Bất
chấp những thư ngỏ ký tên hàng ngàn người, dư luận báo chí của Nhà nước suốt
nhiều năm chỉ ra vụ án của Hồ Duy Hải còn quá nhiều oan khuất, nhưng có vẻ như
công an tỉnh Long An vẫn nghĩ đến việc tử hình Hải là điều cần thiết.
Cuối năm ngoái, ông Đinh Văn Sang, Viện trường VKSND
tỉnh Long An trên truyền hình, đã chính thức tuyên bố đòi “dứt khoát” Hải nhanh
chóng cho đỡ phiền (http://bit.ly/2CP9VAI).
Bà Loan lại một lần nữa, vay nợ nần, tức tốc bay ra
Hà Nội, lăn lộn trước cửa công đường và đòi xét lại chuyện thi hành án kỳ dị
này.
Xin hãy chia sẻ câu chuyện này, có thể không vì một
tử tù, nhưng hãy vì một người mẹ.
Có thể chúng ta không cứu được cuộc sống của ai đó
hôm nay, nhưng hãy chia sẻ để mọi thứ trở thành lịch sử không quên đến ngàn năm
sau.
Bà Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải
--------------------------
Thưa,
khi trả lời điện thoại này, cô đang ở đâu?
Dạ, tôi đi xuyên suốt từ 10 năm qua, kể từ ngày tòa
sơ thẩm xong, là tôi ra Hà Nội liền cho đến bây giờ. Còn ở phiên tòa phúc thẩm,
tất cả những luật sư mà gia đình tôi mời để cãi cho Hồ Duy Hải, đều tin rằng Hải
sẽ được phóng thích tại tòa. Nhưng phiên tòa cay nghiệt đó đã trút xuống đầu
con tôi một bản án bất công mặc dù chứng cứ ngoại phạm đã rõ ràng. Luật sư còn
dặn tôi rằng có thể Hải sẽ được thả, vài ngày sau phiên phúc thẩm. Gia đình tôi
còn chưa kịp mừng thì ông Đoàn Ngọc Lẫm ở Viện kiểm sát tối cao tại TP.HCM lại
tuyên bố tử hình con tôi. Trời ơi, gia đình tôi quá sức đau khổ.
Hổm rồi, ngày 7 tháng 12, năm 2017, khi có một vị ở
ngoài chính phủ vô họp Hội đồng nhân dân tỉnh Long An để nghe báo cáo kết quả
cuối năm, thì ông Đinh Văn Sang, Viện trường viện kiểm sát tỉnh Long An nhắn rằng
về Trung Ương nhớ đơn đốc giải quyết luôn vụ Hồ Duy Hải vì để lâu rồi mà “không
xi-nhê” gì, không ra làm sao. Ông Sang nói cái loại người này để vậy sẽ làm ảnh
hưởng an ninh chính trị nước nhà.
Ông Sang có chức mà phát biểu vậy. Thiệt là vô tâm,
vô luật pháp. Ba cấp ở tỉnh Long An đã gây ra oan trái cho con trai tôi. Suốt
mười năm tôi đi đòi công bằng, công lý (giọng bà Loan chợt nghẹn ngào).
Họ lấy cúa con tôi, mà tôi phải đi đòi. Dạ thưa, xin quý cô quý cậu góp giúp một
lời cho Hồ Duy Hải được giải oan dùm.
Một
tử tù đang kêu oan với sự theo dõi của xã hội, vốn có tin đồn lan rộng rằng tử
tù đang phải chết thay cho thủ phạm là con một quan chức cấp cao, thì bất ngờ lại
có một quan chức của tỉnh Long An ra mặt kêu gọi hãy xử tử cho nhanh. Theo cô
thấy, thì điều này có bất thường không?
Dạ, tôi thấy hoàn toàn khuất tất, bất thường. Giống
như họ muốn giết con tôi như một kiểu bịt miệng, giết người diệt khẩu.
Xin thưa với quý cô quý cậu là tại sao tỉnh Bắc
Giang người ta làm sai, người ta biết nhận tội với ông Nguyễn Thanh Chấn, ông
Hoàng Đức Long, mà tại sao cái tỉnh Long An này lấy hai bàn tay che hết bầu trời,
che luôn chính phủ, che luôn Bộ Công An. Trời ơi, tôi không biết nói gì hơn.
Tôi đã tới mọi nơi, từ Phủ chủ tịch, Phủ thủ tướng… tôi tới nằm trước cửa nhà
riêng của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tôi cũng nằm trước cổng nhà
của Tổng bí thư. Tôi nói rất đàng hoàng mà sao quý ngài ở đâu mà để cho tỉnh
Long An quá lộng hành như vậy? Là một người mẹ, tôi nằm trước bao nhiêu cánh cổng
công quyền, từ miền Nam ra tới miền Bắc… mà sao không ai nhìn dùm con trai tôi,
một công dân vô tội, nằm trong ngục tối 10 năm rồi. Nhờ quý cô quý cậu nói lên
giùm một tiếng, tôi xin cúi đầu đội ơn.
Trong
suốt 10 năm đi kêu oan cho người nhà, phía chính quyền tỉnh Long An, công an tỉnh
Long An có thái độ như thế nào với gia đình mình, thưa cô?
Da, thưa như vầy. Cuối năm 2014, khi có lệnh hoãn
thi hành án của chủ tịch Trương Tấn Sang thì tự nhiên suốt hơn 3 tháng sau đó,
gia đình tôi lại không được gặp mặt Hải. Gia đình tôi lo sợ lắm, vì không biết
con mình ra sao mà người ta không cho gặp (bà Loan khóc nấc, đứt quãng).
Rồi từ đó trở đi, trước cửa nhà tôi bao giờ cũng có 2,3 an ninh ngồi đó, không
biết để làm gì. Rồi sau đó kêu gia đình tôi ra, mỗi người ngồi một phòng, hỏi
như vầy “ai xúi giục các bà, mà các bà quấy rối như vậy”.
Cả nhà tôi đều trả lời rằng con cháu của tụi tôi, giọt
máu của gia đình tôi, đau đớn như vầy thì tự nhiên lòng của tụi tôi nổi dậy. Rồi
tự nhiên công an cho người gửi giấy xuống phạt mỗi người trong nhà tôi là 300
ngàn. Chị tôi mới nói rằng Nhà nước thấy cây cột nào trong nhà có giá đủ 2 triệu
7 tiền phạt của 9 người, thì cứ cưa đi, chứ gia đình không còn tiền của gì nữa
sau 10 năm đi kêu oan. Giờ chỉ có ăn cơm với muối cục để dành tiền đi kêu oan
thì còn tiền đâu mà đóng cho các ông? Nhưng công an cứ liên tục tới nhà, bắt ký
giấy nhận là đã tổ chức quấy rối. Nhưng gia đình tôi không chấp nhận.
Tôi chạy ra Cục 8 để khiếu nại, hỏi rằng sao hoãn
thi hành án rồi mà không cho tôi gặp mặt con? Trại giam chỉ qua toà, tòa chỉ
qua Viện… rồi mấy nơi đó chỉ qua chỉ lại cho đến 3 tháng rưỡi mới cho tôi được
gặp mặt con. Dạ, cái tiếng đau khổ cũng không nói hết được cảnh của gia đình
tôi, xin hãy hiểu giùm.
Tôi gặp Hải, thấy ốm o lắm, mới hỏi cán bộ ơi sao mà
tôi có gửi tiền, gửi đồ ăn vô, mà sao con tôi như vậy. Thì cán bộ nói rằng tiêu
chuẩn cho ăn, cho xài đồ gửi vô, mỗi ngày được có nhiêu thôi, nên phải ráng chịu
(bà Loan khóc). Mỗi tháng tôi gửi đồ ăn vô, làm cho mặn thiệt mặn thì nó
để được 4,5 ngày. (nói tới đây, giọng bà Loan quặn lên, như nén không cho bật
khóc lớn) Sau đó, không biết con tôi ăn cái gì nữa. Trời ơi.
(cuộc nói chuyện gián đoạn trong chốc lát vì bà Loan
gào lên một mình, nhưng cố quay mặt đi để không hét vào điện thoại. Tôi dừng một
chút rồi nói nhanh, chen vào để bà quên đi, bớt cơn phẫn uất)
Dạ,
về phần luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải thì sao thưa cô?
Dạ, mới đầu thì các luật sư coi như người ngoài, chỉ
làm việc thôi. Nhưng bây giờ thì họ nhập tâm, coi Hải như con cháu trong nhà.
Đòi công lý cho Hải hoài mà không được, họ cũng kêu trời mà nói rằng “không biết
nói sao với chị bây giờ”. Họ không lấy tiền thù lao nữa, mà chỉ giúp. (bà
Loan lại khóc. Tôi cũng lặng đi khi cảm nhận phần nào được sự bất lực của các
luật sư).
Trên
các trang mạng, các lời bàn… có nguồn tin rằng một người tên là Nguyễn Văn Nghị,
bị cho là cháu của bà Trương Mỹ Hoa, cựu quan chức lớn của nhà nước, là thủ phạm.
Và Hải là người phải chịu án thay cho nhân vật này. Cô có nghe tin như vậy
không?
Dạ thưa, chuyện tìm ra hung thủ là chuyện của công
an. Tôi chỉ yêu cầu rằng con tôi oan ức, thì trả con tôi về. Tuổi trẻ của con
tôi bị giam cầm như vậy từ năm 23 tuổi, năm đã 33 rồi. Nguyễn Văn Nghị có câu
lưu nhưng công an sau đó cố ý làm mất dấu vân tay hiện trường của anh này, ém
nhẹm hồ sơ hết rồi. Trời ơi, tôi có tố giác một thời gian. Họ cũng ngó lơ. Tôi
không muốn moi móc chuyện gì, của ai. Nhưng con tôi bị giam lâu quá tôi phải tố
giác. Chính quyền không bắt tội phạm là chuyện của chính quyền, nhưng nếu con
tôi không phạm tội thì phải thả con tôi ra chớ phải không quý cô quý cậu? Cơ
quan công an tỉnh Long An thì kêu tôi ra, chỉ để nói rằng tôi tố giác sai người.
(về chi tiết này, mời xem và tham khảo về sự thiếu
minh bạch của công an tỉnh Long An, qua https://tuoitre.vn/lam-ro-nhan-chung-dac-biet-vu-tu-hinh-ho-duy-hai-1322151.htm)
Dạ,
thưa cô. Đã bao giờ cô đối diện với phía gia đình của nạn nhân trong vụ án của
Hồ Duy Hải chưa? Và họ bày tỏ thái độ với cô ra sao?
Dạ, hai người chị của tôi và tôi có đến gia đình của
nạn nhân, tới trước thờ đốt nhang rồi nói rằng chuyện này con tôi chắc chắn
không thể làm. Gia đình của cô Ánh Hồng, tức nạn nhân, chỉ khóc cùng chúng tôi,
chứ không nói gì. Thời gian sau, báo đài cùng đăng tin, lên tiếng rằng con tôi
bị oan, người quen chung với hai gia đình nạn nhân kể lại rằng họ nghe được các
gia đình đó nói xót thương cho con tôi Hồ Duy Hải, đang đi học mà bị lao lý. Họ
chỉ nghe lời công an nói con tôi giết người, thì biết vậy chứ không biết làm
sao hơn.
Tôi không đòi công an bắt hung thủ. Tôi chỉ nói con
tôi oan thì trả con tôi về. Chuyện bao che ai, là chuyện của mấy ổng. Đã vậy,
sao mấy ông còn lên tiếng đốc thúc giết con tôi?
Mới đây, tôi còn ra trước nhà bà Nguyễn Thị Kim Ngân
và nói rằng mấy ông bà ngồi đó để làm gì, khi một công dân vô tội lại bị giết
oan? (bà Loan lại khóc nấc lên) Dạ, tôi chỉ còn biết kính tấm lòng của quý cô
quý cậu đã dành cho Hồ Duy Hải mà thôi.
--------------------------
Tôi dừng cuộc nói chuyện với bà Loan trong một tâm
trạng nặng trĩu, sau khi khuyên bà rằng mọi thứ cần hy vọng. Trời Hà Nội tháng
Chạp giờ này lạnh lắm, mà bà vẫn kiên nhẫn đứng trên đường giương tấm bảng như
hộ chiếu của thân phận Việt Nam. Cầm chiếc điện thoại vẫn nóng hực trên tay,
tôi thấy mình cũng vô vọng trên một đất nước mà khổ nạn cứ đè nặng trên vai những
người mẹ, những người chị. Suốt 10 năm, bà Loan cầm những lá đơn chạy ngược
xuôi để đòi công bằng cho con bà. Nước mắt có nóng, cũng không rát bỏng bằng sự
quặn đau trong trái tim của người mẹ, hàng giờ lo con mình bị giết chết trong
ngục tối. Mà bà Loan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ đang đang tiến
về con tàu của chế độ này.
Làm mẹ trên đất nước này, như phải gánh vác một định
mệnh mang tên Việt Nam. Có bao nhiêu bà mẹ mất đất, mất nhà, mất con và mất cả
cuộc đời bình yên đang lang thang khắp trên đất nước chờ sự tỉnh ngộ của kẻ cầm
quyền. Suốt buổi, tôi chỉ hỏi và an ủi, nhưng cũng không dám nói quá nhiều với
bà Loan, vì rằng tôi sợ niềm hy vọng của người mẹ ấy mất dần. Cũng như sợ chút
ít niềm hy vọng cuối cùng của mình và nhiều người khác, chút mong manh ngóng
vào lương tri cúa người cầm quyền hôm nay, cũng mất.
--------------------------
Tuấn Khanh ghi
No comments:
Post a Comment