Monday, October 8, 2018

BẢN TIN NGÀY 08.10.2018 (Báo Tiếng Dân)




08/10/2018

Nhân quyền ở Việt Nam

Thông tin từ Phòng thông tin Phật giáo Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (PGVNTN) cho biết, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đức Tăng thống của Giáo hội PGVNTN đã bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn ngày 15/9 vừa qua, nơi ngài đã tá túc hàng chục năm qua sau khi ra tù năm 1998.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết, người đuổi Đức Tăng thống là hoà thượng Thích Thanh Minh, “vốn bao năm nay không muốn ngài lưu trú ở Viện, nên nhân dịp có ‘lệnh’, đã nhanh chóng đẩy ngài ra đi, khoá sập phòng riêng của Đức Tăng Thống vì sợ ngài quay lại“. Đức Tăng Thống năm nay ngoài 90 tuổi, mang nhiều bệnh tật, với vài bộ quần áo, bơ vơ lên xe lửa về Thái Bình, nơi ngài từng bị cô lập nhiều năm trước đó.

Đức Tăng Thống đang ngồi đọc Thông cáo Báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế những ngày cuối cùng tại Thanh Minh Thiền Việt hôm 3.9.2018. Ảnh: IBIB

Ông Võ Văn Ái, người phát ngôn của Giáo hội PGVNTN, nói với RFA: “Vào ngày 15/9 vừa qua như chúng tôi viết trong thông cáo báo chí là Hoà thượng Thanh Minh mời ngài ra khỏi Thanh Minh Thiền viện nhưng vì lịch sự mà chúng tôi nói vậy nhưng kỳ thực đó là đuổi ra khỏi Thanh Minh Thiền viện và ngài không có một nơi nào để có thể tá túc được do áp lực chính trị. Do vậy ngài đã phải rày đây mai đó và tới ngày 5/10 ngài quyết định lấy tàu suốt về quê tổ của mình là ở Thái Bình”.

Hoà thượng Thích Quảng Độ từng bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù nhiều năm giai đoạn 1970 – 1980. Năm 1995, bị kết án 5 năm từ giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Đến năm 1998, dưới áp lực của Mỹ, ngài được trả tự do trước thời hạn và bị yêu cầu phải đi tỵ nạn tại Mỹ nhưng ngài từ chối. Ngài đã nhận nhiều giải thưởng nhân quyền quốc tế, cũng như đã từng được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Cũng tin nhân quyền, VOA dẫn tin từ Chiến dịch NOW: VN đang giam giữ 246 tù nhân lương tâm. Theo báo cáo của tổ chức Now Campaign, Việt Nam hiện giam giữ ít nhất 246 tù nhân lương tâm trong tù, hoặc ở điều kiện tương tự như ở tù, hầu hết bị cáo buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước” hay “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Con số này tăng hơn 80 người so với 165 người vào thời điểm tháng 11/2017, biến Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 trong khu vực ĐNA về số lượng người hoạt động bị giam cầm, chỉ sau Myanmar.

Cũng theo Now Campaign, chỉ 9 tháng đầu năm 2018, có 24 nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ, 33 người bị kết án với tổng mức án tù 225,5 năm tù, 56 năm quản chế. Ngoài ra, Việt Nam còn kết án 66 người tham gia biểu tình chống Luật Đặc khu và luật An ninh mạng, với tổng 113 năm và 5 tháng tù, cùng 89 tháng quản chế.

Ông James Gomez, Giám đốc Ân xá Quốc tế, khu vực Đông Nam Á, tuyên bố: “Việt Nam là một trong những nhà tù giam giữ nhiều nhà tranh đấu hòa bình nhất Đông Nam Á – một danh hiệu đáng xấu hổ. Cả 97 tù nhân lương tâm mà chúng tôi biết được là những con người can đảm, đã bị mất đi tự do chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền. Điều tệ hại nhất là con số này có thể thấp hơn so với thực tế”.


Lại mạo danh nhân dân

Báo Giáo Dục VN có bài: “Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc hợp ý Đảng, lòng dân“. Chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương của cái đảng ông đồng ý để ông ôm luôn cái ghế Chủ tịch nước, đó là chuyện của đảng ông, không phải là ý của người dân, bởi lãnh đạo đảng CSVN chưa hề hỏi ý kiến của dân bao giờ.

Dù chưa hỏi ý kiến của dân, cũng như chẳng coi ý kiến của dân ra gì, khi nhiều lần người dân viết kiến nghị gửi cho lãnh đạo đảng và nhà nước, các ông chưa từng trả lời, thế nhưng khi cần hợp thức hóa sự kiện quan trọng nào đó của đất nước, thì các ông lại mang nhân dân ra làm bình phong. Vụ TBT Nguyễn Phú Trọng vừa ôm luôn cái ghế Chủ Tịch nước, ông Nguyễn Ngọc Bảo, là ĐBQH khóa 13, bịa đặt rằng: “Nhân dân luôn tin tưởng ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng”.

Ông Bảo nói: “Trước đây, đồng chí giữ trọng trách là Tổng Bí thư đã là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn rồi, nhưng bây giờ khi được nhân dân tiếp tục tín nhiệm ủng hộ, Đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri bầu giữ trọng trách làm Chủ tịch nước thì nhiệm vụ của đồng chí sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Điều đó cho thấy nhân dân luôn tin tưởng ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng“.


Tăng giá xăng ngay trong dịp quốc tang

Nhân dịp quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cựu TBT Đỗ Mười, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã hưởng ứng hai sự kiện này bằng cách tăng giá xăng dầu lên mức 1000 đồng/lít. Nhà báo Hoàng Hải Vân có bài: Trục lợi ngay trong hai lần quốc tang. Tác giả viết, trong khi cả nước treo cờ rủ, ngừng các hoạt động vui chơi giải trí để tổ chức Quốc tang, thì Bộ Tài chính và Bộ Công thương nhân cơ hội này trục lợi bằng việc tăng giá xăng dầu.

Tác giả đặt câu hỏi: “Cơ chế thị trường gì mà kỳ cục vậy? Quyết định tăng giá xăng dầu hoàn toàn không phải là xử lý chuyện nước sôi lửa bỏng gì, nó chẳng qua là giúp cho nhóm doanh nghiệp độc quyền này không bị giảm lợi nhuận, nói trắng ra là giúp cho nhóm độc quyền này trục lợi mà thôi. ‘Đánh đĩ’ mười phương thì phải chừa ra một phương chứ, sao nhằm vào ngày quốc tang mà trục lợi?”

Nhưng cũng có ý kiến khác nói rằng, nhiều người dân sẵn sàng chấp nhận xăng tăng giá mỗi ngày, cũng như ngưng các hoạt động vui chơi, nếu ngày nào đất nước cũng có quốc tang. Bởi mỗi lần có quốc tang là người dân ăn mừng, khi có thêm một kẻ sâu dân, mọt nước đi theo Các Mác – Lenin.


Nhiều sai phạm tại hai nhà máy thép Đà Nẵng

Ngày 7/10/2018, Thanh tra TP Đà Nẵng đã công bố kết luậnliên quan đến hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, ở huyện Hoà Vang, gây ô nhiễm, bị người dân phản đối suốt thời gian qua. Kết quả thanh tra dài 26 trang, chỉ ra nhiều sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trái quy định, nhà máy hoạt động trong khu công nghiệp không phù hợp, thay đổi thiết kế dây chuyền sản xuất và đặc biệt sản xuất vượt công suất đăng ký…

Báo Lao Động có bài: Sai phạm 2 nhà máy thép: Có sự góp công của 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng. Theo đó, trách nhiệm của lãnh đạo TP Đà Nẵng giai đoạn 2007-2014 thuộc về cựu chủ tịch Trần Văn Minh và cựu chủ tịch Văn Hữu Chiến. Cả hai vị cựu chủ tịch này đang bị điều tra vì liên quan đến vụ án Vũ ‘nhôm’.

Dù sai phạm trong việc ‘ngó lơ’ để nhiều dự án vi phạm về luật đất đai, nhưng chủ tịch UBND xã Hòa Liên, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Đà Nẵng qua các thời kỳ chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Về những sai phạm tại hai nhà máy thép, thay vì truy cứu trách nhiệm người đứng đầu nhà máy và ngưng hẳn hoạt động, hai công ty này chỉ bị nhắc nhở chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục đối với các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động và bảo vệ môi trường.


Quan địa phương “ăn đất”

Báo Người Lao Động đưa tin: Quan xã lập hồ sơ khống “ăn chặn” 800 triệu đồng. Công an huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, đã bắt tạm giam và khởi tố Hoàng Văn Sơn, cán bộ địa chính xã Quảng Lộc và Bùi Ngọc Dũng, trưởng thôn 3, xã Quảng Lộc về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Trưởng thôn 3 và cán bộ địa chính xã Quảng Lộc bị khởi tố, bắt giam vì lập hồ sơ khống ăn chặn tiền của nhà nước 800 triệu đồng. Ảnh: Báo TN

Theo kết luận, Sơn và Dũng đã câu kết với nhau lập khống hồ sơ, tăng diện tích bồi thường của các hộ dân thôn 3 để chiếm đoạt của nhà nước gần 800 triệu đồng.

Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Cấp đất rừng lấn chiếm cho dân, nữ cán bộ bị khởi tố. Tỉnh Gia Lai giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý hơn 9.100 ha đất lâm nghiệp, nhưng đã bị “bốc hơi” gần 2.500 ha. Công an khởi tố lãnh đạo Ban này và một số lãnh đạo địa phương, cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan có liên quan, tiếp tay hô biến đất rừng thành đất tư nhân.


Giáo dục Việt Nam

Báo Giáo Dục VN đưa tin: Hiệu trưởng Phương Liễu bị khai trừ Đảng, chuyển hồ sơ sang công an. Theo đó, ông Nguyễn Văn Huy, cựu hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, bị khai trừ khỏi Đảng và chuyển hồ sơ sang công an, tội tham ô tài sản của giáo viên và học sinh.

Trước đó, trong thời gian giữ chức hiệu trưởng Trường THCS Bồng Lai, giai đoạn 2009-2011, ông Huy đã bị một giáo viên trong trường tố cáo hành vi tham ô. Thế nhưng, người tố cáo sau đó bị trù dập đã phải xin nghỉ hưu, riêng ông Nguyễn Văn Huy được chuyển qua làm hiệu trường Trường THCS Phương Liễu.

Cũng tin giáo dục, mặc dù chỉ mới tốt nghiệp và đi dạy 1 năm rưỡi, nhưng cô Lê Thị Xoa đã được bổ nhiệm “thần tốc” từ giáo viên tập sự, lên giáo viên chính thức, rồi nhảy lên làm Hiệu phó và sau đó là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nhờ có anh là Trưởng phòng Nội vụ huyện này.

Cô Bùi Thị Phương Minh, cựu hiệu trưởng một trường tiểu học của huyện, là người tố cáo vụ việc này, nói rằng: “Việc bổ nhiệm Hiệu phó cho cô Xoa trong thời hạn 1 năm rưỡi như trên là trái với quy định của pháp luật”. Đồng thời, đặt nghi vấn trong đơn, phải chăng cô Xoa là em gái của Trưởng phòng Nội vụ huyện Bù Gia Mập nên được bổ nhiệm thần tốc?


***






No comments: