Monday, January 15, 2018

“NHÀ NƯỚC PHÁP HỀ” . . . (Trương Nhân Tuấn)




Nước Việt Nam sau này có giàu mạnh, đẹp đẽ, có "là nơi đáng sống" hay không là do việc xây dựng "quốc gia pháp trị" (Etat de Droit) có thành công hay không.

Không ngoại lệ, tất cả các quốc gia giàu mạnh nhứt trên thế giới đều là những "quốc gia pháp trị". Kể cả TQ. Đảng CSTQ thành công phát triển đất nước của họ, cơ bản là nhờ thiết lập được "quốc gia pháp trị". Mặc dầu có cái đuôi "xã hội chủ nghĩa", nhưng hệ thống pháp lý ở đây vẫn đóng góp phần nhiều trong việc ổn định xã hội và phát triển kinh tế.

Đảng CSVN không xây dựng "quốc gia pháp trị" mà họ xây dựng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Các vụ án xử vừa qua, từ các vụ xử về các tội chính trị 79, 88, 258... đối với các nhà yêu nước, cho tới các vụ án kinh tế đang xảy ra... ta thấy "công lý" ở đây, đúng như tên gọi, nó chỉ là một "anh hề"!

Pháp luật bị bóp méo, suy diễn, áp dụng một cách tùy tiện.

Nhà nước pháp quyền trở thành nhà nước pháp hề...

Nhưng việc này không thể ngăn cản những công dân VN có ý thức và yêu nước hô hào một "quốc gia pháp trị" thông qua các phong trào kêu gọi tòa án phải "thực thi công lý", hay kêu gọi toàn dân "thượng tôn pháp luật".

Việc lên tiếng bênh vực ông Thăng, một người bị kết tội "kinh tế", hay những người kết tội "chính trị" như bà Như quỳnh, bà Nga... trên phương diện "thiết lập lại công lý", đều có ý nghĩa như nhau.

Nếu công lý được thực thi, nếu luật pháp được áp dụng đúng mức, tất cả đảng viên CSVN đều vào tù (về tội tham nhũng hay lạm dụng quyền lực).


*
*


Xử ông Thăng về một sai lầm trong quản lý kinh tế quốc doanh, bằng một thứ pháp chế ba rọi "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", rõ ràng không chỉ không thuyết phục, mà còn thể hiện ra vô số vấn đề mâu thuẩn nội tại của chế độ.

Không thuyết phục, vì "không đúng tội", công lý là "trò hề".

Sau 1975, các chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa đã đánh gảy xương sống nền kinh tế quốc dân, qua các đợt "đánh tư sản", "cải tạo công thương nghiệp"... Tư sản là "kẻ thù" của chế độ. Kinh tế thị trường là địch thủ của lý thuyết Mác Lênin. Tất cả những gì thuộc sản phẩm của tư nhân, từ trí tuệ đến vật chất, thảy đều bị diệt trừ. Luật lệ xã hội chủ nghĩa được lập ra, nhằm bảo vệ chế độ và để tiêu diệt, từ trong tư tưởng, mọi thành phần "tư sản", tiểu tư sản, trí thức, văn nghệ sĩ tự do...

Hệ quả gây ra do vụ tiêu diệt tư sản này đã di hại, đến nay đã 4 thế hệ người Việt, đã làm cho đất nước tụt hậu hàng trăm năm, so với các nước láng giềng.

Nếu đứng trên quan niệm pháp lý thời "kinh tế thị trường định hướng XHCN" hiện nay, nếu điều luật 165 BLHS 1999 được phép hồi tố, người ta có thể xử tất cả các đảng viên CSVN, từ đầu xỏ cho tới đồng lõa, những người chủ trương "đánh tư sản", chủ trương "cải tạo công thương nghiệp". Hành vi này "gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng". Đó là gì nếu không phải là hành vi phản quốc, phá nước, hại dân ? Tội này nặng ghê lắm!

Tất cả các đảng viên CSVN, từ những kẻ đã tan xương dưới mồ, cho tới những người vẫn còn tơ vương XHCN (như ông Lú), thảy đều chung thân, nếu không là tử hình.

Nhưng luật lệ thì có quan điểm "bất khả hồi tố". (Chớ nếu không ông Hồ, ông Đồng chết không yên dưới đáy mồ.)

Không thuyết phục vì BLHS 1999 đã không còn hiệu lực, từ ngày 1 tháng Giêng 2018 . Bộ luật này được thay thế bằng bộ luật HS 2015 sửa đổi. Nhưng ông Thăng không được hưởng quyền "bất hồi tố". Ông vẫn bị kết tội theo điều 165 BLHS 1999.

Mâu thuẩn là vì 40 năm sau, với biết bao nhiêu nỗ lực, kể cả việc cho phép "đảng viên được phép làm giàu không hạn chế qui mô", cũng không xây dựng lại nền tảng kinh tế quốc dân như hồi 1975.

Đảng viên, tự thân là "giai cấp vô sản", trước kia đã được hưởng tất cả những ưu tiên từ chế độ chuyên chính vô sản.

Bây giờ sang thời "kinh tế thị trường", đảng viên được phép làm giàu không giới hạn qui mô. Một tầng lớp "tài phiệt đỏ" thành hình. Họ lại được chế độ ưu đãi, từ hệ thống pháp luật "quyền biến", giải thích sao cũng được, của "nhà nước pháp quyền" cho tới quyền lực chính trị lưu truyền theo phong kiến.

Nhưng nội tại chế độ mâu thuẩn. Người nào "độc tôn" được quyền lực, người đó có quyền "thay đổi luật chơi", thay đổi quan niệm, triết lý nền tảng về xây dựng quốc gia.

Tức là người đó có quyền dùng "luật" để "xử" những người, những thành phần không tuân theo mình.

Cái vòng lẩn quẩn, không biết bây giờ VN theo "kinh tế thị trường định hướng XHCN" hay đã thụt lui về thời kỳ XHCN ?

Thời kỳ nào, chế độ nào, thì pháp lý phải phù hợp với thời kỳ đó. Từ chính trị, kinh tế, xã hội...

Người ta gọi "đốt lò" chớ không hề gọi là "thanh lọc hóa hàng ngũ lãnh đạo quốc gia". Đốt lò thì tự tiện, luật lệ là "luật rừng", luật của kẻ có quyền, áp dụng sao cũng được. Còn "thanh lọc", thì làm gì cũng phải theo "luật" mà làm. Công lý là ánh sáng soi đường.











No comments: