Thursday, October 11, 2018

BẢN TIN NGÀY 11-10-2018 (Báo Tiếng Dân)




11/10/2018

Nhân quyền ở Việt Nam

Thêm một tiếng nói bất đồng ở Cần Thơ bị bắt, đó là ông Lê Minh Thể, 53 tuổi. Ông Thể bị công an TP Cần Thơ bắt giữ tại nhà riêng, số 367 Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ vào chiều ngày 10/10/2018. Theo cư dân mạng, ông Thể bị bắt là do ông thường lên Facebook live stream chống Trung Quốc, phản đối chính quyền CSVN. Mời xem clip cuối cùng của ông Thể live stream trên Facebook, chỉ vài tiếng trước khi ông bị bắt: https://www.facebook.com/leminh.the.54/videos/310229853136962/

Báo Thanh Niên đưa tin: Khởi tố, bắt giam nghi can livestream kích động biểu tình trên Facebook. Bài báo dẫn nguồn từ công an, cáo buộc ông Thể sử dụng Facebook đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung “xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước”, “kết nối với các đối tượng phản động trong và ngoài nước, phát trực tiếp các video kêu gọi, kích động người dân tham gia biểu tình phản đối dự thảo Luật đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng“.

Hôm nay, TNLT Đinh Nguyên Kha sẽ mãn án 6 năm tù giam. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha nói với RFA: “Bữa hôm 8 Tây cô ra tận trại tù cô thăm Đinh Nguyên Kha một lần chót để cô hỏi hỏi kỹ nó có đúng là 11 Tây tháng 10 họ thả không. Thì đúng như vậy. Thằng cán bộ cũng nói 11 Tây tháng 10 thả nhưng mà họ sẽ đưa về địa phương quản lý chứ không cho thằng Kha tự động đi về. Mình không biết họ đưa về chỗ nào thành ra ngày mai cô cũng đi săn đón coi ngày mai đưa về chỗ nào chứ họ cũng không muốn mình đi đón thằng con mình.”

Năm 2013, sinh viên Đinh Nguyên Kha đã bị TAND tỉnh Long An kết án 10 năm tù, với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, cùng người bạn của mình là Nguyễn Phương Uyên, bị kết án 6 năm tù. Tại phiên tòa phúc thẩm, Đinh Nguyên Kha được giảm 4 năm tù, còn Nguyễn Phương Uyên được hưởng án treo và 52 tháng thử thách.

Cũng tin nhân quyền, năm người dân bị công an huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khởi tố, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” khi tham gia phản đối trạm BOT cầu Sông Cái Nhỏ, gồm: Phạm Hoàng Qui, 35 tuổi, Trần Thanh Tùng, 30 tuổi, Phạm Anh Vũ, 19 tuổi, cùng ngụ ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và Trần Thiện Thắng, 40 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Tuyền, 29 tuổi, cư trú ở quận Tân Bình, Sài Gòn.

Những người này bị cáo buộc có hành vi tập trung đậu xe tại trạm BOT cầu Sông Cái Nhỏ gây ùn tắc giao thông, ngăn cản, thậm chí hành hung và ngăn cản xe cảnh sát làm nhiệm vụ.


Gấp rút soạn thảo Luật An ninh mạng

Trước sự phản đối mạnh mẽ của người dân về luật An Ninh mạng, luật này nhằm bóp nghẹt tiếng nói của người dân, mới đây theo yêu cầu của thủ tướng, Bộ Công an gấp rút xây dựng 3 văn bản về Luật An ninh mạng, gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Luật An ninh mạng được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 12/6/2018 với tỷ lệ 86,86% đại biểu tán thành và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Trong khi ĐBQH bù nhìn “bấm nút” tán thành, thì người dân lại phản đối kịch liệt, hàng ngàn người dân trên cả nước xuống đường biểu tình phản đối luật này hồi tháng 6, nhiều người đã bị bắt giam và bị đưa ra tòa xử tội “gây rối trật tự công cộng”.

Nói về Luật An ninh mạng, facebook Nguyễn Đức Minh có bài viết: Luật An Ninh mạng ảnh hưởng tới mỗi cá nhân như thế nào? Dựa vào một số văn bản công bố, tác giả cho biết, khi luật được triển khai, sẽ kiểm soát mọi thông tin cá nhân của người dân, tất cả mối quan hệ bạn bè và những người bạn thường xuyên liên lạc, nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch…


Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm

Hôm qua, nhiều dân oan Thủ Thiêm xuống đường biểu tình phản đối nhà hát giao hưởng. Một người dân nói rằng, dân Thủ Thiêm và Trường Thịnh nguyện sẽ đổ máu trong nhà hát đó. Mời xem clip của DTV: https://www.youtube.com/watch?v=BVeum9e_JiQ

Trong khi dự án nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ đồng đang bị nhiều người lên tiếng phản đối, thì ca sĩ Mỹ Linh đã lên tiếng ủng hộ. Cô ca sĩ này đang bị cộng đồng mạng ném đá nên đã phải gỡ bỏ bài viết trên Facebook, nhưng hình ảnh và nội dung bài viết đã được nhiều người chụp lại.

Bà Trương Thị Yến, đại diện cho nhóm dân oan Trường Thịnh, Thủ Thiêm nói với VOA: “Cô ca sĩ Mỹ Linh đang ở chỗ nào? Tôi cần gặp cô đó. Lý do gì mà cổ ủng hộ nhà hát đó trong khi tài sản của nhân dân chúng tôi bị cướp hết? Người dân chúng tôi phải sống khổ sở, lầm than, đói khát. Tài sản của dân thì không trả, mà chính quyền lại cất nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ trên phần đất của dân chúng tôi, cất nhà hát giao hưởng trên xác người, trên mồ hôi nước mắt của nhân dân”.

Facebooker Nickie Tran viết: “Chị có thấy 15,000 hộ gia đình đang sống yên ấm trong tổ ấm của mình bỗng chốc bị đẩy ra rìa xã hội, bị xé rách nát niềm tin và hi vọng, bị chà đạp quy chụp phản động, bị đẩy vào khu tạm cư không dành cho người và nỗi đau của họ bị nhốt lồng lộn vài chục năm trời không ai đoái hoài để rồi một ngày nọ họ được ve vuốt bằng những bài nhạc Giao Hưởng đxx liên quan gì đến cuộc đời họ?

Ngoài ra, còn rất nhiều cư dân mạng lên tiếng phản đối vụ xây nhà hát giao hưởng lẫn ca sĩ Mỹ Linh, thậm chí, nhiều người đòi khơi lại vụ ca sĩ này đã từng xây biệt thự ở khu rừng cấmSóc Sơn, Hà Nội, trước đây.

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cũng ủng hộ việc xây nhà hát giao hưởng. Báo Dân Trí có bài: Nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm: “Giá trị nhà hát lớn hơn nhiều so với công năng thuần túy”. Ông Du nói: “Một khu đô thị tốt cần hài hòa một cách tổng thể với các điểm nhấn kiến trúc và nhà nước cần song hành với thị trường. Nhìn trong bối cảnh đó thì việc xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm là cần thiết và hợp lý“.

Facebooker Tin Phạm có clip: Dân oan Thủ Thiêm 2 – Năm Căn Cà Mau sát cánh cùng dân oan Thủ Thiêm Sài Gòn đòi sự thật, công lý. Cùng bị oan như dân Thủ Thiêm, người dân Năm Căn, tỉnh Cà Mau cũng đã bị oan ức suốt 17 năm qua, sau vụ cháy chợ thị trấn Năm Căn rạng sáng 25/7/2001, thiêu rụi 99 căn nhà.

Tác giả viết, “mất nhiều không chỉ là người dân, mà chính quyền cũng đã và đang mất. Rất nhiều. Cũng gần như tất cả với lối hành xử vô đạo cướp đất của những nạn nhân vừa trải qua một trận hỏa hoạn thật tội nghiệp, đáng thương kia. 17 năm sau, các hộ dân vụ cháy liên tục khiếu (kiện), kiện tụng: kết quả là những bản án bất công của 3 cấp Tòa án như lưỡi dao oan nghiệt, ngày một ngày hai chực chờ rơi xuống đầu những dân oan thấp cổ, bé miệng…”



Chưa kiểm soát được lộng quyền trong lãnh đạo

Báo Thanh Niên có bài: ‘Có người lạm quyền, lộng quyền nhưng chưa có cơ chế kiểm soát’. Đó là phát biểu của ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại hội nghị góp ý dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Ông Chính nói: “Vừa qua, qua công tác giám sát, kiểm tra các vấn đề liên quan tới công tác cán bộ cho thấy, việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định. Nói cách khác, có những đồng chí được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền mà chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát”.


Cựu công an lãnh án vì buôn ma túy

Báo Vietnamnet đưa tin: Hà Nội: Nguyên cán bộ Công an quận lĩnh án 18 năm tù do buôn ma túy. TAND TP Hà Nội đã tuyên án 18 năm tù đối với Đoàn Hải Nam, cựu công an quận Hoàng Mai, tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Liên quan đến vụ án còn có 5 bị cáo khác, gồm: Nguyễn Thị Cẩm Nhung, 19 năm tù; Lê Thị Thùy Dung, 18 năm tù, Nguyễn Bảo Cường, 17 năm 6 tháng tù, Đoàn Phương Duy, 15 năm tù.

Ở Bình Thuận, TAND huyện Hàm Thuận Bắc tuyên án 3 năm 6 tháng tù giam đối với ông Huỳnh Thúc Mẫn, cựu chủ tịch xã La Dạ, và cựu kế toán xã là Dương Ngọc Như Hiền, 2 năm tù, do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cáo trạng cho biết, trong thời gian giữ chức chủ tịch xã La Dạ, ông Huỳnh Thúc Mẫn cùng với kế toán Dương Ngọc Như Hiền đã gây thất thoát hơn 280 triệu đồng trong vụ tráo máy móc hỗ trợ cho người nghèo ở Bình Thuận.


Clip giáo viên hành hung người giúp việc?

Báo Phụ Nữ Today có bài: Clip nữ giáo viên THCS tát tới tấp vào mặt, đá vào bụng người giúp việc gây phản ứng trái chiều. Theo đó, một đoạn clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người phụ nữ từ bên ngoài lao vào đánh tới tấp một người phụ nữ ngoài trung niên, được cho là người giúp việc, ngay trước mặt một cụ già, đang gây bất bình trong cộng đồng mạng. Người đăng tải clip cho biết, người phụ nữ mặc áo hồng hiện đang là giáo viên tại một trường THCS.


***






No comments: