17/01/2018
Ngày
11 tháng 1, khi góp ý cho dự luật “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt
là đặc khu kinh tế)”, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ví von,
Việt Nam là cô gái mà… “chỗ nào cũng đẹp” thành ra phải “lựa chọn bàn
tay”, không thể để xảy ra tình trạng ai cũng có thể “cho vào” được!
Bốn
ngày sau, hôm 15 tháng 1, khi tham dự hội nghị tổng kết hoạt động của Bộ Kế hoạch
– Đầu tư, tới lượt ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, dõng dạc chỉ đạo, “phải có gắng biến Việt Nam từ một cô gái đẹp thành con hổ mới
của kinh tế châu Á”.
Chẳng
hiểu tại sao những viên chức lãnh đạo quốc hội và chính phủ lại chọn “cô gái đẹp”
như biểu tượng của Việt Nam?
Khái
quát của ông Hiển về việc lựa chọn giới đầu tư ngọai quốc chẳng khác gì đặt định
tiêu chuẩn để… xét duyệt ý định “chung đụng”. Nó tạo cho người ta cảm giác,
chính quyền Việt Nam chẳng khác gì ma cô, đang chăn dắt “cô gái đẹp”, ép “cô
gái đẹp” trao thân cho những ai mà chính quyền Việt Nam ưng ý! Việc thi nhau chọn
“cô gái đẹp” làm hình tượng để ví von còn có thể dẫn tới một cảm giác khác: Giới
lãnh đạo chính quyền Việt Nam bị ám ảnh thái quá về tình dục, thường xuyên mơ
tưởng về “gái đẹp” nên… sảy miệng. Theo các chuyên gia y tế, ai cũng có thể bị
tình dục ám ảnh nhưng suy nghĩ chỉ hướng vào, nhắm tới “gái đẹp” đến mức không
kiểm soát được suy nghĩ, phát ngôn, không lường được hậu quả thì cần được trị
liệu về tâm lý.
Bởi
rất thích ví von thiếu suy xét, giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam thường mua vạ
miệng, tự biến mình thành bia cho thiên hạ đàm tiếu. Cuối tháng 7 năm ngoái,
khi quảng bá cho nỗ lực chống tham nhũng của Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng
Bí thư Đảng CSVN, tuyên bố: “Lò nóng rồi, củi tươi cũng phải cháy”, ba ngày
sau, ông Nguyễn Xuân Phúc, khuyến cáo hệ thống hành pháp: “Chưa có lửa trong
lòng thì phải nhóm”!... Những tuyên bố, yêu cầu đó khiến người ta có cảm giác
giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam rất mê lửa, thích… đốt! Phải chăng nỗ lực chống
tham nhũng chỉ là biểu diễn khả năng… vận hành lò?
Ông
Trọng, ông Hiển, ông Phúc,… đều đã từng dùi mài khả năng “lý luận chính trị” ở
mức “cao cấp” tại Học viện Hồ Chí Minh. Không rõ hệ thống học viện này đào tạo
thế nào mà ngoài ông Trọng, ông Hiển, ông Phúc,… rất nhiều ông, bà sau khi tốt
nghiệp liên tục đưa ra những tuyên bố, yêu cầu, nhận định làm dư luận dậy lên
thành bão? Hồi đầu tháng này, khi tham dự hội nghị tổng kết hoạt động của Bộ
Công Thương, ông Phúc nhận định: Bộ Công Thương “vấp nhưng chưa ngã”. Năm ngoái, chính quyền Việt Nam từng
thừa nhận, chỉ mới “rà soát” 12 “đại dự án” do Bộ Công Thương tổ chức thực hiện
đã phát giác, sau khi ngốn của quốc gia khoảng 64.000 tỉ, 12 “đại dự án” này
không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng 47.000 tỉ. Cần phải
lưu ý rằng mức độ thua lỗ chưa ngừng ở đó. Theo ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán
Nhà nước, con số “đại dự án” mất vốn, thua lỗ hiện không phải là 12 mà “đã hơn 40”. Phải chờ một thời gian nữa mới có thể biết
tổng số tiền đã bị biến thành rác và tổng số nợ mà “hơn 40 đại dự án” này để lại
là bao nhiêu! Cứ như nhận định của ông Phúc, Bộ Công Thương chỉ “vấp” thì thua
lỗ tới mức nào mới bị cả Thủ tướng lẫn hệ thống công quyền của Việt Nam xem là
“ngã”?
***
Cha ông người Việt vẫn răn hậu sinh: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Quan sát hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam rất dễ thấy, các viên chức lãnh đạo hệ thống này chưa học… nói.
Ngày
15 tháng 1, tại cuộc họp báo công bố hoạt động của ngành công an năm 2017,
Trung tướng Trần Đăng Yến, Tổng cục phó Tổng cục An ninh của Bộ Công an Việt
Nam, tuyên bố “đang điều tra” về “Giấy chứng nhận An ninh nhân dân” của ông
Phan Văn Anh Vũ.
Ảnh
chụp “Giấy chứng nhận An ninh nhân dân” của ông Phan Văn Anh Vũ đã được nhiều
người sử dụng Internet chuyển cho nhau xem từ… năm 2016. Tháng trước, ông
Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng xác định ông Vũ là Thượng tá
làm việc tại Tổng cục Tình báo của Bộ Công an Việt Nam. Vậy mà Bộ Công an Việt
Nam – nơi có các cơ quan điều tra được ca ngợi là “giỏi nhất thế giới” - vẫn
chưa thể minh định “doanh nhân” Phan Văn Anh Vũ có phải là người trong ngành
hay không? Thế mới lạ!
Học
nói bao hàm sự tôn trọng yêu cầu thành thật, cũng như suy xét, lượng giá về cảm
giác của người nghe mình nói. Dường như do vẫn có thể vận hành theo kiểu cũ nên
các viên chức lãnh đạo hệ thống công quyền của Việt Nam không bị thực tế thúc
ép để tự thấy nhất thiết phải học… nói. Có thể vì vậy thành ra họ vừa hồn
nhiên, vừa thản nhiên nói lấy… được!
No comments:
Post a Comment