Thursday, October 4, 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 4.10.2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
04/10/2018

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 30/9 vừa rồi đã xảy ra vụ chạm trán giữa tàu chiến của Mỹ đang thực hiện tự do hải hành ở Biển Đông và tàu chiến Trung Quốc ở khoảng cách dưới 50m, khi tàu Trung Quốc lao lên phía trước chặn trước mũi tàu. 

Trang thông tin hàng hải và khai thác dầu khí Captain vừa tiết lộ những bức ảnh tại hiện trường, cho thấy, tàu TQ vượt lên chặn trước mũi tàu chiến của Mỹ ở một khoảng cách rất gần và nguy hiểm, trong khoảng cách ngắn hơn 41 m được báo cáo trước đó. Quan chức Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận với báo Japan Times rằng những bức ảnh này là thật, nhưng chúng được công bố không phải bởi hải quân Hoa Kỳ mà dường như đây là một vụ rò rỉ thông tin.

Hai tàu chiến ở khoảng cách rất gần nhau

Aaron Connelly, giám đốc Dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy của Úc, nhận định, bước tiến mới trong mức độ hung hăng của Trung Quốc hẳn không phải chỉ là tình cờ xảy ra ngay sau hoạt động tự do hải hành đầu tiên ở quần đảo Hoàng Sa bởi tàu HMS Albion, một đồng minh của Mỹ. “Có lẽ Bắc Kinh đang muốn phát tín hiệu tới những đồng minh và đối tác khác của Hoa Kỳ rằng họ sẽ không tránh khỏi mạo hiểm nếu tiến hành các hoạt động tự do hải hành”. Connelly cũng cho biết, những chuyến tự do hải hành như vậy của Mỹ hầu như không gặp sự cố gì xuyên suốt thế giới.

Connelly nhận xét: “Chúng ta hãy rõ ràng: Bắc Kinh đang tạo những mối nguy hiểm cho khu vực này”.

Ashley Townshend, giám đốc chương trình Chính sách Đối ngoại và Phòng thủ tại Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ đưa ra quan sát, cùng với sự leo thang ở mức độ hung hăng, Trung Quốc dường như đang quay lưng với một số biện pháp xây dựng lòng tin trong thời gian căng thẳng đang leo thang: hủy bỏ các cuộc đàm phán hải quân, hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis, và từ chối không cho tàu Hải quân Mỹ cập cảng Hồng Kông. Điều này làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng.

Nên giải thích những hành vi này của Trung Quốc như thế nào? Townshend đưa ra giả thuyết, rằng Trung Quốc vừa cảm thấy lo lắng về phản kháng chiến lược của Hoa Kỳ và đồng minh, vừa được khuyến khích bởi sự hiện diện ở Biển Đông và sức mạnh quân sự, nước này đã phát đi tín hiệu bộc lộ sự cam kết với các yêu sách của mình ở Biển Đông thông qua hành vi liều lĩnh.

Một điều hiển nhiên dễ thấy là tình thế giờ đã trở nên nguy hiểm. Trung Quốc đang cảm thấy bị đe doạ và ngày càng bạo gan, một chính sách Mỹ cơ bắp hơn, căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc, và sự suy giảm cam kết của Trung Quốc đối với các biện pháp xây dựng lòng tin, tất cả những yếu tố này không phải là một sự pha trộn phục vụ cho ổn định khu vực, Townshend kết luận.

Ngày 3/10, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Christopher Pyne, bày tỏ, đây là một sự kiện “rất đáng quan ngại”, trang Zingdẫn lại từ báo Guardian.

Ông Pyne, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, nói với báo Guardian“Chính phủ Úc sẽ xem bất kỳ việc sử dụng chiến thuật hù dọa nào tại Biển Đông là ‘gây bất ổn và nguy hiểm tiềm tàng. “Úc đã liên tục bày tỏ lo ngại về diễn tiến quân sự hóa liên tục ở Biển Đông và chúng tôi tiếp tục thúc giục tất cả các bên yêu sách phải kiềm chế các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Còn Thủ tướng Úc Scott Morrison thì nói, Úc cần đóng vai trò của những cái đầu bình tĩnh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giữa một bên là Hoa Kỳ, đồng minh an ninh của Úc, với bên còn lại là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, theo trang The Age.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm thứ Tư, ông Morrison cho biết, Úc có “mối quan hệ rất mạnh mẽ với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc”. Và cũng làm việc chặt chẽ với các đối tác quốc phòng trong khu vực.

Ông nói, nước Úc đang “tham gia với mọi người một cách rất bình tĩnh và đảm bảo rằng chúng tôi đang làm việc cho những kết quả chiến lược tốt nhất cho tất cả các bên liên quan, nhưng quan trọng nhất là lợi ích quốc gia của Úc”.









No comments: