Thursday, January 25, 2018

VIỆT NAM : 12 NĂM TÙ VÌ 'TREO CỜ VNCH' (tin tổng hợp)



24/01/2018

Bốn tín hữu Phật giáo Hòa Hảo ở tỉnh An Giang đã bị chính quyền Việt Nam tuyên án tù vì đã treo cờ vàng của Việt Nam Cộng hòa. Cờ vàng là một biểu tượng của chế độ đã cầm quyền ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, mà Hà nội coi là kẻ thù của mình.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy Vương Văn Thả tại phiên tòa ngày 23/1/18 ở tỉnh An Giang.

Hãng tin AFP hôm 24/1 loan tin Tòa án tỉnh An Giang hôm 23/1 tuyên án ông Vương Văn Thả, 49 tuổi, 12 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật Hình sự. Ông Vương Thanh Thuận, 28 tuổi, con trai ông Thả, bị tuyên 7 năm tù giam về cùng tội danh, và hai cháu trai song sinh của ông Thả là Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng, 33 tuổi, bị tuyên án 6 năm tù giam.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, sau khi mãn hạn tù, cả bốn người còn phải chấp hành hình phạt quản chế 3 năm tại địa phương.

Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy ở tỉnh An Giang

Truyền thông trong nước trích cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh An Giang nói vào đầu năm 2017, ông Thả sử dụng loa phát thanh để “tuyên truyền với những lời lẽ bịa đặt, xuyên tạc, vu khống chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam”, đồng thời cáo buộc ông là đã chỉ đạo cho con trai, là Vương Thanh Thuận, đưa những thông tin này lên Facenook để “kích động mọi người treo cờ vàng ba sọc đỏ vào ngày 30/4/2017, và xuống đường gây rối.”

Ngoài ra, cáo trạng nói ông Thả kêu gọi ký tên ủng hộ, tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của ông Đào Minh Quân ở Hoa Kỳ. Ông Thả được cho là đã “chỉ đạo” cho Thuận, Trường, Thượng và những người trong gia đình may cờ vàng ba sọc đỏ, và ông Thả liên lạc với với một người tên Kelly Triệu trên mạng Facebook để được hướng dẫn cách tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.”

Thông Tấn xã Việt Nam nói vào sáng ngày 30/4/2017, ông Thả treo cờ ba sọc đỏ trên nóc nhà, “dùng những lời lẽ bôi nhọ, phỉ báng chính quyền, tuyên truyền chống Nhà nước.”

Các video clip trên mạng cho thấy ông Thả cùng các thành viên trong gia đình có tất cả 9 người bị cô lập, cắt điện nước, bị khủng bố dưới hình thức bị người “lạ mặt” ném đá vào nhà. Ông Thả lên mạng xã hội cầu cứu dư luận khắp nơi, đã có một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiệp thông, quan tâm, và giúp đỡ gia đình ông.

Vào ngày 18/5/2017, chính quyền Việt Nam bắt ông Thả, con trai và hai cháu trai của ông. Họ thu giữ 1 lá cờ vàng ba sọc đỏ, thiết bị tăng âm, và các video clip do ông Vương Văn Thả phát tán trên mạng để làm bằng chứng buộc tội.

VIDEO :

-----------------------

BBC Tiếng Việt
24 tháng 1 2018

Tòa án tỉnh An Giang xử tù bốn người về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước", trong đó có việc treo lá cờ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/2017.

Tại phiên sơ thẩm hôm 23/1, ông Vương Văn Thả, sinh năm 1969, bị án 12 năm tù.
Người con trai Vương Thanh Thuận, sinh năm 1990, bị án bảy năm tù.
Hai anh em sinh đôi, Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng, sinh năm 1985, bị án sáu năm tù.
Bốn người này bị bắt hồi tháng 5/2017.

Cáo trạng nói ông Vương Văn Thả quay các video clip chống chính quyền đưa lên mạng xã hội

Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn cáo trạng nói ông Thả, vào đầu năm 2017, đã có hành vi "tuyên truyền, bịa đặt, xuyên tạc" về Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam.

Hai cha con ông Thả bị cáo buộc đã "kích động mọi người treo cờ vàng ba sọc đỏ vào ngày 30/4/2017, xuống đường gây rối, ném bom xăng khi bị ngăn cản, sẵn sàng đập phá trụ sở cơ quan Nhà nước và kêu gọi ký tên ủng hộ, tham gia tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" của Đào Minh Quân (ở Mỹ)... "

Hai bị cáo Văn Thượng và Nhật Trường bị tố cáo vào ngày 16/4/2017 đã "đem theo 20 kg gạo, 2 thùng mì, 1 thùng hủ tiếu đến ở nhà" của ông Thả.

"Tại đây, Thả chỉ đạo cho Thuận, Trường, Thượng, Hà, Thảo may cờ vàng ba sọc đỏ và kêu Thuận sử dụng điện thoại di động, iPad của Thả, Thuận, Thượng quay các video clip do Thả tuyên truyền, xuyên tạc… tiếp tục phát tán lên mạng," Thông Tấn Xã nói.

Bốn bị cáo bị đưa ra xử về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay vào sáng 30/4/2017, ông Thả đã treo lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trên nóc nhà.

"Khi lực lượng chức năng đến kéo hạ cờ xuống thì Thả giao cho Trường, Thuận cầm hung khí canh giữ xung quanh nhà không cho lực lượng chức năng tiếp cận. Thả và Thượng dùng súng chĩa, câu liêm móc, ngăn cản không cho tháo gỡ cờ và tiếp tục cố thủ trong nhà," bản tin nói.

Bốn người bị bắt vào ngày 18/5.

Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, từng bị tòa ở tỉnh An Giang kết án 3 năm tù năm 2013 vì "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."
Ông Thả được trả tự do hồi tháng 10/2015.

Các vụ bắt giữ

Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch mới đây nói Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 21 blogger và nhà hoạt động trong năm 2017.
Khoảng 97 nhà hoạt động đang thụ án tù ở Việt Nam, và 36 người bị giam giữ chưa đưa ra xử, theo trang web 88 Project vận động cho người đối kháng ở Việt Nam.
Trong tháng Giêng, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa công bố sách trắng về quyền con người với chủ đề "Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam", phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người."

------------------------------

RFA
2018-01-24

Dự án 88 là một website lưu trữ những thông tin về những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Dự án do một số người Việt Nam và người nước ngoài cùng thực hiện.

Hình ảnh những người tù chính trị Việt Nam trên trang Facebook của Project88. Courtesy of Project88, 24/1/2018.

Đài RFA có cuộc trao đổi sau đây với bà Kaylee Dolan, Trợ lý biên tập của dự án này.

Kaylee Dolan: Dự án được bắt đầu vào năm 2012, là một dự án online, tìm hiểu những vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam, chia sẻ tin tức, những câu chuyện về những nhà hoạt động tại Việt Nam bị đàn áp vì những hoạt động hòa bình của họ.

RFA: Ý tưởng đầu tiên về dự án này đến từ đâu?
Kaylee Dolan: Một trong những người đồng sáng lập dự án này cho rằng chúng ta thiếu vắng một nơi mà người ta có thể tìm không chỉ thông tin về những tù nhân, nhà hoạt động Việt Nam, mà còn là những thông tin về cuộc đời riêng của họ, để người ta có thể thấy khía cạnh con người bên cạnh sự hoạt động của họ, như là gia đình, môi trường xuất thân của họ,… và chúng tôi trình bày những chuyện đó bằng tiếng Anh để có thể tiếp cận được với một công chúng rộng lớn.

RFA: Những vấn đề quan ngại nào khi thực hiện dự án này cho Việt Nam?
Kaylee Dolan: Sự đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam, những vấn đề vi phạm nhân quyền nói chung, nhưng chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do ngôn luận khi người ta không thể viết blog, không thể nói điều mình nghĩ trên mạng, những quan điểm, những vấn đề về môi trường, về tham nhũng,… Chúng tôi rất quan ngại về quyền cơ bản của con người là thể hiện quan điểm bằng một phương cách hòa bình.

RFA: Khi làm công việc này bà thấy những nhân vật nào là có ấn tượng nhất?
Kaylee Dolan: Tất cả những người này đều rất ấn tượng, nhưng đối với tôi có hai dạng mà chúng tôi rất chú ý, đó là những nữ tù nhân chính trị, những người chịu đau khổ trong những điều kiện tồi tệ của nhà tù ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, và có những trường hợp họ là những người mẹ, con họ ở nhà thiếu tình mẫu tử.
Hình ảnh một người tù xuất hiện trong tâm trí tôi khi anh hỏi là ông Trần Huỳnh Duy Thức, người phải chịu một bản án dài nhất trong số những người tù chính trị Việt Nam, với 16 năm tù vì ông đã viết về những vấn đề xã hội và chính trị ở Việt Nam.

RFA: Khi thực hiện dự án này có khi nào các bạn tìm cách tiếp cận chính quyền Việt Nam không?
Kaylee Dolan: Không. Chúng tôi làm việc với những tổ chức về nhân quyền có tiếp xúc với chính phủ Việt Nam. Mục đích của chúng tôi là thu thập dữ liệu, thông tin, trở thành một nguồn thông tin đáng tin cậy cho ai muốn tìm hiểu vấn đề về những người tù chính trị Việt Nam, họ bị kết án bao lâu, điều kiện sống của họ như thế nào,… Chúng tôi hy vọng là những quan chức chính phủ, những nhóm nhân quyền trên thế giới, các nhà nghiên cứu có thể tìm thông tin về tù nhân chính trị ở trang của chúng tôi, rồi gây áp lực để cho họ được tự do.

RFA:  Có khó khăn nào không khi thu thập thông tin tại Việt Nam?
Kaylee Dolan: Vâng, khó khăn lớn nhất là có khi chúng tôi thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, rồi những nguồn tin từ chính phủ, mà chúng tôi rất khó kiểm chứng. Rồi phải cần người dịch những nguồn tin từ tiếng Việt ra tiếng Anh. Trong rất nhiều trường hợp, thông tin được cung cấp từ nhà tù, từ những nơi mà rất khó kiểm chứng. Ở Việt Nam thì không có những cơ quan thông tin độc lập để mà có thể có những nguồn độc lập xác nhận tin tức dữ liệu thu thập được.

RFA: Hiện nay thông tin trên mạng xã hội có rất nhiều, và cũng có rất nhiều thông tin không chính xác phải không?
Kaylee Dolan: Vâng đúng như thế. Chúng tôi phải rất cẩn thận. Một khi có tin từ mạng xã hội, chúng tôi phải biết tổ chức đó, người đó trên mạng xã hội là ai, để có thể lấy thông tin và kiểm chứng chúng.

RFA: Khi người tù chính trị được trả tự do thì sao?
Kaylee Dolan: Đó là một câu hỏi hay. Chúng tôi cũng theo dõi chuyện gì xảy ra khi người tù được trả tự do. Và chúng tôi đang suy nghĩ là có thể có một dự án tách rời ra để làm chuyện đó, còn dự án hiện tại là để cho những người còn bị giam giữ.
Chúng tôi cố gắng theo dõi khi những người tù được trả tự do, xem là họ có gặp phải vấn đề gì hay không.

RFACông việc của các bạn là hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện?
Kaylee Dolan: Vâng. Khi chúng tôi thành lập dự án này chúng tôi dựa hoàn toàn trên tin thần tự nguyện. Năm 2017 chúng tôi bắt đầu có một số đối tác giúp chúng tôi về thu thập thông tin, nhưng phần lớn công việc của chúng tôi cũng vẫn dựa trên tin thần tự nguyện. Chúng tôi đều có công việc riêng để sống. Chúng tôi xem dự án này như là một lý tưởng cho cuộc đời chúng tôi, và mỗi người chúng tôi có những khả năng khác nhau để tham gia vào dự án này trên tin thần tự nguyện.

RFA: Xin cảm ơn bà Kaylee Dolan.


---------------------------------












No comments: