàn tán nhiều“.

VOA có bài: Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh việc blogger Mẹ Nấm được phóng thích. VOA cho biết, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong các cuộc trò chuyện trước, rằng “bà Quỳnh và gia đình đã ‘khẳng định rõ ràng’ với các quan chức Mỹ rằng bà muốn đến Mỹ nếu được ra tù“.

Blogger Mẹ Nấm. Ảnh: CRD

Ông Nicholas Bequelin, Giám Đốc Khu Vực Đông và Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng, việc trả tự do cho blogger Mẹ Nấm là tin vui, nhưng là lời nhắc nhở mọi người về thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ của nhà cầm quyền Việt Nam, khi họ bỏ tù bất cứ người nào dám chỉ trích chế độ. Ông Bequelin viết: “Mặc dù Mẹ Nấm không còn bị giam cầm, nhưng điều kiện để trả tự do là đi sống lưu vong, và vẫn còn hơn 100 người bị cầm tù vì nói lên suy nghĩ của họ một cách ôn hòa, ở nơi công cộng, trên blog hay Facebook“.

Ông Phil Roberston, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, viết: “Tuy chúng tôi vui mừng vì Mẹ Nấm và gia đình đã được tự do, nhưng việc trả tự do này cho thấy rõ hơn chiến lược đàn áp chính trị kiểu mới của Việt Nam: bắt giam các nhà hoạt động với những tội danh nguỵ tạo và vi phạm nhân quyền, rồi xử tù họ ở những phiên toà kangaroo, kết án họ với những án tù dài hạn. Rồi khi hy vọng của họ lụi tàn sau nhiều năm tháng khổ cực sau song sắt, thì trả tự do cho họ với cái giá phải đổi là lưu vong, lại còn nhận thành tích cho việc trả tự do này“.


Tin nhân quyền

Cũng tin nhân quyền, hôm nay tòa án tỉnh Nghệ An sẽ mở phiên phúc thẩm xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng. Hôm 16/8, tòa án tỉnh Nghệ An đã xử phiên sơ thẩm, kết án ông Lượng 20 năm tù giam và 5 năm quản chế, với tội danh “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, BLHS Việt Nam. Đây là mức án tù cao nhất dành cho giới tranh đấu.

Ông Lê Đình Lượng tại phiên toà sơ thẩm ở Nghệ An hôm 16/8. Ảnh: Getty Images

Trước phiên xử, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi nhà cầm quyền CSVN hủy bỏ án tù đối với ông Lượng. Ông Phil Roberston, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức này nói: “Bản án 20 năm dành cho ông Lê Đình Lượng là một trong những bản án khắc nghiệt nhất trong vụ đàn áp của chính phủ đối với các nhà hoạt động ôn hòa. Đây là cơ hội cho tòa án sửa sai, phân biệt giữa những lời chỉ trích chính phủ với các mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia, và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mọi người“.

Hôm qua, Tòa án tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử Facebooker Nguyễn Đình Thành, 28 tuổi, công tác tác tại Trung tâm y tế thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Anh Thành bị tuyên án 7 năm tù giam, tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Anh Thành đã đăng tải các bài viết trên Facebook để phản đối luật An Ninh mạng và dự luật Đặc Khu.

Anh Nguyễn Đình Thành tại phiên tòa. Ảnh: VH/ PLTP

Báo Dân Trí có bài: Gửi đơn kêu cứu, người phụ nữ vẫn bị thiêu sống, cơ quan chức năng có vô can? Chị Trần Thị Bé ở Đắk Nông bị ông Nguyễn Việt Hùng đánh đập, đe dọa giết. Chị Bé đã làm đơn tố cáo, gửi cơ quan công an và các cơ quan khác của tỉnh Đắk Nông cầu cứu, thế nhưng các cơ quan này chỉ yêu cầu đối tượng cam kết không được tiếp tục vi phạm và bảo nạn nhân phải phòng ngừa và “kịp thời báo với chính quyền địa phương nếu xảy ra tình huống xấu”. Kết quả là, nạn nhân đã bị thiêu chết không lâu sau đó.


Thủ phạm dọa giết nhà báo là… cậu bé 15 tuổi (?!)

Báo Dân Trí đưa tin: Ngày 3/6/2018, nhà báo Trần Đại, phụ trách văn phòng Báo Nhà báo & Công luận ở Thanh Hóa đã liên lạc với ông Bùi Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lợi, xác minh thông tin phản ánh của người dân về việc ông Tuấn Anh “rời nhiệm sở trong giờ hành chính để đi tham gia đấu giá đất“.

Cùng ngày, nhà báo Trần Đại nhận được điện thoại gọi tới đe dọa. Số điện thoại đó đăng ký tên Bùi Tuấn Anh. Thế nhưng, sau hơn 4 tháng điều tra của Công an tỉnh Thanh Hóa đã cho ra kết quả, người gọi điện thoại đe dọa nhà báo Trần Đại là cháu Trịnh H.K., 15 tuổi, con trai bà Lê Thị Hương, là người mà nhà báo Đại không hề quen biết!

Cũng chuyện nhà báo bị đe dọa, chiều 15/10/2018, ông Nguyễn Thanh Ba, phóng viên báo điện tử VTC News và Nguyễn Văn Cường, phóng viên báo QĐND, đã bị hành hung, doạ giết khi đang tác nghiệp tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, tỉnh Đà Nẵng. Họ bị tịch thu laptop, bị khống chế đưa về phòng làm việc của công ty phụ trách bãi rác. Phóng viên Thanh Ba đã có đơn tường trình gửi các cơ quan chức năng.

Đơn tường trình vụ việc của anh Nguyễn Thanh Ba. Ảnh: DT


Văn hóa từ chức trong đảng

Tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cán bộ cấp cao phải gương mẫu, nghiêm khắc với bản thân“. Ông Trọng nói rằng, “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật“.

Minh họa: Hùng Dingo/ CAND

Cựu Phó ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương: Đưa vấn đề từ chức thành tấm gương của cán bộ. Người VN hiếm khi từ chức, vì nhiều lý do, ông Hương chỉ nêu được một lý do đó là: Người Việt Nam có tâm lý ‘phù thịnh không phù suy’, có nghĩa là “khi còn đương chức thì tôi hầu hạ, tâng bốc anh, còn khi anh về hưu thì tôi không đến nữa“.

Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là, từ chức rồi, các quan không còn cơ hội để tiếp tục bòn rút của dân, chưa kể nguy cơ bị gỡ lịch. Ông Hương nói: “Đất nước thất thoát hàng nghìn nghìn tỷ nhưng không ai chịu trách nhiệm như các vụ án ở ngân hàng, dầu khí, vụ Vinashin, Vinalines… Người này đổ lỗi cho người khác, trong khi thành tích thì nhận về mình“. Mặc dù trong đoạn này, ông Hương không nói tới tên ai, nhưng mọi người đều biết, ông ám chỉ không ai khác ngoài “đồng chí X”.


***







No comments: